Vẫn giữ cái nhìn trong trẻo cho mỗi cú bấm máy

Thứ Sáu, 03/10/2008, 09:00
Người ta vẫn thường ví nghệ sĩ nhiếp ảnh như những lãng tử, cả cuộc đời rong ruổi tìm kiếm cái đẹp. Nay trời Nam, mai bể Bắc. Và sau mỗi chuyến đi là cả vụ thu hoạch những khoảnh khắc đẹp mê hồn. Vẫn là những con người, cảnh sắc hằng ngày, nhưng qua lăng kính người nghệ sĩ, nó đã được nâng lên thành nghệ thuật, thành những phút thăng hoa của cuộc sống.

Điều này thật đúng với người nghệ sĩ già Lê Vượng. Mặc dù đã sang tuổi 91, vậy mà với ông, hành trình đi tìm cái đẹp vẫn đang tiếp diễn. Sau mỗi cú bấm máy của ông, con người và sự vật lại hiện lên trong trẻo, tươi mới và sinh động...

Làm quen với nhiếp ảnh từ năm 18 tuổi, khi người cậu của ông mua lại hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội. Rồi được theo cậu đi chu du đó đây, sang tận Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh, cố đô Xiêm Riệp thăm Đế Thiên, Đế Thích của Campuchia. Cảnh sắc huy hoàng của vùng đất mới đã cuốn hút ông. Và với chiếc máy ảnh, ông đã kịp ghi lại những cảm xúc của mình. Sau chuyến đi hai cậu cháu đã ra được cuốn sách ảnh, đánh dấu bước mở đầu cho hành trình tìm tòi và khám phá vẻ đẹp cuộc sống.

Tám năm theo kháng chiến, Lê Vượng cùng gia đình tản cư ra vùng tự do Thanh Hóa. Tại đây ông mở hiệu "Việt Nam ảnh quán" để giúp đỡ gia đình, cũng như tham gia các hoạt động xã hội, và dạy học ở địa phương. Hòa bình lập lại, ông vào làm biên tập cho Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc. Đây là môi trường giúp ông gặp gỡ, tiếp xúc nhiều với giới văn sĩ trí thức, cũng như được đi sáng tác nhiều nơi. Năm 1962, ông được điều về Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, xây dựng kho tư liệu về mỹ thuật một cách hoàn chỉnh và hệ thống.

Công việc mới đòi hỏi ông đi khắp mọi miền đất nước để ghi lại những di sản văn hóa, mỹ thuật như đình, chùa, miếu mạo, lăng tẩm, tranh, tượng phật… từ các thời: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... Năm tháng này, giặc Mỹ đang điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, vậy mà người nghệ sĩ già vẫn một mình đạp xe đi khắp đó đây.

Ông kể có lần vừa chụp xong một ngôi đình làng thì ít hôm sau bom Mỹ dội xuống làm tan nát hết. Đến nay nhiều địa phương muốn phục dựng các di tích đều phải dựa vào những bức ảnh ông chụp. Ông cũng giúp nhiều bảo tàng địa phương thu thập tư liệu, xuất bản các tập sách ảnh quý giá như "Nghệ thuật Chăm", 15 bộ ảnh về lăng tẩm, đền đài, điêu khắc và gốm sứ Huế.

Nhiều tư liệu của ông đã được sử dụng để giảng dạy. Trong nhưng chuyến đi, ông còn ghi lại hình ảnh cô dân quân canh gác trên chòi cao, dân quân luyện tập, tăng gia sản xuất và cả một mảng không nhỏ về những làng nghề thủ công truyền thống...

"Tâm tình" - ảnh Lê Vượng.

Hiện Bảo tàng Mỹ thuật còn lưu giữ hàng vạn phim, ảnh do ông chụp, là tài sản có giá trị về nhiều mặt nhằm truyền bá và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhiều bức ảnh của ông trong giai đoạn này đã được giải thưởng cao trong nước và quốc tế như: Ba Lan, Liên Xô, CHDC Đức, Hungari...

Gần tuổi 70, nghệ sĩ Lê Vượng mới nghỉ hưu. Từ đó, ông dành toàn bộ thời gian cho ảnh nghệ thuật. Với chiếc nikon dã chiến cùng cái túi dết, ông lại tìm về với đỉnh Lũng Cú - Đồng Văn, Mèo Vạc. Khi thì vùng sông nước Cà Mau, hay những triền đồi cát trắng Quảng Trị… Ông còn là một trong số ít các nhà nhiếp ảnh đi nhiều nơi trên thế giới. Ngoài các nước Đông Nam Á, ông còn đi Đức, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đến đâu ông cũng tìm được cảm xúc để bấm máy và để lại dấu ấn riêng trong mỗi góc nhìn.

Nói về Lê Vượng, các đồng nghiệp nhắc nhiều đến bộ ảnh "Những sắc màu dân tộc"của ông. Bộ ảnh được thực hiện trong gần 10 năm, với hơn 70 bức, ghi lại những nét riêng độc đáo của 54 dân tộc Việt. Đây là thành quả của người đã dày công nghiên cứu về tập quán văn hóa các dân tộc. Lê Vượng vận dụng kiến thức những năm làm việc ở bảo tàng cùng các nhà khảo cổ học, dân tộc học.

