Về một cây cầu bắc qua hai thế kỷ

Thứ Ba, 29/07/2008, 16:00
Triển lãm "Ký ức Long Biên" tại "Ngôi nhà nghệ thuật" của bà Nguyễn Nga, một Việt kiều từ Pháp về đã diễn ra vào đầu tháng 7. Triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong và ngoài nước ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống gắn liền với cây cầu Long Biên.

Hình ảnh những cụ già bơi lội trên sông Hồng, những đôi trai gái hạnh phúc trong ngày cưới, những đứa trẻ mưu sinh trên bãi sông Hồng. Và cây cầu như một nhân chứng tham dự vào những khoảnh khắc đời thường ấy. Đây là một hoạt động khởi đầu cho festival "Ký ức cầu Long Biên" sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng thủ đô 10 tháng 10 tới đây.

Từng có một cuộc trưng cầu ý kiến về việc chọn biểu tượng nào cho Hà Nội. Rất nhiều biểu tượng được đưa ra, như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Tháp Rùa, Phố cổ, chợ Đồng Xuân… Biểu tượng nào cũng xứng đáng, cũng có bề dày lịch sử của nó, nhưng tôi chọn cho mình một cây cầu sắt, cầu Long Biên, một cây cầu không chỉ vắt ngang 2 thế kỷ mà còn là cây cầu nối liền quá khứ và hiện tại, một hình ảnh quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ. Đối với người Hà Nội, hầu như ai cũng lưu giữ một phần ký ức về cây cầu, một hình ảnh thật đặc biệt với nhiều cung bậc tình cảm, chứa đựng nhiều câu chuyện riêng tư, kỳ lạ và hấp dẫn.

Chẳng hiểu sao tôi vẫn thầm ghen tị với những đứa trẻ sống gần cây cầu này. Tính ra bố mẹ chúng tôi là cán bộ, có nhà tập thể, chẳng lo gì mưa to hay nước ngập, đời sống đỡ hơn nhiều so với chúng là trẻ em xóm bãi, bố mẹ phải kiếm sống từng ngày, mưa một tí là dột, nước lên thì chỉ có cách là ngồi trên nóc. Nhưng vẫn cứ tị vì chúng kể về những trò chơi của mình bên xóm bãi, bên cây cầu to và đẹp nhất thủ đô.

Từ nhà tôi ra đến cầu cũng phải gần năm, bảy cây số, nên phải đợi mỗi dịp mẹ có việc sang Đông Anh hay Gia Lâm là tôi lại mè nheo xin đi cùng để được ngắm sông Hồng, ngắm cây cầu sắt xám. Khi đó, cây cầu đã trải qua hai cuộc chiến, thương tích đầy mình. Nó như một con rồng già mất hết cả vây và móng, mặt cầu bị bong thủng, nứt nẻ, nhiều chỗ hở hoác miệng như cái mặt rỗ, nếu ai lỡ nghển mắt ra xa có thể bị thụt chân. Các thanh xiên, thanh treo, nút dàn chủ đều bị rỉ mục. Mỗi lúc có tàu đi qua nó run lên, oằn mình đung đưa. Hàng ngày nó vẫn phải tải trên mình biết bao lượt người, mọi phương tiện ôtô, tàu hỏa, xe máy, xe thô sơ, khách bộ hành đều đi chung trên cây cầu này. Mỗi lượt qua lại phải xếp hàng giờ đồng hồ.

Những lúc tắc đường, mẹ thường thả tôi xuống đứng bên lan can cho nhìn xuống dòng sông đang cuộn đỏ. Dưới gầm cầu là những bè gỗ đang lao ra giữa sóng, có những người đàn ông cởi trần chạy băng băng trên bè điều khiển hết bên này bên kia để cái bè lớn không đâm vào các mố cầu. Cũng có cảm giác sợ hãi và bé nhỏ mỗi khi đứng trên cầu như thế, xung quanh những tiếng ồn xe cộ qua lại, mà tôi chỉ còn nghe thấy tiếng gió đang va đập vào các thanh dầm dọc ngang, tiếng nước chạy xiết qua các chân cầu tạo nên những hốc xoáy hun hút. Mẹ kéo tôi ra khỏi những xoáy nước, hướng tôi nhìn về phía bãi bồi giữa sông. Những bãi ngô đang mùa phun râu rì rầm trong gió, một vài túp nhà nhỏ xiêu vẹo nằm lúp xúp trong đám lau sậy xanh um.

Mẹ tôi kể, thời bom Mỹ, mẹ làm việc tận Hải Dương, nhưng vì nhà ông ngoại ở Khâm Thiên, nên tuần nào mẹ cũng về. Cứ cái xe đạp cà tàng mẹ băng thật nhanh qua cầu vì sợ máy bay tới. Lúc ấy cầu Long Biên là tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển hàng hóa thiết bị quân sự từ cảng Hải Phòng cho chiến trường nên bị oanh tạc dữ lắm. Đã hai lần cầu gãy xuống lòng sông, nhưng người dân Hà Nội vẫn nối lại cho xe qua mỗi đêm, ban ngày lại dỡ ra che mắt địch. Bãi giữa quân ta cũng bố trí 6 ụ pháo cao xạ bảo vệ cầu và nhà máy điện Yên Phụ. Nhiều điểm cao trên thành cầu cũng thành ụ pháo chống máy bay Mỹ. Đến nay trên nóc cầu còn lại nhiều thanh sắt - dấu tích những điểm trực chiến của bộ đội ta.

