Vĩnh biệt một tài năng độc đáo

Thứ Năm, 12/06/2014, 08:00

Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật cũng như cuộc sống thường nhật củanhạc sĩ Thuận Yến có nhiều điều thật độc đáo, thú vị mà không phải bất cứ ai cũng có thể biết, bất cứ nhạc sĩ nào cũng có thể có.

Một tài năng lớn, độc đáo trong lĩnh vực sáng tác ca khúc đã ra đi, để lại nỗi luyến tiếc không dễ bù đắp chẳng những cho những người thân mà còn cho tất thảy công chúng yêu âm nhạc. Vâng, nhạc sĩ Thuận Yến - cái tên rất đỗi thân quen, dấu son sáng chói trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24/5/2014 sau một thời gian dài giằng co với bệnh tật, hưởng thọ 82 tuổi.

Sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật cũng như cuộc sống thường nhật của ông có nhiều điều thật độc đáo, thú vị mà không phải bất cứ ai cũng có thể biết, bất cứ nhạc sĩ nào cũng có thể có.

Nghệ danh… bất đắc dĩ

Nhiều văn nghệ sĩ đã dụng công nghĩ cho mình một cái tên khác với tên khai sinh để ký dưới những tác phẩm hoặc gắn với các vai diễn trong sự nghiệp của mình (gọi là nghệ danh). Thuận Yến được cha mẹ đặt là Đoàn Hữu Công, quê quán ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Rất yêu vợ, ông lấy tên Thuận Yên là quê của vợ làm bút danh để ký dưới những ca khúc sáng tác khi đó. Từ Khu 5 gửi tác phẩm ra Đài Tiếng nói Việt Nam, ông viết rõ là Thuận Yên. Nhưng do sơ suất, biên tập viên đã tưởng là Thuận Yến (có dấu sắc ở chữ Yên). Thế là bài hát "Mỗi bước ta đi" lần đầu tiên phát trên Đài, đồng thời khiến người ta chú ý đến một nhạc sĩ ở miền Nam mới nổi có tên là Thuận Yến. Tên này nổi lên rồi trở thành quen biết gắn với một loạt ca khúc nóng hổi hơi thở chiến trường khi ấy của ông như "Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc", "Bài ca đội nữ tiếp vận"… làm cho ông không thể đính chính lại theo ý ban đầu.

Thế là Thuận Yến gắn với ông. Ông bất đắc dĩ sử dụng. Nhưng rồi đã thành một cái tên quá đẹp vì nổi tiếng, gắn với nhiều bài hát hay. Khi chưa biết đầu đuôi, xuất xứ tên Thuận Yến, có lần tôi vừa trêu lại vừa có ý hỏi thật ông: "Chắc trong đời, anh từng có phi vụ nào với một nàng tên Thuận Yến chứ gì?". Thuận Yến cười mà rằng: "Bậy nào. Để tớ kể cho mà nghe". Và ông đã kể đầu đuôi xuất xứ như trên.

Tự thú nhận

Ai cũng thấy Thuận Yến là nhạc sĩ sáng tác được nhiều bài hát hay nhất về Bác Hồ, trở nên rất nổi tiếng, bất cứ công chúng ở lứa tuổi nào cũng ưa thích. Một số nhạc sĩ khác cũng có ca khúc về Bác đặc sắc như Trần Kiết Tường với "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", Nguyễn Tài Tuệ với "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó", Văn An với "Đôi dép Bác Hồ", Hoàng Hiệp với "Vào lăng viếng Bác", Trọng Loan với "Lời ca dâng Bác", Chu Minh với "Người là niềm tin tất thắng"… Nhưng các nhạc sĩ này chỉ có một bài. Riêng Thuận Yến có tới 4 bài: "Bác Hồ một tình yêu bao la", "Vầng trăng Ba Đình", "Miền Trung nhớ Bác", "Người về thăm quê". Có lần tôi tỏ sự bái phục và nói với Thuận Yến là: "Sao anh quá siêu vậy?". Siêu ở chỗ trong quá khứ từng có quá nhiều bài hát về Bác Hồ hay rồi, bóng đã tỏa ra, trùm lấp rồi, vậy mà ông vẫn viết tiếp được, lại rất "vào" công chúng. Siêu còn ở chỗ có những tên tuổi lớn trong làng sáng tác âm nhạc chưa viết được bài nào về đề tài lãnh tụ mà riêng ông viết được những 4 bài.

