Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân...

Thứ Năm, 13/08/2020, 15:37
Những ngày này, khi cả nước đang gồng sức cùng nhau chống dịch như chống giặc, cùng nhau chiến đấu và bằng mọi giá để chiến thắng được đại dịch COVID -19 thì hai tiếng “TỔ QUỐC” lại vang lên thật thiêng liêng.


Có thể nói, trong các giá trị tình cảm cơ bản nhất của mỗi con người, không bao giờ thiếu được tình yêu đất nước. Tình yêu đất nước bắt nguồn từ tình yêu mỗi gia đình, mỗi làng quê, yêu những thứ bé nhỏ đơn sơ như một dòng sông chảy trước cửa nhà, một cái cây mà ông bà cha mẹ đã trồng, cùng ta khôn lớn. Và mỗi khi Tổ quốc đứng trước những cơn lâm nguy thì lòng yêu nước càng trỗi dậy một cách nồng nàn, mãnh liệt. 

Nhìn lại lịch sử thi ca Việt Nam, có thể thấy thời kỳ nào cũng thấm đẫm những áng thơ yêu nước. Có tình yêu đối với Tổ quốc, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh vượt qua bao gian lao vất vả trong mọi cuộc chiến sinh tồn.

Vẻ đẹp nên thơ mà hùng vĩ của Tổ quốc Việt Nam. 

1. Từ thế kỷ XI, bài “Nam quốc sơn hà” bên bờ sông Như Nguyệt vẫn còn vang vọng qua ngàn năm để đến với chúng ta ngày hôm nay. Đó là bản tuyên ngôn đanh thép đầu tiên khẳng định chủ quyền độc lập tự do của dân tộc: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (bản dịch Trần Trọng Kim). 

Tiếp theo gần 4 thế kỷ sau, bản hùng văn “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi một lần nữa xuất hiện như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai, vừa thể hiện niềm tự hào sâu sắc về truyền thống hào hùng, vẻ vang, vừa tin tưởng lạc quan vào tương lai tươi sáng trường tồn của dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác (…) Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Càn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc” (Ngô Tất Tố dịch).

Cho đến thế kỷ XX, cụ thể là từ sau 1945, cảm hứng đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại lại trở lại dồi dào phong phú hơn bao giờ hết. Hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc giống như những sự thử lửa để hình tượng đất nước càng trở nên lộng lẫy trong thơ. 

“Đất nước” của Nguyễn Đình Thi có thể xem là thi phẩm đại diện đặc sắc nhất của thơ ca kháng chiến thời chống Pháp, dựng lên một tượng đài Tổ quốc anh hùng bất khuất, đứng lên trong đau thương để rồi rực rỡ chói ngời: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về (…) Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. 

Cũng vẫn là Nguyễn Đình Thi lại tiếp tục mang đến cho người đọc một tác phẩm nổi tiếng khác mang tên “Bài thơ Hắc Hải”. Hình tượng Tổ quốc lắng sâu hơn được diễn tả qua thể thơ lục bát mềm mại như lời ru của mẹ bên nôi: “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều…Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. 

Vẫn tiếp tục khơi gợi cảm hứng anh hùng bất khuất, đứng lên từ đau thương, nhưng lần này Nguyễn Đình Thi đã bổ sung thêm một nội dung quan trọng nữa, đó là sự bình dị, đời thường của những người anh hùng. Chúng ta bất đắc dĩ phải cầm súng cầm gươm khi quân thù kéo đến, chứ thực chất con người Việt Nam vốn hiền lành, yêu chuộng hòa bình, yêu thơ yêu nhạc, hầu như trong người Việt nào cũng tiềm tàng những tố chất nghệ sĩ: “Sống lãng mạn bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Đi trên mảnh đất này – Huy Cận).

2. Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc, cả dân tộc lại phải bước vào một cuộc kháng chiến tiếp theo cam go hơn, gian khổ hơn, phải chống lại một kẻ thù giàu mạnh hơn mình rất nhiều lần. Cả dân tộc cùng chung một con đường, một lý tưởng, một ước mơ khát vọng cháy bỏng là thống nhất đất nước, đánh đuổi hết quân thù ra khỏi bờ cõi giang sơn: “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/ Có Đảng ta đây có Bác Hồ” (Theo chân Bác – Tố Hữu). 