Nhiều dân tộc đã bị thất truyền các trang phục truyền thống, ông phải mượn của bảo tàng để họ mặc rồi mới chụp. Có khi ông phải bỏ công đến chơi nhà, tạo không khí thoải mái giữa chủ và khách, để đối tượng thật tự nhiên. Bộ ảnh ra mắt công chúng thủ đô vào đầu năm 2006 và cùng năm đó trưng bày tại Rumani, nhân Hội nghị nguyên thủ các nước nói tiếng Pháp.

Nghệ sĩ Lê Vượng quan niệm: Nhiếp ảnh là một cuộc săn tìm chờ đợi khoảnh khắc hiếm có. Người nghệ sĩ phải có thời gian, kiến thức để chiêm nghiệm cuộc sống, phải đi, đi thì mới có ảnh đẹp. "Cái nhìn" của ông giờ đã đạt tới độ "thành tinh", các nguyên tắc, bố cục, các quy luật thị giác đã thành bản năng, thích là chụp, giơ là bấm máy, có vậy mới bắt được cái thần của nhân vật, tạo được sự gợi cảm và cảm xúc cho người xem.

Những tác phẩm "Nghệ nhân Song Hỷ thêu tranh", "Ruộng bậc thang", "Hội đền Hùng", "Cội nguồn", "Khoảnh khắc đẹp", "Xuân về"... đã ra đời như thế và mang về cho ông nhiều giải thưởng cao quý. Năm 1994, hai bức "Lòng đất", "Đường nét công nghiệp" được Trung tâm giao lưu nghệ thuật Đông Dương (Mỹ) tuyển chọn và trưng bày cùng tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam tại 11 bang của Mỹ.

Nghệ sĩ Lê Vượng còn tham gia biên soạn nhiều tập sách ảnh giới thiệu về Việt Nam đất nước con người do UNESCO ấn hành như "Huế giữa chúng ta", "Nghề gốm mỹ nghệ Việt Nam" in tại Pháp năm 1983, "Việt Nam - đất nước của Bác Hồ" in tại Liên Xô 1985. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất và Huân chương Lao động hạng Ba.

Kết thúc những chuyến đi, ông trở về với ngôi nhà thân thương trên phố Trần Quốc Toản. Căn phòng nằm gọn trên gác hai, nơi tràn ngập những kỷ niệm. Trên bức tường kia là tranh người vợ hiền, bà Nguyễn Thị Vương, do bạn ông, họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1967.

Một vài bức của danh họa Lê Phổ là người chú ruột, hai, ba bức khác do ông sưu tầm của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Phía bên này tường ông dành cho những tấm ảnh tâm đắc của mình "Mùa xuân", "Cội nguồn", "Nét quê hương", một vài bức về Hà Nội cổ, và cả hai bức mới nhất chụp Hồ Gươm những ngày hè tháng sáu qua.

Bên góc trang trọng cạnh bàn thờ còn có ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên đấy có dòng đề tặng và chữ ký của Người "Tặng chú Lê Phổ. Chào thân ái". Nếp nhà và cách bài trí giản dị cho thấy một con người có gốc gác Hà Nội từ cổ xưa thuộc vào bậc quyền quý, gia phong, nề nếp.

Nhắc lại những ngày Hà Nội sục sôi khí thế tổng khởi nghĩa, nghệ sĩ Lê Vượng cho biết: Lúc đó ông cùng người anh trai là Lê Thiết và em trai Lê Trường đang làm chủ đoàn hát Tố Như, đã bố trí để cán bộ Việt Minh vào rạp tuyên truyền đánh Pháp, đuổi Nhật. Có lần khi đang diễn vở "Phụng Nghi Đình" thì bị địch phát hiện, hôm sau Nhật cho người đến lục soát, điều tra chất vấn, may nhờ tài khéo léo cũng như thái độ bình tĩnh, đối đáp chôi chảy của Lê Vượng mà cả đoàn thoát nạn...

Những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, chính Lê Vượng đã nhiều lần lái xe xuống Hải Phòng mua vũ khí ủng hộ Việt Minh. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, Đoàn cải lương Tố Như tổ chức nhiều buổi diễn, lấy tiền ủng hộ kháng chiến.

Việc làm này của gia đình ông Lê Vượng được cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước lúc bấy giờ khen ngợi. Họa sĩ Lê Phổ khi ấy định cư tại Pháp cũng đã là cơ sở giúp đỡ phái đoàn ngoại giao ta mỗi lần đến Pháp. Và ông được Bác Hồ tặng tấm ảnh chân dung trên cũng do mối thân tình này.

Tuy nhiên, những đóng góp cho Việt Minh thời gian ấy không phải ai cũng biết. Với bản tính khiêm nhường, nhũn nhặn, chẳng mấy khi nghệ sĩ Lê Vượng bộc bạch với ai. Với ông, cái quan trọng là những tác phẩm để lại cho đời.

Được biết, vào ngày 10/9 này, nghệ sĩ Lê Vượng sẽ tổ chức triển lãm những tác phẩm mới nhất được chụp khi ông qua Nhật với chủ đề: "Nhật Bản - Đất nước hoa anh đào". Không dừng ở đó, ngay sau triển lãm ông còn gấp rút chuẩn bị cho triển lãm về Hà Nội xưa nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long...

Vẫn hàng ngày đạp xe túc tắc trên các đường phố Hà Nội, ngắm người ngắm cảnh, nếu có ai rủ đến các vùng miền đất nước, ông vẫn sẵn sàng. Người nghệ sĩ già dường như vẫn chưa ngừng tham vọng chinh phục cái đẹp

Tường Hương
.
.