Ai về xứ nẫu, xứ thơ

Thứ Ba, 18/03/2014, 08:00

Cũng chẳng biết tự bao giờ, Phú Yên được gọi là "xứ nẫu". "Nẫu" là từ đặc trưng của địa phương, là đại từ xưng hô thông dụng của người Phú Yên không chỉ có mặt trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn đi vào những câu ca dao mộc mạc, hồn nhiên. Hỏi người Phú Yên về tiếng "nẫu", ai cũng chỉ cười. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra lời giải đáp, "nẫu" là đại từ chỉ ngôi thứ ba, tương tự với "người ta" của xứ Bắc...

Nhìn trên bản đồ Việt Nam, Phú Yên là mảnh đất đặc biệt: có phần đất liền nhô ra biển nhiều nhất. Điểm cực đông của đất nước chính là ngọn hải đăng Đại Lãnh (hay còn gọi là Mũi Điện) nằm trên địa phận Phú Yên. Phía Bắc giáp Bình Định, Nam giáp Khánh Hòa, ranh giới giữa Phú Yên và hai tỉnh giáp ranh ấy được đánh dấu bằng hai con đèo nổi tiếng: Đèo Cù Mông (phía Bắc) và đèo Cả (phía Nam). Chính bởi thế cho nên có người đã ví: dải đất Phú Yên cong như chiếc đòn gánh tảo tần, hai con đèo chính là hai đầu mấu của chiếc đòn gánh đó. Chiếc đòn gánh gánh những vất vả, lam lũ; gánh những chắt chiu, chịu thương chịu khó và cả những ngọt bùi, ân nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử.

Mỗi khi đến một nơi nào mới mẻ, tôi hay lẩn thẩn nghĩ về tên gọi địa danh ấy, tìm xem nó có ý nghĩa gì. Hai tiếng Phú Yên vang lên đã thấy gợi về mơ ước ngàn đời của mỗi người dân đất Việt: trù phú, giàu có (phú) và yên bình (yên). Cái tên Phú Yên bắt đầu có từ đầu thế kỷ XVII, do chính chúa Nguyễn Hoàng đặt, đủ thấy mong ước mãnh liệt của vị chúa Tiên này đối với mảnh đất mà ông đã dày công mở mang bờ cõi.

Cũng chẳng biết tự bao giờ, Phú Yên được gọi là "xứ nẫu". "Nẫu" là từ đặc trưng của địa phương, là đại từ xưng hô thông dụng của người Phú Yên không chỉ có mặt trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn đi vào những câu ca dao mộc mạc, hồn nhiên. Hỏi người Phú Yên về tiếng "nẫu", ai cũng chỉ cười. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra lời giải đáp, "nẫu" là đại từ chỉ ngôi thứ ba, tương tự với "người ta" của xứ Bắc:

Ai mà thấy khó nẫu dong,
Anh đây thấy khó, anh mong (kết) đạo hằng. 

Thò tay ngắt ngọn dưa leo,
Ðể anh lo cưới, đừng có theo nẫu cười. 

Mãn mùa, vịt lội về gieo,
Em ơi ở lại, đừng có theo nẫu cười. 

Thương chi cho uổng tấm tình
Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ

Nhưng với văn nghệ sỹ, mảnh đất Phú Yên còn điều đặc biệt hơn: Là cái nôi khai sinh ra "Ngày Thơ Việt Nam". Tính đến mùa xuân Giáp Ngọ này, Ngày Thơ Việt Nam đã được Hội Nhà văn tổ chức trọng thể cả thảy 12 lần. Nhưng ở Phú Yên, đã 34 năm nay đã đều đặn tổ chức Ngày Thơ.

Ngày Thơ ấy được lấy tên là Ngày Thơ Phú Yên, hay Đêm Thơ Nguyên Tiêu (vì được tổ chức đúng Tết Nguyên Tiêu, lại thường tổ chức ban đêm, nên hay được gọi là Đêm Thơ nhiều hơn).  Ngày thơ truyền thống của Phú Yên đã gợi ý cho Hội Nhà Văn Việt Nam về một ngày hội thơ cho người yêu thơ cả nước, chứ không còn giới hạn trong một địa phương nào đó nữa. Nguyên chỉ điều này thôi cũng đáng để Phú Yên rất đỗi tự hào rồi.

Hoành tráng Hội Thơ Nguyên tiêu truyền thống ở núi Nhạn, Phú Yên. Ảnh: Lê Minh.

Đã nghe nhiều về Đêm Thơ Nguyên Tiêu của Phú Yên, cũng đã được Hội VHNT tỉnh Phú Yên mời nhiều lần, nhưng  chưa khi nào tôi bứt được công việc thường ngày để vào thăm "xứ nẫu", để nghe thơ dưới chân Tháp Nhạn. Vì vậy, Ngày Thơ năm nay như một cơ duyên.

