Vở kịch "Đại đội trưởng của tôi" và chuyện kể của một vị tướng

Thứ Ba, 30/12/2008, 15:30
Kịch tác gia Đào Hồng Cẩm, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu và một số người lính nữa mắc võng nằm quây quần bên nhau. Những người lính kể chuyện đánh đấm, họ kể rất tự nhiên. Kịch tác gia thấy họ kể chuyện nào cũng hay, thỉnh thoảng ông lại nhổm dậy bật đèn pin ghi chép những tình tiết đắt. Chỉ riêng chuyện về Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cũng đủ tràn ngập bộ nhớ của kịch tác gia.

Sau Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng chiến trường Bình Trị Thiên bước vào giai đoạn khó khăn, nhất là hai năm 1969, 1970. Nhiều đơn vị phải rút về "cứ" ở rừng trên dãy Trường Sơn để củng cố, bổ sung lực lượng. Trong số những đơn vị ấy có Trung đoàn 27 (còn có tên là Trung đoàn Đỏ Nghệ An hoặc Trung đoàn Phan Rang).

Các đơn vị tân binh huấn luyện từ ngoài Bắc gấp rút hành quân vào Trường Sơn. Đi cùng những đoàn quân ấy có Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị do kịch tác gia Đào Hồng Cẩm dẫn đầu.

Khi vào đến cánh rừng phía tây tỉnh Quảng Trị, nghe tin ở Trung đoàn 27 có một đại đội trưởng trẻ tuổi chiến đấu và chỉ huy chiến đấu rất giỏi, rất dũng cảm, Đào Hồng Cẩm sốt sắng muốn tìm gặp. Ông cho Đoàn Văn công dừng chân nghỉ tại binh trạm rồi đề nghị mặt trận B5 chỉ cho nơi trú quân của đại đội có người đại đội trưởng nổi tiếng nọ.

Khi Đào Hồng Cẩm tìm gặp được người đại đội trưởng ấy, tên anh là Nguyễn Huy Hiệu, ông không ngờ anh lại trẻ thế, mới ngoài hai mươi tuổi. Nhất là khi Nguyễn Huy Hiệu cất lên tiếng nói thì Đào Hồng Cẩm đã không sao giấu được niềm xúc động. Rõ ràng là giọng của người Hải Hậu - Nam Định, không lẫn vào đâu được. Hỏi, thì ra Nguyễn Huy Hiệu quê ở xã Hải Long, liền kề với xã Hải Phú của Đào Hồng Cẩm. Vậy là hai người lính, một già một trẻ ôm chầm lấy nhau mà hoan hỷ.

Nguyễn Huy Hiệu vốn yêu thích sân khấu. Anh đã từng xem vở "Chị Nhàn", xem phim "Nổi gió" dựng theo kịch bản của Đào Hồng Cẩm. Những năm Nguyễn Huy Hiệu học phổ thông, trong phần văn học cách mạng, thầy giáo đã ít nhất một lần nói về các tác phẩm của Đào Hồng Cẩm với một tình cảm trìu mến.

Nguyễn Huy Hiệu cứ mường tượng người viết được những tác phẩm nổi tiếng như thế hẳn phải là một con người rất khác thường. Nhưng bây giờ gặp Đào Hồng Cẩm ngay giữa rừng Trường Sơn, anh thấy ông thật giản dị, dễ gần trong bộ đồ quân phục và chiếc mũ tai bèo màu xanh quân giải phóng, gương mặt ông cũng gầy gò, xanh xao vì sốt rét rừng như bao người lính khác từng ở chiến trường. Anh càng thấy quý trọng ông hơn.

Sau giây phút hoan hỷ, Đào Hồng Cẩm nới lỏng vòng tay, nghiêng đầu bên nọ, nghiêng cổ bên kia ngắm nghía anh chàng đại đội trưởng đẹp trai, rắn rỏi, nhanh nhẹn, trái tim ông dâng lên một tình cảm yêu thương và cảm phục. Ông liền tuyên bố, tối nay Đoàn Văn công của ông sẽ chỉ biểu diễn phục vụ riêng cho đại đội của Nguyễn Huy Hiệu!

