Vĩnh biệt hai người bạn Nga có nhiều duyên nợ với Việt Nam

Thứ Năm, 25/07/2019, 16:28
Ngày 16-7, lễ tang ông E.P Glazunov, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt diễn ra ở Moskva; và tiếp đến ngày 17-7 là lễ tang của Thượng tướng A.I.Khyupenen, nguyên Trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam.


Đó là hai người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Họ có rất nhiều kỷ niệm với nhiều người Việt Nam, từ những cán bộ cao cấp của Nhà nước đến những sinh viên, lưu học sinh Việt Nam cả trong nước và ở Liên bang Nga. Riêng tôi, một người Việt nhỏ bé, bình thường, trong nhiều năm sống ở Moskva cũng có một vài kỷ niệm với hai người Nga đáng kính đó.

1. Chuyện về ông E.P.Glazunov

Cuối năm 1996, ở hiệu sách Ngoại văn, tôi thấy bán quyển “Những ngày bão táp” của ông E.P Glazunov được dịch ra tiếng Pháp. Vì trên giá sách của tôi đã có bản tiếng Nga nên ban đầu tôi chỉ có ý định mua sưu tầm, nhưng sau đó tôi nảy ra ý định là biết đâu một hôm nào đó gặp ông ở Moskva, tôi sẽ tặng ông. 

Khi nhận quyển sách tôi tặng nhân dịp Quốc khánh Việt Nam tổ chức tại Đại sứ quán, ông rất xúc động. Ông nói rằng, quyển sách này là tấm lòng của ông dành cho Việt Nam.

Hằng năm ở Moskva, có rất nhiều ngày lễ của Việt Nam: Ngày Quốc khánh 2-9, sinh nhật Bác Hồ, ngày kỷ niệm quan hệ ngoại giao, năm mới, và rất nhiều chuyến thăm viếng của các đoàn cán bộ cao cấp sang Nga.

Những ngày đó, Đại sứ quán và cộng đồng đều tổ chức đặt hoa tại tượng đài Bác Hồ trên phố Dmitry Ulyanov, và ở đó, tôi thường xuyên gặp ông. Mỗi lần sau lễ đặt hoa, bao giờ tôi cũng mời ông, Thượng tướng A. I. Khyupenen và ông N.N.Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và chuyên gia Nga công tác tại Việt Nam lên nhà uống trà xanh Việt Nam.

Có một lần, hè năm 1998, bà Irina Petrovna, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Nga -Việt mời tôi đến thăm văn phòng Hội. Tôi thật sự ngỡ ngàng vì khác với sự hình dung trước đó của mình, văn phòng Hội Hữu nghị Nga - Việt lúc này là một căn phòng 24m2 nằm dưới tầng hầm của ngôi nhà số 10 phố Znamenka gần ga tàu điện ngầm Novyi Arbat.

Ông E.P. Glazunov (trái) và Thượng tướng A.I. Khyupenen.

Bà Irna nói rằng, trước đây, thời Liên Xô, cơ ngơi của Hội bề thế bao nhiêu thì bây giờ khiêm tốn bấy nhiêu. Trong phòng có một chiếc bàn dài cũ kỹ, chừng chục chiếc ghế gỗ, hai tủ sách, một chiếc tivi Xôviết cồng kềnh, một chiếc điện thoại bàn đặt trên bàn làm việc. Trên tường treo chân dung Hồ Chủ tịch và nhiều tờ lịch Việt Nam.

Bà Irina ngỏ ý là nếu tôi có thể nhờ một doanh nghiệp Việt Nam nào đó hỗ trợ cho một phương tiện làm việc thì tốt. Tôi đem câu chuyện đó trình bày với lãnh đạo Tổng Công ty Bến Thành, ngay lập tức họ quyết định ủng hộ 5.000 USD để mua sắm trang thiết bị cho Hội.

