Chuyện quảng bá các tác phẩm văn nghệ đích thực:

Bao giờ hết cảnh "Áo gấm đi đêm"

Thứ Tư, 18/11/2015, 08:00
Một nghịch lý tồn tại nhiều năm trở lại đây trong đời sống văn học nghệ thuật là nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được đánh giá cao về mặt chuyên môn, trong đó, chất lượng nhiều tác phẩm được ghi nhận qua các giải thưởng nhưng không tìm được đường đến với công chúng. Ngược lại, nhiều sản phẩm bị cho là nhảm nhí vẫn kích thích được công chúng chi tiền để mua, xem, nghe, đọc. Vì sao?

Cuối tháng 10/2015, chương trình nghệ thuật "Hoa muôn sắc" ra mắt khán giả tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Được giới thiệu là chương trình biểu diễn, giao lưu quảng bá nghệ thuật múa tới công chúng khán giả, giới thiệu những tác phẩm là thành tựu từ quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ nghệ sĩ và biên đạo múa Việt Nam, "Hoa muôn sắc" cũng kỳ vọng sẽ tôn vinh những giá trị đích thực của nghệ thuật múa, góp phần định hướng thưởng thức nghệ thuật của các đối tượng khán giả thông qua những tác phẩm múa đạt chất lượng nghệ thuật cao.

Tham gia trong chương trình là một lực lượng hùng hậu gồm hơn 200 nghệ sĩ đến từ 6 đoàn nghệ thuật phía Nam. Nhiều tên tuổi uy tín trong ngành múa có những tác phẩm đóng góp trong chương trình: NSND Vũ Việt Cường, NSND Kim Quy, NSƯT Kiều Lê, Trần Ly Ly, Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng, Linh Nga…

Được đầu tư công phu, "Còn mãi bản hùng ca" có cơ hội đến với công chúng rộng rãi hơn qua nhiều dịp lễ của đất nước.

6 tác phẩm múa được giới thiệu đến công chúng: "Biệt động thành" của Đoàn văn công Quân khu VII, "Mẹ" của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, "Gia đình lính biển" của Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, "Dũng sĩ rừng Sác" của Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Đồng Nai, "Nhịp sống" của Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Bình Dương và kịch múa "Còn mãi bản hùng ca" của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Tất cả các tác phẩm này đều được giới chuyên môn ghi nhận thông qua các giải thưởng và mới nhất là các huy chương vàng, huy chương bạc tại Cuộc thi Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Tại chương trình "Hoa muôn sắc", khán giả có dịp thưởng thức những tác phẩm múa được đầu tư công phu.

Có những tác phẩm phần âm nhạc được viết cho cả một dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng biểu diễn trực tiếp tại khán phòng. Các tác phẩm cũng được ghi nhận là đã mang lại những xúc cảm nghệ thuật đặc biệt, khai thác những ngôn ngữ thể hiện mới mẻ và kết hợp với các hiệu ứng sân khấu tạo ấn tượng sâu đậm cho người xem. Tuy nhiên, việc quảng bá rộng rãi để góp phần định hướng thưởng thức nghệ thuật như tiêu chí đề ra ban đầu của những người thực hiện thì khó lòng đánh giá là đã đạt hiệu quả. Bởi lẽ, "Hoa muôn sắc" chỉ biểu diễn đêm 28/10. Trong 6 tiết mục, trước đó, khán giả thành phố gần như chỉ biết đến "Còn mãi bản hùng ca" thông qua một số chương trình biểu diễn trước đó của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Việc quảng bá cho chương trình rất hạn chế. Với truyền thông, hiệu quả càng ít. Lý do là chỉ trước đêm diễn nửa ngày, thông tin trao đổi chính thức mới đến được với báo giới và số lượng báo chí tham gia không nhiều.

Thực tế, việc thiếu sự chăm chút trong quảng bá các tác phẩm được cho là có chất lượng cao đến với công chúng một cách rộng rãi không chỉ là hạn chế với riêng một chương trình múa như "Hoa muôn sắc". Rất nhiều tác phẩm, nếu không muốn nói là phần lớn các tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại được đầu tư sản xuất bằng kinh phí Nhà nước đều rất ít kích thích được công chúng chi tiền để thưởng thức.

Đã có không ít dự án được đầu tư tiền tỷ, thậm chí vài chục tỉ nhưng thông tin trước khi phát hành chỉ "nhỏ giọt". Không ít dự án, đến tận thời điểm tác phẩm phát hành, công chúng mới có thông tin. Báo giới muốn tìm hiểu thêm trong quá trình sản xuất, đến hỏi đơn vị nhận dự án sẽ rất dễ bị chỉ đi gặp loanh quanh nếu lãnh đạo đơn vị nhận dự án không quan tâm đến công tác truyền thông. Thông thường, người được giới thiệu để trao đổi là người trực tiếp phụ trách. Với dự án phim, kịch, người được chỉ dẫn để báo giới gặp nhiều nhất thường là đạo diễn. Trong khi đó, đạo diễn có tên tuổi lại đang bận rộn, nếu không cởi mở, rất dễ từ chối trao đổi.

