Vĩnh biệt sầu nữ Út Bạch Lan

Thứ Sáu, 11/11/2016, 18:20
Đầu năm 2016, NSƯT Út Bạch Lan được bác sĩ phát hiện trong gan có khối u. Sau khi được đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tích cực điều trị, sức khỏe của bà có tiến triển tốt. Bà tiếp tục tham gia công tác từ thiện - công việc mà bà gắn bó gần 30 năm qua - với các thành viên trong nhóm Hoa Lan Trắng do bà sáng lập. Thế nhưng, vì tuổi cao sức yếu, bà không đủ sức chống chọi với bệnh tật, đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào lúc 22h50 ngày 4-11-2016.


Người thân, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã tỏ lòng tiếc thương vô hạn với người nghệ sĩ vừa quá cố. NSƯT Diệu Hiền - Đệ nhất đào võ của sân khấu cải lương ngậm ngùi nói: “Đối với tôi, chị Hai Út Bạch Lan vừa là thần tượng, vừa là người dẫn dắt tôi tham gia công tác từ thiện. Nay chị mất rồi làm tôi rất nhớ! Nhớ lắm những kỷ niệm mà hai chị em chúng tôi cùng các em cháu trong nhóm Hoa Lan Trắng đi diễn ở các chùa”.

NSƯT Mỹ Châu (đồng hương của sầu nữ Út Bạch Lan) chia sẻ: “Giữa năm 2016, tôi nhờ nhà báo Thanh Hiệp chở đến nhà thăm chị Hai Út Bạch Lan. Chị ôm hôn tôi, nhưng không ngờ đó là nụ hôn cuối cùng và vĩnh biệt. Tôi vô cùng đau khổ vì trước đây tôi đã mất mẹ, mất anh, mất chị, mất chồng; nay lại mất đi người chị đáng kính trong nghề - một bậc thầy, một người ân đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu bước chân vào nghề hát”.

Là đứa con tinh thần và có nhiều năm diễn chung với NSƯT Út Bạch Lan ở nhóm Hoa Lan Trắng, nghệ sĩ Thanh Sử bồi hồi tâm sự: “Tình thương của mẹ Út Bạch Lan dành cho tôi rất nhiều. Mẹ dạy tôi đủ điều, từ nghề nghiệp cho đến cách sống ở đời. Tôi thương mẹ ở tấm lòng nhân hậu, bao dung. Ngày 19/11/2016 tới đây, những tưởng hai mẹ con có dịp hát chung trong chương trình văn nghệ gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo ở huyện Tân Trụ (Long An), nhưng không ngờ… mẹ ra đi đột ngột, khiến tôi hụt hẫng”.

Sầu nữ Út Bạch Lan (ngoài cùng bên trái) và NSND Kim Cương.

Từ Bình Dương, vợ chồng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Ngọc Phú - Cao Thị Thắng chạy xuống thắp hương cho sầu nữ cải lương và bày tỏ: “Chúng tôi rất kính trọng NSƯT ÚT Bạch Lan không chỉ vì tài năng, mà còn đức độ của bà nữa. Bà sống rất giản dị, biết yêu thương và quý trọng mọi người. Bà là một nghệ sĩ giàu lòng yêu nghề và luôn nhiệt huyết với sân khấu cải lương”.

Và còn rất nhiều…rất nhiều những nỗi niềm, những tình cảm “đặc biệt” của mọi người dành cho nghệ sĩ gạo cội của cải lương Việt Nam.

Tuổi thơ cơ cực

Bà sinh năm 1935 trong một gia đình nghèo ở xã Lộc Giang, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An. Hồi nhỏ, vì khó nuôi, Ðặng Thị Hai (tên thật của bà) được một gia đình người quen nhận làm con đỡ đầu. Gia đình này đông con nên thường gọi bà là bé Út hoặc Út Lùn vì bà có vóc người nhỏ nhắn. Năm 1945, cha mẹ xa nhau, bé Út theo mẹ rời quê hương Lộc Giang xuống Chợ Lớn (Sài Gòn) lập nghiệp. Hằng ngày, bà mẹ đi làm thuê, còn bé Út thì ai sai gì làm nấy để được cho tiền.

 Cùng “cư ngụ” trong chợ Bình Tây lúc bấy giờ có thêm hai mẹ con của danh cầm Văn Vĩ. Do cùng cảnh ngộ, hai bà mẹ kết nghĩa chị em, bé Út và Văn Vĩ thương nhau như anh em ruột thịt. Vốn biết ca vọng cổ, còn Văn Vĩ là tay đờn điêu luyện, bé Út nảy ra sáng kiến rủ anh Văn Vĩ đi hát rong kiếm tiền nuôi mẹ.

Khi giọng ca của bé Út cất lên cùng với tiếng đàn guitar phím lõm “mùi mẫn” của danh cầm Văn Vĩ, người đi đường dừng lại lắng nghe và cho tiền rất nhiều. Một ngày nọ, có một ông già tốt bụng ở gần chợ Bàu Sen (Quận 5) cho hai anh em mượn chỗ dạy đờn ca. Chẳng bao lâu, lớp dạy đờn ca vọng cổ của Văn Vĩ và bé Út thu nhận gần 30 học trò cùng lứa tuổi.

