Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn

Thứ Năm, 22/01/2015, 08:00
Lần về vùng quê Vĩnh Long hơn 3 năm trước, tôi chỉ có mấy dòng thành tích của ông mà Cục Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ - Bộ Công an tóm tắt: "Cứu 149 người, 129 phương tiện các loại bị nạn trên sông Hậu, vớt 6 xác người chết, trực tiếp và cùng với lực lượng Công an khám phá 48 vụ trộm cắp tài sản, bắt hàng chục đối tượng giao Công an xử lý...". Cuối năm 2014, khi gặp lại ông, tôi mới biết thành tích của ông nay đã dày thêm. Chỉ riêng số người bị đuối nước, được ông cùng một số anh em trong Đội dân phòng tự quản kịp thời phát hiện cứu đã lên 158 người...

"Tư Hài", "Tư cứu người", "Tư tù và" hay "hiệp sĩ sông Hậu" là những tên gọi thân mật của người dân dành cho ông Dương Công To - Đội trưởng Đội dân phòng tự quản phòng chống tội phạm trên sông xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long).

Ông vẫn thích người khác gọi mình là "Tư tù và" do ông xem chiếc tù và như là bạn. Mỗi khi có chuyện, ông hay dùng chiếc tù để phát tín hiệu báo động cho các thành viên khác trong Đội. Năm nay đã bước qua  tuổi 73 nhưng ''Tư tù và'' vẫn lanh lẹ, tai vẫn rất thính, mắt rất tinh... 

Hôm tôi lần theo con đường nhỏ nằm dưới dạ cầu Cần Thơ, phía bờ Vĩnh Long để dò hỏi tìm nhà ông thì lại nghe văng vẳng đâu đó có tiếng tù và. "Trên xã vừa gọi điện thoại nói có hai tên trộm đang trốn đâu đó. Công an tìm nhưng chưa thấy nên nhờ ông nhà tui tiếp" - bà Hài, vợ ông kể.

Khi chúng tôi quay trở ra Khu công nghiệp Bình Minh tìm thì cũng là lúc ''Tư tù và'' lôi từ trong bụi rậm ra hai nghi can giao cho Công an xã. Để "tóm" được hai tên trộm này, ''Tư tù và'' đã bố trí cho cánh thanh niên trong xóm chốt chặn một số ngõ ra vào khu công nghiệp, còn ông cùng hai người khác tiến sâu vào những bãi lau cỏ rậm rạp. Nghe tiếng Tư tù và lùng sục, hai đối tượng hoảng sợ, bẻ bông sậy giơ lên xin… hàng.

Vợ chồng ông Tư Hài nói, ông vẫn thích đọc Chuyên đề ANTG.

Trên đường quay về nhà, tôi được ''Tư tù và'' kể lại một trong những vụ gần đây nhất trong số 26 vụ nhảy cầu Cần Thơ tự vẫn nhưng được ông cứu sống. Lúc đó, trời tối mịt, mặt sông bàng bạc. Ông bật đèn rồi quét nhanh một bận trên mặt sông. Mắt vẫn tinh nên ông kịp nhận ra một chấm đen đang ngụp lặn. "Thấy rồi. Thấy người rồi, tăng tốc lên!" - ông hô to, báo cho thành viên của Đội cũng đang di chuyển từ bờ ra. Khi cách khoảng 20m, ông nhảy ùm xuống nước rồi bơi như rái cá về phía người đang sắp chết chìm. Giữa dòng nước chảy xiết, ông kè người thanh niên khá to xác quay lại ghe rồi đưa vào bờ một cách chuyên nghiệp.

"Cậu này nặng cả trăm kilôgam. Nặng quá nên tụi tui chỉ có kéo lê. Khi đèn bật sáng, thấy trên người cậu ta dính đầy bùn đất, phải xách nước tắm cho sạch rồi đưa lên xe chở qua Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu".