Tôi nhờ anh Nguyễn Hồng Lĩnh, thư ký của Tổng Công ty Bến Thành nhận tiền và mua cho Hội một chiếc máy tính điện tử, một máy fax, một máy photocopy, một bộ bàn ghế và một chiếc tivi Nhật. Hôm mang các thiết bị lên văn phòng Hội, ông Glazunov phấn khởi hệt như một cậu học sinh, ông sờ tận tay các thiết bị mới tinh và nhờ anh Nguyễn Hồng Lĩnh hướng dẫn cách sử dụng.

Dường như mỗi khi có các cuộc hội ngộ, chúng tôi đều mời ông và ông ít khi từ chối. Mỗi lần về nước sang, tôi đều mang cà phê Trung Nguyên và chè Thái tặng ông. Ông không hút thuốc, không cà phê, chỉ uống chè và thỉnh thoảng trong bữa ăn nhâm nhi chút rượu.

Lần gần đây nhất, khi tôi trong nước sang, doanh nhân Hoàng Văn Vinh biếu ông một khoản tiền giúp ông bồi dưỡng, tôi bị đau không đến gặp ông được, đành nhờ ông V.P. Buianov, Chủ tịch Hội Nga -Việt chuyển hộ. Gọi điện cho ông Glazunov, ông còn nói đùa, có món gì của Việt Nam anh để dành cho tôi đấy nhé!

Tôi không ngờ rằng đó là câu nói cuối cùng của ông với tôi qua điện thoại. Và giờ đây, con người Nga nhân hậu đó, yêu Việt Nam hết lòng, đã đi vào cõi vĩnh hằng.

2. Những lần kiến ngộ với Thượng tướng A.I. Khyupenen

Cuối năm 1999, trong lần gặp gỡ với ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch Tổng Công ty Bến Thành Moskva, Đại tá Đinh Nho Hồng, Trưởng Tùy viên Quân sự Đại sứ quán có đặt vấn đề về việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Hội trường Solyut 2 của Tổng Công ty Bến Thành, nơi có rất nhiều cựu chiến binh Việt Nam làm ăn và sinh sống.

Sau khi bàn bạc, cả hai bên đều thống nhất đi tới một quyết định là nhân dịp chuẩn bị đón năm mới đầu tiên của thế kỷ XXI, Tổng Công ty Bến Thành sẽ tài trợ toàn bộ chi phí tổ chức buổi gặp mặt các cựu chiến binh và các chuyên gia Nga từng công tác tại Việt Nam. Đây là một vấn đề đối ngoại có ý nghĩa rất lớn nên đòi hỏi phải xây dựng một chương trình công phu và cẩn trọng.

Tôi được đề nghị phối hợp với Phòng Tùy viên Quân sự phụ trách toàn bộ công việc tổ chức cho buổi gặp mặt trọng đại này. Chúng tôi được Phòng Chính trị, Đại sứ quán cung cấp một danh sách các cựu chiến binh và các chuyên gia Nga mà hằng năm Đại sứ quán vẫn mời đến dự năm mới và các cuộc chiêu đãi tại Hội trường Sứ quán.

Nhưng danh sách này chủ yếu là những người có vị thế và hàm bậc, còn các cựu chiến binh khác thì hoặc là không có tên, hoặc là thay đổi địa chỉ. Thời đó chưa có internet, điện thoại di động, bằng máy điện thoại bàn và thư từ, trong gần một tháng trời, chúng tôi đã tập hợp một danh sách gần 200 người Nga đã từng có mặt ở Việt Nam trong những năm  chiến tranh chống Mỹ.

Hội trường Solyut 2 của Tổng Công ty Bến Thành được sửa sang và trang trí lại, có cả một bục sân khấu lớn, hai băng rôn bằng tiếng Nga và tiếng Việt chúc mừng năm mới và chúc mừng các cựu chiến binh và chuyên gia Nga. Hơn hai trăm suất quà gồm lịch Việt Nam, rượu, bánh chưng, chè Thái Nguyên và bưu ảnh năm mới được chuẩn bị sẵn sàng để những người Nga thưởng thức lại hương vị Việt Nam.

