Văn hào Mỹ Ernest Hemingway từng là điệp viên của Liên Xô

Thứ Sáu, 25/10/2019, 08:39
Nhà xuất bản "Alpina non-fiction" của Nga vừa xuất bản cuốn sách của cựu nhân viên CIA Nicholas Reynolds "Nhà văn, thủy thủ, người lính, điệp viên. Cuộc sống bí mật của Ernest Hemingway, 1935-1961".  Sau đây chúng tôi xin trân trọng trích giới thiệu một số đoạn của cuốn sách.


Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các cựu cán bộ Ủy ban An ninh Liên Xô (KGB) cảm thấy mình như những nhân viên của một công ty kinh doanh bị phá sản, không còn tiền trợ cấp hưu trí. Họ phải đối mặt với sự hỗn loạn về kinh tế và chính trị, đó là chưa nói tới việc công chúng hiện nay có thể chỉ trích họ không thương tiếc. Xử sự thế nào trong tình huống đó? Liệu trong phạm vi quyền hạn của họ có gì đó còn sử dụng được nữa không? Nhiệm vụ của các cơ quan tình báo là đánh cắp những bí mật mới, nhưng họ cũng có cơ hội bán các bí mật cũ và chuyển số tiền thu được vào quỹ hưu trí.

Nhận thấy đây là một cơ hội hấp dẫn, Crown Publishing Group, công ty con của Nhà xuất bản Random House đã đề nghị Cục tình báo đối ngoại-SVR (tổ chức tiếp quản các chức năng của KGB ở nước Nga mới) hợp tác. Để đổi lấy sự đóng góp đáng kể vào quỹ hưu trí, SVR phải cung cấp cho các tác giả ở Crown thông tin lịch sử về các hoạt động của KGB.

Ngoài việc thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, những thông tin này có thể cải thiện hình ảnh của KGB, cho thấy cơ quan này đã phục vụ nhà nước tốt như thế nào. Ban lãnh đạo của SVR đã nhiệt liệt hưởng ứng, bất chấp sự phản đối của nhiều cán bộ cũ của KGB.

Nhà văn Ernest Hemingway thời trẻ.

Tham gia viết mỗi cuốn sách có ít nhất một cán bộ nghiên cứu người Nga do SVR lựa chọn. Anh ta nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của KGB, ghi chép, và sau đó tóm tắt thông tin thu được. Ủy ban giám sát của SVR xem xét các tài liệu cuối cùng trước lúc bàn giao chúng cho các nhà sử học phương tây. Dự tính rằng kết quả sẽ là những cuốn sách về những thời kỳ tốt đẹp nhất của ngành tình báo Liên Xô, chứ không phải là những tiết lộ mang tính giật gân.

Đầu tiên xuất hiện cuốn tiểu sử của Aleksandr Orlov, người phụ trách cơ quan tình báo của Dân ủy nội vụ Liên Xô ở Tây Ban Nha trong những năm 1936-1938. Nhân viên phản gián Liên Xô này đã gặp Hemingway năm 1937 ở khách sạn Gaylord, nơi nhà văn thường đến thư giãn. Cuốn sách về Orlov được xuất bản năm 1993 và trở thành mẫu mực cho các tập sách khác trong bộ sách này.

Theo kế hoạch, một trong những cuốn sách của bộ sách này sẽ dành cho hoạt động tình báo của Liên Xô ở Mỹ trong những năm 1930-1940. SVR chỉ định Aleksandr Vasilyev phụ trách cuốn sách này từ phía Nga. Là nhà báo từng làm việc cho KGB, Aleksandr Vasilyev có thể hiểu rõ thực chất và khái quát các tài liệu lưu trữ hơn bất cứ ai. Ông bắt đầu thực hiện dự án năm 1993. Sau khi nghiên cứu cả núi hồ sơ về những người Mỹ hoạt động gián điệp cho Liên Xô, Vasilyev đã khai thác được rất nhiều thông tin thú vị.

