Viết nhiều vì tôi yêu báo Công an

Thứ Hai, 20/11/2006, 15:00

Nhân Báo CAND kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số báo đầu tiên, tôi bồi hồi xúc động nghĩ về chặng đường phát triển của một tờ báo mà thời gian đầu chỉ là báo tuần lưu hành nội bộ, nay tờ báo không những đã phát hành công khai với số lượng lớn mà còn kèm theo nhiều ấn phẩm, chiếm được cảm tình của bạn đọc trong nước và quốc tế.

Lần đầu tiên tôi viết cho Báo Công an nhân dân là năm 1973. Sau khi được đăng, toà soạn gửi cho tôi khoản nhuận bút 8 đồng (thời điểm đó lương hạ sĩ 40 đồng), với số tiền ấy cũng đủ cho tôi đãi cả tiểu đội. Được sự khuyến khích của lãnh đạo và đồng đội, thi thoảng tôi vẫn gửi bài cho báo. Cũng có thời gian dài bẵng đi tôi không viết nhưng trong lòng vẫn luôn có tình cảm và tìm đọc Báo Công an.

Cuối năm 1981, tôi rời Thủ đô về nhận công tác tại Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Cao Bằng đảm nhận nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền. Lúc đó tình hình biên giới vẫn rất phức tạp, và công tác tuyên truyền trở thành nhiệm vụ chính nên tôi tích cực viết hơn và tôi cũng thực sự gắn bó với Báo Công an. Những cán bộ, phóng viên của Báo lúc bấy giờ đều không lạ gì về tôi và mỗi khi có dịp đến trụ sở Báo, họ đều gọi tên với cái tên thân mật "Vua mèo".

Từ khi báo phát hành công khai, người dân ở Cao Bằng háo hức đón nhận và tìm đọc Báo Công an và cũng từ đó những trang viết của tôi về Cao Bằng đã làm cho độc giả thấy gần gũi Báo Công an hơn. Người đọc Báo Công an không chỉ để thoả chí tò mò mà hầu như họ cảm thấy ở tờ báo đã mang đến cho họ những thông tin đáng tin cậy hơn, điều đó chính là động lực thôi thúc tôi ý thức trách nhiệm gắn bó hơn với báo.

Chuyện kỷ niệm của tôi trong việc viết Báo Công an nhân dân lại là một câu chuyện bi hài. Đó là vụ giết người vào ngày 26/5/2004 tại xóm Nà Chướng 1, xã Hoà Chung, thị xã Cao Bằng. Từ mâu thuẫn vợ chồng, ông Nông Văn Kinh, 62 tuổi đã nảy ra ý định giết vợ là bà Triệu Thị Thiếm 56 tuổi. Nắm bắt được thói quen của bà Thiếm thường dùng chè đắng (dạng túi lọc) để điều trị bệnh cao huyết áp nên Kinh đã bỏ thuốc độc Natrixyanua (NaCl) vào ấm trà. Bà Thiếm pha trà tiếp ông bạn hàng xóm cùng uống thì cả hai đều nhiễm độc chết.

Ngay sau đó một số tờ báo Trung ương đã thiếu cẩn trọng đăng tin hai nạn nhân chết do uống chè đắng. Sau khi báo đăng tin, ông Triều - Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ, kiêm Giám đốc Công ty Chè đắng đã chạy đôn chạy đáo tìm cách kêu oan cho sản phẩm chè đắng. Lãnh đạo tỉnh cũng đã có công văn gửi các cơ quan báo yêu cầu cải chính nhưng kết quả cũng không có tờ báo nào cải chính. Báo Cao Bằng cũng đã có nhiều bài viết ủng hộ, thanh minh nhưng ảnh hưởng của tờ báo cũng chỉ có giới hạn ở Cao Bằng. Nhà máy Chè đắng có sản phẩm uy tín trên thị trường cả nước, không những tạo việc làm cho nhiều người dân ở địa phương để xoá đói giảm nghèo mà còn là tiềm năng trong sự nghiệp phát triển kinh tế ở địa phương. Vậy mà chỉ vì thông tin thiếu chính xác của vài tờ báo Trung ương đã đẩy nhà máy lâm vào cảnh đình trệ, sản phẩm tiêu thụ chậm hẳn, doanh thu giảm sút nghiêm trọng.

Đứng trước tình cảnh đó, anh Hà Ngọc Chiến lúc đó đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng vẫn đang kiêm chức Giám đốc Công an tỉnh đã trao đổi với tôi tìm cách tháo gỡ. Một mặt lãnh đạo Công an tập trung chỉ đạo việc điều tra khẩn trương tìm ra nguyên nhân gây ra vụ đầu độc và tìm thủ phạm vụ án. Kết quả điều tra đến đâu, tôi đều được cung cấp thông tin nhanh để viết gửi ngay cho Báo Công an.