Nguyễn Huy Hiệu cũng ngay lập tức đáp lại tấm lòng của kịch tác gia đồng hương. Anh bảo lính vào rừng kiếm thật nhiều rau môn thục, rau diếp cá, măng... đem về. Rau môn thục và măng thì nấu canh thịt hộp, diếp cá thì ăn sống. Thịt hộp, cà phê hộp, thuốc lá rubi... toàn là hàng chiến lợi phẩm đại đội anh mới thu được của tụi Mỹ. Họ làm một "tiệc" chiêu đãi kịch tác gia và toàn Đoàn Văn công khá thịnh soạn. Đào Hồng Cẩm cũng móc từ balô ra những bao thuốc Thu Bồn, Tam Đảo, thuốc lào Tiên Lãng mà ông mang theo từ ngoài Bắc, chiêu đãi cán bộ, chiến sĩ đại đội.

Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên trái) và đồng đội tại Cam Lộ, Quảng Trị (tháng 4/1970).

Tối hôm ấy, máy bay B52 oanh tạc dữ quá, chốc chốc lại có loạt bom tọa độ và pháo bầy dội xuống gần nơi trú quân. Lũ thám báo trong cánh rừng này cũng không phải là hiếm, đại đội phải xé lẻ ra làm nhiều tốp, tốp này xem văn công thì tốp kia canh gác khu vực đóng quân. Đoàn Văn công biểu diễn vài ba "tăng" liên tục, ai cũng thấm mệt, nhưng niềm cảm kích trước thành tích chiến đấu và hy sinh của bộ đội khiến họ diễn kịch, ca hát, ngâm thơ, độc tấu... vẫn tràn đầy niềm đắm say.

Kết thúc đêm diễn, văn công và bộ đội lại tiếp tục giao lưu, liên hoan bằng lương khô, nước suối. Các diễn viên nữ được anh em trong đại đội rất chiều chuộng, họ thay nhau xuống suối lấy nước về cho chị em tắm giặt. Họ nhường hầm cho chị em ngủ. Còn họ thì mắc võng nằm bên trên thay nhau canh gác cho phái đẹp ngon giấc.

Kịch tác gia Đào Hồng Cẩm, Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu và một số người lính nữa mắc võng nằm quây quần bên nhau. Những người lính kể chuyện đánh đấm, họ kể rất tự nhiên. Kịch tác gia thấy họ kể chuyện nào cũng hay, thỉnh thoảng ông lại nhổm dậy bật đèn pin ghi chép những tình tiết đắt. Chỉ riêng chuyện về Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu cũng đủ tràn ngập bộ nhớ của kịch tác gia.

Đào Hồng Cẩm sinh năm 1924, Nguyễn Huy Hiệu sinh năm 1947. Khoảng cách 23 năm có thể coi nhau như cha - con, nhưng đêm ấy họ nhận nhau là anh - em kết nghĩa. Trước khi thả mình vào giấc ngủ, Đào Hồng Cẩm hứa sẽ sáng tác một vở kịch mà ông dùng chất liệu từ những câu chuyện của những người lính đêm nay.

Năm 1974, vở "Đại đội trưởng của tôi" của kịch tác gia Đào Hồng Cẩm được dàn dựng, công diễn. Thời điểm ấy, Nguyễn Huy Hiệu đã đề bạt Trung đoàn trưởng, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, rồi anh ra Bắc học thêm văn hóa.

Khi xem đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị biểu diễn vở "Đại đội trưởng của tôi", Nguyễn Huy Hiệu nhận thấy, tuy cốt truyện của vở do tác giả hư cấu, sáng tạo ra, về thời gian, địa điểm trong tác phẩm cũng có xê dịch so với thời gian, địa điểm ngoài đời, nhưng có rất nhiều tình tiết ông lấy "chất liệu" từ đại đội anh. Nhất là hình tượng người đại đội trưởng trong vở có nhiều nét tương đồng với cuộc đời thật của Nguyễn Huy Hiệu.

