Ai “nuôi” ai?

Thứ Năm, 27/05/2021, 11:18
Dư luận xã hội vẫn đang tranh cãi nảy lửa xoay quanh mỗi một chuyện: “Công chúng có nuôi nghệ sỹ hay không?”. Cả hai bên tham gia tranh cãi đều có luận điểm riêng và đặc biệt, bên phía nào cũng có đại diện nghệ sỹ, nhân vật giải trí và một bộ phận khán giả.


Điều đó cho thấy đây là một tranh luận về quan điểm, nhận thức và thái độ chứ không phải một tranh luận giữa phe nghệ sỹ và phe công chúng.

Với cái lý không có khán giả, nghệ sỹ không có doanh thu, do đó công chúng chắc chắn nuôi nghệ sỹ, phe tán đồng hành vi “nuôi” này có điểm tựa khá vững chắc, và được ủng hộ bởi số đông. Ngược lại, phe cho rằng nghệ sỹ cũng lao động, khán giả trả tiền cho nghệ sỹ thì cũng nhận lại được sự thưởng thức cũng có lý lẽ của mình. Và với hai chiều hướng lập luận như vậy, rõ ràng, đây là một cuộc tranh luận chắc chắn không có hồi kết, đúng theo kiểu con gà-quả trứng.

Thật ra, tham gia vào một tranh luận kiểu này sẽ chỉ mất thời gian vô ích. Nhưng đọc những lập luận đối nhau chan chát ấy, chúng ta có thể nhận ra rằng nhiều người tham gia thực sự chưa có những suy ngẫm thấu đáo và ra kết luận khá vội vàng.

Thực chất, đời sống xã hội vận động và chính tất cả những thành tố tạo nên một đời sống xã hội ấy cũng góp phần xây dựng nên môi trường sống cho một hoặc nhiều cá thể khác. Không thể có bất kỳ ai, thứ gì tồn tại một cách tách biệt không có tương tác với nhiều thành phần xoay quanh mình. Nếu có một sự tồn tại đơn lẻ, vô tương tác như thế, chắc chắn đó không phải là một tồn tại sinh thể và càng không thể có cái gọi là xã hội xoay quanh nó.

Đời sống không thể thiếu công chúng, nghệ sỹ, nhân vật giải trí cũng như không thể thiếu người công nhân, người nông dân, y bác sỹ hay bất kể một ngành nghề nào. Tất cả tương hỗ nhau, tạo ra những chuỗi, những mạng lưới mang tính sống còn. Sự dựa trên tương hỗ lẫn nhau mà sống ấy cũng góp phần tạo ra các chuỗi giá trị, sự lưu thông của dòng của cải, vật chất... Bởi vậy, nói công chúng nuôi nghệ sỹ là chưa đủ. 

Ví dụ đơn giản, một ca sỹ tung một bản ghi âm mới lên YouTube chẳng hạn. Nếu chỉ với 10, 100 lượt xem, ca sỹ ấy sẽ không thể có doanh thu bởi “google ad” trả tiền theo đơn vị “nghìn lượt xem”. Vậy thì 10 hay 100 hay 999 lượt xem chưa đủ cấu thành một đơn vị nhận tiền kia có phải là công chúng không? Họ vẫn là công chúng đấy thôi.

Còn ở trường hợp video ấy lên tới hàng chục triệu lượt xem thì sao? Nó cho thấy có sự quan tâm của công chúng lớn. Sự quan tâm đó mới khiến các nhãn quảng cáo gắn thẻ vào nội dung video kia. Từ quảng cáo đó, doanh thu mới đổ về nghệ sỹ. Thế thì rõ ràng cái chuỗi giá trị ở đây không chỉ là công chúng - nghệ sỹ. Đầy đủ hơn phải là “công chúng - nền tảng phát hành - nhãn hàng - đơn vị truyền thông - nghệ sỹ”. Chỉ cần thiếu một yếu tố trong chuỗi này, tranh cãi ai nuôi ai sẽ mất đi tính chắc chắn và đầy đủ về lý.

Và vượt trên hết, ở câu chuyện tranh cãi này, thứ cần được nêu bật ra để hiểu rõ hơn lại là thứ không ai nói đến. Đó là thị trường. Đúng, nghệ thuật cũng có thị trường của nó và trong một thị trường như thế, nó có cả cung - cầu, người tiêu thụ, người sản xuất, người bán sỉ, người bán lẻ và cả người bán các sản phẩm phụ theo kèm.

Tranh luận là hữu ích cho sự phát triển. Song, tranh luận thiếu sự nghiên cứu sẽ chỉ mang lại những vô bổ, tầm xàm. Và ai nuôi ai chính là ví dụ điển hình nhất cho rất nhiều cái vô bổ, tầm xàm trên mạng xã hội hôm nay.

Văn Đoàn
.
.