“Yên sứ trình đồ tập” tập ký họa về một chuyến đi sứ

Thứ Hai, 01/08/2005, 16:16

Xã Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội) nổi tiếng với chợ vải và nghề làm thuốc gia truyền. Nhưng ít ai biết rằng Ninh Hiệp còn là một trong những ngôi làng cổ nhất Việt Nam. Ở đó lưu truyền những câu chuyện về vị Quan phó Ngự y Nguyễn Khắc Hoạt và tập bản đồ quý mang tên: "Yên sứ trình đồ tập" - một  tập đồ họa quý giá vẽ lại cuộc hành trình đi sứ ngày xưa.

Theo sử cũ của làng ghi lại, làng Nành (tên gọi cũ của Ninh Hiệp) có rất nhiều người học rộng, tài cao. Chỉ tính riêng triều Vua Tự Đức (từ năm 1848 đến 1881), Ninh Hiệp đã có hai quan Ngự y được vua rất mực tin dùng. Một người là Chánh Viện Thái y tên là Nguyễn Văn Toản và người kia là Quan phó Ngự y Nguyễn Khắc Hoạt. Cho đến bây giờ, người  làng Nành vẫn còn nhớ câu vè:

“Ngự y giữa chốn triều đường
Một làng chánh phó dễ thường mấy nơi”.

Quan phó Ngự y Nguyễn Khắc Hoạt nổi danh không chỉ vì tài năng mà còn về những câu chuyện huyền thoại. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Khắc để lại, ông có tên húy là Chấp, thường gọi là Bá Hoạt, hay Khắc Hoạt. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838) tức năm Minh Mệnh thứ 19, mất ngày 5/10 năm Quý Mão (1903) là năm Thành Thái thứ 15.

Thân phụ ông là một thầy thuốc giỏi trong vùng nhưng mất sớm, để lại 3 con nhỏ. Để nuôi được các con, mẹ ông đã phải lặn lội ngược xuôi khắp vùng Kinh Bắc chạy chợ, buôn bán. 20 tuổi, Nguyễn Khắc Hoạt thông thạo y lý được nhiều người dân trong vùng tìm đến xin chữa bệnh. Với dân nghèo, ông chỉ chữa bệnh làm phúc không lấy tiền, tiếng đồn lan khắp vùng.

Lúc ấy, Vua Tự Đức đã lấy rất nhiều vợ mà vẫn không có con. Vua cho mở các khoa thi về y học, đến các địa phương tìm thầy thuốc giỏi về kinh chữa bệnh cho mình. Đến khoa thi năm Kỷ Tỵ (1869) ông Nguyễn Khắc Hoạt tham gia thi và đỗ xuất sắc, được bổ nhiệm vào Viện Thái y làm Quan phó Ngự y.

Vua Tự Đức đã ban thưởng cho ông đồng tiền bằng bạc có dây đeo. Hiện nay, đồng bạc này vẫn được lưu giữ cẩn thận tại nhà thờ họ. Đồng tiền bạc có niên đại thời Tự Đức, gọi là “Tự Đức thông bảo” - (vật báu của Vua Tự Đức) mặt kia đề “Sử dân phú thọ” - (giúp dân giàu có và tăng tuổi thọ).

Những bức vẽ còn lưu lại trên giấy của cụ Phó Ngự y Nguyễn Khắc Hoạt.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Khắc Quýnh, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Khắc ở làng Nành, người đã bỏ nhiều công để nghiên cứu về dòng họ và được ông cho biết: Sau khi chữa khỏi bệnh cho vợ vua, cũng năm đó, Quan phó Ngự y được cử tham gia Đoàn sứ bộ đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Hành trình đi sứ kéo dài từ tháng 6/1876 đến hết năm 1878 và “Yên sứ trình đồ tập" (YSTĐT) - của ông đã được ra đời trong thời gian này. Đây là một tập tư liệu đồ họa, được ký họa và viết công phu, chi tiết thể hiện toàn bộ cuộc hành trình hàng ngàn dặm của sứ đoàn, qua rất nhiều địa danh khác nhau, những nơi sứ đoàn đã đi qua hoặc nghỉ lại.

Tập đồ họa này đã được lưu giữ từ rất lâu ở nhà thờ họ và cứ đến ngày giỗ Quan phó Ngự y lại được mang ra cho con cháu xem cùng những câu chuyện kể về cụ, sau đó lại được cất đi cẩn thận. Nhưng thật kỳ lạ, suốt một thời gian dài chưa có ai tìm hiểu xem nội dung của YSTĐT là gì? Và phải đến gần đây, những giá trị và nội dung của YSTĐT mới thật sự được con cháu của cụ để tâm nghiên cứu. Tất nhiên đó cũng chỉ là kết quả bước đầu.

