Văn hào A.Tsêkhốp: Ngọc càng mài càng sáng

Thứ Tư, 05/11/2008, 09:32
Đã hơn một trăm năm trôi qua kể từ ngày con người có phong thái điềm đạm, ít lời, có gương mặt chính trực, thông minh, có nụ cười tao nhã, đôn hậu ấy nằm xuống vì căn bệnh lao phổi quái ác, đã có biết bao trang sách đề cập đến cuộc đời có phần khiêm nhường, "khép kín" của ông. Có lẽ ở Nga, Tsêkhốp (1860-1904) thuộc trong số những nhà văn được nhân dân (cũng như được các chính trị gia) yêu mến nhất.

Bạn đọc Việt Nam hẳn còn nhớ câu thơ Tố Hữu (viết về Lênin) có nhắc đến chi tiết tấm bìa lịch treo tường trong phòng làm việc của Lênin có in hình A.Tsêkhốp.

Nhưng đâu phải chờ đến khi A.Tsêkhốp qua đời, người ta mới nói nhiều về ông.

Antôn Paplôvits Tsêkhốp sinh ngày 29/1/1860, tại thành phố Taganrôp, điểm chót của thảo nguyên rộng lớn ven bờ biển Azốp. Bởi xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp "thấp hèn" (tuy đang có biến chuyển tốt đẹp dần: Ông nội nhà văn là một nông nô, bố ông là người làm công cho hiệu buôn), Tsêkhốp đã trải qua một thời thơ ấu vất vả và cực nhọc. Cuộc sống tù đọng và buồn tẻ cộng với roi vọt và những tiếng nạt nộ của thân phụ đã khiến nhà văn tương lai sớm có ý nghĩ già trước tuổi. Đặc biệt nó đã  nung nấu trong ông quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tìm cách khẳng định mình với cuộc đời. "Tôi không có thời ấu thơ"- Sau này, Tsêkhốp đã chua chát nhớ lại.

Năm 1884, Tsêkhốp đỗ bác sĩ y khoa.

Trong số những bức vẽ tuyệt vời mà danh họa Lêvitan để lại, hẳn nhiều người ngạc nhiên nhận thấy nhà họa sĩ phong cảnh tài ba này còn có một bức chân dung rất độc đáo (vẽ chân dung không phải là sở trường của  Lêvitan). Và đó lại chính là chân dung Tsêkhốp. Lêvitan đã kết thân cùng Tsêkhốp thông qua anh trai nhà văn, vốn là người bạn cùng trường với ông. Ở bức chân dung này, nhà danh họa đã thể hiện trên gương mặt của nhà văn trẻ bước đường sau này của ông.

Tsêkhốp bắt đầu văn nghiệp khoảng năm 1880, với những truyện ngắn, tiểu phẩm hài hước, châm biếm đăng ở góc của những tờ báo nhỏ. Thời gian này, ông xuất hiện thật ồ ạt. Một năm, nhà văn trẻ cho "xuất xưởng" hàng trăm truyện, thường thì rất ngắn, độ một hai trang gì đó. Khả năng sáng tạo dồi dào đã khiến một lần ngồi trò chuyện tâm tình cùng bạn hữu, ông nổi hứng chỉ vào đồ vật trên bàn: "Đây là chiếc gạt tàn, nếu anh cần, tôi có thể viết ngay một truyện ngắn về nó".

Mặc dù trong "mớ dây rợ loằng ngoằng" ấy, Tsêkhốp cũng có thể lọc ra được nhiều truyện ngắn đặc sắc như "Con kỳ nhông", "Lão quản Prisưbeép", "Anh béo anh gầy", "Cái chết của một viên chức"… nhưng, không chịu vừa lòng với những gì hiện có, Tsêkhốp đã cố gắng mở rộng vấn đề, nâng tầm khái quát cho mỗi câu chuyện, đặc biệt áp dụng một cách triệt để phương châm gạn lựa, gạt bỏ những hư từ (những chữ tương tự "thì", "là", 'mà" trong ngôn ngữ Việt Nam), "gột tẩy" cho câu văn thật sáng sủa, giản dị, không một chút hoa hòe hoa sói. Nhiều câu chuyện đã kết hợp được tính trào lộng và chất trữ tình đậm đặc trong tâm hồn nhà văn. Những truyện như "Phòng số 6", "Một chuyện đáng ngán", "Người đàn bà phù phiếm" được đánh giá là có "chuẩn đoán tâm lý mẫu mực". Những truyện dài trên một trăm trang như "Thảo nguyên" còn thể hiện ở văn hào Nga sự tinh diệu khi ông miêu tả đường nét thiên nhiên bên cạnh những truyện ông rất điêu luyện trong sự mổ xẻ tâm lý nhân vật.

