Văn hào Pháp Sain-Exupery: Đời ngắn, sách mỏng, danh vọng bền lâu

Thứ Sáu, 05/07/2013, 08:00
Theo tính toán sơ bộ, đến nay, đã có khoảng 150 triệu ấn bản "Hoàng tử bé" được đến tay độc giả. Nếu như vào mùa hè 1943, hai ấn bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của "Hoàng tử bé" được công bố cùng lúc tại New York, Mỹ thì phải tới năm 1946, khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt hẳn trên quê hương của Saint Exupery và hình bóng ông không còn trên cõi đời, "Hoàng tử bé" mới có cơ duyên đến được tay các độc giả Pháp...

Cách đây chẵn 7 thập niên, tại thành phố New York (Mỹ), nhà văn tài danh của nước Pháp Antoine de Saint Exupery đã cùng lúc cho công bố bản tiếng Anh và tiếng Pháp cuốn truyện "Hoàng tử bé" - tác phẩm cuối cùng được xuất bản khi ông còn sống. Mặc dù số trang hết sức khiêm tốn, song, cùng với thời gian, kiệt tác "Hoàng tử bé" đã trở thành một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới (hiện cuốn sách đã được dịch ra hơn 200 thứ tiếng, đứng thứ hai sau Kinh Thánh). Không chỉ có vậy, tới nay, "Hoàng tử bé" còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Gần đây nhất, các nhà làm phim ở Hollywood dự tính tiếp tục chuyển thể cuốn truyện này và 3 ngôi sao thượng hạng Jeff Bridges, James Franco và Rachel McAdams đã được mời tham gia lồng tiếng cho bộ phim...

1.Theo tính toán sơ bộ, đến nay, đã có khoảng 150 triệu ấn bản "Hoàng tử bé" được đến tay độc giả. Nếu như vào mùa hè 1943, hai ấn bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của "Hoàng tử bé" được công bố cùng lúc tại New York, Mỹ thì phải tới năm 1946, khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt hẳn trên quê hương của Saint Exupery và hình bóng ông không còn trên cõi đời, "Hoàng tử bé" mới có cơ duyên đến được tay các độc giả Pháp.

Sở dĩ Exupery phải xuất bản cuốn sách tại "xứ người" bởi khi đó, nước Pháp thân thương của ông đang bị Đức phát xít chiếm đóng, và bản thân tác giả cũng đang phải sống thân phận của một nhà văn lưu vong tại Mỹ.

"Hoàng tử bé" là một cuốn sách được viết dưới dạng truyện ngụ ngôn. Sách kể lại cuộc gặp gỡ lạ kỳ trên sa mạc Sahara giữa một chàng phi công bị hỏng máy bay và một cậu bé hoàng tử tới từ một hành tinh khác. Sách tiếng là dành cho trẻ em song bản thân nội dung của nó lại chứa đựng những triết lý sống cao đẹp dành cho cả người lớn. Đó là lý do để tới nay, "Hoàng tử bé" trở thành một trong những cuốn sách được bạn đọc nhiều lứa tuổi yêu thích. Tại Việt Nam, độc giả từng được biết đến tác phẩm này qua nhiều bản dịch, trong đó có bản dịch của nhà thơ Bùi Giáng ở miền Nam trước 1975 và bản dịch của nhà văn Nguyễn Thành Long ở miền Bắc thời còn bao cấp.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngay ở phần mở đầu cuốn sách, bên dưới lời đề tặng Leon Werth, Exupery đã có mấy dòng: "Anh xin lỗi các em nhỏ vì đã đem tặng sách này cho một người lớn. Anh có một lẽ đáng kể: Ông người lớn này là người bạn tốt nhất của anh trên đời". Ông Leon Werth là một người bạn vô cùng thân thiết của Exupery. Ngay từ năm 1940, trong một bức thư gửi Leon Werth, Exupery đã vẽ chân dung một cậu bé tóc vàng với chiếc khăn quàng phấp phới. Các nhà nghiên cứu văn học đã xác định: Đó chính là hình ảnh nhân vật hoàng tử bé trong tác phẩm của Exupery sau này.

Bìa cuốn "Hoàng tử bé" của Exupery được dịch và xuất bản tại Việt Nam.
Với những cảm hứng được gợi lên từ nội dung câu chuyện trong "Hoàng tử bé", các nhà thiên văn đã đề xuất và được những người có trách nhiệm ưng thuận lấy tên Exupery đặt cho hai thiên thể đang cùng trái đất xoay vần trong vũ trụ. Tháng 11/2012, nhóm kịch Dragonfly (do đạo diễn người Nicaragoa Jaime Zuniga sáng lập) đã mang kịch bản "Hoàng tử bé" (có phụ đề tiếng Việt) sang dàn dựng tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận (Tp HCM) và nữ diễn viên Việt Nam Lan Phương đã được mời thủ vai… hoàng tử bé. Tháng tư năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày "Hoàng tử bé" lần đầu ra mắt độc giả, tại thành phố Montreal (Canada), một pho tượng hoàng tử bé đã được cắt băng khánh thành. Cũng thời gian này, nhiều ấn bản "Hoàng tử bé" thi nhau xuất hiện tại nhiều nước. Một số ấn bản "Hoàng tử bé" còn được dùng như tài liệu phục vụ những người muốn học… ngoại ngữ. Tại Việt Nam, "Hoàng tử bé" tái xuất đúng dịp Ngày hội Văn học châu Âu. Các em nhỏ đã thêm một "bữa tiệc vui" khi được tham gia cuộc triển lãm tranh in và thi đọc diễn cảm các trích đoạn trích từ tác phẩm "Hoàng tử bé".

