Uy phiêu những tháp Chàm

Thứ Năm, 09/03/2006, 08:45

Những đền tháp, dương xỉ và địa y phủ lên mơ màng, như rùng mình hồi sinh sau hàng trăm năm chết lặng. Một Mỹ Sơn thung lũng phiêu ma, lung linh đuốc.

Thần Shiva như bước ra từ viên gạch Chàm, hồn còn vương mùi hoa sứ. Ngôi đền, Chiêm nữ và thời gian ẩn uất chẳng thể vụt xa. Điệu Apsara với đôi mắt Chăm huyền quyến phủ khuất trong màn sương. Tháp Chàm hiện lên sừng sững một niềm tự tin, tin vào sức mạnh quyền dương và vẻ đẹp bền bỉ của mình. Tháp Chàm uy linh như bản năng một đức tin...

Mỹ sơn huyền thuật

“Trời đã cao. Sao muộn thế bình minh? / Hay thời gian còn ẩn linh tiếng vọng / Thánh địa gọi mặt trời ở xa / Gió quẩn quanh cổ tháp / Như vẫn còn Shiva...”. Tôi chợt nghĩ đến những câu thơ viết trong sự thăng tưởng của mình. Tháp Chàm dần dần hiện lên trong dáng vẻ mòn mỏi kiêu hãnh như một mỹ ảnh bị sây sước hay chính là sự tưởng tượng của tâm linh được hiện thực trên mảnh đất này. Những quần thể tháp vươn lên cứng rắn, cương nghị là lời triết luận về tính dương của người Chăm. Mặc linh, tháp Chàm hùng sử. Hiển linh, người Chàm nguyện cầu. Tiếng kèn saranai, nhịp trống baranưng, điệu múa biyên, dẫu hòa quyện vào nhau vẫn cứ bị xoáy hút vào không gian thánh thần, vào ánh mắt Shiva hun hút ngàn năm...

Từng phiến Chămpa

Đất nung. Gạch chín nẫu. Sắc phù sa đỏ quạch. Từng viên gạch Chàm ấn tượng bởi những tính năng kỳ diệu: mịn, độ hút ẩm cao, khả năng tự liên kết không cần hồ vữa... Chứa trong khối hình nhẹ và với những vết xẻ rãnh trên đó là biết bao điều bí ẩn. Thứ gạch Chàm cổ bền chặt với thời gian vẫn là viền hào quang màu nâu sậm để những Chàm tháp cứ ám ảnh, ám ảnh. Ám ảnh vào không gian. Ám ảnh vào thời gian...

Có một lúc nào đó, nhìn gạch Chàm và nâng “từng phiến Chămpa” ấy, dân Hời xưa có ai ướm chiều dài, đo bề rộng, xem độ dày, tính trọng lượng, hỏi thành phần đất?... Có một lúc nào đó, dựng đứng một tiêu bản gạch Chàm, đặt trên lòng bàn tay, đưa ra xa, mơ màng ta ngắm và thấy những vị tu sĩ Bàlamôn theo chiều thời gian đi vòng quanh ánh sáng...

Những khối hình giới tính

Đá sa thạch. Phù điêu. Những tượng Chàm lở lói rỉ rên. Những hình khắc u hoài rêu, nét cười bí trầm, phảng phất buồn đâu đây mà không hề não nùng, nỗi buồn không thể lý giải vẫn còn lưu lạc giữa cõi người. Bỗng ngọn gió như lay động. Thần Shiva như bước ra từ đá, từ vách tháp Chàm và múa điệu Apsara. “Bông hoa xứ Chăm Pa / Tay cong vút, ánh nhìn cong vút / Chiêm vũ ngất ngây thần Ganesa / Mê hồn thần Garuda / Còn đang gấp khúc điệu Apsara...”.

Vũ điệu đá vẫn phồn thực ngàn năm. Những bức tượng Chămpa hừng hực sinh thực khí. Từ sư tử đứng, thần voi cho tới người cầu nguyện, vũ nữ và ngay cả những vũ nam cũng rừng rực giới tính. Trụ phồn thực cũng ngàn năm, những Linga thế trực dù vuông vức hay bát giác, khi với Yoni hay là Mukhalinga đều như muốn khai phóng những năng lượng chất chứa trong mình, chất chứa ngàn năm...