Một bữa đại tiệc dành cho ba trăm người bao gồm các cựu chiến binh Nga, Việt và các vị khách đã được lo chu đáo. Trong buổi gặp mặt còn có một chương trình ca nhạc Việt Nam do các nghệ sĩ Việt Nam tại Nga biểu diễn.

Như thế mọi việc đã hòm hòm rồi, nhưng một vấn đề nữa đặt ra, đây là lần đầu tiên tổ chức mời một số lượng lớn các vị khách Nga, cần phải có đại diện chính quyền địa phương và đặc biệt phải có các tướng lĩnh quân đội tham dự.

Các cựu chiến binh Nga hầu hết đã cao tuổi, lại sống rải rác ở nhiều vùng Moskva rộng lớn, hơn nữa, vào tháng 12, nhiệt độ luôn ở mức âm 20 đô C, việc đi lại của các vị sẽ rất khó khăn. Chúng tôi không thể đến đón từng người một, mà quyết định cho đại diện của Tổng Công ty Bến Thành đón ở ga tàu điện ngầm, và sau khi kết thúc lại cho xe chở họ trở lại.

Về việc mời các tướng lĩnh quân đội, ông Đinh Nho Hồng và tôi gặp ông N.N. Kolesnik, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và chuyên gia công tác tại Việt Nam đề nghị tư vấn. Chúng tôi sẽ cố gắng mời được Đại tướng Vladimir Leonhidovich Govorov và Thượng tướng Anatoly Ivanovich Khyupenen. Ông Kolesnik và ông Đinh Nho Hồng sẽ trực tiếp mời Đại tướng Govorov, còn tôi mời Thượng tướng Khyupenen.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp một cán bộ cấp tướng của Nga. Tuy vóc dáng không cao to, nhưng ông Khyupenen nhanh nhẹn và rắn chắc. Đặc biệt ông có giọng nói ấm áp, đầy năng lượng. Sau cái bắt tay rất chặt, tôi có cảm tưởng như đã gần gũi với ông từ lâu. Ông kể chuyện về Anh hùng Phạm Tuân, về những học viên quân sự người Việt Nam mà ông từng huấn luyện và giảng dạy. Qua cách nói của ông, qua các câu chuyện ông kể, tôi biết ông yêu Việt Nam và cảm phục quân đội Việt Nam biết chừng nào.

Buổi gặp mặt các cựu chuyên gia và cựu chiến binh từng công tác tại Việt Nam lần đầu tiên thành công mỹ mãn. Các báo “Sao Đỏ”, “Sự thật” và “Tin tức Moskva” cùng báo chí và truyền hình Việt Nam đã đưa tin và bài ca ngợi tấm lòng chung thủy sắt son của những người Việt Nam đối với nhân dân Nga.

Trong các cuộc hội thảo hay phát biểu tại Đại sứ quán, với giọng trầm ấm của mình, Thượng tướng Khyupenen nói rất nhiều, rất hay về Việt Nam, về khả năng chiến đấu và ý chí của người Việt Nam. Và bao giờ ông cũng kết thúc lời phát biểu của mình bằng câu: Chúng tôi tin tưởng Việt Nam và chúng tôi luôn bên cạnh Việt Nam. Thượng tướng Khyupenen luôn dành cho tôi một sự ưu ái đặc biệt. Cứ mỗi lần đến đặt hoa tại tượng đài Bác Hồ, ông thường cùng ông Kolesnik, Glazunov và bà Irina Petrovna ghé thăm nhà tôi uống trà Việt, ăn mứt sen và nói chuyện.

Bây giờ tôi đã chuyển khỏi ngôi nhà thuê gần tượng Bác Hồ, nhưng mỗi lần qua đó, ngước lên tầng 4 ngôi nhà gạch đã một thời gắn bó, tôi lại nhớ đến hình ảnh những người Nga yêu quý Việt Nam, và đặc biệt nhớ đến Thượng tướng Khyupenen cùng ngồi chiếc bàn cũ lần giở các trang lịch Việt Nam và xem chương trình VTV 4.

Moskva, tháng 7-2019

Nguyễn Huy Hoàng
.
.