Tuy nhiên, trong những năm 1995-1996, tình hình đã thay đổi. Crown buộc phải  chấm dứt dự án vì thiếu kinh phí. Tại SVR những người ủng hộ đường lối cứng rắn đã thắng thế. Họ cho rằng bí mật quốc gia không được xâm phạm.

Một trong những kẻ không khoan nhượng này hứa "sẽ trừng trị" Vasilyev sau khi thay đổi ban lãnh đạo. Vasilyev coi đây là một lời đe dọa và đã chạy sang phương tây. Sau này ông đã kịp chuyển các ghi chép của mình, kể cả các bản viết tay và bản sao một số tài liệu từ hồ sơ của Hemingway, qua biên giới.

Giờ đây các nhà nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm của Hemingway có cơ hội đọc những bản sao một số tài liệu của Liên Xô về nhà văn. Tuy nhiên, trong khi SVR chưa giải mật các tài liệu lưu trữ của mình, các nhà nghiên cứu phương tây chỉ có thể trông cậy vào Vasilyev, một nhân chứng vô giá đã làm được rất nhiều việc.

Liệu có thể cho rằng câu chuyện Hemingway trở thành điệp viên chỉ dựa vào thông tin của một phía? Trong tay các nhà sử học có những thông tin chưa đầy đủ, nhưng chính xác của các cơ quan mật vụ Liên Xô, nhưng bản thân Hemingway có nói gì về điều đó không? Có lẽ là không.

Mười năm sau, trong những bức thư gửi một người bạn thân của mình, Hemingway kể rằng ông đã thực hiện "những nhiệm vụ ngẫu nhiên" cho Liên Xô ở Tây Ban Nha, còn sau cuộc nội chiến vẫn giữ liên lạc với "những người Nga" đã chia sẻ bí mật với ông. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy Hemingway đã kể về Jacob Golos, người được Moskva giao nhiệm vụ tuyển mộ ông, và về Dân ủy nội vụ với bất kỳ ai. Hemingway hiểu việc giữ bí mật là một trong những thuộc tính chủ yếu của hoạt động tình báo.

Đầu năm 1941, khi Hemingway chuyển cho Golos những con tem thư của mình, ông đã đóng vai trò tích cực trong hoạt động bí mật với điệp viên Liên Xô (tem thư là tín hiệu về việc có thể tin cậy người giao nó, giống như những bức ảnh bị xé cố ý mà các điệp viên Liên Xô đã sử dụng, người giao đúng nửa ảnh kia là người của mình).

Hemingway không thay đổi nhiều từ tháng 11 năm 1938, khi Orlov nghe ông nói về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, cho đến tháng 1 năm 1941, khi ông gặp Golos. Hemingway nhận lời hợp tác vì lý do ý thức hệ - Golos không nhầm về điều đó. Tuy nhiên,  không giống những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản chân chính, nhà văn chỉ hợp tác với những người chống phát xít đã làm được một điều gì đấy thực tế.

Mặc dù khác với nhiều người được tuyển mộ trên cơ sở ý thức hệ, Hemingway vẫn có một số điểm chung với họ. Quá trình tuyển mộ thường bắt đầu từ một sự kiện nào đó gây chấn động và làm thay đổi quan điểm của người điệp viên tương lai về thế giới. Đối với Hemingway sự kiện đó là trận bão tử thần ở Florida Keys năm 1935 đã khiến ông phê phán kịch liệt hơn các giới cầm quyền của Mỹ về sự thờ ơ  đối với số phận của các cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất.

