Xung quanh tập bản thảo mới phát hiện của Gogol

Thứ Sáu, 01/05/2009, 09:00
Những ngày đầu tháng 4/2009, một doanh nhân tên là Timur Abdullaev, sống ở bang Florida, Mỹ đã vừa tuyên bố trước công luận về quyền sở hữu một tập bản thảo quý. Theo lời khẳng định của ông, đây là tập bản thảo hiếm hoi và đầy đủ nhất của năm chương đầu tập hai tiểu thuyết "Những linh hồn chết" của Gogol.

"Nhiều đoạn trong ấn phẩm hàn lâm thiếu hai, ba câu. Ví dụ như ở chương ba và chương năm. Chương năm nói chung là một chương rất quý hiếm, nó rất ít gặp ở bất cứ đâu" - Abdullaev nói.

Chủ nhân tập bản thảo cho biết, theo kết luận của Thư viện Quốc gia Nga mang tên Saltykov-Shchedrin, "bản thảo này có một ý nghĩa lịch sử - văn hóa lớn". Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, ông Aleksandr  Bukreev, Phó giám đốc Thư viện này lại nói rằng cơ quan ông chưa tiến hành giám định chính thức tập bản thảo.  "Quả thật, năm 1998 người ta có chuyển đến thư viện chúng tôi một tập bản thảo, và  theo khẳng định của các chủ sở hữu thì đó là bản sao chép tay năm chương đầu tiên của tập hai tiểu thuyết "Những linh hồn chết" của Nikolai Gogol. Vì thư viện không có ý định mua tập bản thảo này, nên nó chưa được giám định" - Ông Bukreev nói.

Như chúng ta biết, mấy tuần sau khi Gogol qua đời, người ta đã mở tủ của ông và phát hiện trong đó một số tác phẩm, cụ thể là bản thảo năm chương của tập hai "Những linh hồn chết". Chúng đã được chủ xuất bản Nga Stepan Shevyrev mang về và công bố. "Có lẽ, ở Mỹ người ta phát hiện ra một trong năm bản sao chép do một người nào đó ở nhà xuất bản thực hiện - Viện sĩ Yury Man phỏng đoán - Những bản sao chép tay này có nguồn gốc từ nguyên bản, nhưng nguyên bản lại là chuyện khác". Sự khác nhau của văn bản trong bản thảo và trong các ấn phẩm hàn lâm, theo Yury Man là chuyện hoàn toàn hợp lý, vì người chép tay có thể sửa đổi điều gì đó.

Doanh nhân Abdullaev thông báo rằng "Tập bản thảo đã được giám định hai lần ở Nga, vào năm 1998 và 2001". Đồng thời, các chuyên gia thuộc Phòng Bảo quản và Phục chế văn bản thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cũng xác nhận: Thành phần giấy và mực chứng minh rằng bản thảo này có thể được thực hiện vào giữa thế kỷ XIX. Vẫn theo Abdullaev, trong những năm cuối đời, Gogol hiếm khi viết tay. Ông thường đọc cho người khác viết. Chính vì vậy trong cuốn sách có bốn, thậm chí năm nét chữ thuộc về những người khác nhau, chứ không phải của Gogol.

Abdullaev được thừa kế tập bản thảo này từ góa phụ của một người bà con xa, nhà sưu tầm Vilorik Averbakh. Trước đó, bản sao chép này đã qua tay nhiều nhà sưu tầm, trong đó có diễn viên nổi tiếng Smirnov-Sokolsky. Năm 2003, Abdullaev đã chuyển tập bản thảo này tới nhà đấu giá Christie's để thẩm định. Theo ông, nhà đấu giá đã đề nghị định giá ban đầu của tập bản thảo này khoảng vài trăm ngàn bảng Anh. "Người ta cũng không nêu giá cụ thể hơn, vì tôi không tỏ ra mặn mà lắm với việc bán tập bản thảo".

Dù sao chăng nữa, các cơ quan hữu quan của Ukraina cũng đã bày tỏ ý định mua tập bản thảo này. Theo Abdullaev, ông đã mấy lần nhận được điện thoại từ Kiev với lời đề nghị bán tập bản thảo, nhưng họ chưa bao giờ ra giá cụ thể. "Tôi cũng không quan tâm nhiều tới việc mua bán. Nhưng sẽ hợp lý hơn, nếu hiện vật quý hiếm này được trở về nước Nga. Tôi không phải là nhà tài phiệt nên không thể tặng, nhưng về nguyên tắc một khi đã nói tới việc mua bán thì giá cả phải hợp lý" - Nhà sưu tầm nói.

Khi được hỏi tại sao đến tận bây giờ mới quyết định thông báo về sự may mắn của mình, chủ sở hữu tập bản thảo trả lời rằng ông muốn chờ đợi sự kiện 200 năm ngày sinh của Gogol (1809-2009)

Trần Thanh Hằng
.
.