Về Thổ Hà xem tuồng

Thứ Năm, 17/06/2021, 17:49
Nghệ nhân Nhân dân, cụ Nguyễn Bá Lam người đã ngoài 90 tuổi không giấu được niềm tự hào kín đáo khi xúc động mở lời với khách: “Từ “ngày xửa,..ngày xưa” làng Thổ Hà (xã Việt Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) của tôi không chỉ nổi tiếng với lối chơi quan họ độc đáo bên sông Cầu và lừng danh với cái “anh” gốm cổ truyền và nghề làm bánh đa nem nức tiếng mà còn có “đặc sản” tuồng cổ nữa. Trong khi hầu hết các làng thôn ở miền Bắc ta rất ít nơi còn duy trì được “cái anh” tuồng truyền thống thì ở làng Thổ Hà vẫn lưu giữ nguyên vẹn. Hiếm hoi lắm đấy nhé!”.


Khách đặt câu hỏi, người Thổ Hà “bén duyên” với tuồng cổ từ khi nào, cụ Lam cười trừ lắc đầu bảo điều đó chả thể biết được. Bởi lẽ, khi các thế hệ người Thổ Hà sinh ra thì người làng đã biểu diễn tuồng rồi. Còn anh Cầm - cán bộ ngành văn hóa Bắc Giang, người đưa tôi về thăm Thổ Hà - cho hay, theo như sử cũ ghi chép, trong lần hòa hoãn thứ hai với thực dân Pháp (1897), thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế là Hoàng Hoa Thám luôn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nghĩa quân cũng như Nhân dân trong vùng Yên Thế.

Vào những năm được mùa, Đề Thám thường cho tổ chức các trò vui chơi như thi cưỡi ngựa bắn cung, bắn súng, săn thú, đua ngựa, đấu vật, đánh cờ, thổi cơm thi và nhất là mời phường tuồng ở Thổ Hà, rối nước ở Bắc Ninh về phục vụ. Vậy thì, rõ ràng tuồng cổ ở Thổ Hà đã có trước khi người anh hùng Đề Thám nổi binh chống giặc rồi còn gì nữa?!  

Cảnh trong một vở diễn của Phường tuồng Thổ Hà.

Xưa nay các diễn viên của phường tuồng Thổ Hà đều là những người nông dân, thợ làm gốm, thợ tráng bánh đa nem,...chân lấm tay bùn cả. Họ  không được đào tạo bài bản qua trường lớp chính quy nào. Nhưng người Thổ Hà diễn tuồng “chuẩn không cần chỉnh” là nhờ họ đi theo những bậc tiền bối mà “học lỏm” các ngón nghề của người đi trước rồi truyền lại cho nhau. Thế nên các diễn viên của phường ai nấy đều “khôn tuồng” và giữ được “khuôn vàng thước ngọc” của các bậc tiền bối với những kép hạng  “vang bóng một thời” như: Nguyễn Đức Dĩ, Nguyễn Đình Xuyên, Trịnh Xuân Tiện, v. v…

Cụ Lam nhớ lại, sau năm 1945, nghệ thuật tuồng truyền thống ở Thổ Hà phát triển rất mạnh. Song, do ảnh hưởng của chiến tranh, một thời gian tuồng Thổ Hà bị gián đoạn. Phải đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, phường tuồng truyền thống Thổ Hà mới được thành lập lại và duy trì cho đến bây giờ. Và, một trong những lý do khiến cho nghệ thuật tuồng cổ ở làng Thổ Hà còn giữ được nguyên bản yếu tố truyền thống là bởi quá trình tồn tại và phát triển của bộ môn nghệ thuật mang tính ước lệ đặc trưng này không hề bị đứt quãng.

“Tre già măng mọc” lớp trước dạy lớp sau nên hầu hết những lối diễn cổ chưa bị mai một. Trước khi nhắm mắt xuôi tay rời cõi tạm, những nghệ nhân tuồng thuộc hàng cây đa, cây đề ở Thổ Hà đều đã kịp trao gửi lại cho hậu thế các bí quyết về tuồng đồng thời, tích cực dìu dắt cho câu lạc bộ tuồng của làng tồn tại và phát triển một cách căn cơ, bài bản.