Chuyện giữ cái chốt có tính "yết hầu" của mặt trận; chuyện vượt sông; chuyện máy bộ đàm bị hỏng đại đội mất liên lạc với chỉ huy cấp trên; chuyện lính tráng từ trên chốt về thèm một bữa rau muống, một bữa tắm hả hê; chuyện người lính bị thương đang ở quân y viện chưa kịp mổ mảnh đạn đã trốn viện về giữ chốt cùng đồng đội; chuyện một người lính bị đạn pháo nổ gần làm điếc tai; chuyện một người lính sợ những giọt nước mắt của người mẹ hơn là sợ sự nổi giận lôi đình của người cha; chuyện bắt sống lũ thám báo... diễn ra trong vở "Đại đội trưởng của tôi" thì cũng là chuyện thật ngoài đời của những người lính trong đại đội do Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy.

Riêng Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã được kịch tác gia Đào Hồng Cẩm sử dụng rất nhiều tình tiết thật trong tính cách và hành động của anh để xây dựng nhân vật Lê Viết Thục trong tác phẩm.

Trong vở, nhân vật đại đội trưởng cũ có tên là Hùng, vốn thông minh, dũng cảm, chỉ huy chiến đấu giỏi, nhưng trong một lần bị mất liên lạc với chỉ huy trung đoàn, lại đúng vào dịp ta và bên đối phương ký Hiệp định Pari 1973, Hùng cứ ngỡ bên đối phương cũng thi hành nghiêm Hiệp định như bên ta liền ra lệnh cho lính rút quân khỏi chốt, cái chốt giáp ranh giữa vùng ta kiểm soát với vùng địch chiếm đóng.

Hùng là con trai sư trưởng Quỳnh Để giữ nghiêm kỷ luật quân đội và cũng nhằm rèn luyện bản lĩnh của con trai, sư trưởng Quỳnh đã ký quyết định cách chức đại đội trưởng của con, đưa anh ta xuống làm lính trơn. Ông bổ nhiệm Lê Viết Thục từ tiểu đội trưởng liên lạc, vượt qua chức trung đội phó, lên thẳng chức trung đội trưởng. Tình tiết này Đào Hồng Cẩm lấy chuyện thật ngoài đời của Nguyễn Huy Hiệu.

Sau này, người ta còn đồn đại Nguyễn Huy Hiệu từ chức tiểu đội trưởng liên lạc được lên thẳng chức đại đội trưởng là không phải. Sau khi lên chức trung đội trưởng, Nguyễn Huy Hiệu phải đưa quân lên chiếm giữ lại chốt, đẩy địch vào thế thụ động và tiêu diệt chúng rồi mới được đề bạt chức đại đội phó, quyền đại đội trưởng. Trong tác phẩm "Đại đội trưởng của tôi", Đào Hồng Cẩm cũng mô tả Lê Viết Thục y chang như thế.

Về cách chỉ huy chiến đấu của nhân vật đại đội trưởng Lê Viết Thục cũng chính là cách chỉ huy chiến đấu của Nguyễn Huy Hiệu… linh hoạt, táo bạo, nhanh nhạy, hiệu quả, hạn chế tối đa thương vong. Chuyện Lê Viết Thục bị thương khá nặng bên vai và cánh tay nhưng anh giấu chiến sĩ, tiếp tục vừa nén những cơn đau vừa chỉ huy chiến đấu cho đến lúc trận đánh kết thúc, cũng là chuyện thật của Nguyễn Huy Hiệu.

Còn nhiều nữa những tương đồng, những trùng khớp giữa nhân vật Lê Viết Thục và nhân vật bằng xương bằng thịt ngoài đời Nguyễn Huy Hiệu. Có thể nói, tính cách của Đại đội trưởng Lê Viết Thục như một phiên bản tính cách Nguyễn Huy Hiệu ngoài đời.

"Đại đội trưởng của tôi" trở thành vở kịch nổi tiếng nhất của Đào Hồng Cẩm. Đây cũng là tác phẩm quan trọng nhất đưa ông đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Giờ đây, kịch tác gia Đào Hồng Cẩm đã về cõi vĩnh hằng. Còn Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã là Uỷ viên Trung ương Đảng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Mỗi khi nhớ lại và nhắc đến ông, Nguyễn Huy Hiệu vẫn thầm biết ơn ông và những vở kịch của ông đã cho anh những nguồn lực tinh thần dồi dào, giúp anh vững vàng trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu; đã củng cố thêm cho anh tình yêu bất diệt đối với nghệ thuật sân khấu và văn học

Thị trấn Liễu Đề, mùa đông 2008

Lê Hoài Nam
.
.