Bạo hành tiếng Việt để câu khách?

Thứ Hai, 26/11/2012, 09:00

"Iêu anh, em zám hok?" - Thoạt nghe, người ta cứ tưởng như lời tỏ tình của một cậu trai choai choai nào đó với bạn gái trên mạng. Nhưng đó là tựa bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Minh, dự kiến khởi chiếu dịp Tết sắp tới hẳn hoi. Hãng Phước Sang vừa ra mắt bộ phim, cái tựa đậm chất "xì tin" này đã khiến dư luận lên tiếng chỉ trích dữ dội.

Nếu viết rõ ra là "Yêu anh, em dám không?", ý nghĩa vẫn không có gì thay đổi so với cách viết lắt léo, đứt gãy như đánh đố khán giả không rành ngôn ngữ teen. Với các bạn trẻ, thì cái tựa này không có gì là khó hiểu. Thậm chí nó chẳng nhằm nhò gì so với những ký hiệu rối rắm như ngôn ngữ ngoài hành tinh khi giao tiếp trên thế giới ảo. Phải chăng nhà sản xuất đặt tựa như thế như một chiêu gây ấn tượng, câu khách vì nội dung phim khá cũ và vốn dĩ hầu hết phim hài Việt hiện nay bị khán giả đánh giá là vô cùng nhảm và nhạt?

Trong khi các nhà ngôn ngữ đang đau đầu vì Tiếng Việt trong giới trẻ đang bị "bạo hành" một cách không thương tiếc mà chưa có cách gì khả dĩ để cứu vãn, thì một món ăn tinh thần dịp Tết - dịp hướng về các giá trị văn hóa dân tộc, lại vô tư dùng cái tựa có ngôn ngữ quái dị, xa rời ngôn ngữ truyền thống như vậy. Dù bộ phim có hài hước, trẻ trung đến đâu thì nó cũng là sản phẩm văn hóa, không vì thế mà đặt tựa a dua theo ngôn ngữ chat, bóp méo chữ nghĩa cha ông.

Trước bộ phim có cái tựa nhảm nhí và gây sốc này, tháng 10/2011, khán giả đã phải một phen té ngửa trước tựa phim hài hết sức tào lao, tối nghĩa: "Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó" (đạo diễn Nhất Trung, Vinacinema sản xuất). Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày công bố trên các phương tiện truyền thông, bị dư luận chỉ trích gay gắt nên nhà sản xuất phải nhanh chóng đổi tựa thành "Hoán đổi thân xác". Đọc đi đọc lại hàng chục lần, nhiều người vẫn không hiểu tựa phim muốn nói gì. Ngay cả khi đảo lại trật tự ngôn ngữ cho câu văn đúng nghĩa: "Ca sĩ, siêu mẫu, nhà khoa học và con chó", cũng không thể hiểu nổi tại sao những người làm nghệ thuật lại có thể đặt một cái tựa dài ngoằng, rối rắm, thô thiển như thế? Phải chăng đặt tựa khiến người khác "đoán già, đoán non" mới là sáng tạo, kiểu như giới trẻ cắt nghĩa về ngôn ngữ teen của mình?

Mới đây, Công ty Truyện tranh Art Sign kết hợp với NXB Giáo dục, Công ty Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam đã phải thu hồi bộ truyện tranh cổ tích cải biên (phần 1 gồm 20 tập truyện). Sẽ không có gì đáng ngại nếu những cuốn truyện tranh như "Tấm Cám", "Thạch Sanh", "Sự tích dưa hấu", "Cây tre trăm đốt"... không cải biên quá lố. Chưa bàn đến yếu tố bạo lực, sex, chỉ riêng lời thoại rất "hiện đại" nhưng vô nghĩa đã khiến độc giả choáng váng. Kiểu như mẹ ghẻ mắng Tấm: "Tấm! Tao cấm mày xào nấm với giấm rồi cơ mà? Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm" hoặc "Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày đâm thủng cái mâm?". Hầu hết lời thoại của nhân vật cổ tích đều cải biên theo lối nói của một bộ phận giới trẻ hiện nay, kiểu như: "ồ yeah", "Gì thì gì, ăn uống free, không đi cũng phí"; "Bụt mới cười mà rằng: "Xời, tưởng gì, chuyện nhỏ". Đôi khi rất chợ búa kiểu: "Vua liền ngóc đầu lên chửi với theo "Mẹ đứa nào ném giầy vào đầu ông". Tấm sợ rằng sẽ đến muộn giờ trẩy hội nên Tấm mặc kệ và không quên vứt lại câu chửi thề về phía vị Vua trẻ đó: "Sư cha đứa nào chửi bà"".

Những lời thoại này không chỉ làm nhân vật cổ tích vốn rất đẹp, trở nên xấu xí, biến dạng một cách thê thảm, mà còn làm sai lệch nội dung tác phẩm và các giá trị truyền thống dân gian, hoen ố sự trong sáng của Tiếng Việt. Đáng chú ý là nhà sản xuất cho biết, bộ truyện tiêu thụ rất nhanh ngay khi vừa phát hành. Bộ truyện đã thu hồi nhưng tốc độ sao chép, lan truyền trên mạng vẫn diễn ra với một tốc độ chóng mặt.

Bộ truyện tranh cổ tích cải biên dù đã bị thu hồi nhưng vẫn lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng.

Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thứ ngôn ngữ mà chúng ta quen gọi là ngôn ngữ teen (hay ngôn ngữ chat, @) là ngôn ngữ sản sinh ra từ nhu cầu tán gẫu (chat) trên mạng. Tán gẫu qua mạng không thể đốp chát, ầm ĩ náo nhiệt như tán gẫu bằng miệng và tốc độ gõ bàn phím cũng không thể nhanh bằng lời nói. Vì thế mà cư dân mạng đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu viết "tối ư giản lược" đến mức kinh hoàng: không = ko, k; biết = bit, tình yêu = ty; xin chào = hi, 2; Good night to you = G92U, ASL? (# what is your age, sex, location? - bạn bao nhiêu tuổi, giới tính, ở đâu?), ~ = những; # = khác ...  

Chưa hết, do tâm lý lứa tuổi mới lớn, khi tán gẫu qua mạng, nếu nghiêm túc thì có cảm giác rất nhàm chán, do đó giới trẻ thường đối đáp với ngôn ngữ  tượng hình, dí dỏm. Ví dụ như nghe câu "hem bit âu nà" (không biết đâu nè), người ta hình dung một đứa con nít nhõng nhẽo, nũng nịu.

GS, TS Nguyễn Đức Dân cũng cho rằng, giới trẻ tạo ra ngôn ngữ chat để thể hiện một cách vui nhộn những thông tin riêng tư, đồng thời muốn khẳng định cá tính. Vui nhộn theo cách nói vần như đọc vè và tạo ra những từ khó hiểu, hoặc vô nghĩa: "Đau khổ như con hổ", "Ghét như con bọ chét", "Tào lao bí đao"… Sáng tạo ngôn ngữ càng quái dị, càng lạ, càng thể hiện "đẳng cấp". Điều đó sẽ dẫn tới thứ ngôn ngữ chat lạ hóa tiếng Việt theo cách dùng xen tiếng nước ngoài; dùng phương ngữ tùy tiện; dùng những ký tự lạ, biến đổi tùy tiện con chữ; thay đổi, rút gọn tùy tiện âm đầu, thanh điệu, nguyên âm, âm cuối trong một vần. Đồng thời, họ muốn giữ những bí mật riêng tư với phụ huynh bằng những ngôn ngữ lạ hóa. Tuy nhiên, phần lớn những người chat dùng nickname (biệt danh), đối tượng chủ yếu là "trước lạ sau quen" nên văn hóa giao tiếp không có tôn ti, trật tự, nhu cầu giữ thể diện… Do đó sẽ tạo nên thứ ngôn ngữ vô văn hóa. Ngôn ngữ giới trẻ phát triển mạnh mẽ đến độ một số nước đã bổ sung chúng vào từ điển. Ở Việt Nam, có hẳn phần mềm V2V để "dịch" tiếng Việt sang … tiếng Việt. GS, TS Nguyễn Đức Dân cũng đề xuất nên đưa ngôn ngữ teen vào từ điển Tiếng Việt. Tuy nhiên đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi.

Ngôn ngữ teen được xem như sản phẩm trong quá trình biến chuyển liên tục của ngôn ngữ. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì khiến xã hội lo ngại nếu nó chỉ dừng lại ở giao tiếp trên không gian ảo như một dạng giải trí, được sử dụng đúng nơi đúng lúc chứ không ăn sâu vào lời ăn tiếng nói, cách ứng xử, hành văn của giới trẻ. Vấn nạn nhức nhối đến nỗi các trường phổ thông của tỉnh Phú Yên và Tp HC phải mở nguyên một chiến dịch chống ngôn ngữ chat xâm nhập vào môi trường học đường.

Trong khi ngành Giáo dục, phụ huynh và các nhà ngôn ngữ tìm mọi biện pháp để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, định hướng cho thế hệ mai sau thì không ít người làm văn hóa, nghệ thuật dường như lại đang làm điều ngược lại. Họ quên mất vai trò quan trọng của mình trong vấn đề này. Tác phẩm văn học, truyện tranh, điện ảnh là sản phẩm văn hóa được quảng bá rộng rãi, có ảnh hưởng sâu sắc đến công chúng, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Bộ truyện tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" mặc dù đã bị thu hồi nhưng nó đã nhanh chóng bám rễ, ăn sâu vào lời ăn tiếng nói của giới trẻ hiện nay. Hàng loạt "thành ngữ" được giới trẻ sáng tạo thêm, tiếp tục nối gót "Sát thủ đầu mưng mủ" với mức độ nghiêm trọng, nhảm nhí hơn. Một bài văn kể chuyện Tấm Cám của học sinh phổ thông đã khiến thầy cô tá hỏa khi người viết vô tư sử dụng ngôn ngữ hiện đại, chợ búa không khác là mấy so với bộ truyện cổ tích cải biên nói trên.

Điều quan trọng trước tiên của một sản phẩm văn hóa là phải có tính định hướng thẩm mỹ, phải chuyển tải cái hay cái đẹp, những thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đến với công chúng. Đáng buồn khi một số sản phẩm văn hóa hiện nay không những không góp phần bảo vệ cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt mà lại đi cổ súy cho ngôn ngữ teen cộc lốc, làm méo mó, dị dạng Tiếng Việt. Có thể những người sáng tạo cho rằng cần làm mới ngôn ngữ, lời thoại để tác phẩm của mình gần gũi hơn với đời sống đương đại. Thế nhưng, giữa gần gũi với đời sống đương đại và chạy theo nhu cầu thị trường, thị hiếu thấp hèn của một bộ phận công chúng là ranh giới rất mong manh. Việc sử dụng ngôn ngữ teen vô tội vạ trong các sản phẩm văn hóa rất dễ khiến nhận thức của giới trẻ lệch lạc. Điều này cho thấy sự hời hợt, phông văn hóa kém cỏi và vô trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ những người làm văn hóa, nghệ thuật

U.P.
.
.