Từ thơ Puskin đến huân chương hữu nghị

Thứ Ba, 16/11/2010, 10:19
Dịch giả Thúy Toàn là một trong 12 vị khách quốc tế được đích thân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của Nhà nước Nga tại Điện Kremlin vì có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu và tuyên truyền, phổ biến văn hóa Nga tại Việt Nam.

Báo Văn nghệ Công an số 139 đã in bài "Đi tìm người đầu tiên dịch tác phẩm của Lev Tolstoy sang tiếng Việt", đặt vấn đề tác phẩm đầu tiên của nhà đại văn hào Nga được dịch sang tiếng Việt không phải là cuốn "An Na Kha Lệ Ninh" (Anna Karenia) do nhà văn Vũ Ngọc Phan thực hiện (được in nhiều kỳ trên tạp chí Pháp Việt và báo Tràng An năm 1937), mà là cuốn "Phục sinh" do một dịch giả (nhiều khả năng là Đào Duy Anh) chuyển ngữ (in nhiều kỳ trên báo Tiếng Dân từ năm 1927). Bài viết thể hiện ở tác giả một sự dày công tra cứu và một tinh thần trân trọng, yêu mến đặc biệt đối với văn học Nga. Điều này dễ hiểu: Tác giả bài viết không phải ai khác mà chính là dịch giả Thúy Toàn, người được xem là cầu nối giữa hai nền văn học Nga - Việt; tác giả của những bản dịch thơ Pushkin từng ăn sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc.

"Báo sẽ phát hành vào ngày thứ Hai, mùng 1/11" -  Trước đó hai ngày, gặp dịch giả Thúy Toàn tại một cuộc họp, tôi đã thông báo với ông như vậy. Thúy Toàn nở nụ cười hồn hậu: "Như vậy là mình có báo để kịp mang sang Nga rồi".

Tôi nghe nhưng không tiện hỏi xem ông đi như vậy là theo chương trình nào, do ai đài thọ (bởi tôi từng đọc đây đó thông tin về việc đã có lần ông phải bỏ tiền túi để sang thăm và làm một nghĩa cử ở Nga), và ông định mang tờ Văn nghệ Công an sang Nga để tặng ai? Cho đến mấy ngày sau, xem chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, tôi bất ngờ được biết: Dịch giả Thúy Toàn là một trong 12 vị khách quốc tế được đích thân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quý của Nhà nước Nga tại Điện Kremlin vì có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu và tuyên truyền, phổ biến văn hóa Nga tại Việt Nam. Kèm theo lời thuyết minh của phát thanh viên là hình ảnh Tổng thống Medvedev đứng nghiêm trang nghe dịch giả Thúy Toàn phát biểu bày tỏ niềm vinh dự của mình. Tiếp đó là cảnh dịch giả Thúy Toàn bước khỏi bục diễn giả, duyên dáng khoát tay nói câu gì đó với ông Medvedev và nghiêng người lịch thiệp trao tặng Tổng thống Nga một cuốn sách. Sau này đọc báo, tôi được biết đó là bản dịch tiếng Việt tập trường ca cổ của dân tộc Nga "Khúc ca về cuộc hành binh Igor" do Thúy Toàn thực hiện. Cuốn sách được xuất bản lần đầu tại Việt Nam năm 1987 và mới được tái bản trong năm 2010 này.

Gần như đã thành mặc định, nhắc đến dịch giả Thúy Toàn là bạn đọc nhớ ngay tới những vần thơ nồng nàn, da diết của các nhà thơ Nga, trong đó đậm đặc nhất là những bài thơ tình của đại thi hào Pushkin. Thậm chí, nhắc đến thơ Pushkin, người biết hay không biết tiếng Nga đều ít nhiều có thể ngâm nga những câu thơ mà Thúy Toàn đã dịch một cách rất thăng hoa, điệu nghệ từ thời trai trẻ: "Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:/ Trước mặt anh em bỗng hiện lên/ Như hư ảnh mong manh vụt biến/ Như thiên thần sắc đẹp trắng trong" (Gửi...); "Tôi yêu em: đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng hơn nữa/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài/ Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em" (Tôi yêu em)...

