Vì sao họ có ít ảnh?

Thứ Ba, 09/12/2008, 08:15

Mặc dù đều thuộc vào hàng "cậu ấm, cô chiêu", song điều lạ là đến nay, cả nữ sĩ Tương Phố lẫn thi nhân Tản Đà đều không để lại cho hậu thế bức chân dung nào tương đối "hoành tráng". Đã có những lý do chủ quan lẫn khách quan dẫn tới hiện tượng trên.

Nữ thi sĩ Tương Phố là tác giả bài thơ "Giọt lệ thu" từng gây chấn động lòng người vào những năm hai mươi của thế kỷ trước. Cùng với tập tiểu thuyết "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách, bài thơ đã đem đến một nét chuyển biến về tâm lý và hơi hương cảm xúc với những dấu hiệu mới. Chính vì lẽ ấy mà khi làm văn học sử, Vũ Ngọc Phan đã không quên dành một chương để nói về bà (nên nhớ là trong bộ "Nhà văn hiện đại" của Vũ Ngọc Phan, số tác giả nữ được nhắc đến chỉ có đôi người). Thế nhưng, chỉ tiếc là trước khi sách in ra, ông Vũ Đình Long - chủ nhà xuất bản Tân Dân, do không tìm được địa chỉ bà Tương Phố, đã chụp lại hình bà Tương Phố trong quyển "Phê bình và cáo luận" của Thiếu Sơn, nguyên là bức ảnh chân dung hai chị em (Tương Phố và Song Khê) và ghi chú dưới bức ảnh: "Tương Phố nữ sĩ và Song Khê nữ sĩ" (ở đây cần phải nhắc tới một chi tiết: Song Khê tuy không sáng tác, nhưng đã có mấy câu thơ cảm khái tặng Tản Đà, phụ họa lại mấy câu thơ "rau sắng" của ông, được đương thời biết đến. Chuyện này đã thành giai thoại văn học, được báo chí ta in lại nhiều lần). Việc in "kèm" ảnh Song Khê mà thực tế chỉ có lời bình luận về văn thơ Tương Phố, đã khiến Tương Phố nảy ý trách Vũ Ngọc Phan. Bài thơ có bốn câu:

            Chàng Phan chia rẽ hai ta

            Chị vào văn sử em ra cõi ngoài

            Bâng khuâng chị nhớ em hoài

            Văn chương để mối hận dài bao khuây

Còn với thi nhân Tản Đà: Ngày nay, chúng ta biết đến gương mặt ông chủ yếu là qua bức hình ông chụp thời trung niên (ngay cả bức ảnh in trong tuyển tập của ông). Thật ra, không phải lúc sinh thời Tản Đà và thân bằng cố hữu của ông không ý thức về việc lưu giữ hình ảnh của mình ở độ tuổi "ngũ tuần", tức những năm tháng cuối đời, nhưng hai câu chuyện sau đây đã giải thích lý do dẫn đến sự thiếu hụt kể trên.

Một buổi chiều nọ, nhà phê bình Lê Thanh đã tìm xuống thăm Tản Đà ở dưới xóm Bạch Mai và định xin một tấm ảnh của ông để in trong một tập sách.

Bấy giờ thi sĩ đang ốm.

Nghe nhà phê bình ngỏ ý như vậy, Tản Đà nghiêm nghị trả lời:

- Ngài xin tôi một bức ảnh in vào tập sách ngài viết để nói về thân thế và văn chương tôi. Ngài làm cho tôi giật mình: Mỗi lần có ai muốn giữ một cái gì của tôi để kỉ niệm, tôi lại tưởng tôi sắp chết đến nơi…

Nói đến đây, thi sĩ cười ha hả, đoạn tiếp:

- Là nói cho vui, thực tình ngài cũng biết rằng đã lâu lắm tôi không chụp ảnh, mà bây giờ thì ý tôi không muốn chụp. Cho thấy cái thân già yếu của mình, thấy sự thanh bạch (chỉ sự bần hàn) của mình, e mất cảm tình của quốc dân.

Lê Thanh cố phản đối quan điểm "bi quan" của nhà thi sĩ, rốt cuộc, Tản Đà nhận lời hứa hôm nào khoẻ, thi sĩ sẽ khăn áo chỉnh tề đi chụp ảnh… Tiếc thay, ít ngày sau đó, Tản Đà chuyển xuống ngụ tại 71 Ngã Tư Sở, rồi mất. ý định của nhà văn phê bình đành bỏ dở.

Một lần khác, nhân trong quán rượu với Nguyễn Văn Phúc (cháu gọi Tản Đà bằng ông trẻ), Tản Đà cao hứng ngỏ ý định muốn chụp chung với người cháu một bức ảnh (sau khi hai ông cháu đã say rượu) để làm kỷ niệm. Hơn thế, ông nói:

- Bức ảnh đó tôi sẽ đề hai câu thơ ở dưới:

Trăm năm thơ túi rượu vò

Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai?

Tản Đà định như vậy, nhưng cũng giống như trường hợp với nhà phê bình Lê Thanh, ông chưa kịp làm thì đã vội từ giã cõi đời

Mạnh Thắng
.
.