Nói đến Ngày Thơ Phú Yên thì không thể không nói thêm về Tháp Nhạn. Nằm trên đỉnh núi Nhạn, ngôi tháp cổ Chăm Pa này còn khá vẹn nguyên, dẫu cho nó đã phải trải qua biết bao mưa nắng thời gian và sự tàn phá ghê người của chiến tranh. Ngôi tháp cổ kính này được người Chăm xây dựng từ thế kỷ XI với 4 tầng, cao khoảng 25m với mục đích tín ngưỡng thờ cúng. Núi Nhạn cao chừng 60m so với mực nước biển.

Về tên gọi núi Nhạn, tháp Nhạn đã có nhiều giả thuyết được đưa ra: có thể do thế núi nhìn từ xa giống như hình con chim nhạn đang xòe đôi cánh; có thể do ngày xưa, trên núi rậm rạp nhiều cây cối, có loài chim nhạn đến trú ngụ rất nhiều; và cũng có thể do hình dáng ngôi tháp cổ có trên đỉnh núi cũng từa tựa như hình con chim nhạn… Dù là giả thiết nào đi chăng nữa, cũng đều gắn với loài chim nhạn. Tháp Nhạn là ngôi tháp cổ Chăm Pa duy nhất còn lại trên đất Phú Yên, với nghệ thuật kiến trúc độc đáo và tinh xảo, cho nên nó trở thành biểu tượng của Phú Yên về văn hóa, văn nghệ. Lô gô của Phú Yên bây giờ cũng có hình tháp Nhạn cách điệu, đủ thấy người Phú Yên tự hào về tháp Nhạn đến thế nào!

Năm nay, Hội thơ Nguyên Tiêu Phú Yên vẫn được tổ chức dưới chân tháp Nhạn, trong đêm "rằm xuân lồng lộng trăng soi", kéo luôn cả sang đêm thứ 2 là đêm 16 tháng Giêng, với nhiều tiết mục hấp dẫn: đọc thơ, ngâm thơ, giao lưu thơ, thi "Người đẹp Nguyên Tiêu"… Hội VHNT tỉnh Phú Yên là đơn vị chủ trì, trưởng ban tổ chức Ngày Hội Thơ tưng bừng, náo nức ấy. Không chỉ có Phú Yên trong Hội Thơ Phú Yên, mà còn có sự góp mặt của các tỉnh, thành phố lớn: Tp HCM, Đà Nẵng, Hải Dương và Tp Cheong Ju của Hàn Quốc. Bởi thế, không khí thơ càng thêm rộn rã.

"Phú Yên là tỉnh yêu thơ nhất nước" - Một nhà thơ trong đoàn văn nghệ sĩ đến từ Tp HCM đã xúc động nhận xét  như vậy khi đứng dưới chân núi Nhạn ngắm nhìn dòng người nườm nượp đổ về "sân thơ" nơi đây. Quả đúng vậy! Không những vì Phú Yên đã "sản sinh" ra ngày hội thơ độc đáo, mà còn vì người Phú Yên thực sự tha thiết với thơ ca.

Trong đêm, tháp Nhạn sừng sững uy nghi với ánh sáng điện hắt lên từ chân tháp càng tăng thêm phần cổ kính, linh thiêng. Sân khấu thơ ngay sân tháp, giản dị và ấm áp. Không có không gian rộng lớn và choáng ngợp như nhiều sân khấu khác, nhưng sân khấu thơ tháp Nhạn có vẻ thiêng liêng bởi nép dưới bóng tháp cổ rêu phong. Dòng người đổ về bên tháp Nhạn càng ngày càng đông. Tôi chợt nhớ hồi chiều, khi một mình đi lang thang trên bãi biển Tuy Hòa, một chị bán hàng rong đã tha thiết mời tôi mua mấy quả xoài chua chấm muối ớt. Chị móc trong túi ra cái điện thoại cũ mèm, xem giờ rồi bảo: Hôm nay phải về sớm thôi, tối còn đi "xem thơ". Tôi hỏi "xem thơ" ở đâu. Chị nói ở núi Nhạn, ngày Hội Thơ vui lắm. Nếu tôi là khách du lịch thì nên đến một lần cho biết. "May mắn là đến Phú Yên vào ngày này đó!" - Chị hồ hởi bảo tôi. Còn tôi thì ngạc nhiên hết biết, vì từ xưa vẫn nghĩ những người miệt mài mưu sinh vất vả như chị bán hàng rong này, thời gian, tâm trí đâu mà ngó đến thơ ca. Nhưng tôi đã nhầm! Không chỉ chị bán hàng rong ấy, mà cả anh xe ôm, khi chở tôi từ bãi biển về khách sạn đã hỏi ngay: Em là khách du lịch hả, hay là khách đến dự Đêm Thơ?