Những ngày ra trận đánh giặc là những ngày đẹp nhất, đầy tự hào thiêng liêng: “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?/ Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất/ Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng – Chế Lan Viên). 

Đã có biết bao câu thơ không ngần ngại nói đến cái chết, miêu tả cái chết. Nhưng những cái chết ấy sẽ làm nên sự bất tử cho Tổ quốc: “Ôi Tổ quốc ta yêu tha thiết/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Sao tháng 8 – Chế Lan Viên), “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng… Anh là chiến sĩ giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân). 

Chính Lê Anh Xuân, tác giả của những câu thơ lộng lẫy ấy cũng là một trong những thi sĩ đã mãi mãi nằm xuống trên chiến trường. Đã có biết bao nhà thơ không thể trở về qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Lí tưởng của cả một thế hệ thanh niên thời ấy, nhà thơ Nam Hà đã nói hộ chúng ta: “Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận cùng trời/ Và cho chân ta đi tới cuối đất/ Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi” (Nam Hà).

Vẻ đẹp trong lao động của người Việt.

Sau 1975, cảm hứng đất nước tiếp tục chảy tràn trong thơ những cây bút thuộc thế hệ chống Mỹ. Trường ca “Đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo xuất hiện vào đúng lúc cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Một trong những trích đoạn được phát đi phát lại nhiều lần nhất trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy là chương 10 “Mẹ sinh nhiều con trai”. 

Những câu thơ vang dội hồn thiêng sông núi đã góp phần thổi bùng hào khí của bao người lính trên đường ra trận: “Cái dải đất giống như nàng tiên múa/ Lại có hình ngọn lửa lúc cuồng phong/ Lịch sử thành văn trên mình ngựa/ Con trẻ mà mang áo giáp đồng/ Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu/ Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra/ Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo/ Tráng sĩ mà sao phải giữ nhà?.../ Mẹ ơi, từ bất kỳ điểm nào trên trái đất/ Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai/ Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”. 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong những ngày chiến tranh biên giới cũng viết những câu thơ lay động lòng người: “Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi/ Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu/ Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/ Mà môi cười tha thiết – Việt Nam ơi…” (Tôi không thể nào mang về cho em).

3. Sang những năm đầu của thế kỷ XXI, những cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X tiếp tục viết nên những bài thơ sâu nặng về tình yêu Tổ quốc. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trên chuyến bay từ Việt Nam sang châu Âu, khi nghe thời sự về tình hình biển Đông đã xúc động hoàn thành bài thơ “Tổ quốc gọi tên”. 

Bài thơ được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, một sự hưởng ứng của đông đảo công chúng yêu thơ và nhạc. Những câu thơ lời hát như muốn khẳng định, tuổi trẻ Việt Nam, mỗi con người Việt Nam chưa bao giờ thờ ơ khi Tổ quốc lâm nguy: “Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng/ Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố/ Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa/ Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình!”.

Và một bài thơ cuối cùng tôi muốn nhớ tới để khép lại bài viết này là sáng tác của một cây bút thuộc thế hệ 7X – họa sĩ Đinh Vũ Hoàng Nguyên (1975 - 2012). Anh tạm biệt cuộc đời vào đúng sinh nhật lần thứ 38, khi chưa kịp thấy tuyển tập của mình ra mắt bạn đọc. 

Một trong những bài thơ nổi tiếng của anh mang tên “Những huyết cầu Tổ quốc” với tứ thơ xúc động lòng người: Lòng yêu nước không chỉ có sẵn từ trong huyết quản mà đó còn là điều người cha phải dạy con mình từ thuở ấu thơ: “Một ngày, khi con nếm trên môi/ Con sẽ thấy máu mình vị mặn/ Bởi trong máu luôn có phần nước mắt/ Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương/ Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu/ Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ/ Để điều này lớn lên con hiểu/ Bây giờ, ba phải kể cùng con”.

TS. Đỗ Anh Vũ
.
.