Từ Phó Chủ tịch TP thành nhà thơ của thiếu nhi

Thứ Ba, 14/08/2007, 14:30

Nhà thơ Võ Quảng đã quá thân quen với bạn đọc, nhất là những bạn đọc nhỏ tuổi với những tác phẩm trong trẻo, hồn hậu cho tuổi thơ. Ít ai biết rằng, người thi sĩ tài ba ấy còn là một cán bộ cách mạng kiên trung, sau CMT8 ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Đà Nẵng.

Khoảng giữa những năm 1980, nhằm nâng cao chất lượng văn chương và đẩy nhanh tiến độ của việc làm sách giáo khoa môn Văn và Tiếng Việt, Nhà xuất bản Giáo dục đã có sáng kiến phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các đợt “Vận động sáng tác và tuyển chọn thơ văn đưa vào sách giáo khoa”. Nhiều nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ... đã có mặt khá thường xuyên, đóng vai trò tích cực trong các đợt vận động này.

Một lần Nhà văn - Giáo sư Nguyễn Đức Nam (Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục kiêm Chủ nhiệm Chương trình Cải cách môn Văn và Tiếng Việt của Bộ Giáo dục) nói với tôi:

- Mình đã đọc “Quê nội” và “Tảng sáng” của Võ Quảng, thích lắm. Cậu thử đọc lại thêm xem có tìm được đoạn nào cho sách của ta không...

Mấy hôm sau ông lại dặn:

- Nhớ làm quen, nếu thân mật được thì càng tốt, rồi mời tác giả “Quê nội” và “Tảng sáng” đến chơi nhé!

Theo lời nhà văn Nguyễn Đức Nam, tôi đọc lại các tiểu thuyết “Quê nội” và  “Tảng sáng”, là lần đọc thứ hai thứ ba rồi, mà vẫn mê say như lần đầu. Đang được đà cảm hứng, tôi tìm đọc tiếp cả mấy tập thơ của ông, những là “Gà mái hoa”, “Thấy cái hoa nở”, rồi “Anh đom đóm” và “Nắng sớm”, rồi “Măng tre”... Cả một thế giới trẻ thơ với thiên nhiên thân thuộc sống động ùa về. (Các bài thơ “Anh đom đóm”, “Ai dậy sớm”… của Võ Quảng từng được đưa vào sách giáo khoa).

Giữa những năm 1980 ấy cuộc sống thật khó khăn, có nhà, có nơi gần như mòn mỏi và bế tắc bởi sinh kế mỗi ngày và hướng đi cho mai sau, thế mà đọc văn thơ Võ Quảng ta đã quên đi thực tại khó khăn đó. Quên đi, và thấy tin mến, mà tự nhóm lên trong mình một nguồn sống. Tôi thưa với thầy Nguyễn Đức Nam, với một số bạn văn nghệ khác cảm nhận này. Nhà văn Nguyễn Đức Nam nheo nheo mắt khích lệ tôi, chờ cho tôi nói gần hết, ông bảo:

- Ông Nguyễn Tuân đã rất có lý có tình khi bảo Võ Quảng đã thổi vào các trang thơ văn kia cả cái tâm hồn trong trắng của mình. Tâm hồn, phải rồi, chính cái tâm hồn trong trắng đã làm nên sự hấp dẫn tự nhiên của thơ văn Võ Quảng đấy!

Có thể coi đó là mấy “dữ liệu” ban đầu để tôi tìm hiểu về ông. Còn nhớ, vào những năm 1980 ấy, tư liệu về các văn nghệ sĩ ở ta là rất hiếm, chúng thường tồn tại ở dạng lời kể chứ chưa được biên soạn thành sách kỹ lưỡng như mười, hai mươi năm sau.

Tôi được mấy chú mấy anh từng làm việc ở Ban Thống nhất Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương cho biết là từ các năm 1935, 1936 - 1939, khi Mặt trận Bình dân ở Pháp lên cầm quyền, phong trào Dân chủ ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo hoạt động sôi nổi, chàng trai Võ Quảng đã hoạt động tích cực trong tổ chức thanh niên Dân chủ ở Huế - một trung tâm cách mạng và văn hóa ở miền Trung và của cả nước ta.

Như thế, cũng có thể coi Võ Quảng là người của lứa đầu ở khối trí thức trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, như Học Phi sau đó ít năm ở ngoài Bắc. Và cũng như Tố Hữu, ông từng bị Pháp bắt giam ở Huế, Hội An... Rồi cũng gần như Tố Hữu và Học Phi... ông tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở quê. Ngày cách mạng mới thành công, ông được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Đà Nẵng.