Cố nhạc sĩ Thuận Yến (1932-2014).

Ông thật thà thú nhận: "Nếu chỉ viết dăm bảy bài mà đậu được 4 bài thì siêu như cậu nói thật. Nhưng sự thật là tớ viết tất cả 22 bài về Bác, công bố 14 bài. Được 4 bài thì đâu có siêu gì". Rồi ông kể 2 trong số những bài không thành công của ông về đề tài này. Đó là bài đầu tiên viết năm 1968 có tên "Mỗi dòng thư Bác sáng ngời niềm tin". Ông bảo bài này nhạt, không xứng với tầm vóc và tình cảm của toàn dân với Bác. Bài thứ hai "thất bại" là "Mẹ ru theo tiếng Bác Hồ" viết sau khi Bác từ trần ngày 2/9/1969. Ông cũng nói bài này bi lụy quá, phát lên bị chìm nghỉm bên cạnh nhiều bài của các nhạc sĩ khác.

Vậy là đến lúc này, Thuận Yến vẫn thấy như mình còn mắc nợ với vị lãnh tụ vô vàn kính yêu. Ông bụng bảo dạ quyết tâm phải viết thành công. Chính sự thất bại của nhiều sáng tác trước đã thôi thúc ông viết nên tới 4 bài đặc sắc sau đó như ta đã biết. Thất bại trong sáng tác âu cũng là chuyện thường tình đối với bất cứ tác giả nào. Nhưng cái quý, cái độc đáo của người nhạc sĩ xứ Quảng là tự "khai" ra sự thất bại đó. Là người khác, dễ nói chỉ viết 4 bài mà thành công ngay cả 4.

Chỉ viết ở điệu thứ

Thuận Yến chỉ tìm đến điệu thứ (mineur) khi sáng tạo giai điệu. Trong số hơn năm trăm ca khúc của ông mà tôi biết (những bài nổi tiếng ai cũng biết, những bài ông hát cho tôi nghe sau khi vừa sáng tác), tôi không thấy bài nào ông viết ở điệu trưởng (ma jeur). Đây là một hiện tượng quả là rất hiếm có, độc đáo vì thường thì mọi nhạc sĩ đều viết ở cả hai loại điệu thức, có thể nghiêng nhiều về loại này hơn loại kia mà thôi.

Điệu thứ được coi là có âm sắc tối, còn điệu trưởng thì sáng nhưng Thuận Yến đã xử lý tài tình, làm cho ngay cả điệu thứ vẫn sáng sủa, tươi tắn mà bài "Gửi em ở cuối sông Hồng" là một minh chứng  rõ nét. Bài "Vầng trăng Ba Đình" là một trường hợp sáng tạo thật đặc biệt của Thuận Yến, rất đáng bàn. Còn nhớ, cách đây dễ đã mấy chục năm, một lần ông khoe với tôi là được mời viết về công trình Lăng Bác khi ấy vừa hoàn thành.

Đang bí ý tứ, không biết nên khai thác gì cho sâu sắc thì ông có được bài thơ của Phạm Ngọc Cảnh. Thế là ông quyết định phổ bài thơ này. Tôi xin phép tham gia với ông một ý là "Vầng trăng Ba Đình" thì đương nhiên phải nói đến trăng rồi, dẫu cuối cùng cũng để phục vụ cái chủ đề tình cảm thiêng liêng của toàn dân tộc với vị lãnh tụ kính yêu. Mà đã là trăng trong bối cảnh bài này thì phải sáng, thậm chí là vằng vặc, trong suốt như pha lê chứ không thể mờ ảo được. Bởi sự sáng trong ấy là biểu tượng của cuộc đời, nhân cách, đức độ của Bác. Vậy nên phải dùng điệu trưởng chứ không thể là thứ.

