Nhân sự kiện ca sĩ Hồ Ngọc Hà tham gia Giải thưởng âm nhạc châu Âu EMA 2014:

Ầm ĩ vì một hư danh

Thứ Hai, 20/10/2014, 08:01
Nghe tin Hồ Ngọc Hà là đại diện chính thức của Việt Nam có mặt ở vòng bảng Đông Nam Á, tiến tới tranh giải "Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc" (Best Worldwide Act) của Giải thưởng âm nhạc châu Âu 2014 (Europe Music Awards - EMA) do kênh truyền hình MTV tổ chức, các fan Việt hùng hồn tuyên bố sẽ "dìm" Hồ Ngọc Hà đến cùng bằng cách bầu chọn online cho các ca sĩ đối thủ nước bạn dù không biết họ là ai. Thậm chí, họ còn lập một trang mạng và viết tâm thư đến MTV để kêu gọi tẩy chay nữ ca sĩ.

Sự cay cú này bắt nguồn từ lùm xùm nghi vấn sắp xếp kết quả của MTV Việt Nam - đơn vị nắm quyền đề cử ca sĩ trong nước tham dự EMA. Theo đó, trong khi cuộc bình chọn trên trang MTV Việt Nam để tìm gương mặt đại diện Việt Nam tham gia EMA vẫn chưa dừng lại thì trên trang facebook của MTV Thái Lan đã có hình ảnh Hồ Ngọc Hà là đại diện Việt Nam trong bảng tranh giải khu vực Đông Nam Á. Các fan của ca sĩ khác trong bảng đề cử như Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh… nổi giận và cho rằng MTV Việt Nam không minh bạch kết quả, không công bằng khi đã sắp xếp kết quả mà vẫn để cuộc bình chọn diễn ra.

Mặc dù đã được các thần tượng lên trang cá nhân kêu gọi hãy bình tĩnh, vì màu cờ sắc áo chứ không phải vì cá nhân, nhưng các fan của Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP… vẫn không nguôi cơn tức. Lời "hăm dọa" trên của fan đã khiến hạng mục "Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc" của EMA lộ rõ bản chất của nó: một cuộc chiến của fan hâm mộ không hơn không kém.

Bản chất này, nhiều người khó nhận ra bởi cái mác quá lớn từ một cuộc thi mang tiếng tầm cỡ thế giới. Nếu đúng thực chất EMA là một cuộc thi nặng về chuyên môn thì những cái tên như Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Bích Phương… sao lại có thể xuất hiện ở bảng đề cử đại diện Việt Nam và kết quả có sự bám đuổi sít sao như vậy?

Sơn Tùng M-TP mới xuất hiện đã gây ra scandal quá lớn liên quan đến chuyện đạo beat nhạc Hàn. Dư luận trong nước lẫn Hàn Quốc lên án gay gắt như thế thì làm sao anh có tư cách tham gia bảng đề cử? Còn những cái tên khác tuy khá "sạch sẽ" nhưng giọng hát lại không có gì quá đặc biệt, nội lực không đủ để cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. Duy có Hồ Ngọc Hà là tạm ổn nhất về số năm "chinh chiến" trong thị trường ca nhạc giải trí, đủ kinh nghiệm lẫn bản lĩnh sân khấu dù giọng hát của cô vẫn chưa được giới chuyên môn đánh giá cao.

Ngoài việc EMA nặng về tính giải trí, điều khiến các ca sĩ trên có mặt đàng hoàng ở bảng đề cử trong nước là bởi họ có lượng fan vô cùng hùng hậu. Chưa chắc fan của ca sĩ lâu năm như Hồ Ngọc Hà có thể đọ nổi fan của ca sĩ mới nổi Sơn Tùng M-TP. Kết quả cho thấy rõ điều này khi số lượt bình chọn cho Sơn Tùng M-TP là 243.948, không kém hơn kết quả của Hồ Ngọc Hà (246.289 lượt) là bao.

Là cuộc chiến của fan nên EMA dù mang tiếng là tầm cỡ thế giới nhưng đậm mùi "ao làng". Giải thưởng này thực chất nặng cảm tính và tinh thần tự tôn dân tộc. Nghệ sĩ nào có fan càng nhiều thì tỉ lệ chiến thắng càng cao. Nhưng đừng nhầm số lượng đi đôi với chất lượng. Các ca sĩ chỉ phổ biến tên tuổi trong biên giới nước mình nhưng có số lượng fan hùng hậu trong nước (đảm bảo đó là nước lớn, có dân số cao) thì cũng đủ qua mặt các nghệ sĩ nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Bởi lúc này, tinh thần tự tôn dân tộc lên cao, hiếm hoi mới có fan của ca sĩ nước này đi bầu chọn cho ca sĩ nước kia. Cho nên chiến thắng liên tiếp hai năm qua của những nghệ sĩ đến từ Trung Hoa đại lục trước nghệ sĩ Âu - Mỹ hàng đầu thế giới vì thế cũng không có gì quá ngạc nhiên, dù rằng xét trên khía cạnh chuyên môn, âm nhạc châu Á luôn đi sau phương Tây. Năm 2012, Hàn Cang của Trung Quốc qua mặt nữ ca sĩ đình đám Rihanna. Và đến năm 2013, ca sĩ có cái tên lạ hoắc Lý Vũ Xuân giành giải, đánh bại cả nhóm nhạc nổi tiếng thế giới One Direction.

Chiến thắng của Lý Vũ Xuân (Trung Quốc) tại hạng mục "Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc" của EMA 2013 gây ra nhiều bất ngờ cho các fan hâm mộ.