Là quân nhân về hưu, năm nay đã gần 80 tuổi, ông Nguyễn Khắc Quýnh có hơn 20 năm nghiên cứu Hán Nôm và gia phả của dòng họ nhưng ông cũng chưa có điều kiện dịch hết tập đồ trình. Ông bảo trong nhà cũng biết đây là vật quý, nhưng chưa ai thấy hết giá trị. Ông Quýnh cho biết, trước đây đã lâu lắm rồi, nghe người nhà nói lại, khi ông còn đang công tác, có một cán bộ bảo tàng về làm giấy mượn chép lại cuốn đồ trình này để lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử. Nhưng 6 tháng vẫn chưa chép xong, phải quay lại làm giấy mượn mấy tháng nữa mới hoàn thành. Mấy chục năm đã qua, không thấy tin tức gì của nhà khoa học về cuốn YSTĐT nữa, hình như hiện nay bản sao của nó đang được lưu giữ tại một bảo tàng nào đó ở thủ đô...

Hành trình thiên lý của Sứ đoàn qua những bức vẽ

Vậy YSTĐT thực chất có giá trị như thế nào? Đích thân ông Quýnh đã đọc và từng mời một số chuyên gia Hán Nôm đánh giá, thì ra đây chính là những ghi chép đặc biệt về cuộc hành trình đi sứ nhà Thanh thời bấy giờ bằng đồ họa. Nhưng YSTĐT - như đã nói - là tập hành trình bằng đồ họa đi sứ nước Yên. Yên chỉ là một nước nhỏ ở Trung Quốc từ thời Chiến quốc, và là quê hương của danh tướng Trương Phi thời Tam quốc. Tại sao lại gọi là Yên sứ? Chúng tôi rất mong có thêm sự lý giải của các nhà khoa học để làm rõ hơn ý nghĩa của từ “Yên sứ” ở trong tập đồ trình này.

Theo thứ tự của tập đồ trình có ghi “năm Tự Đức thứ 28 (1876), tháng bảy, mùa thu đoàn sứ bộ khởi hành...”. Căn cứ vào những bức họa để lại thì cuộc hành trình bắt đầu từ Bắc thành - Hà Nội đi lên Lạng Sơn. Đoàn đi qua sông Nhị Hà (sông Hồng), sông Thiên Đức (sông Đuống). Qua ải Nam Quan (tức Hữu nghị Quan bây giờ).

Tập đồ họa ghi rõ, khi đến thành Lạng Sơn, đoàn Sứ bộ đã nghỉ lại đây để làm lễ tế trời đất (theo đúng nghi thức xưa), hôm sau mới vượt qua Nam Quan sang đất Trung Quốc là châu Thành - phủ Thái Bình (thuộc Quảng Đông ngày nay). Đoạn từ Hà Nội đến Châu Thành đi mất 5 ngày. Chuyến đi được chia thành nhiều chặng, qua phủ Thái Bình phải làm lễ tế sơn thần, hà bá. Đến sông Minh Giang (sông này chảy từ Lạng Sơn sang Trung Quốc - đó là sông Kỳ Cùng ở nước ta), Sứ đoàn không đi đường bộ nữa mà xuống thuyền đi theo đường thủy, từ đây núi bắt đầu trùng trùng điệp điệp, thuyền đi giữa hai bên sườn núi, cứ 10-15 dặm trên bờ sông lại có trạm gác, lính canh.

Hành trình tiếp tục qua phủ Nam Ninh, Quế Lâm, Tầm Châu, Ngô Châu và gặp rất nhiều sông như: A Nhĩ Giang, Bạch Sa Giang, Tương Giang... Qua Hồ Nam, Hồ Bắc, rồi lên bộ ở Hán Khẩu, qua phủ Khai Phong, vượt sông Hoàng Hà ở bến Mệnh Tân. Đường đến Bắc Kinh (trong đồ trình chú là Yên Kinh) vẫn còn xa nhưng  không còn núi non hiểm trở, trên đường đoàn gặp nhiều di tích lịch sử - danh nhân nổi tiếng của Trung Quốc như: mộ Tô Đông Pha (phủ Quảng Bình), thành Triệu Vương, bia Hán Quang Vũ, đền Tô Tần (Triệu Châu)... Qua phủ Chính Định vẫn còn một hành trình khá dài mới đến được kinh đô của nhà Thanh.

