Danh hiệu cho người xứng đáng:

Ai phong danh hiệu cho nghệ sĩ?

Thứ Sáu, 18/08/2006, 08:45

Khi ta đặt câu hỏi ai là người phong danh hiệu cho nghệ sĩ, câu trả lời hiển nhiên sẽ là: Công chúng. Mọi đánh giá của một Hội đồng cũng chính là đại diện cho sự đánh giá của đông đảo công chúng. Danh hiệu đối với người làm nghề luôn là một niềm tự hào, một nguồn cổ vũ lớn. Nhưng nó sẽ chỉ có giá trị khi được trao cho những người xứng đáng.

Nghệ thuật là một phần không thể thiếu của đời sống. Hay nói khác đi, nghệ thuật là một đời sống khác của con người, bên cạnh con người thường nhật với những lo toan bộn bề. Nghệ thuật nuôi dưỡng đời sống tinh thần của con người, giúp con người hoàn thiện nhân cách, hướng tới cái Đẹp và các giá trị nhân bản khác. Không có nghệ thuật, có lẽ con người sẽ không còn biết mơ mộng. Và niềm tin cuộc sống, có lẽ cũng trở nên khô cạn.

Dường như bất kỳ ai trong cuộc đời này cũng đã từng bị ám ảnh bởi một cuốn sách, một vở kịch, một bộ phim, một bài hát, hay một bức tranh. Với sức mạnh ẩn dấu của mình, nghệ thuật có thể làm thay đổi số phận một con người, thậm chí là một quốc gia, dân tộc.

Đánh giá đúng vai trò của nghệ thuật cũng là đánh giá đúng vai trò của người sáng tạo nghệ thuật trong đời sống. Tôn vinh nghệ thuật cũng là tôn vinh hình ảnh của người sáng tạo nghệ thuật, các văn nghệ sĩ.

Phong tặng danh hiệu cho người nghệ sĩ, trao giải thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật chính là cách để tôn vinh nghệ thuật và nghệ sĩ, là cách khích lệ những người làm nghệ thuật và thúc đẩy sự phát triển của nền văn nghệ nước nhà.

Những ngày gần đây, vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong đời sống văn học nghệ thuật, là việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Con số của Hội đồng Trung ương (Bộ Văn hóa - Thông tin), trong đợt xét tặng lần này có 5 tác giả được đề nghị tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 155 tác giả được đề nghị tặng giải thưởng Nhà nước, 30 người được đề nghị danh hiệu NSND và 314 người được đề nghị danh hiệu NSƯT.  So với cả một nền nghệ thuật, với rất nhiều chuyên ngành khác nhau, những con số ấy quả là không lớn. Nó đánh giá đúng mức sự đóng góp của nghệ sĩ trong đời sống.

Nhưng, điều dư luận quan tâm lại là việc xét giải và phong tặng danh hiệu nghệ sĩ có khách quan, công tâm, có đánh giá đúng tài năng và cống hiến của mỗi người nghệ sĩ cụ thể hay không?

Xưa nay, ở xứ ta, người làm nghệ thuật ít khi giàu tiền bạc. Nhưng đội ngũ văn nghệ sĩ bao giờ cũng rất đông đảo. Đối với họ, nghệ thuật đã cho họ một sự giàu có về tinh thần. Nghề này thường được dân gian xem là “hữu danh vô thực”. Vâng, họ cần nhất là cái danh để lại cho đời. Và dường như, họ dành toàn bộ cuộc đời mình, với những cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật cũng vì cái danh ấy.

Trong vấn đề xét tặng danh hiệu nghệ sĩ những năm gần đây có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Không phải nghệ sĩ nào cũng thấy thoải mái, thỏa đáng trước sự đánh giá của hội đồng xét tặng.

Một đạo diễn có hơn 20 năm hoạt động trong ngành điện ảnh từng tâm sự, ông không còn thấy hào hứng với việc xét tặng danh hiệu nữa. Đối với ông, có danh hiệu hay không thì tình yêu của ông dành cho nghệ thuật vẫn không thay đổi. Khi làm một bộ phim, chỉ có khán giả là điều quan trọng nhất ông quan tâm. Làm nghệ thuật hết lòng vì tình yêu với khán giả, và cũng vì sự tôn trọng khán giả.

Không có công chúng, nghệ thuật không tồn tại, hoặc nếu tồn tại, cũng không mang lại giá trị hữu ích nào. Không hướng tới công chúng, nghệ sĩ không có mục đích trong sáng tạo. Công chúng là những người đầu tiên, cũng là những  người cuối cùng đánh giá một cách khách quan và công bằng với các giá trị nghệ thuật cũng như tài năng, lao động của nghệ sĩ. Công chúng và thời gian, chính là những thước đo lớn nhất về tầm vóc của một tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng chính là điều mà người nghệ sĩ phải đối diện, trong nỗi cô đơn của sự sáng tạo.

Giống như các nhà thơ từng nói, việc cố gắng để làm một bài thơ đã là giết chết thơ rồi. Các loại hình nghệ thuật khác cũng vậy thôi, nếu anh cố gắng để làm nghệ sĩ, cố gắng để nổi tiếng, cố gắng để dành lấy danh hiệu… rất có thể anh chẳng bao giờ trở thành một nghệ sĩ đích thực. Nghệ thuật luôn khởi phát từ tình yêu và lòng đam mê. Người nghệ sĩ cần phải vô tư trong nghệ thuật, để nhận được sự đánh giá vô tư của công chúng.

Và như vậy, khi ta đặt câu hỏi ai là người phong danh hiệu cho nghệ sĩ, câu trả lời hiển nhiên sẽ là: Công chúng. Mọi đánh giá của một Hội đồng cũng chính là đại diện cho sự đánh giá của đông đảo công chúng. Danh hiệu đối với người làm nghề luôn là một niềm tự hào, một nguồn cổ vũ lớn. Nhưng nó sẽ chỉ có giá trị khi được trao cho những người xứng đáng

Hội Quân
.
.