Năm 1888, Tsêkhốp được giải thưởng của Viện Hàn lâm Nga. Trước đấy, giải thưởng này chỉ dành cho thơ, tiểu thuyết - vốn được xem là thể loại "cao quý" hơn nhiều so với truyện ngắn. Tuy nhiên, vinh quang bao giờ cũng đi liền với niềm cay đắng. Sự đời ai chẳng có kẻ ghét người yêu. Một "nhà phê bình" nhân tập "Truyện ngắn tạp nhạp" của Tsêkhốp mới được xuất bản đã viết bài phê và hạ một câu "sấm" rằng: Con người đó (ý chỉ A. Tsêkhốp) sẽ rượu chè be bét rồi chết rấp ở vỉa hè. Tất nhiên, lời "sấm" ấy sai lạc hoàn toàn, nhưng nó lại có "cơ sở" từ trường hợp anh trai nhà văn: họa sĩ Nhicôlai Tsêkhốp. Mặc dù A.Tsêkhốp đã hết lòng khuyên nhủ, song ông anh càng ngày càng sa vào con đường nghiện ngập. Ông đã đánh sụp tài năng của mình ở các quán rượu để sau rốt phải bỏ nghề.

Tsêkhốp là một nhà văn bậc thầy. "Về phương diện phong cách, Tsêkhốp là người nghệ sĩ duy nhất của thời đại ta nắm vững đến mức độ cao nhất cái nghệ thuật viết làm sao cho từ ngữ thì chặt, ý tứ thì rộng". Và "trình bày nội dung các truyện ngắn của Tsêkhốp là một việc không thể làm được" (nhận xét của Goócki). Tất nhiên ở đây ta cần phải hiểu thêm một nguyên do: ngôn ngữ của nhân vật cũng rất quan trọng đối với sự hấp dẫn của câu chuyện.

Người ta có thể kể lại cái "tứ" của truyện, nhưng nếu để rơi nhiều chi tiết trong ngôn ngữ hội thoại thì câu chuyện rất dễ… nhạt. Cái duyên kể chuyện của tác giả là như vậy. Truyện "Lão quản Prisưbeép" hầu như chỉ có lời lão quản với một nhân vật đối thoại cũng lão, từa tựa như trong một vở kịch (đây cũng là dấu hiệu thể hiện tài năng của Tsêkhốp - một kịch tác gia lỗi lạc của nước Nga), thì kể lại như thế nào, nếu không ngoài một cách là… đọc cả truyện? Sự trung thực trước việc tái tạo hiện thực đời sống và sự chặt chẽ trong việc sử dụng các chi tiết đã khiến Goócki phải lấy làm kính phục, xem Tsêkhốp như bậc thầy, bậc đàn anh của mình. Và cũng chính Tsêkhốp đã có lần nhận xét để Goócki sửa lại một chỗ chưa chuẩn trong tiểu thuyết "Phôma Goócđêép". Ông hóm hỉnh bảo bạn: "Bà ta có ba tai, anh bạn thân mến ạ, mà một tai thì ở cằm, anh nhìn xem". Goócki đối chiếu lại sách mình viết và thốt lên: "Quả có thế, tôi đã đặt người đàn bà ấy ngồi thất cách với ánh sáng". 

Đại văn hào Lép Tônxtôi, người sinh trước Tsêkhốp tới 32 năm, và yêu quý ông như con, sinh thời cũng đánh giá cao tài năng của Tsêkhốp. Một lần, nhân nói chuyện về văn học Pháp, Tônxtôi đưa ra ý kiến: "Người Pháp có ba nhà văn: Xtanhđan, Bandắc, Flôbe, thôi thì cứ thêm cả Môpátxăng vào nữa". Đến đây, Tônxtôi không quên "chua" thêm: "Nhưng Tsêkhốp hay hơn nhà văn này". Một lần khác, sau khi chê tác phẩm của một nhà văn Nga là thiếu tính dân tộc, Tônxtôi quay sang khen ngợi Tsêkhốp khiến ông ngượng nghịu đến độ phải lúng búng xoay sang chủ đề khác.