Kín đáo ghìm một cái thở nặng, anh Cầm cất cái giọng rầu rầu: “Anh không biết đấy thôi, cuộc sống thực đằng sau những vai diễn vua quan võ tướng anh hùng với những cái “mặt nạ” được bôi trát bởi tầng tầng lớp lớp son phấn cùng những xiêm y mũ áo lộng lẫy là những mảnh đời nông dân lam lũ cả đấy!”.

Tôi chột dạ sửng sốt nhìn người em cùng lớp đại học năm nào. Cầm cười buồn định thốt ra câu gì đấy, nhưng nghĩ sao lại thôi. Rồi thì Cầm lẳng lặng dẫn tôi đến thăm ông Nguyễn Công Sơn, Phó chủ nhiệm Câu Lạc bộ Tuồng truyền thống Thổ Hà, một người say tuồng còn hơn cả điếu đổ chả khác nào cái người bị “bùa mê thuốc lú”.  

Còn đang chân ướt chân ráo trước cổng nhà người đàn ông “yêu tuồng như thể yêu vợ” ấy đã nghe nỉ non tiếng hát, lời hiệu triệu hào sảng của tiếng tuồng trên sân thượng vang vọng xuống. Thì ra ông Phó chủ nhiệm Câu Lạc bộ Tuồng Thổ Hà đang tay năm tay mười tất bật phơi những phên bánh đa nem mới tráng xong vừa không quên hát, khoa chân múa tay tập theo những điệu bộ của tuồng trong một vở diễn nọ qua chiếc điện thoại thông minh.

Kéo vạt áo lau mồ hôi trên mặt, ông Sơn thật thà bảo: Làng Thổ Hà bốn mặt là sông nên mang tiếng là nông dân nhưng bà con ở đây chả ai có lấy nổi một “tấc ruộng cắm dùi”. Bởi vậy, làm bánh đa nem là một như gia đình ông Sơn là một thứ nghiệp để có kế sinh nhai. Và nó đã trở thành nghề truyền thống từ bao đời nay, không chỉ của riêng gia đình ông Sơn. “Nhưng mà nghề này vất vả chết đi được!- Ông Sơn bộc bạch - Để có đồng tiền bát gạo vợ chồng tôi quanh năm thức khuya dậy sớm sấp ngửa với cả núi công việc cho tới đêm khuya”

Khách ái ngại đặt câu hỏi: Quanh năm đầu tắt mặt tối như thế thì thời giờ đâu mà dành cho tuồng, ông Sơn cười hiền vui vẻ đáp rằng: Người ngoài nhìn vào sẽ đinh ninh rằng, chả lúc nào mình có thời gian rảnh rỗi ấy thế mà, suốt từ năm 1987 của thế kỷ trước cho tới tận ngày hôm nay, chả có lúc nào mình xa tuồng cả. Bởi lẽ, tuồng với người Phó chủ nhiệm Câu Lạc bộ Tuồng truyền thống ấy chả khác nào hình với bóng, như một phần cơ bản của cuộc sống hàng ngày. 

Diễn viên Phường tuồng Thổ Hà hóa trang trước giờ biểu diễn.

Đột nhiên thấy khách đến thăm trong lúc mình đang rất bận rộn với việc phun nước cọ rửa những ô chuồng lợn, ông Phạm Tiến Trung, một trong những kép chính “có số, có má” của phường tuồng Thổ Hà tỏ ra rất ái ngại với câu trách khéo: “Các anh đến chơi mà chả thèm báo trước lấy một tiếng. Người ngợm tôi thế này thì…”.

Rồi thì ông Trung bảo, làm cái nghề nuôi lợn có “thâm niên” như ông chả khác nào cái người nuôi con mọn vậy. Thở dốc ra một tiếng, ông Trung thủng thẳng giãi bày: “Dân Thổ Hà chả có ruộng nương. Vậy nên mỗi nhà trông vào một nghề để sống. Như gia đình tôi đây chỉ biết dựa vào lũ ỉn này để có đồng tiền bát gạo thôi!”.

