An ninh thông tin: Cần phòng vệ tự thân

Thứ Năm, 31/08/2017, 11:55
Tuần vừa rồi có 2 sự kiện văn hoá giải trí khá nổi bật, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của số đông và cả hai đều không "kết thúc có hậu" như mong muốn của đông đảo công chúng. Nhưng cái kết thúc không có hậu ấy thực tế cũng chẳng ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống, ngoại trừ đúng một yếu tố: phản ứng thiếu tích cực của cộng đồng mạng xã hội.


Đầu tiên là sự kiện nữ ca sỹ hàng đầu Ariana Grande đến Việt Nam biểu diễn theo tour "Dangerous Girl" của cô. Có mặt ở Việt Nam trước buổi diễn 1 ngày, nhưng cuối cùng Grande phải hủy bỏ show vì lý do sức khoẻ. Trên trang cá nhân của mình, cô đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ Việt, và các thông tin từ đơn vị tổ chức đưa ra cũng khẳng định rằng chính bác sỹ riêng của Grande đã không cho phép cô lên sân khấu vì tình trạng sức khoẻ quá xấu.

Việc Grande hủy show chỉ 4 tiếng đồng hồ trước giờ sân khấu sáng đèn chắc chắn khiến rất nhiều người hâm mộ hụt hẫng. Nhưng sự hụt hẫng đó đã bị đẩy sang một thái cực rất tiêu cực, có thể nói là dễ gây hỗn loạn xã hội khi có những người chia sẻ một thông tin rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã thu hồi giấy phép buổi diễn vào giờ chót vì trang phục phản cảm của Grande và cô đã vô cùng tức giận. Điều đáng lo ngại là trong số những người hăng hái chia sẻ thông tin thất thiệt kể trên, có khá nhiều người là những bầu show kinh nghiệm ở Việt Nam cũng như những người am hiểu showbiz Việt một cách tận tường.

Ngay lập tức, Cục NTBD đã lên tiếng khẳng định rằng cơ quan này không hề can thiệp vào việc cấp giấy phép buổi diễn và khi không chịu trách nhiệm cấp phép, Cục NTBD chẳng có cơ sở nào để thu hồi giấy phép. Đơn vị cấp phép thực tế là Sở Văn hoá - Thể thao TP Hồ Chí Minh và song song với động thái của Cục NTBD, quan chức Sở cũng đã có công văn yêu cầu đơn vị tổ chức giải trình vì sao lại hủy bỏ show diễn kể trên.

An ninh mạng là vấn đề được cả thế giới quan tâm.

Thật sự khó hiểu khi trong số những người chia sẻ thông tin thất thiệt kia, có những người có trình độ học vấn. Vậy mà họ không thể phân tích nổi một phi lý của nguồn tin thất thiệt kia nằm ở chỗ là một công dân Mỹ, nếu bị cơ quan chức năng Việt Nam hủy ngang show diễn, Grande sẽ sẵn sàng đưa ra lý do ấy khi nói lời xin lỗi khán giả Việt Nam chứ chẳng việc gì phải nhận lỗi về mình bằng một lý do "bị bệnh". Và trong lịch sử các lần đi tour diễn quanh thế giới của mình, Grande cũng vài lần hủy show giờ chót mà cụ thể là lần ở Mexico, với lý do "không được tiết lộ".

Kế tiếp câu chuyện Grande là chuyện U22 Việt Nam không vào được bán kết SEA Games trong khi đội tuyển nữ lại xuất sắc giành Huy chương vàng. Lập tức, có những thông tin được sẻ chia trên mạng với tấm ảnh so sánh bữa ăn của tuyển thủ nữ và tuyển thủ nam, với thâm ý cố xoáy vào chuyện "trọng nam khinh nữ". Cuối cùng, phải nhờ 1 tờ báo lớn và uy tín khẳng định bức ảnh kia được chụp từ mấy năm trước và chính HLV trưởng ĐT nữ, ông Mai Đức Chung minh định rằng Đội tuyển nữ cũng hưởng chế độ ăn, ở như đội tuyển nam, luồng tin giả kia mới được dập tắt.

Hai ví dụ, hai câu chuyện ấy có thể cho ta nhận thấy rất nhiều chuyện tương đồng mà chúng ta gặp trên mạng xã hội hôm nay. Không khó để nhận ra, luôn tồn tại một lực lượng hăng hái chĩa mũi dùi vào nhà nước, chính quyền và đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ hành động theo kiểu ngón tay chạy nhanh hơn nếp nhăn trên trán và sẵn sàng phát tán bất kỳ thông tin độc hại, gây chia rẽ, gây mất lòng tin khi có dịp. Cách chia sẻ của họ là chủ động, có chủ đích chứ không phải là vô ý thức. Và khi họ là những người có chút ảnh hưởng trên thế giới ảo, họ khiến cho rất nhiều người khác tin vào các thông tin bịa đặt, vu khống kia, điều dễ dàng dẫn tới những hỗn loạn xã hội không cần thiết.

Trong bài viết mới nhất của mình nhân ngày thành lập lực lượng CAND, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh "Bên cạnh những lợi ích to lớn mà không gian mạng đem lại, các nước cũng phải đối mặt với các nguy cơ, như: Chiến tranh mạng, gián điệp mạng, tấn công mạng, tội phạm mạng và nhiều vấn đề phức tạp mới.

Đối với Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tội phạm mạng gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm thu thập thông tin, bí mật nhà nước, bí mật nội bộ, chiếm quyền điều khiển, phá hoại hệ thống mạng thông tin; sử dụng Internet, nhất là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm gây chia rẽ nội bộ, xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia.

Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ trên không gian mạng của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng các trang mạng, blog liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xấu, độc hại; tổ chức các chiến dịch công kích, bôi nhọ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước...".

Bài viết ấy đề cao nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng để đảm bảo duy trì một xã hội ổn định, bình yên nhằm mục đích xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu chỉ coi công tác bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ của lực lượng An ninh đơn thuần thì chúng ta mới chỉ làm được phần ngọn, tức là chống. Cái cần giải quyết hơn là phần gốc, tức là đề phòng. Công tác ấy chẳng khác gì tiêu chí của công tác "cứu hỏa" là phòng cháy còn hơn chữa cháy. Và để đề phòng, nhiệm vụ phải được từng cá nhân ý thức được là nó thuộc về mình chứ không phải phó mặc cho một cơ quan chuyên trách nào đó.

Đọc một thông tin, xác định nguồn gốc của nó, phân tích tính xác thực của nó qua logic không phải là một việc quá khó. Thậm chí, đối diện những thông tin mới mẻ, đánh giá xem mình có nên là người chia sẻ lại nó hay không và tác hại của việc chia sẻ đó như thế nào, nghĩa vụ pháp lý của mình nếu chia sẻ sẽ là gì, chắc chắn chúng ta sẽ tham gia vào thế giới Internet một cách an toàn hơn, thận trọng hơn và tích cực hơn.

Hà Quang Minh
.
.