Chưa đến giờ khai mạc Hội thơ, nhưng sân tháp Nhạn đã đông chật những người. Đủ mọi lứa tuổi. Có các cháu học sinh còn mặc nguyên đồng phục. Có những em bé còn  được mẹ bế trên tay. Có những nam thanh nữ tú dập dìu. Có những cụ già tóc bạc. Một cụ già chừng 70 tuổi, ngồi cạnh tôi, quay sang hỏi: "Cháu ơi, cháu có biết những người ở đoàn Hải Dương ngồi ở đâu không?". Tôi hơi ngỡ ngàng, hỏi xem cụ muốn biết đoàn Hải Dương ở đâu để làm gì. Cụ già bảo: ''Để hỏi thăm thôi! Hải Dương là tỉnh kết nghĩa với Phú Yên mà! Hôm qua, bác đến tận khách sạn hỏi, nhưng các anh chị ấy bảo rằng đoàn Hải Dương hôm nay mới vào cơ".

Khi biết tôi chính là "đối tượng cần tìm", bác vui lắm, cứ nắm tay hỏi han tận tình, như thể gặp người thân đi xa mới về. Mà kỳ lạ, mối thân tình nhanh chóng ấy chỉ vì tôi là "người Hải Dương", là "anh em kết nghĩa" với Phú Yên. "Đến nhà bác chơi nhé! Rồi bác sẽ đưa cháu đi Ghềnh Đá Đĩa! Rồi bác sẽ dẫn cháu đi núi Đá Bia…". Trước sự nhiệt tình chân thành ấy, tôi như người có lỗi khi phải thú nhận rằng, chỉ sáng mai thôi mình sẽ phải rời xa Phú Yên. Vé máy bay đã đặt. Công việc lại đang chờ ở nhà. … Đưa tặng tôi tập thơ phôtô, bác Ánh Tuyết (tôi đã biết chính xác bác tên là Ánh Tuyết, 74 tuổi) cứ dặn dò: "Sang năm cố gắng lại vào với Phú Yên, mà vào lâu lâu nhé, để bác còn dẫn đi chơi…". Sân khấu vang lên những tiếng thơ tha thiết, câu chuyện của hai bác cháu tạm dừng. Bao nhiêu cặp mắt chăm chú dồn lên sân khấu thơ. Không khí lặng im đến nỗi ngoài tiếng ngâm thơ, chỉ còn nghe tiếng gió từ bãi biển Tuy Hòa  thổi lại, vờn trên tóc, trên vai. ..

Và tôi bắt gặp một mái đầu cứ cúi xuống, chứ không phải ngẩng lên sân khấu. Nhưng qua dáng điệu, biết là người nghe ấy vẫn nghe chăm chú, nuốt lấy từng lời thơ đang ngâm. Thật lạ, sao lại chỉ "nghe thơ" chứ không "xem biểu diễn thơ" như tất cả mọi người có mặt bên tháp Nhạn này? "Anh ơi!" - Tôi gọi khẽ - "Sao anh không xem các tác giả trình diễn?". "Xin lỗi chị!" - Người cúi mặt đã ngẩng lên - "Tôi là người khiếm thị, nên chỉ nghe được thôi". Tôi bàng hoàng. Sợ câu hỏi thất thố của mình làm anh ta buồn bã hay tự ái. Nhưng không! "Bài thơ vừa rồi hay quá! Nhà thơ Lê Thị Kim có giọng đọc thật nhí nhảnh! Chị ấy khoảng bao nhiêu tuổi hả chị? Tôi nghe giọng rất trẻ, nhưng bài thơ này, tôi đã được nghe cả mấy chục năm về trước. Lẽ nào…".  Thoắt cái, anh lại lẩm nhẩm hát theo ca sĩ trên sân khấu: "Tình yêu không là gió, chợt gần rồi chợt xa/ Tình yêu không là cỏ, mọc lan man thềm nhà…".

Ấn tượng của tôi về Phú Yên, về những con người yêu thơ Phú Yên quả thật không nghẹn ngào đến thế, nếu như khi kết thúc đêm thơ, tôi không ngồi nán lại thêm chút nữa. Những khán giả yêu thơ chăm chú nghe suốt từ đầu đến cuối, không ai bỏ dở giữa chừng. Chỉ khi lời tuyên bố bế mạc đêm thơ vừa dứt, thì dòng người đông đúc mới bắt đầu tạm biệt tháp Nhạn. Ngồi chờ cho đỡ đông để về khách sạn, tới lúc sân tháp vãn dần, tôi bắt gặp một cậu bé quờ tay xuống gầm ghế, lôi ra đôi nạng gỗ rồi khó nhọc đứng lên bằng đôi nạng ấy. Đường từ chân núi lên tháp Nhạn quả không đễ dàng gì đối với đôi nạng gỗ kia. Thế mà, vì yêu thơ, cậu bé quả quyết lên bằng được!

Ngày thơ "xứ nẫu" ấn tượng với tôi là như thế!

Nguyễn Thị Việt Nga
.
.