Dòng tinh thạch hay uyển triết của người Chàm

Keo sánh đặc. Tinh thạch là tinh túy của gạch Chăm liên kết những phiến Chămpa thành đền tháp cho những dáng hình vươn sinh để kiến trúc Chàm uy phiêu. Dòng tinh thạch giao hòa cả trời đất, mây mưa, là điều thầm kín của triết lý chuyển hóa linh hoạt giữa ba vị thần: Brama, Visnu, Shiva. Brama là thần sáng tạo, Visnu là thần bảo tồn, còn Shiva là thần hủy diệt nhưng trong những tháp Chăm, Shiva lại là vị thần được thờ nhiều nhất và Linga là vật được thờ phổ biến nhất. Trong các loại Shiva thì chỉ có Shiva dưới dạng Linga hoặc Shiva kết hợp với Linga là phổ biến nhất. Linga nghĩa là mầm sống, sự sống, sức sống. Vậy là từ trong hủy diệt Shiva lại nảy sinh mầm sống Linga. Cái ngầm triết, ẩn triết của người Chàm là vậy đó - uyển chuyển và thiên về tính dương.

Chiêm tưởng với vẻ đẹp tháp Chàm

Không phải một tu sĩ Bàlamôn hay quý tộc Chămpa, không có một tuổi thơ bên tháp Chàm như nghệ sĩ múa Thu Vân, không được trèo lên đỉnh tháp như thi nhân Chế, không được chiêm vọng bóng tháp Chàm rung mờ dưới dòng sông như hoạ sĩ Phan Ngọc Minh, cũng không được níu kéo và suy tư về cấu trúc Chàm như kiến trúc sư Ba Lan Kazic và chưa từng một lần đặt chân đến thánh đô của Chămpa như những du khách, song dường như từ lâu, giữa tôi với tháp Chàm đã tồn tại mối giao cảm. “Bầu trời nắng, rực Chăm / Những đền tháp cực Chàm sừng sững.../ Anh đến từ giấc chiêm bao / Nụ hôn đá dành cho trời đất / Lại tạc vào Shiva / Nét cười rêu vẹn nguyên năm tháng / Thỏa nguyện những Linga / Chẳng còn gì... cho ta / Chỉ ánh mắt em nhìn... cong vút / Rất đỗi Po Nagar!”.--PageBreak--

Không phải từ trên đỉnh tháp nhìn xuống như Chế Lan Viên, cũng không phải từ xa ngắm lại trong một chiều hoàng hôn tĩnh lặng như Phan họa sĩ, càng không phải từ ngoài giàn giáo trông vào như Kazic, tôi tưởng tượng rằng mình ở trong lòng tháp. Một trí tưởng tượng phiêu huyền. Trong lòng tháp đó có đôi mắt Chăm hun hút ngàn năm, là cái nhìn thôi miên đầy miên thụy. Lặng thinh dưới vòm cong một ngọn tháp và ngửa mặt để trực tuyến với bầu trời và ngọn núi Mêru, với ngọn lửa Chàm và ngọn gió thời gian, để hanh thông năng lượng qua chùm sáng ở đỉnh tòa tháp.

Trong lòng tháp trống rỗng và chứa đầy bóng tối, nhưng đỉnh tháp bao giờ cũng có một ô cửa vuông mở thẳng vào trời xanh. Những tia sáng hắt nghiêng vào lòng tháp tạo ra sự phiêu u. Nghe nói người Chàm thì tính được những bí mật của thời gian và vũ trụ khi đo những vệt nắng đi ngang qua đỉnh tháp, tôi thì cứ ngỡ mình tan chảy thành dòng tinh thạch khi miên man nhìn gạch rụng từng viên vỡ nát dưới chân, trầm ngâm nhìn đá rơi từng mảng sa thạch rớt xuống đất. Nhưng rồi từ đó, từng phiến Chămpa lại mọc ra một ngôi tháp, cực Chàm, sừng sững một niềm tự tin để những tháp Chàm uy tráng và tích chứa trường năng lượng phiêu huyền. Tôi không biết người Chàm đã xây các tháp cổ ấy như thế nào? Bí ẩn! Những huyền thoại cứ bao bọc những tầng tháp và cao dần, cao hơn chính cả các ngôi tháp. Tôi tưởng tượng những hình vẽ hoa văn trên thân tháp là vết xăm của thần linh để nhớ ghi cùng thời gian những kỷ niệm và ký ức...