Năm 16 tuổi, cùng với 99 bạn trẻ, Thúy Toàn được cử sang Nga học tập, trở thành thế hệ học sinh Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản tại quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Ngay từ năm học thứ hai (Trường đại học Sư phạm Lênin ở Moskva), Thúy Toàn đã rất thích dịch những bài thơ, mẩu chuyện của thiếu nhi Nga sang tiếng Việt. Rồi thơ của các thi sĩ lớn: Pushkin, Lermontov, Esenin... lần lượt chinh phục trái tim trai trẻ, dễ rung động của ông. Thúy Toàn bắt đầu nảy ý dịch những bài thơ này, trước nhất là để cho mình, sau là cho những người Việt không biết tiếng Nga cùng thưởng thức.

Năm 1960, từ Trường đại học Sư phạm Lênin, Thúy Toàn đã gửi về NXB Văn học ở Việt Nam bản dịch một tập "Thơ Pushkin". Nét chữ viết tay mềm mại của người bạn gái (là vợ ông bây giờ) cùng với cái bút danh Thúy Toàn đã khiến các cán bộ ở NXB nọ ngỡ tác giả là... con gái. Tất nhiên, không phải vì thế mà bản dịch bị "om" tới 6 năm sau mới được xuất bản. Về việc này, dịch giả Thúy Toàn đã giải thích  với tôi: "Lúc bấy giờ, một tác giả mới khó ra sách lắm. Thế nên năm 1964, khi về phụ trách mảng văn học dịch tại NXB Văn học, tôi phải "kéo" thêm các nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông... vào. Hoàng Trung Thông thì có những bản dịch thơ Pushkin sẵn rồi, còn Xuân Diệu thì chưa. Để hỗ trợ ông, vì ông chỉ biết tiếng Pháp chứ không biết tiếng Nga - tôi làm nhiệm vụ dịch nghĩa".

Đó là lý do tại sao tập "Thơ Pushkin" (NXB Văn học, 1966) thường vẫn được "tính" riêng cho Thúy Toàn, trong khi ruột sách lại xen kẽ một số bản dịch của các nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông...

Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần tập thơ này và nhận thấy, các bản dịch của những nhà thơ sành sỏi như ba trường hợp kể trên (Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông) không phải là không có nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, những bài thơ Pushkin hiện được bạn đọc thuộc nhiều nhất, chép trong sổ tay nhiều nhất vẫn là những bản dịch của Thúy Toàn (như các bài "Gửi...", "Anh yêu em", "Con đường mùa đông"...). Lý giải cho sức thu hút, quyến rũ bạn đọc của những bản dịch này, Thúy Toàn khiêm tốn cho rằng: "Thời đó, các tác phẩm văn học dịch chưa nhiều. Những bài thơ tôi dịch lại đúng với tâm trạng của tôi, của thế hệ trẻ thời đó: những bài thơ tình, những vần thơ cách mạng đầy nhiệt huyết, lòng yêu nước, khát vọng tự do", và đó là lý do khiến bạn đọc "nhớ nhiều" đến những bản dịch của ông.

Tôi thì tôi cho rằng, sự thật không hẳn vậy. Bằng chứng là tôi thuộc lớp "hậu sinh"  so với lớp bạn đọc mà dịch giả Thúy Toàn nhắc tới trên, song tâm lý tiếp nhận một số bài thơ Pushkin mà ông dịch vẫn không có gì đổi khác. Thì ra, thơ hay đích thực bao giờ cũng là thơ vượt lên mọi đam mê mang yếu tố nhất thời. Nhân đây, cũng xin nói thêm là, lần đầu tôi tiếp xúc với thơ dịch của Thúy Toàn không phải là qua tập "Thơ Pushkin" mà là qua tập "Thơ Blok - Esenin" (NXB Văn học, 1982). Thú thật, tôi không mấy ấn tượng với cách dịch hai tác giả này của ông (không hiếm chỗ cách diễn ý còn nôm na và cách bắt vần thì gượng gạo).  Khi dịch "Thơ Blok - Esenin", chắc chắn là khả năng tiếng Nga của Thúy Toàn đã được nâng cao hơn nhiều so với thời ông dịch Pushkin. Nhấn mạnh điều ấy để thấy, đã có thời Thúy Toàn dịch như "rút gan rút ruột mình" (theo cách nói của ông) và quả là ông đã "lên đồng", đã có phút xuất thần, dịch đấy mà ngỡ như đang sáng tác.

