Về một số nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao

Thứ Ba, 20/12/2005, 09:00

Ông Trần Hữu Đạt hé mở những điều mà đến nay, có thể trong các độc giả yêu mến nhà văn Nam Cao, nhiều người còn chưa biết, đặc biệt là về nguyên mẫu một số nhân vật trong tác phẩm của ông.

1. Truyện “Chí Phèo”:

- Chí Phèo là tên thật của một người ở làng Đại Hoàng. Người này khi còn sống cũng ngang ngạnh, liều lĩnh, cũng rạch mặt ăn vạ, cũng bị bọn cường hào lợi dụng vào việc đòi nợ... Sau anh ta chết vì đau ốm. Ở làng Đại Hoàng này, thời nào cũng có một kiểu người như vậy.

- Nhân vật Thị Nở trong truyện “Chí Phèo” ở ngoài đời cũng có tên thật là Nở. Chồng bà Nở tên là Đào. Hai vợ chồng bà Nở, về hình thức cũng xấu xí, tính tình cũng thất thường. Họ có một người con trai tên là Trần Bá Xuyên. Sau này Trần Bá Xuyên đi làm ăn ở trong Nam (làm thợ may). Nhà văn Nam Cao khi vào Sài Gòn cũng từng làm thợ may và có quan hệ công việc gần gũi với gia đình Trần Bá Xuyên.

Nam Cao phải gọi bà Nở là mợ, gọi ông Đào là cậu (vì ông ngoại của Nam Cao và ông thân sinh của ông Đào là hai anh em ruột). Bà Nở mất vào khoảng năm 1942.

- Nhân vật bà cô Thị Nở ở ngoài đời chính là mẹ chồng bà Nở (tức mẹ ông Đào).

- Nhân vật Bá Kiến ở ngoài đời có tên thật là Bá Bính. Bá Bính trong đời thường cũng có tính cách gần giống như Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo”.

- Cuối cùng, làng Vũ Đại là hình ảnh hư cấu của làng Đại Hoàng, là cách nói chệch từ cái tên Đại Hoàng - tên cũ của quê quán tác giả thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

2. Truyện “Lão Hạc”: Hình tượng nhân vật lão Hạc được xây dựng từ nguyên mẫu là một ông già có tên là Trùm San. Ông Trùm San theo đạo Thiên Chúa. Chức “trùm” của ông là chức ông bỏ tiền ra mua. Tiếng là ông “trùm” nhưng ông San chẳng dư dật gì. Hoàn cảnh của ông có lúc đúng như hoàn cảnh của lão Hạc mà nhà văn Nam Cao đã mô tả trong tác phẩm.

Riêng chi tiết lão Hạc ăn bả chó ở cuối truyện thì không phải là hành động của ông Trùm San mà là hành động của một người khác: Ông Trùm Luông. Ông Trùm Luông cũng nghèo xơ xác, đã phải tìm đến cái chết bằng liều bả chó. Còn ông Trùm San, nguyên mẫu của nhân vật lão Hạc thì thọ tới 102 tuổi (mất cách đây chừng 15 năm).

Thời ấy, nhà ông Trùm San chỉ cách nhà Nam Cao một ngõ. Ông San rất quý trọng nhà văn. Ông vẫn sang gia đình nhà văn giúp việc này, việc nọ. Còn Nam Cao thỉnh thoảng vẫn mời ông Trùm San sang nhà uống nước chè xanh đặc vào buổi sáng.

- Nhân vật người con trai lão Hạc đi làm ăn trong Nam mà lão Hạc ngày đêm trông đợi ở ngoài đời có tên là Thụ (ông Trùm San chỉ có một người con trai là Thụ, còn lại là con gái). Thời ấy, anh Thụ bỏ nhà đi làm phu cạo mủ cao su ở Nam Kỳ, sau mất tích, không có liên lạc gì với gia đình. Sau năm 1975, có người nói anh Thụ vẫn còn sống ở miền Nam, nhưng không thư từ gì cho gia đình ở ngoài Bắc.

3. Truyện “Dì Hảo”: Nhân vật dì Hảo ở ngoài đời có tên thật là Thảo. Bà Thảo vốn không có họ mạc, huyết thống gì với gia đình Nam Cao. Nhưng bà Thảo nhà nghèo, thường đến làm thuê (chủ yếu là dệt cửi) cho bà ngoại nhà văn, lâu ngày như người thân trong nhà. Thuở Nam Cao còn bé, bà Thảo vẫn dẫn Nam Cao đi học. Bà Thảo mất năm 1945, không có con cái. Chồng bà Thảo là ông Phượng mất cách đây hơn chục năm

Lê Hữu Tỉnh
.
.