Đấy là lượt đi. Còn lượt về cũng gian nan không kém, khi thì đi bộ, khi đi thuyền. Lượt về từ Yên Kinh không đi đường cũ mà đi chếch sang phía tây một chút, đến Hán Khẩu mới xuống thuyền rồi theo đúng lộ trình ban đầu trở về Việt Nam. Tổng thời gian đi và về của Sứ đoàn mất hơn hai năm, đấy là chưa kể thời gian lưu lại Bắc Kinh làm việc, thăm thú. Trong thời gian lưu ở Bắc Kinh, sứ đoàn còn đi ngược lên phía Bắc một thời gian. Đến hết năm 1878, Sứ đoàn mới lên đường về Việt Nam.

Nguyên bản của tập đồ họa bằng son và mực tàu trên chất liệu giấy bản, rất ít lời chú. Bằng nét vẽ hết sức công phu, tinh tế nhưng phóng khoáng mà không ước lệ, tập đồ họa như một tác phẩm nghệ thuật sinh động. Nhìn thoáng qua tựa như là dư đồ, nhưng nhìn kỹ thì lại giống những bức tranh thủy mặc của Trung Quốc. Hiện nó đã mất trang bìa và trang đầu, còn lại gồm có 82 tờ, sau khi vẽ được gập đôi đóng thành quyển, tương đương với 164 trang với 150 bức vẽ. Để lưu giữ và tiện cho việc xem xét một cách khoa học, ông Quýnh đã cho phôtô và chụp lại những bức vẽ này để làm tài liệu dịch.

Chúng tôi được biết, hiện nay ở Việt Nam không còn lưu giữ được nhiều những bản đồ trình thể hiện hành trình đi sứ bằng đồ họa như YSTĐT. Điều này có cơ sở vì ngày xưa đi sứ triều đình không bắt buộc phải vẽ lại hành trình chuyến đi, hơn nữa không phải ai cũng có thể vẽ được...? Vì thế, YSTĐT là một trường hợp hy hữu, đặc biệt.

Theo thời gian, những giá trị của tập đồ trình này sẽ ngày càng lớn, nhất là về mặt lịch sử, địa lý. Điều ấy là hẳn nhiên, vì nó được vẽ rất chi tiết đến từng ngọn núi, nhánh sông, làng mạc; thể hiện dân cư nằm hai bên sông mấy chục dặm và được chú rất cẩn thận. Phần cuối có mấy trang nói về chế độ chính trị - quan lại nhà Thanh bấy giờ. Các địa danh phủ, huyện đều có phần chú ngắn nhưng khá đầy đủ.

Một điều lý thú, tác giả của YSTĐT không phải một nhà địa lý hay sử học, ông đơn thuần chỉ là Quan Ngự y - đi theo với nhiệm vụ chính là chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Sứ đoàn. Vì lý do gì, Quan phó Ngự y đã vẽ lại tập ký họa đặc biệt này, chắc hẳn, ông cũng muốn lưu lại cho con cháu đời sau những gì cha ông đã làm, đã trải qua trong sứ mệnh của những người đi sứ. Và không phải ai đi cũng được an toàn trở về.

Nếu được tận xem ông Quýnh giảng giải về tập đồ trình, ta sẽ  thấy những biến đổi về mặt lịch sử - địa lý khá cơ bản cả ở Trung Quốc và Việt Nam dù chỉ trong vòng hơn 100 năm qua.

Nhưng có lẽ những giá trị về nghệ thuật đồ họa trong YSTĐT là đáng để ta lưu ý hơn cả. Với 150 bức vẽ thật sự là những bức tranh nghệ thuật độc đáo, không có bức nào giống bức nào kể cả những chi tiết có tính ước lệ như thành, kiều (cầu), các đầu đao của nhiều tòa cung điện, núi non, sông, suối... Điển hình như bức vẽ về hồ Động Đình - một danh thắng nổi tiếng của Trung Quốc.

Bằng 150 bức họa nhưng đã đủ làm nên sự phong phú, đồ sộ cho YSTĐT và ở góc độ nào đó tập đồ trình này rất đáng để các nhà khoa học xã hội nghiên cứu, tìm hiểu như một tư liệu quý giá. Biết đâu trong đó còn ẩn chứa nhiều thông điệp bí ẩn khác mà hiện thời chưa được giải mã!?

Lê Mai Phương
.
.