Kỷ niệm 93 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917 - 7/11/2010:

Văn hào Nga Mikhail Sholokhov - Vượt lên thành kiến

Thứ Ba, 09/11/2010, 11:04
Hội đồng xét giải Nobel Văn học vốn được xem là không mấy "mặn mà" với các nhà văn "cộng sản". Trong số 5 nhà văn Nga được trao tặng giải thưởng này thì có đến hai nhà văn khi nhận giải đang sống lưu vong (Ivan Bunin, Joseph Brodsky), hai nhà văn tuy còn ở lại chính quốc nhưng tác phẩm hầu như chỉ được in ở nước ngoài (Boris Pasternak, Alexandre Solzhenitsyn). Duy nhất trường hợp Mikhail Sholokhov là được chính thể trong nước vinh danh, sủng ái.

Khi được trao tặng Giải thưởng Nobel Văn học (năm 1965), Sholokhov đang là Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Điều ấy cho thấy sức chinh phục vĩ đại của ông - người mà ngay từ khi rất ít tuổi đã viết nên bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại "Sông Đông êm đềm" được ví như một "Chiến tranh và hòa bình" của thế kỷ XX...

Lịch sử văn học thế giới từng ghi nhận những trường hợp mà tài năng văn chương phát lộ khi tuổi đời còn rất trẻ. Alexandre Dumas (con) viết "Trà hoa nữ" khi mới 24 tuổi. Johann Goethe cho in "Nỗi đau khổ của chàng Werther" năm 25 tuổi. Mikhail Lermontov xuất bản "Một anh hùng thời đại" khi mới 26 tuổi. 28 tuổi, Emily Bronte đã cho ra mắt bạn đọc "Đồi gió hú". Cũng ở tuổi ấy, Ernest Hemingway có "Mặt trời vẫn mọc"  v.v và v.v... Tuy nhiên, sẽ rất hiếm trường hợp (nếu không nói là độc nhất vô nhị) như trường hợp Mikhail Sholokhov: 23 tuổi cho xuất bản tập đầu của "Sông Đông êm đềm" với sự ôm trùm một lượng kiến thức "khổng lồ" về nhiều phương diện: Quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, dân tộc học... Kèm đó là một cái nhìn, một cách phân tích sự kiện, mổ xẻ vấn đề hết sức già dặn, sắc sảo, cho thấy tác giả không chỉ là một người có tài văn chương mà còn là một vị chỉ huy quân sự dạn dày kinh nghiệm, một sử gia thông thái, một nhà nông học uyên thâm, thậm chí còn là một triết gia...

Trong khi thực tế thì "xuất phát điểm" của Sholokhov khá... thấp. Khác với những tác giả thuộc hàng "danh gia thế phiệt" nhắc tới trên, Sholokhov sinh ra trong một gia đình mà bố là một nông dân Cozak, mẹ vốn chỉ là người đầy tớ mù chữ người Ukraina (sau này, khi Sholokhov lên tỉnh học, bà phải rất vất vả học chữ để có thể tự mình viết thư cho con trai). Bản thân Sholokhov cũng chỉ có mấy năm đi học, khi thì ở quê hương Veshenskaya, khi ở Kargin, khi lại ở Moskva. Và thời gian học của ông cũng chỉ kéo dài chừng 4 năm, tới khi nội chiến nổ ra, ông tham gia Hồng quân, làm việc trong đội vũ trang trưng thu lương thực. Năm ấy (1918), nhà văn tương lai mới 13 tuổi.

Một cảnh trong phim "Sông Đông êm đềm" chuyển thể từ tiểu thuyết của Sholokhov.

Giống như trường hợp bậc đàn anh của mình là Maxim Gorky, việc học của Sholokhov gần như hoàn toàn diễn ra trong "trường đời". Các nhà văn học sử đã ghi lại rằng, cho đến thời điểm năm 1922, khi Sholokhov đã chuyển về sống tại thủ đô Moskva, để phục vụ cho việc mưu sinh, chàng trai 17 tuổi đã làm đủ các nghề lao động phổ thông: Từ công nhân bốc vác, thợ xây... trước khi trở thành nhân viên kế toán.

Ở Sholokhov, mọi sự dường như đều "chín sớm". Năm 19 tuổi, ông cưới vợ. Cũng trong năm này, ông cho in tác phẩm đầu tay: Truyện ngắn "Cái bớt". Hai năm sau, Sholokhov cho xuất bản tập truyện ngắn "Những câu chuyện sông Đông". Tài năng của tác giả trẻ ngay lập tức được văn giới nồng nhiệt chào đón. Nhà văn lão thành Serafimovitch đã gọi Sholokhov là "đại bàng non" và nhận xét về tác giả trẻ bằng những lời rất trang hoàng và đầy tính tiên báo: "Từ thảo nguyên bát ngát, con đại bàng non bất thần vẫy lên đôi cánh mênh mông".

Tuy nhiên, phải đến khi Sholokhov cho công bố tập 1 của bộ trường thiên tiểu thuyết "Sông Đông ềm đềm" vào năm 1928 thì tên tuổi của ông mới thực sự trở thành đề tài bàn luận của giới văn học toàn Liên bang. Nếu như Maxim Gorky có bụng liên tài tôn vinh "Sông Đông êm đềm" là tác phẩm đã "nêu lên hình ảnh nội chiến một cách sâu rộng, chân thực và tài tình nhất" thì ngược lại, cũng có không ít nhà phê bình chê bai thậm tệ tác phẩm, thậm chí họ còn yêu cầu tác giả phải cắt bỏ nhiều đoạn.