Tiếng lành đồn xa, nghệ sĩ Năm Cần Thơ - danh ca cổ nhạc của Đài Phát thanh Pháp Á thời bấy giờ tìm đến và dẫn hai anh em về Đài thu âm bài vọng cổ “Trọng Thủy - Mỵ Châu” và được ký luôn hợp đồng làm việc cho Đài. Chính danh ca Thành Công gợi ý đặt nghệ danh cho bé Út là Bạch Lan, nhưng bà xin phép lót thêm chữ “Út” (tên thường gọi) thành Út Bạch Lan. Năm ấy, bà mới 12, 13 tuổi.

Nổi danh nhờ giọng ca bi ai, não nuột

Bước vào nghiệp cầm ca, NSƯT Út Bạch Lan nhanh chóng nổi danh nhờ giọng ca bi ai, não nuột. Song song với công việc thu âm cho Đài phát thanh, năm 1952, bà bắt đầu theo chân đoàn hát cải lương. Đầu tiên là gánh Kim Khánh của ông bầu Cang với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Kim Nên,Thu Ba, Hồng Vân, Ngọc An; sau đó, bà chuyển qua gánh Tơ Huệ, rồi về cộng tác với gánh Kim Thanh do bốn “ngôi sao cải lương” thời ấy là các nghệ sĩ: Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng và Thúy Nga làm bầu gánh.

Tại đây, bà được soạn giả Viễn Châu viết thêm hai câu vọng cổ trong hai vở tuồng “Đời cô Nga” và “Tình vương hoa thắm” theo kiểu “đo ni đóng giày”. Nhờ hai câu vọng cổ này, danh tiếng của Út Bạch Lan ngày càng vang xa hơn.

Cuối năm 1955, Út Bạch Lan chuyển qua gánh Thanh Minh của bà bầu Thơ, đóng vai đào thương và thành công trong các vở tuồng: “Biên Thùy nổi sóng”, “Cung đàn trên sông lạnh”, “Người đẹp Bạch Hoa Thôn”, “Hoa Mộc Lan”, “Sơn nữ Phà Ca”… Năm 1958, bà về gánh Kim Chưởng làm đào chánh trong các vở: “Chưa tắt lửa lòng”, “Bên đồi trăng cũ”, “Thuyền ra cửa biển”, “Áo trắng nàng Mộng Trinh”, “Nửa bản tình ca”,…

Đây là giai đoạn mà báo giới kịch trường tôn tặng bà nhiều danh hiệu như: “Nữ hoàng vọng cổ”,“Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng sầu mộng”, “Sầu nữ Út Bạch Lan”, “Vương nữ sương chiều”…

Bà thích nhất mỹ danh “Sầu nữ” vì cuộc đời bà chuyện buồn nhiều hơn vui. Trên sân khấu thì chuyên ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật nhiều với nhân vật của mình. Ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc đã bình luận về bà như vậy trong một bài viết có nhan đề “Sầu nữ Út Bạch Lan” trong thập niên 60 của thế kỷ trước.

NSƯT Út Bạch Lan.

Năm 1961, bà lập gánh “Út Bạch Lan - Thành Được”, tiếp tục được người trong giới và khán giả mến mộ qua các vở: “Khi rừng mới sang thu”, “Khi hoa anh đào nở”,… Sau đó, bà về hát đào chánh cho gánh Thanh Minh - Thanh Nga. Đặc biệt, giai đoạn này, NSƯT Út Bạch Lan tạo “dấu ấn” sâu đậm trong lòng người ái mộ với bài vọng cổ “Hoa Lan trắng” nói về cuộc đời của bà, do cố soạn giả Viễn Châu viết riêng cho “Đệ nhất đào thương”.

Thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, không chỉ biểu diễn, bà còn tham gia hội đồng nghệ thuật ở đoàn Cải lương Sài Gòn 1, Long An 2 và CLB Cải lương thuộc Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó,vì tuổi cao sức yếu, bà tạm ngưng tham gia đoàn hát và hoạt động nghệ thuật tự do cho đến ngày nhắm mắt.

Sự ra đi của NSƯT Út Bạch Lan là một mất mát không sao bù đắp được cho gia đình và sân khấu cải lương. Bà là một nghệ sĩ mà cả cuộc đời luôn tâm huyết và có nhiều đóng góp đáng kể cho di sản nghệ thuật sân khấu truyền thống của miền Nam.

Người trong giới và khán giả mộ điệu sẽ mãi còn nhớ đến bà. Nhớ đến “huyền thoại” cải lương Út Bạch Lan vì những vai diễn dạt dào cảm xúc trong các vở tuồng: “Tấm lòng của biển”, “Con gái chị Hằng”, “Thuyền ra cửa biển”, “Nửa đời hương phấn”,... Nhớ giọng ca ngọt ngào, mang đậm chất bi ai của một người nghệ sĩ tài hoa. Ngoài chất giọng thiên phú bẩm sinh, nghệ thuật ca vọng cổ của “sầu nữ cải lương” vô cùng độc đáo.

Bà ca như nói, đặc biệt, kỹ thuật nhấn dấu “sắc lửng” rất hay, vút lên rồi nhẹ nhàng rơi rơi như chiếc lá bay nhè nhẹ. Khi ca vọng cổ, cách hành văn, sắp nhịp của bà vô cùng độc đáo. Không sử dụng kỹ thuật lắt léo, nhưng nhờ chất giọng vừa ngọt, vừa mùi, bà vẫn diễn tả được nội dung bài hát, lột tả được “cái thần” của nhân vật. Giọng ca của của bà tới nay vẫn là một “chuẩn mực”, thể hiện đẳng cấp cao của nghệ thuật ca vọng cổ chính thống, tạo lập một “trường phái” riêng biệt, xứng danh “Sầu nữ”.

Phạm Thái Bình
.
.