Nếu fan nước A bầu chọn cho ca sĩ nước B thì thường đó là trường hợp  ca sĩ nước A đã bị loại hoặc fan đó quá "cuồng" ca sĩ nước B (chẳng hạn như các ca sĩ Hàn Quốc đang gây cuồng cho nhiều fan trẻ Việt Nam). Hoặc cũng có thể xảy ra dạng cay cú với "gà nhà" như trường hợp Hồ Ngọc Hà mà đâm ra "dìm hàng" cô, bầu chọn cho ca sĩ nước khác cho bõ tức. Và cũng không thể tránh khỏi chuyện fan thuê tin tặc, gian lận trong bầu chọn kết quả để giành lấy chiến thắng cho ca sĩ nước nhà (như nghi vấn chiến thắng bất ngờ của Lý Vũ Xuân năm 2013). Nói EMA cảm tính là vậy.

Vậy nên sẽ chẳng vẻ vang gì khi Hồ Ngọc Hà may mắn chiến thắng ở khu vực Đông Nam Á hay thậm chí cô có thể đánh bại những đối thủ mạnh đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Bởi giải thưởng này vẫn là cuộc so kè về mức độ phổ biến hình ảnh, hoạt động âm nhạc và lượng fan chứ không phải là về chuyên môn, chất lượng âm nhạc của ca sĩ đó. Nó chưa hẳn phản ánh đúng thực lực của Hồ Ngọc Hà cũng như thực lực của chính nhạc Việt.

Một điều nữa là truyền thông bao giờ cũng "nổ" quá đà. Đôi lúc khiến các fan ngộ nhận mà tin rằng sự vinh danh tại EMA giống như nhạc Việt đã bước lên một đẳng cấp khác, vươn ra tầm cỡ thế giới. Tại EMA 2013, Mỹ Tâm đã đánh bại nhiều đối thủ mạnh ở khu vực Đông Nam Á, giành giải "Nghệ sĩ xuất sắc Đông Nam Á" để có mặt trong bảng bình chọn "Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc" khu vực châu Á. Và mặc cho báo chí tán tụng, cô cũng sớm dừng chân. Điều này là cần thiết bởi nếu có đoạt thêm một giải thưởng nào ở sân chơi "ao làng" này, người trong cuộc chỉ thêm ảo tưởng về khả năng của mình và người ngoài cuộc chỉ được phen tự sướng thỏa thuê. Họ tự sướng vì tưởng rằng thần tượng của mình đã quá xuất sắc đến nỗi đưa nhạc Việt vượt ra khỏi biên giới quốc gia, phổ biến với bạn bè thế giới năm châu mà không biết rằng, đó chẳng qua là kết quả từ những lượt bình chọn đậm màu thắng thua của mình.

Nhìn lại nền nhạc Việt, không phải quá tự ti để bảo rằng nó vẫn là vùng trũng trên bản đồ âm nhạc thế giới, vì đó là sự thật phải chấp nhận. Các nghệ sĩ Việt vẫn chỉ hoạt động âm nhạc trong nước là chủ yếu. Những bước tiến ra nước ngoài vẫn chỉ là chuyến lưu diễn "hát cho đồng bào tôi nghe" hoặc ở dạng hợp tác, quay MV, làm CD... rồi về phát hành trong nước và chủ yếu vẫn là hát tiếng Việt. Đã có nhiều ca khúc tiếng Anh của nhạc Việt "lăm le" các giải thưởng quốc tế như trước đây có "Your heart" của ca, nhạc sĩ Hà Okio lọt bảng đề cử vòng sơ loại giải "Grammy". Tuy nhiên, việc đi sâu vào vòng trong chỉ là ảo tưởng và việc lọt bảng đề cử (một cách cảm tính) cũng là chiêu thức mà Hà Okio "lót đường" cho album sắp ra mắt sau đó. Tầm ảnh hưởng của nhạc Việt trong khu vực Đông Nam Á còn rất hạn chế, huống hồ là trên thế giới nên chuyện fan của nước ngoài bầu chọn cho ca sĩ Việt, bù vào lá phiếu hạn chế của fan Việt là điều khá hoang đường. Nên, nếu không có chuyện fan tuyên bố "dìm hàng" Hồ Ngọc Hà, thì chiến thắng của cô ở những vòng sau cũng khó trở thành hiện thực.

Cách EMA để các fan "chiến đấu" với nhau cũng là cách rất thông minh để tiếp thị hình ảnh của giải thưởng này. Khi động chạm đến màu cờ sắc áo của nước mình thì chắc chắn người yêu nhạc toàn cầu sẽ quan tâm xem giải thưởng ấy là gì, nó như thế nào. EMA thực chất là giải thưởng âm nhạc châu Âu nhưng dần được MTV quốc tế hóa và tổ chức thường niên tại một nước châu Âu để tôn vinh những sản phẩm âm nhạc được khán giả trên toàn thế giới yêu thích. "Nghệ sĩ quốc tế xuất sắc" nằm trong số 15 hạng mục chính của EMA. Ban tổ chức chia thành nhiều khu vực nhỏ để các fan bầu chọn như châu Phi, Ấn Độ, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, khu vực Mỹ Latinh và Bắc Mỹ. Đêm trao giải hàng năm, EMA thu hút hàng chục triệu người trên thế giới theo dõi. Thế nhưng, với kết quả tréo ngoe mang đậm tính "ao làng" của giải thưởng này trong những năm gần đây, giới âm nhạc đang dần xem nhẹ vị trí của nó

Phan Thi Uyên
.
.