Ông ngoại tôi cũng từng là nhân viên hỏa xa thời Pháp, kể lại: Ngày cuối tháng hai năm 1902, chuyến xe lửa xuất phát từ ga Hàng Cỏ đưa vua Thành Thái, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, nhà vua Malaysia, hoàng gia Campuchia, Đô trưởng Viên Chăn (Lào) tới làm lễ khánh thành cầu Long Biên. Cầu do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Gustave Eiffel thiết kế, là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ XIX. Khi được hoàn thành, cầu mang tên Doumer, nhưng dân mình vẫn gọi là cầu sông Cái hay là cầu Long Biên. Ông còn nhớ ban đầu, cầu chỉ có đường tàu hỏa thôi, cho đến tận hai chục năm sau, cầu mới được làm thêm đường hai bên cho các loại xe cơ giới.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi đã là sinh viên đại học, có riêng một chiếc xe đạp Mifa để tiện đi lại, lúc này cầu Long Biên đã được chia bớt gánh nặng cho cầu Chương Dương, chỉ còn lại tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ được lưu thông trên cầu. Những lúc rảnh rỗi mấy đứa sinh viên bọn tôi lại đạp xe lên cầu để được hưởng chút gió sông. Nhiều lúc xuống tận bãi tìm mua ngô non, hay nằm dài trên bờ cát ngắm nhìn mãi dòng sông đang ì oạp bồi đắp các dẻo cát mới. Cũng có lúc bọn tôi lên cầu thật sớm để được ngắm bình mình và được hưởng cái không khí ồn ào của buổi chợ sớm.

Từ 2 giờ sáng, các chị các mẹ đã nhịp bước quẩy những gánh rau, gánh cá từ phía Gia Lâm vào nội thành. Chợ đã vây lấn chân cầu tạo thành khu bán buôn, mỗi ngày sầm uất hơn. Trong sương sớm hòa cùng những tia nắng mai yếu ớt quét lên một không gian mơ hồ, trong trẻo. Vẫn chưa nhìn rõ mặt người, chỉ có tiếng thì thầm, cùng những tiếng cười của người dân được mùa vang vang xa gần. Khi hòa cùng dòng người đó tôi có cảm giác như mình đang nắm giữ hơi thở của cầu, một cảm giác rất sở hữu.

Cảm giác này không phải của riêng tôi mà của rất nhiều người Hà Nội khác, nó trở nên rõ rệt nhất là khi ngồi trên những con tàu chợ với toa ghế cứng nồng nặc mùi thuốc, xung quanh là xọt là quang là rọ là bị... chầm chậm qua cầu. Nếu từ ga Hàng Cỏ để đi Lào Cai hay Hải Phòng khi tới cầu, hầu hết hành khách đều cố ngoái cổ nhìn xuống dòng sông, những nếp nhà dưới chân cầu, nhìn những khung thép đồ sộ như những cánh tay đang vươn lên trời. Đây như điểm mốc để ai cũng thầm ồ lên một tiếng "Chào Hà Nội nhé!", hay trong chuyến tàu về thì hành khách lại rộ lên "Về nhà rồi!", "Hà Nội đây rồi!".

Mãi cuối năm 2005, khi xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm ùn tắc giao thông cho cầu Chương Dương, tôi mới lại đặt chân lên cầu. Mặt cầu được trải nhựa mới, thêm đèn điện và nhiều đoạn thành cầu đã được gia cố. Không chỉ có tôi, còn rất nhiều người Hà Nội, nhiều du khách cũng tìm đến đây để được hưởng một không gian cổ tích, xa lánh những tiềng ồn ào, bụi bặm. Họ đến đây để hít căng bầu không khí mát lạnh có đậm vị phù sa, cùng những cái nhìn ngút ngát nơi bờ bãi dưới chân cầu.

Đã có không ít người còn lập hội lập nhóm để tắm tiên, hay tập Yoga dưới bãi bồi này. Cái cầu sắt nhỏ dẫn từ cầu chính xuống bãi ngô giờ trở nên tấp nập. Nhiều cô cậu thanh niên cũng đến đây để chụp ảnh cưới, hay làm tụ điểm để cắm trại cuối tuần. Cả những ca sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, họa sĩ cũng tìm đến cầu như để tìm cảm hứng cho các tác phẩm của mình.

Trong buổi khai mạc triển lãm "Ký ức cầu Long Biên" bà Nguyễn Nga có hé lộ một ý tưởng được ấp ủ từ những ngày còn ở Paris, khi được dự những lễ hội hoành tráng quanh chân tháp Eiffel và trên quảng trường Champs Elise, về một lễ hội với nhiều loại hình nghệ thuật do chính người dân Hà Nội thực hiện để kể những câu chuyện liên quan đến cây cầu lịch sử này. Lễ hội sẽ là dịp để nhắc nhở mỗi người dân Hà Nội, rằng, cuộc sống có thể đổi thay mỗi ngày, nhưng cây cầu Long Biên vẫn còn mãi đấy trong ký ức của con người, về Hà Nội của "một thời đạn bom, một thời hòa bình".

Tôn vinh cây cầu cũng là tôn vinh quá khứ và lưu giữ những hình ảnh đẹp của quá khứ, trong lòng người Hà Nội hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ

Tường Hương
.
.