Trong cuộc sống thường ngày, Tsêkhốp không phải là người ưa làm duyên làm dáng và thích những lời ca tụng ồn ào. Suốt cuộc đời, ông đã kiên trì gột bỏ "từng giọt nô lệ trong con người mình", đặng để giữ cõi lòng thanh thản mở ra cùng cái đẹp. Chuyện kể rằng, khi Lêvitan vẽ bức tranh kiệt tác "Đường Vlađimia" (con đường dẫn giải tù nhân đi đày dưới thời Sa hoàng chuyên chế), Lêvitan đã mang phác thảo tới "tặng" Tsêkhốp với lời chú: "Tặng ủy viên công tố tương lai Mikhain Páplôvích Tsêkhốp". Tsêkhốp từng học ở khoa Luật. Bởi vậy dòng đề tặng trên là bóng gió nói tương lai, khi làm ủy viên công tố, Tsêkhốp sẽ áp giải những con người cùm gông đi trên con đường như thế này. Tự ái vì điều ấy, Tsêkhốp đã tặng phứa bức tranh cho một người bạn khác vì "không muốn có bức tranh với dòng chữ đề tặng như thế".

Mặc dù truyện của Tsêkhốp luôn thể hiện một tâm hồn đa sầu đa cảm, nhiều vở kịch làm người xem rơi nước mắt, nhưng bản thân tác giả của chúng lại rất hay tìm cách kìm nén tình cảm của mình. Có nhà văn Nga từng phát hiện ra rằng: Trong tất cả các hồi ký về ông, không hề có một lời nào kể lại rằng lúc nào đó Tsêkhốp đã khóc. Thì chính Tsêkhốp đã từng lạnh lùng nói với một sinh viên trẻ đã rơi nước mắt khi xem kịch của mình: "Tôi đâu có viết để thấy những giọt nước mắt. Tôi muốn cái khác kia. Tôi chỉ muốn nói thật, nói thẳng với mọi người rằng: Hãy nhìn lại mình, hãy nhìn xem chúng ta đang sống tồi, sống tẻ như thế nào? Vậy thì có gì mà phải khóc".

Nhưng rồi cũng có người trong hàng ngũ bạn bè nhà văn - nhân chuyến theo ông đến Uran, đã nhìn thấy Tsêkhốp với những giọt nước mắt giấu kín trong đêm. Giọt nước mắt của một con người cô đơn đang ở kề cái chết. Thật đúng như nhận xét của Pauxtốpxki: "Mang trong mình tâm hồn nhân hậu, cao thượng và cương nghị lớn lao, Tsêkhốp đã giấu kín những giọt nước mắt và nỗi đau của riêng mình chỉ vì để không làm u uất cuộc sống của những người thân thích, để không đem lại cho mọi người xung quanh dù chỉ là một chút nặng nề". 

Các tư liệu văn học cũng kể lại rằng, ngay cả khi đối mặt với Thần Chết, Tsêkhốp cũng vẫn giữ được một phong thái rất "lịch lãm". Vốn là một bác sĩ, ông biết rất rõ các triệu chứng liên quan đến bệnh trạng của mình. Đêm đó, ông tỉnh giấc và lần đầu tiên trong đời, ông cho mời thầy thuốc tới. Khi người này đến, Tsêkhốp bảo vợ rót sâm banh. Đoạn ông ngồi dậy nói to với thầy thuốc bằng tiếng Đức: "Tôi sẽ chết". Sau đó, ông quay về phía vợ, nâng cốc rượu và mỉm cười một cách hết sức trìu mến, như thể giải thích hành động của mình: "Đã lâu lắm rồi anh không uống sâm banh"... Tsêkhốp thản nhiên uống hết cốc rượu rồi nhẹ nhàng nằm xuống, nghiêng người về bên trái và... vĩnh viễn ra đi.

Ở nước Nga, kể từ khi Tsêkhốp tạ thế đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học đã liên tiếp tìm ra nhiều tư liệu thú vị liên quan đến cuộc đời của con người được xem là "đạo đức nhất trong số các nhà văn cổ điển Nga" này. Và các cứ liệu càng thêm tôn vinh tầm vóc nhân văn của ông.

Nói như đạo diễn Reznicovích - đạo diễn vở kịch "Hạnh phúc giễu cợt của tôi" nói về cuộc đời, tình yêu và cái chết của Tsêkhốp: "Ở Tsêkhốp luôn có sự kết tinh của tinh thần cao thượng, sự tử tế và lương thiện… Đề tài về sự tử tế đang trở nên vô cùng cấp thiết trong thế giới ngày nay"…

Trần Đắc Danh
.
.