Tôi tưởng tượng với một sức mạnh tinh thần bí ẩn được truyền từ trong lòng những phế tháp cổ, những phiến gạch ma huyền, những tượng đá phiêu thần và sự thiêng linh thuật hoài. Những tháp Chàm hiển hiện lên trong trí tưởng tượng tôi đầy sung lực, tin tưởng và đẹp đẽ. Hay bởi tháp Chàm chính là hình ảnh tưởng tượng của tâm linh về tình yêu, sự hòa hợp thiêng liêng của các vị thần với khát khao trần thế.

Những tầng tháp cứ tuyến tính, tuyến tính. Lên đến đỉnh tháp, nơi tập trung của mọi sự cảm nhận về nỗi buồn đau, niềm vui sướng, sự cô đơn trống trải hay bất tận hạnh phúc thì nhấp nhô nếp gạch đá. Chìm trong dòng tinh thạch sục sôi, sẽ nghe thấy tiếng gọi của những linh hồn thoát lên từ giàn hỏa thiêu, tiếng cười sảng hoặc của thần linh, tiếng rít của gió, của cỏ cây hoang dại quẩn quanh thung lũng...

Uy phiêu những tháp Chàm

Rồi bất chợt vút lên tiếng ngân của lòng tháp cổ suốt gần ngàn năm nay, từ thuở tháp Chàm, đọng lại trong vũ trụ thánh Chàm trên đỉnh Mô Ó. Cái vẻ Chàm không trội sắc mà thu hút trầm phiêu bởi độ sâu huyền ẩn của thánh linh. Dường như phải có một chút sứt sẹo vụn vỡ, một chút phế tàn thì tháp Chàm mới càng trở nên mơ màng mặc ảo. Dường như vẫn còn những ngọn lửa thiêng cháy một cách âm tính trong lòng những ngôi tháp, lưu ký ức Chàm, để ngày nay và mãi mai sau, giữ cho những tháp Chàm luôn luôn phủ màn sương huyền thần. Những ngọn lửa được đốt lên từ thời xưa xa đã tạo ra cho những Chàm tháp có được một vẻ đẹp “không thể bỏ qua”. Vẻ đẹp khiến con người phải chiêm nghiệm về ấn tượng thời gian và không gian. Có một chút gì đó, ít nhiều, người Chàm xưa gửi tâm linh vào những tháp Chàm. Và có một chút gì đó, tháp Chàm lưu giữ những thề nguyền để không gian và thời gian trở nên Chàm tích của một cõi dương Chiêm Thành xưa.

Những ngôi cổ tháp, những bức phù điêu, tượng đá, bệ thờ có chạm khắc hoa văn, những Linga đầy sức sống... dẫu đã gần ngàn năm, là hiện thực phế tích được khai quật. Những điệu vũ Apsara hóa thạch, những nụ cười Chiêm siêu thoát, giác ngộ về thời gian, phả ra từ gương mặt những tu sĩ... là sáng tạo nghệ thuật của những người thợ đá Chăm năm xưa được chạm khắc. Những hòa điệu từ các tầng tòa tháp với gió, với bầu trời, với khúc nguyện cầu, những nét nhạc của kiến trúc điêu khắc Chàm, cái giai điệu ru hồn từ đất và đá... là sự tưởng tượng của thần linh, sức tưởng tượng mạnh mẽ đến lạ kỳ về một cõi nhân gian. Thần linh đặt niềm tin vào trí tưởng tượng đó, một lòng tin rực sậm

Lê Bảo Âu Long
.
.