Đang than phiền với khách về việc mấy năm nay do dịch bệnh hoành hành mà những người nuôi lợn như mình lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa, chả khác nào đánh bạc với trời chợt thấy khách đề cập đến tuồng và việc hóa trang của diễn viên tuồng, ông Trung bỗng trở nên  phấn chấn một cách kỳ lạ.

Theo ông Trung, hóa trang cũng chính là một khâu vô cùng quan trọng của một diễn viên tuồng. Do đó nó cũng chính là một việc rất khó, vì lẽ để cho “ra hồn, ra cốt” của nhân vật mà mình vào vai, người diễn viên nhất định phải tuân thủ những quy ước chặt chẽ theo “mẫu số chung” đã được mặc định mang tính chất truyền thống.

Chẳng hạn như, vai "trung" mặt đỏ, râu dài; vai nịnh mặt rằn, râu ngắn; mặt trắng là người có diện mạo đẹp, tính cách trầm tĩnh; mặt đỏ là người trí dũng, chững chạc; mặt tròn xéo đen là tướng phản; hai bên thái dương có vết đỏ là người nóng nảy; mặt lưỡi cày là người đoản hậu, nhát gan, v. v…

Ông Trung đang say sưa nói về kỹ thuật hóa trang của nghệ thuật tuồng cổ thì một người đàn ông quần xắn món lợn xuất hiện cùng chiếc xe máy, đuôi xe là cái can màu trắng loại 20 lít. Ông Trung giới thiệu vị khách ấy là ông Trịnh Đăng Sơn, một kép võ có “thương hiệu” của phường tuồng Thổ Hà.

Ông Trung rỉ tai khách rằng, nấu rượu là sinh kế truyền thống của gia đình ông Sơn. Và mình đặt mua của ông Sơn 20 lít rượu cho một “chiến hữu” ở xã bên, do bận bịu với mấy chục con lợn chuẩn bị xuất chuồng thành ra chưa qua lấy được nên người bạn diễn ấy mang sang giúp.

Thấy chủ nhà và khách đang trao đổi về nghệ thuật hóa trang tuồng cổ, tức thì ông Sơn tham gia một cách đầy hào hứng. Cuối cùng, người đàn ông nấu rượu chuyên nghiệp kiêm diễn viên tuồng ấy chốt lại ý kiến của mình, rằng: “Nhờ những gương mặt được hoá trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật khi vừa thấy diễn viên tuồng bước ra sân khấu đấy!”.

Để chứng minh cho những điều mình nói, ông Sơn bảo ông chủ nhà lấy trang phục và son phấn ra còn mình lặng lẽ bỏ đi. Thật bất ngờ, ít phút sau ông Sơn xuất hiện trở lại cùng “bộ đồ nghề” của một và diễn viên tuồng. Theo chân ông Sơn là mấy người nữa. Ông Trung chủ nhà giới thiệu, những “vị khách không mời” ấy đều là anh chị em diễn viên của phường tuồng Thổ Hà.

Bỗng dưng có cơ may được tận mắt chứng kiến ông Trung và các bạn diễn - những người nông dân - nghệ sĩ “chân đất” -  của mình thể hiện kỹ năng hóa trang và hóa thân vào những nhân vật lịch sử trong vở “Triệu Đình Long cứu chúa” để minh họa cho nghệ thuật hóa trang của tuồng cổ một cách đầy chuyên nghiệp trong những vai diễn , quả thật tôi hoàn toàn không dám tin rằng, chỉ ít phút trước đó họ là những người nông dân đã từng quá nửa đời người lam lũ với đủ kế mưu sinh.

Phải chăng chính vì điều đó mà nghệ thuật tuồng cổ có cơ hội tồn tại hàng trăm năm nay ở Thổ Hà?! Nhưng có một điều chắc chắc chắn rằng, bởi tình yêu đặc biệt với tuồng truyền thống - di sản vô giá bao đời cha ông chắt chiu gói ghém làm “của để dành” để lại cho cháu con - mà các thế hệ người làng Thổ Hà trở nên tự tin hơn trước mọi giông gió cho dù cuộc sống hàng ngày còn biết bao khốn khó, truân chuyên đầy nghiệt ngã, ấy thế!.

Lê Công Hội
.
.