Như trên đã nói, tôi không nằm trong số có thể sùng mộ tuốt tuột những bản dịch thơ của Thúy Toàn. Ngay với thơ Pushkin mà ông được xem là người dịch thành công nhất ở Việt Nam thì kể cả những bài nổi tiếng nhất, không phải không có chỗ tôi vẫn cảm thấy... lợn gợn. Như với câu: "Tôi yêu em đến nay chừng có thể" (bài "Tôi yêu em"), nhiều lúc tôi đã băn khoăn tự hỏi: "Chẳng lẽ một nhà thơ lớn như Pushkin lại dùng đến ba chữ đệm “chừng có thể" như vậy sao?

Mấy chữ ấy có đúng như trong nguyên bản không, hay dịch giả thêm vào, kiểu như Thái Bá Tân vẫn hay dùng mấy chữ "này", "nọ", "kia", "đó" để câu trên bắt vần được với câu dưới?". Tôi đem chuyện này hỏi Thúy Toàn và đã được ông trả lời như sau (đoạn đối thoại này đã được tôi đưa vào một bài viết in trên Văn nghệ Công an cách đây mấy năm): "Câu ấy nếu dịch chính xác sẽ là "Anh yêu em có thể là". Khi dịch tự nhiên trong đầu mình bật ra chữ "chừng". Sau này có người dịch lại, đã dùng "có lẽ", "có thể là". Thầy Hoàng Ngọc Hiến phê mình dịch thế là không... Việt Nam, nhưng lại có người khen ông này vẫn giữ được cho câu thơ cái chất... châu Âu. Thú thực là khi dịch, chữ nghĩa tự nhiên bật ra chứ lúc ấy mình có cân nhắc gì lắm đâu".

Nhân đọc được trên mạng một bài viết của nhà văn Ngô Tự Lập có nêu ý kiến là đoạn kết của bài "Tôi yêu em", trong nguyên bản tinh thần không đúng với những gì mà Thúy Toàn đã dịch, tôi mạo muội hỏi Thúy Toàn ông có đọc bài viết này? Và đọc rồi thì ý kiến của ông ra sao? Dịch giả Thúy Toàn cho hay: "Đoạn cuối bài thơ ấy mình dịch là: "Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em". Thú thực, đi vào nghiên cứu tiếng Nga mới thấy, tiếng Nga lúc đó và tiếng Nga bây giờ cũng thay đổi nhiều. Theo ý Ngô Tự Lập thì ý của Pushkin không như thế, mà là "Có lạy Trời em mới lại được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế", kiểu nói dỗi. Nhìn vào toàn bộ con người Pushkin, tôi nghĩ ông không có cái kiểu ấy đâu. Tình yêu lớn phải vị tha. Không thể ghen theo kiểu "Mày mà có được người tình như tao là may". Nếu đi sâu tìm hiểu tình sử của cái ông Pushkin này, thấy cũng rất lạ. Ông yêu một bề, chứ cô kia có để ý gì đến ông đâu. Thậm chí cô ấy coi ông như bậc cha chú".

Người viết bài này không biết tiếng Nga để có thể phân định được trong hai cách giải nghĩa nói trên, cách giải nghĩa nào mới "thực Pushkin". Tuy nhiên, dẫu gì chăng nữa thì ngoài việc bám sát tinh thần của nguyên tác, bản thân bài dịch phải có một cuộc sống độc lập, "bất khả xâm phạm". Nhà văn Ngô Tự Lập, sau khi cày xới vấn đề, rốt cục cũng phải thừa nhận: "Tôi không có ý định đưa ra bản dịch của mình, vì Thúy Toàn xứng đáng là người tự chỉnh trang bản dịch. Vả lại, tôi nghĩ, giả sử có định dịch lại, chắc tôi cũng sẽ phải ghi tên Thúy Toàn là đồng dịch giả. Bản dịch của ông từ lâu đã là một phần ký ức trong tôi"

P.K.
.
.