Xuất xứ phản nghĩa của từ "bị cắm sừng"

Thứ Ba, 05/07/2016, 08:06
Trong tiếng Italia, từ dễ làm người ta tự ái nhất là "Đồ bị cắm sừng!", hay "Đồ mọc sừng!" cũng vậy. Đó là "nỗi bất hạnh gia đình lớn nhất" như người Italia vẫn khẳng định. Ngay cả những cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt nhất cũng không có ngôn từ nào thậm tệ hơn, ám chỉ người trọng tài thiên vị hay cầu thủ bán độ khiến đội anh ta bị thua. 

Riêng ở Pháp, mọi người chấp nhận từ này một cách "ôn hòa" hơn, thậm chí có cả Thánh Jancu - vị thần hộ mệnh cho những ai bị cắm sừng. Còn tại Bỉ, một nhà hài kịch lừng danh trong lịch sử từng viết vở "Người mang sừng vĩ đại" nữa…

Nhưng những ý nghĩa phản diện của từ này đã có từ thời Trung cổ, bởi thời cổ từ này được dùng như một chức danh được trọng vọng. "Người mang sừng" như nhiều nhà ngôn ngữ học khẳng định là một trong nhiều từ ngữ cố hữu đang đi vào "khủng hoảng", suy sụp và phản lệch nghĩa.

Từ xa xưa các thần linh được tái hiện qua các tranh vẽ đầu mang sừng, biểu hiện của thứ sức mạnh toàn năng cùng thanh danh vốn có. Nhà thơ La Mã Albius Tibullus (55-19 T.CN) mô tả Thần Dionysus - vị thần của rượu vang - có sừng vì đã đem rượu vang tới làm tăng thêm sức mạnh cho đàn ông; thậm chí rượu vang khiến người nghèo cũng "mọc sừng", bởi đã mang lại cho họ sức mạnh rực lửa và lòng dũng cảm.

Lễ hội hóa trang ở Đức mô tả phục sức của binh lính thời cổ.

Binh lính Anh và Đức thời cổ còn trang điểm thêm sừng súc vật trên mũ chiến của mình, như là biểu tượng của lòng gan dạ khiến quân thù khiếp đảm. Năm 332 T.CN, khi Alexandros Đại đế tiến vào Ai Cập, liền được phong tặng danh hiệu "Con trai của Thần gió Amun" - chức tước chỉ dành cho các vị vua pharaoh bản địa với chiếc sừng cừu ngạo nghễ trên đầu.

Còn đức Vua Pyrros (319-272 T.CN) nổi tiếng của người Hy Lạp đội vương miện có cắm sừng dê, thể hiện xuất xứ thánh thần của mình cũng như tài năng quân sự thao lược. Dưới thời La Mã cổ đại, từ "cắm sừng" còn được đặt thành tên riêng cho nhiều thành viên của những dòng họ danh giá, đó chính là cái tên "Cornuto" (sừng) phổ biến một thời.

Nhưng tại sao một từ vinh hiển như vậy trong quá khứ lại "rơi xuống với giá trị thấp hèn" như vậy, phản nghĩa thành câu dễ làm người ta nổi giận nhất?

Vấn đề khúc mắc đã được lịch sử giải thích thỏa đáng. Ý nghĩa xấu xa của cái câu "bị cắm sừng" khởi đầu liên quan tới Hoàng đế Andronikos I Komnenos (1118-1185) của Đế chế Byzantine, trị vì trong một thời gian ngắn từ năm 1183 đến lúc băng hà. Ông vốn nổi tiếng là một kẻ "cứng đầu", khi Vua Manuel I Komnenos (1118-1180) anh họ ông đang cầm quyền, Andronikos đã bị giam 9 năm tù vì âm mưu phản loạn. Tới năm 1164 Andronikos vượt ngục thoát và tới trốn ở Kiev (Ukraine ngày nay), rồi tiếp tục mưu mô với giới tù trưởng địa phương chống lại Đế chế Byzantine.

Để không khoét sâu thêm vấn đề, Đức Vua Manuel I Komnenos đã rộng lòng tha thứ, thậm chí còn phong chức Cao ủy xứ Sicily cho người em họ ngỗ ngược. Nhưng Andronikos đâu có chịu "yên vị" tại đó được, bỏ bê vợ con ở Sicily rồi mò đến Antiohia (Syria) quan hệ với Công chúa Philippa De Patie…

Sau đó Andronikos tiến hành bắt cóc người tình mới Yolande - góa phụ của lãnh chúa xứ Hainault Baldwin III (1088-1120) - ở Damascus. Rồi thì cùng tình nhân và 2 đứa con riêng của bà ta trở về kinh đô Constantinople, dàn hòa với người anh họ và trở thành lãnh chúa vùng Sinop ven bờ biển Đen thuộc Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Đến cuối tháng 9-1180, khi Vua Manuel I Komnenos băng hà, Andronikos trở thành vị quân sư của nhà vua trẻ tuổi mới Alexios II Komnenos (1169-1183) - chỉ đương quyền trong 3 năm (từ 1180 - 1183), rồi ngấm ngầm thực hiện âm mưu giết vị hoàng đế trẻ này, cướp ngôi và lấy Hoàng hậu Agnes vợ của Alexios II cũng là con gái Vua Pháp Louis VII (1120-1180) làm vợ.

Tuy chỉ đương quyền trong thời gian 2 năm, nhưng Andronikos I Komnenos đã cai trị dân chúng bằng những biện pháp tàn khốc, trả thù một cách man rợ với những người chống đối cũ và rất có "biệt tài" chinh phục phụ nữ một cách dâm loạn. Thường tống chồng các cô nhân tình vào ngục để dễ bề thỏa chí dục vọng; còn trước cửa nhà họ - nằm rải rác khắp nơi trong các thị tứ thuộc Đế chế Byzantine rộng bao la - đặt những cái đầu hươu nai, hoặc thủ cấp động vật có sừng khác mà nhà vua kiếm được trong những dịp đi săn.

Từ đó xuất hiện câu "để người ta cắm sừng lên đầu mình" - đồng nghĩa với những nỗi bất hạnh mà các đức ông chồng kia phải gánh chịu. Tới năm 1185, binh lính người Sicily trong đạo quân của Vua Anh Henry Đệ nhị (1133-1189) đánh chiếm Salonica (nay là Thessaloniki thuộc Hy Lạp, hải cảng trọng yếu trong Đế chế Byzantine) hôm 25-8, để trừng phạt đường lối thù nghịch của Andronikos I Komnenos với Vương quốc Sicily mới giành được độc lập.

Câu chuyện "cắm sừng" được  họ  đem  về  Sicily, rồi qua Italia lan truyền ra khắp châu Âu. Salonica - thành phố thường được Andronikos I Komnenos rêu rao là "Pháo đài bất khả xâm phạm" - chỉ chống chọi được sau 9 ngày giao tranh, đã hạ bệ cái uy danh khủng khiếp của vị đương kim Hoàng đế. Khi tin Salonica thất thủ lan tới kinh thành Constantinople, quần chúng liền hò nhau tự nổi dậy lật đổ ách áp bức bạo tàn.

Về phần Vua Andronikos I Komnenos tìm cách chạy trốn nhưng không thoát. Rồi ông ta bị bắt, bị hành hạ với các nhục hình như nhổ răng, nhổ tóc, móc lòi một bên mắt, chặt đứt một cánh tay… và chết ngày 12-9-1185. Hiển nhiên có rất nhiều người "bị cắm sừng" đã tham gia vào việc hành hạ bức tử nhà vua…

Kim Dung
.
.