Sau đó, trong thời gian nội chiến, ông đem lòng yêu mến nước cộng hòa và bị quyến rũ bởi sự lãng mạn của hoạt động tình báo. Bây giờ ông chỉ làm mỗi một việc tiếp theo. Hemingway đồng ý trở thành điệp viên vì cuộc sống bí mật đáp ứng nhu cầu của ông. Hemingway đã làm tất cả những gì có thể trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, nhưng ông không thể bắt các nước dân chủ, đặc biệt là nước Mỹ của ông, chú ý tới lời ông nói. Thế là ông tìm kiếm sự giúp đỡ của những phương tiện bí mật khác, giống như người chồng ngoại tình, khi cuộc hôn nhân hiện tại không còn làm anh ta thỏa mãn.

Còn một điểm chung nữa với những điệp viên khác là niềm tin rằng những quy tắc thông thường không được áp dụng đối với ông. Hemingway đã sống theo quy tắc của mình nhiều thập kỷ. Ông vui mừng, tự tin và sẵn sàng lao vào cuộc phiêu lưu mới.

Trong thư gửi một người bạn, ông nói rằng ông cảm thấy mình "gần như hạnh phúc", khi bút lực đang dồi dào. Hemingway tiếc rằng ông không còn nhiều tiền như "thời gian trước, khi ông có thể đi du lịch khắp thế giới". Hơn nữa, ông cho rằng một chuyến đi hàng ngàn cây số tới Trung Quốc có thể mang lại "tự do hành động nhất định cho con người".

Hemingway tìm kiếm tự do hành động này trong chính trị và chiến tranh. Ông thích quân phục, ông thích gặp gỡ các quân nhân, nhưng không muốn phục vụ trong bất cứ quân đội chính quy nào. Ông thích tham gia các đơn vị không chính quy, đặc biệt là du kích, điều đó cho ông cảm giác có tham dự, nhưng vẫn tự do. Ông không phải là người cộng sản và thậm chí không có cảm tình với họ, nhưng sẵn sàng làm phim cho Quốc tế cộng sản, còn sau đó cộng tác với Dân ủy nội vụ trong cuộc chiến chống phát xít vốn là một đam mê chính trị mãnh liệt của ông.

Nếu như Hemingway viết về các cuộc gặp gỡ của mình với Golos, ông hoàn toàn có thể thừa nhận rằng ông thích nhà cách mạng lão luyện này, rằng lời đề nghị của ông ta thật hấp dẫn. Hemingway nhận lời gặp gỡ lần thứ hai, sau đó thứ ba, v.v... Cuối cùng, vào tháng 1 năm 1941 nhà văn Mỹ đồng ý làm việc với Moskva.

Cũng như nhiều điệp viên khác, Hemingway không thích từ "tuyển mộ". Ông biết rất rõ rằng ông đang bí mật quan hệ với cơ quan tình báo Liên Xô, nhưng thích coi điều đó như là một sự hợp tác chứ không phải là bước đầu tiên làm theo chỉ thị của Moskva.

Hemingway không cho rằng ông phản bội đất nước mình. Ông không thể nói điều gì không tốt về Chính sách mới của Roosevelt và vẫn tức giận Roosevelt không ủng hộ cộng hòa Tây Ban Nha. Ông bực mình vì nước Mỹ làm rất ít cho cuộc chiến chống Hitler. Nhưng ông không định bán rẻ đất nước mình.

Bộ Tư pháp Mỹ sẽ nói gì về điều này? Có hay không dấu hiệu phản bội ở đây? Liệu Hemingway có phạm luật, khi nhận lời làm việc với Dân ủy Nội vụ Liên Xô? Không thể vận dụng luật pháp Mỹ thời ấy vốn không rõ ràng lắm về hoạt động gián điệp vào trường hợp này. Hemingway không phải là quan chức nhà nước, ông không được tiếp cận các bí mật quốc gia để có thể nói về việc tiết lộ chúng. Ông không giúp đỡ kẻ thù trong chiến tranh. Nước Mỹ không ở trong tình trạng chiến tranh, còn Liên Xô không phải kẻ thù của Mỹ...

Trần Hậu (Theo báo Nga)
.
.