Dọc đường, ''Tư tù và'' tranh thủ hỏi han. Nạn nhân cũng đã dần tỉnh lại, giọng hổn hển: "Dạ thưa ông, con tên G. Con năm nay 26 tuổi. Nhà con ở dưới phường An Lạc, gần bến Ninh Kiều".

Hỏi vì sao mà nhảy cầu, G lí nhí cho biết là do "buồn quá". "Nó dại dột, nói lúc đó nó không hề sợ chết là gì. Vậy mà tới chừng được cứu, tui thấy nó là thằng sợ chết nhất trên đời này. Nó đọc vanh vách số điện thoại của người thân, đề nghị tui liên lạc giùm ngay để tới bệnh viện lo cho nó. Có lẽ khi cận kề cái chết thì con người ta mới thấy quý trọng mạng sống của mình" - ''Tư tù và'' kể, pha chút triết lý.

Trong căn nhà nhỏ, nằm sát mé sông Hậu, chỉ cách trụ chính cầu Cần Thơ chừng 200m, ''Tư tù và'' châm trà mời tôi, rồi ông lần giở ký ức gắn với thành tích từng được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ Công an, và đứng đầu danh sách "quần chúng dũng cảm, tiêu biểu trong phòng chống tội phạm" được Bộ Công an biểu dương tháng 8-2011: "Hồi đó, tôi làm nghề đóng đáy, cái nghề cha truyền con nối. Lúc thịnh nhất, nhà tui có tới 47 miệng đáy lận đó. Suốt cả ngày, tui làm bạn với mặt sông Hậu".

Chính vì gần cả đời gắn với sông Hậu nên ''Tư tù và'' chứng kiến rất nhiều chuyện đau lòng. Ông kể, chỉ trên một khúc sông ngắn nhưng có năm xảy ra hàng chục vụ chết người do chìm ghe, xuồng. Không chịu nổi thực tế này, khoảng năm 1990, ''Tư tù và'' quyết định lập Đội cứu nạn, cứu hộ trên sông với 6 thành viên cũng là những người bạn làm nghề đóng đáy, bơi lội giỏi. Cả Đội thống nhất nhau, hễ anh em này bận lo đi cứu người thì anh em khác giúp giùm việc trải đáy (bởi từng xảy ra chuyện mải lo cứu người, nước ròng đến, đáy của nhiều anh em bị lộn ngược ra, cá tép sổng hết). Thế là kể từ đó, đoạn sông Hậu 4km được ''Tư tù và'' cùng các thành viên trong Đội tự giác chăm sóc kỹ 24/24h.

''Tư tù và'' nhớ lại: "Hay tin Đội được thành lập, có người ở Cần Thơ sang tặng chiếc ống nhòm để anh em tiện quan sát. Anh em cảm thấy phải có trách nhiệm với tất cả phương tiện qua lại đoạn sông Hậu này. Hễ thấy có chiếc nào chở khẳm lé đé, đi vào luồng nước chảy xiết là anh em vào tư thế sẵn sàng chiến đấu".

''Tư tù và'', kể lần ông cứu gia đình anh Hải, quê Bạc Liêu: "Khoảng 21h, nghe tiếng kêu cứu, tui vọt ghe ra giữa sông Hậu thì phát hiện một người đang ôm lấy khúc củi trôi. Theo lời kể tiếng được, tiếng mất của Hải, tui điều khiển ghe chạy ngược về vị trí chiếc ghe đã chìm cách đó cả cây số, quần quật tìm nhưng rốt cuộc chỉ vớt được xác đứa con còn kẹt trong ghe, còn xác vợ Hải phải 3 ngày sau…".