Ngược hẳn, các tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật của các nhà sản xuất tư nhân đầu tư, công tác truyền thông đều đặc biệt chăm chút.

Trưởng phòng truyền thông của một công ty tư nhân chuyên sản xuất các chương trình giải trí chia sẻ rằng, công tác truyền thông cho các dự án nghệ thuật, đặc biệt là các dự án lớn rất nhiều áp lực. Mỗi dự án dù lớn hay nhỏ, người làm truyền thông phải nắm bắt hầu hết tất cả thông tin, lên kế hoạch khai thác và chuyển dần cho báo chí. Thậm chí, người làm truyền thông giỏi còn phải nắm rõ nhu cầu thông tin của từng báo để "liệu cơm gắp mắm", chuyển thông tin cho phù hợp mới mong thành công.

Múa "Dũng sĩ rừng Sác" - tác phẩm đoạt huy chương vàng cuộc thi ca múa nhạc toàn quốc năm 2015.

Ngoài báo chí chính thống, vài năm trở lại đây, các trang mạng xã hội trở thành các kênh thông tin được tận dụng tối đa. Đây cũng là "khu vực" thông tin đang được dành nhiều ưu ái. Với công cụ phổ biến như facebook, ít người làm truyền thông khôn ngoan và có kinh nghiệm nào lại không tận dụng. Với việc thành lập dễ dàng như hiện nay, hầu hết các chương trình, dự án đều có facebook riêng để hướng tiếp thị sản phẩm - tác phẩm đến cộng đồng mạng…

Một lãnh đạo của hãng Lastar - một trong số các đơn vị thực hiện nhiều chương trình sản xuất phục vụ truyền hình nhất tại TP Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng, với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc để một chương trình, một dự án phim, kịch hay bất kỳ dự án nghệ thuật nào khác được đầu tư lớn nhưng thông tin không đến được với công chúng là hết sức vô lý. Chỉ riêng các kênh truyền hình, điểm sơ sơ cũng có hàng trăm "kịch mục" để chuyển thông tin về các chương trình, dự án nghệ thuật đến công chúng hằng ngày, hằng tuần.

Có nhiều chương trình Lastar sản xuất mà người dẫn dắt cập nhật đủ các thông tin nghệ thuật, giải trí mỗi ngày. Tất nhiên, với các chương trình như thế, đơn vị sản xuất chỉ cần có động tác chuẩn bị thông tin và chuyển thông tin cho ê kip thực hiện mà không mất bất cứ loại phí nào. Vì vậy, việc viện lý do không có kinh phí dành cho công tác truyền thông với các dự án tiền tỷ khó có thể là lời biện bạch hợp lý.

Sự cần thiết của hoạt động quảng bá sản phẩm văn hóa nghệ thuật dù mang tính thương mại hay phi thương mại đã không còn là câu chuyện cần bàn cãi thêm nếu nhà đầu tư sản xuất thực sự mong muốn tác phẩm có vị trí nhất định nào đó trong mối quan tâm của công chúng. Việc sản phẩm - tác phẩm văn học nghệ thuật được giới chuyên môn đánh giá cao có tiếp cận được công chúng, khiến người đọc, xem, nghe rung động cùng những nhịp đập của người sáng tạo và cùng hướng đến cái chân, thiện, mỹ cũng giống như thiếu nữ đang rực rỡ tuổi xuân thì. Nếu không được nhiều người biết đến, thiếu nữ cứ mãi thu mình mãi trong những miền xa thẳm, lại cộng thêm những định kiến của cộng đồng, thì việc thiếu nữ kém đắt chồng hơn so với những cô gái kém xinh hơn nhưng biết tạo sự chú ý với số đông hẳn không là chuyện lạ.

Với các tác phẩm văn học nghệ thuật được đánh giá cao, có kinh phí đầu tư từ Nhà nước, có thể đã được ghi nhận bằng giải thưởng cũng như thế. Việc thiếu đầu tư cho công tác truyền thông, cộng thêm sự mặc định của số đông lâu nay rằng các tác phẩm được sản xuất chỉ phục vụ lễ lạt hoặc mang tính tuyên truyền, ngôn ngữ, phương pháp thể hiện đã cũ, thậm chí khô khan, thì việc công chúng thờ ơ với tác phẩm là chuyện tất yếu. Chưa kể, trong thực tế, tự thân chất lượng tác phẩm đã thực sự thuyết phục được đối tượng thưởng thức hay không. Nói theo cách của nhiều nhà phê bình là đích đến của tác phẩm văn học nghệ thuật chỉ có một - đó là trái tim người đọc, nghe, xem.

Nguyễn Ngọc
.
.