2. Không chỉ là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, Saint - Exupery còn được người dân Pháp suy tôn như một anh hùng dân tộc. Trong Điện Pantheon ở Thủ đô Paris, nơi an táng của một số vĩ nhân được nước Pháp ghi danh, Saint - Exupery là người duy nhất không có hài cốt. Vẻn vẹn trên tường là dòng chữ:

Tưởng nhớ
Antoine de Saint - Exupery
Nhà thơ - Tiểu thuyết gia - Phi công
Mất tích trong một vụ máy bay thám sát
Ngày 31 tháng 7 năm 1944.

Không chỉ là vĩ nhân duy nhất của nước Pháp được "đưa vào" Điện Pantheon mặc dù không có hài cốt, Saint - Exupery còn là nhà văn duy nhất của nước Pháp được in hình trên tờ giấy bạc 50 franc. Ngày 29/6/2000, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, sân bay quốc tế Lyon đã được đổi tên thành Lyon - Saint - Exupery. Con đường chạy ngang qua khu nhà nơi Exupery sinh ra cũng được mang tên ông và một đài tưởng niệm Exupery cũng đã được khánh thành.

Sở dĩ Saint - Exupery được "biệt đãi" như vậy không chỉ bởi ông là "nhà văn của mọi nhà". Trên hết, ông là một con người có nhân cách cao thượng, sinh thời luôn được bạn bè yêu mến, quý trọng. Trong tư cách một phi công - ông cũng đã có nhiều hành động quả cảm: Được cấp bằng lái năm 22 tuổi, thoạt đầu Exupery phục vụ trong các hãng hàng không dân dụng. Đại chiến thế giới lần thứ II nổ ra, tuy trên người còn nhiều thương tích từ các chuyến bay thám hiểm trước đấy, Exupery vẫn tình nguyện gia nhập đoàn phi công trinh sát, với nhiệm vụ thực hiện các chuyến bay thám hiểm hậu cần của lực lượng Đức quốc xã. Sau khi nước Pháp bại trận và bị quân đội Đức chiếm đóng, Exupery lánh sang Mỹ và gia nhập lực lượng Đồng Minh. Ông tiếp tục làm phi công trinh sát. Ngày 31/7/1944, trong một phi vụ chụp không ảnh trên vùng đất của nước Pháp bị Đức phát xít chiếm đóng, chiếc máy bay Lightning P38 mang số hiệu F-5B-LO do Exupery điều khiển đã mất tích tại một vùng biển của Địa Trung Hải.

Xung quanh cái chết của Exupery đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao máy bay rơi? Do hết xăng, do trục trặc máy móc, hay do bị máy bay tiêm kích của Đức bắn hạ? Sau khi Đại chiến thế giới lần thứ II kết thúc, cái chết của Exupery gần như đã trở thành huyền thoại. Một phần vì người ta liên hệ tới sự "biến mất" của nhân vật hoàng tử bé mà ông đã sáng tạo ra trong cuốn truyện cùng tên, nhất là khi họ liên hệ với đoạn văn sau: "Nhưng tôi biết cậu hoàng tử bé đã trở về cái hành tinh của mình, vì tinh mơ hôm sau, tôi không còn thấy thân xác em…". Có điều gì linh ứng ở đây: Sau mấy chục năm nỗ lực tìm kiếm, mặc dù người ta đã tìm thấy xác của nhiều máy bay Đồng Minh, kể cả những chiếc cùng loại với máy bay mà Exupery điều khiển hôm mất tích, song những gì liên quan đến tác giả "Hoàng tử bé" vẫn hoàn toàn mờ mịt. Phải tới trung tuần tháng tư năm 2004, cái chết của tác giả "Hoàng tử bé" mới hoàn toàn sáng tỏ khi những mảnh vỡ của xác chiếc máy bay do Exupery điều khiển đã được vớt lên từ một nơi gần cửa biển Marseille, thuộc biển Mediterranee (Địa Trung Hải). Căn cứ vào những mảnh vỡ này, các nhà nhiên cứu đi đến kết luận: Chiếc máy bay do Exupery điều khiển đã rơi xuống biển theo phương thẳng đứng và với tốc độ rất lớn. Cùng với nhận định đó, ngày 16/8/2008, sau hơn 60 năm im hơi lặng tiếng, một cựu phi công người Đức 88 tuổi, tên gọi Horst Rippert đã bất ngờ lên tiếng thừa nhận chính ông ta là người đã bắn hạ chiếc phi cơ của Exupery.

Theo lời kể của cựu phi công này, vào ngày 31/7/1944, từ trên chiếc phi cơ ở ngoài khơi Địa Trung Hải, ông ta phát hiện chiếc phi cơ lạ bay phía dưới và đã nổ súng. Bị trúng đạn, chiếc phi cơ này đã rơi xuống biển và không có ai nhảy dù ra cả. Ít ngày sau, viên phi công Đức đã vô cùng sửng sốt khi hay tin: Chiếc phi cơ bị ông ta bắn hạ là của Saint - Exupery, tác giả những cuốn sách mà ông ta rất hâm mộ. "Chính những tác phẩm của ông ấy đã tạo nguồn cảm hứng lớn lao để những thanh niên như tôi trở thành phi công" - Horst Rippert cho biết

Hoàng Đức Huy
.
.