Trên tạp chí Cao trào (số 1, năm 1929) xuất bản ở chính quê hương nhà văn - thành phố Rostov trên sông Đông - một tác giả còn cho rằng, Sholokhov "thi vị hóa dân Cozak sông Đông cổ xưa", "thích thú trước sự giàu có của bọn kulak". Nguy hiểm hơn, không ít người trong giới phê bình chính thống còn quy chụp cho nhà văn trẻ cái "mũ": "thiếu lập trường vô sản, ca ngợi bạch vệ, kulak". Đã có lúc, Sholokhov suýt bị bắt và bị buộc tội phản động. Bản thân lãnh tụ Stalin, người sau này từng không dưới một lần khẳng định Sholokhov là "nhà văn nổi tiếng của thời đại chúng ta" cũng đã có lúc phân vân khi nhắc lại ý kiến của một số người, rằng bộ tiểu thuyết này sẽ có những chỗ có thể bị kẻ thù lợi dụng. Rất may, khi Stalin đặt vấn đề, Maxim Gorky đã có ý kiến phản biện ngay. Theo ý Gorky, những phần tử chống đối thì đến những điều tốt đẹp nhất chúng cũng sẵn sàng bóp méo để chống lại Nhà nước Xôviết. Những tập tiếp theo của "Sông Đông êm đềm" nhờ đó đã tiếp tục được in ra và sau này, bộ tiểu thuyết đã được nhận giải thưởng mang tên Stalin, giải thưởng văn học lớn nhất ở Liên Xô thời ấy.

Tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" gồm cả thảy 4 tập. Thời gian tác giả cho xuất bản tập đầu cho tới khi xuất bản tập cuối là... 14 năm. Đây là bộ tiểu thuyết đồ sộ, miêu tả một giai đoạn lịch sử 10 năm, từ 1912 đến 1922. Phạm vi địa lý được đề cập trong bộ sách cũng rất rộng lớn: Toàn bộ mặt trận miền Tây nước Nga trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, từ Ukraina, Ba Lan, Romania đến Sankt - Peterburg, Moskva... Như ở phần trên đã nói, vì khi xuất bản tập đầu, Sholokhov mới ở tuổi ngoài hai mươi một chút nên ngay từ thời đó, đã có nhiều người không tin rằng, ở tuổi ấy, với một tác giả học hành "lõm bõm" như thế, lại có thể viết nên một tác phẩm vĩ đại đến vậy. Trong văn giới bắt đầu lan truyền một luồng tin rằng Shlokhov... đạo văn. Thậm chí, không biết căn cứ vào đâu, có người còn nói trắng ra là, Sholokhov đã đánh cắp bản thảo của cựu sĩ quan bạch vệ Fioudor Krioukov, đồng hương với Sholokhov, rồi cho sửa chữa chút đỉnh và đem xuất bản dưới tên mình.

Những nhân vật ác ý thì thế, một số người cả tin thì lại căn cứ vào việc, trong tập đầu của cuốn tiểu thuyết, tác giả có một đôi chỗ nhầm lẫn về thời gian xảy ra sự kiện này, sự kiện nọ, đặc biệt, với việc tác giả - khi đã cho xuất tập 1 và tập 2 của bộ tiểu thuyết - cho biết ông bị thất lạc bản thảo hai tập sách này - càng nhiều người nghi ngờ việc đạo văn của ông.

Sự việc càng trở nên căng thẳng khi - vào năm 1974 - đích thân nhà văn Solzhenitsyn (nhà văn Nga đoạt giải Nobel Văn học sau Sholokhov 5 năm) đã đứng ra tài trợ cho việc xuất bản một tập sách nhằm "lật tẩy" Sholokhov. Sau này, tìm hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa hai ông, các nhà văn học sử đã tìm được bức thư Sholokhov gửi Ban Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô năm 1967, trong đó ông bày tỏ quan điểm: "Tôi ủng hộ vô điều kiện việc khai trừ Solzhenitsyn ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô". Như vậy, ta có thể hiểu, hành động của Solzhenitsyn xuất phát từ mối tư thù cá nhân.

Tuy nhiên, nghi án Sholokhov đạo văn cứ dai dẳng kéo dài cho tới mãi nhiều năm sau khi nhà văn... tạ thế (năm 1984). 12 năm sau ngày Sholokhov được trao giải Nobel Văn học, một nhóm các nhà khoa học Bắc Âu, những người gần gũi với các thành viên xét giải Nobel thậm chí còn dùng máy tính để kiểm tra, so sánh văn bản "Sông Đông êm đềm" với các tác phẩm khác của Sholokhov. Sự việc chỉ tạm thời chấm dứt khi - vào năm 1999, theo lệnh của Tổng thống Nga Putin, một Ủy ban cấp Nhà nước đã được thành lập để giải quyết nghi án này và thật bất ngờ, sau hơn 70 năm lưu lạc, bản thảo hai tập đầu của "Sông Đông êm đềm" đã được tìm thấy. Qua nghiên cứu văn bản, các chuyên gia đều đi đến nhận định: Tác giả đích thực của "Sông Đông êm đềm" không phải ai khác ngoài thiên tài Sholokhov.

Khi Sholokhov được trao giải Nobel Văn học, một nhà phê bình phương Tây đã có nhận xét xác đáng rằng: "Sông Đông êm đềm đích thực là một tuyệt tác đứng lên trên các thành kiến về ý thức hệ và giai cấp"

Trần Đắc Danh
.
.