Thuận Yến cười mà rằng: "Tớ vẫn viết ở điệu thứ vốn dĩ sở trường. Yên tâm đi. Thứ vẫn sáng sủa chứ, mà lại dễ có chiều sâu". Rồi ông phán một câu đầy tự tin của một tài năng lớn: "Chỉ non tay mới lo điều cậu vừa nói". Khi ấy, ông đã có "Bác Hồ - một tình yêu bao la" rất đình đám nên tôi hoàn toàn tin ông lại sẽ thành công. Quả nhiên, ngay khi vừa viết xong, chưa kịp thu thanh, được ông hát cho nghe bằng cái giọng thô mộc trọ trẹ của người đất Quảng, tôi đã bị chinh phục và một thời gian ngắn sau, bài hát nhanh chóng trở nên phổ biến khắp bàn dân thiên hạ. Ngay câu nhạc đầu tiên như lời vỉa trong chèo nghe đã rất ấn tượng: "Trăng lên! Kìa, trăng lên! Quảng trường dâng biển sáng. Ôi vầng trăng Ba Đình….". Viết ở giọng rê, điệu thứ nhưng ông lại sử dụng nốt si bình chứ không phải là si giáng (ứng với tiếng "Ôi") nên giai điệu đã trở nên sáng đẹp, lung linh, nghe rất thú vị.

Một thể nghiệm thành công

Năm 1979, chuẩn bị kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhật Bác, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức vận động một số nhạc sĩ viết bài hát về Bác. Thời điểm này, Thuận Yến chưa vừa ý các sáng tác của mình viết về đề tài này nên ông rất trăn trở và quyết định sẽ thể nghiệm hình thức nhạc nhẹ để viết về một đề tài rất nghiêm túc xem sao. Ông cho rằng những bài nổi tiếng đã có đều thuộc dòng dân gian hoặc bác học. Ông muốn có bài theo hình thức nhạc nhẹ để đáp ứng giới trẻ khi ấy. Nhưng phải viết sao cho vừa hấp dẫn tuổi trẻ nhưng vẫn phải bảo đảm tính nghiêm túc, sâu sắc của tác phẩm. Và "Bác Hồ một tình yêu bao la" đã ra đời đáp ứng đúng sự chờ đợi của công chúng, nhất là giới trẻ khi đó.

NSND Thanh Hoa kể lại: Lần chị vào quay hình bài hát này trong nhà sàn của Bác, đúng lúc gặp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa một đoàn khách cao cấp nước ngoài vào thăm nơi ở của Bác. Đồng chí đã yêu cầu chị hát mộc (không có nhạc đệm). Nghe xong, đồng chí đã không cầm được nước mắt. Các vị khách cũng khóc theo. Về bài hát này, Thuận Yến còn kể cho tôi nghe một chi tiết thú vị: Một lần, về sáng tác cho tỉnh Nam Hà, ông nghỉ ở khách sạn Vị Hoàng, bỗng nghe phía dưới có một dàn nhạc nhẹ gồm toàn các nhạc cụ điện tử xập xình đệm cho một giọng nữ hát. Cô ta hát theo tiết tấu slorook. Ông lập tức xuống xem. Thì ra ở đó đang diễn ra một đám cưới. Thật thú vị, các bạn trẻ đã hát bài hát về Bác Hồ trong một đám cưới. Đủ thấy sức thuyết phục tự nhiên của bài hát đối với giới trẻ như thế nào.

Về Thuận Yến, còn rất nhiều điều thú vị về lao động nghệ thuật và đời thường của ông mà trong khuôn khổ một bài báo, tôi không thể kể hết. Ông sống giản dị, hòa đồng, thẳng thắn, chân tình. Người yêu quý ông thật nhiều và kẻ kỳ thị, không ưa cũng không thiếu. Nhưng quan trọng là ông đã để lại một kho báu tác phẩm mà nổi trội là hai mảng đề tài Bác Hồ và tình yêu. Ông là một nhạc sĩ không thể thay thế, sẽ sống mãi trong tâm khảm của nhân dân

Nguyễn Đình San
.
.