Một lần khác, vào khoảng 23 giờ, trăng sáng vằng vặc, ''Tư tù và'' chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng kêu cứu từ mặt sông. Ông nhào ra bến ghe, mở dây rồi nhanh chóng tiếp cận… nạn nhân. Đó là một bà cụ 82 tuổi, đang ôm… trái mít, run cầm cập. Phăng theo lời bà cụ, nhìn vào dòng nước, ông đoán chắc là 2 nạn nhân còn lại sau khi bị chìm ghe cũng đã trôi dạt xuống khu vực hàng đáy của ông nên lần ra miệng đáy gần giữa dòng, trải đáy. Quả đúng như thế. Một bà cụ và một cháu trai đã nằm gọn trong đáy, mình mẩy đã tím tái. Sau khi được hô hấp nhân tạo, hơ lửa, tỉnh dậy, bà cụ 62 tuổi kể, quê 3 bà cháu ở Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Do ghe chở mít, mận khẳm quá nên đến vàm Tắc Từ Tải thì không chịu được dòng nước chảy xiết…

Hơn chục năm trước, nhiều bà con thương hồ còn nghèo, phương tiện cũ kỹ nên thường tham chở hàng hóa càng nhiều càng tốt. Sông Hậu vốn dĩ hiền hòa nhưng mỗi khi trời nổi mưa giông, sóng to bất ngờ, nhiều phương tiện bỗng rất nhỏ bé trên mặt sóng, chẳng thể trở tay kịp… "Mình biết quy luật này nên kịp báo cho bà con. Tai họa đau lòng nhờ vậy cũng bớt đi nhiều"

Trở lại chuyện ông trở thành khắc tinh của bọn tội phạm, ''Tư tù và'' nói: "Truy bắt tội phạm cũng là cứu người". Nói rồi ''Tư tù và'' hướng dẫn tôi ra bến sông - nơi có chiếc ghe nhà và cái chòi nhỏ để ông đứng quan sát mặt sông. ''Tư tù và'' cầm cái tù và được chế bằng sừng trâu, lấy hơi, thổi một hồi trông rất sảng khoái. Ông quay qua giải thích thêm với tôi: "Cái tù và này từng là một trong những công cụ hỗ trợ bắt trộm cướp rất hiệu quả. Tui từng quy ước với anh em trong Đội rằng, hễ nghe 3 tiếng thổi dài là có trộm cướp còn khi nghe tui thổi 6 tiếng dài là đối tượng đã bị tóm. Lần băng trộm 6 - 7 đối tượng tấp ghe vào bến trộm máy ghe của ông Út Cồn cùng xóm, tui thổi tù và báo động. Thế là anh em bủa vây. Năm thằng lên ghe rồ ga vọt mất. Thằng còn lại chém vè vô đám lục bình nhưng rốt cuộc cũng bị tụi tui bao vây tóm, giao cho Công an".

Bây giờ, tín hiệu tù và được thay thế bằng cú bấm điện thoại di động, nhanh, tiện lợi mọi lúc, mọi nơi, nhưng ''Tư tù và'' cho biết, thỉnh thoảng, ông vẫn dùng tù và để báo động. Và những anh em gắn bó lâu năm với Đội như Tâm, Trung, Hai, Út Hiền, Mười, Trí,… cũng đã quen thuộc với tiếng tù và của Đội trưởng Tư Hài. 

Đứng đón gió từ mặt sông Hậu trên chiếc chòi canh, tôi bất ngờ  hỏi, sao tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước nhưng ông vẫn không ngại hiểm nguy, cứu người, chống tội phạm? ''Tư tù và'' cười khà, giọng đặc sệt nông dân miền Tây: "Học võ từ năm 6 tuổi à nghen. Tui từng làm võ sư Taekwondo và Judo (nhu đạo). Sông Hậu này, tui có thể lội được gần 2km và lặn sâu cả chục thước".

Tôi hỏi, khi lao vào việc nghĩa, ông có nghĩ đến chuyện được đáp đền, ''Tư tù và'' cười khà khà: "Mình làm từ cái tâm. Trên đời này, chẳng ai đi làm ơn rồi mong chờ để cho người ta trả ơn. Sống ở đâu cũng vậy, chùn bước, dửng dưng trước bao chuyện coi sao được!".

Thái Bình
.
.