Ngay sau khi có kết quả giám định các mẫu vật của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định nạn nhân chết vì bị đầu độc Natrixyanua bỏ vào ấm trà để đầu độc vợ, tôi lại viết tiếp bài "Kẻ sát nhân làm oan cây chè đắng" đăng trên Báo Công an nhân dân số ra 1/7/2004. Hai số báo này đến Cao Bằng là dân mua hết ngay. Anh Triều, Giám đốc Công ty Chè đắng cho người lùng sục khắp cũng không tìm mua nổi. Biết tôi là tác giả của hai bài báo đó, anh đã tìm đến cảm ơn và xin hai số báo đó về phô tô hàng nghìn bản để gửi cho các đại lý chè đắng khắp toàn quốc.

Cầm tờ báo chúng tôi biếu, anh mừng ra mặt bảo: "Báo Công an trở thành vị cứu tinh của Công ty chúng tôi rồi, bọn tôi đang lao đao không biết tìm cách nào gỡ, hôm nọ đi hội thảo ở Tuần Châu - Quảng Ninh, tôi mang chè đắng đi biếu các đại biểu, họ nhận hết nhưng hôm sau tôi thấy sản phẩm của tôi chất đầy trong các thùng rác, khổ lắm anh ạ".

Chỉ thời gian ngắn sau, các đại lý tiêu thụ sản phẩm chè đắng báo về tin vui là khách hàng đã dần trở lại, doanh thu dần trở lại thế cân bằng. Sau đó Công ty Chè đắng đã tổ chức cuộc họp để cảm ơn Công an đã giúp sớm điều tra ra thủ phạm đồng thời cũng cảm ơn Báo Công an đã giúp Công ty tuyên truyền về bản chất sự việc và minh oan cho chè đắng. Nhưng cũng có lẽ qua vụ việc này lại càng làm cho chè đắng trở nên nổi tiếng hơn.

Có thể nói, Báo Công an ngày càng khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của mình trong làng báo không chỉ ở số lượng phát hành và chất lượng về nội dung, hình thức mà báo còn chiếm được tình cảm, uy tín của mình trong công tác xã hội từ thiện. Cứ nơi nào có khó khăn thì có hình ảnh hoạt động ủng hộ, tài trợ của Báo Công an. Tôi còn nhớ hồi đầu năm 2000, tôi có dịp gặp Phó Tổng biên tập Phạm Miên ở Hà Nội, khi nghe tôi nói về chuyện ở Cao Bằng có huyện Bảo Lạc, cán bộ, chiến sĩ công tác rất gian khổ, anh bày tỏ sự cảm thông và hứa hẹn sẽ đến huyện này một dịp thuận lợi. Vậy là cuối năm 2000, nhân mùa khô, đường ráo, anh Miên tổ chức đoàn đến tặng quà cho Công an huyện Bảo Lạc.

Từ thị xã, xe chúng tôi phải đi trọn một ngày đường mới tới Công an huyện với cơ thể mệt mỏi vì phải vật lộn với chặng đường hiểm trở. Đoàn đến đúng lúc Công an Bảo Lạc được tách thành hai huyện (Bảo Lạc và Bảo Lâm). Đoàn của Báo Công an đã tặng quà đủ cho cán bộ chiến sĩ của hai đơn vị gồm áo mưa, mũ, dép, đèn pin (những thứ ngoài quy định trang cấp của Bộ). Ngoài ra, còn mua tivi và đồ dùng giá trị khác tặng cho hai đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ rất xúc động trước tình cảm của lãnh đạo Báo Công an.

Một lần khác, đó là mùa mưa năm 2004, một trận lũ quét đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại xã Nam Quang và Quảng Lâm thuộc huyện Bảo Lâm. Tôi điện trực tiếp cho anh Hữu Ước, Tổng Biên tập đề nghị anh ủng hộ giúp đồng bào hai xã trên mỗi xã 1 tấn gạo. Anh Ước đã quyết luôn cho mỗi xã 2 tấn. Tôi cùng đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc đã tổ chức vận chuyển số gạo của Báo đến trợ giúp cho đồng bào Mông ở tận Bảo Lâm. Có thể nói, những hoạt động từ thiện đầy lòng nhân ái đó đã tạo ảnh hưởng lớn của Báo Công an nói riêng, của cán bộ, chiến sĩ Công an nói chung đối với đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng.

Giờ tôi đã vào tuổi ngũ tuần, sức khoẻ không còn sung mãn như thời trai trẻ, nhưng với tình cảm và kỷ niệm với tờ báo, tôi nguyện khi nào còn sức khoẻ và trí tuệ thì tôi sẽ còn viết cho Báo Công an

Phan Nguyệt
.
.