Tiếp đó, khi cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng, ông được điều sang làm Phó chánh án Tòa án Quân sự miền Nam Việt Nam. Không rõ vào các năm cực kỳ gian khó của buổi đầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầy rẫy thù trong giặc ngoài ấy, Võ Quảng đã đọc những gì, học những ai để làm tròn các phận sự ấy? Tôi hỏi, thì được nghe: Ông là người rất thông minh, rất biết khu xử - nghiêm cẩn và nhũn nhặn… Như thế, nếu không nhầm, thì cũng có thể coi ông là người của lứa đầu nền an ninh tư pháp nước Việt Nam mới, cái lứa đầu với những đàn anh lừng danh như Phan Anh và Phạm Khắc Hòe…

Biết được một ít lý lịch trích ngang ấy của Võ Quảng, tin thì cứ tin, nhưng tôi băn khoăn: Ông sớm giác ngộ và trưởng thành trên đường cách mạng và kháng chiến thế, nếu cứ theo đường ấy mà đi, hẳn cũng thăng tiến trên con đường quan lộ, vậy sao ông không đi tiếp? Câu hỏi này chả biết hỏi ai...

Hôm ấy thấy ông đang vui, tôi dợm hỏi, tưởng là sẽ được nghe ông kể dài dài, với vẻ trầm ngâm chiêm nghiệm, nhưng không phải thế, ông hỏi lại nhỏ nhẹ:

- Anh là học trò của thầy Huỳnh Lý phải không?

Tôi chưa kịp trả lời, đã thấy ông nói tiếp:

- Dạy học như thầy Huỳnh Lý, và làm thơ cho trẻ em, cũng là đóng góp theo sở nguyện của mình thôi.

Rồi ông im lặng, khóe miệng he hé một nụ cười.

Tôi nhớ là đã được nghe Giáo sư - Nhà văn Huỳnh Lý kể: Võ Quảng là một trong những học trò yêu quý của ông, và cũng là người đã đưa dẫn ông vào con đường hoạt động cách mạng. Khoảng năm 1946 – 1947, Giáo sư làm Phó chủ tịch Ủy ban thị xã Hội An, Võ Quảng có đến thăm ông mấy lần. Thầy trò rất tâm đắc với chuyện dạy trẻ và làm văn thơ cho tuổi ấu nhi (hồi đó các ông quen gọi trẻ em như thế).

Có lẽ đó là nguyên nhân chính để khi hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc, thì Võ Quảng chuyển sang hoạt động văn nghệ. Kể từ đó, ông liên tục cống hiến cho văn nghệ thiếu nhi trên ba lĩnh vực: quản lý và chỉ đạo - ông từng là Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, là Giám đốc Xưởng phim Hoạt hình, là Trưởng Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam.

Với sáng tác thơ văn - ông là tác giả của khoảng 20 tập truyện và thơ cùng kịch bản phim, trong đó có những tập có giá trị tiêu biểu cho nền văn học thiếu nhi của Việt Nam dưới chế độ mới như: “Quê nội”, “Tảng sáng”, “Anh đom đóm” và “Nắng sớm”, “Thấy cái hoa nở”, “Măng tre”...

Đọc lại hầu hết sáng tác và nghiên cứu phê bình thơ văn của Võ Quảng chúng ta có dịp liên hệ, so sánh dọc ngang, mà nhận ra rằng: Ngót nửa thế kỷ qua, quả thật, số người có thành tựu trên cả hai lĩnh vực này như ông ở bộ phận văn học thiếu nhi, cũng chỉ có mấy người…

Thành tựu nghệ thuật của Võ Quảng kết hợp giữa một bên là năng khiếu với công phu lao động bền bỉ. Ông từng kể: Ông khởi thảo bộ “Quê nội” và “Tảng sáng” từ ngày 10 tháng 11 năm 1961, mãi đến giữa năm 1973, sau năm lần sửa chữa, bỏ đi đến 3/4, thì mới xuất bản tập đầu. Để chuẩn bị tái bản “Quê nội” lần thứ tư ở Nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 1983, nhà văn đã bỏ ra nhiều ngày, nhiều tháng để chỉnh sửa một số đoạn và chi tiết trong đó.

Tôi được trò chuyện với Võ Quảng mấy lần, nhận thấy ông là người điềm đạm và nho nhã. Với bản tính kiệm lời, song cũng có lúc ông say sưa:

- Thơ có nhiệm vụ phải ghi sâu vào tâm hồn các em tất cả bức tranh đậm đà của đất nước, từ những sự kiện to lớn nhất, cho đến những việc nhỏ nhất, bóng dáng một cánh cò bay, hình ảnh sóng lúa rợp rờn, cây đa, bến nước, tất cả vẻ đẹp của núi sông, đó là lớp phù sa mỡ màng, trên đó mọc lên xanh tươi tình yêu Tổ quốc.

Thơ, như ông nói thế, dẫu thời gian đã xa song bây giờ thấy vẫn không cũ.

Lại nhớ vào một sớm cuối xuân đầu hè mát mẻ có ánh nắng tươi vàng, tại căn nhà 45 Hàng Chuối của Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, chúng tôi được tiếp ông. Khi nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng, ông bảo: “Ông ấy mới thực là người đi đầu mở đầu”, còn ông, ông nhận là người kế tục. Trên lĩnh vực văn học thiếu nhi lứa kế cận các ông có vẻ đông vui vào những năm 1960, 1970... còn bây giờ là những ai? Họ tâm thành và quyết chí với mảng văn chương quan trọng có tính chất nền móng này như thế nào?

Dạo ấy ông hay đi bộ từ nhà 44 Hàng Chuối sang nhà 45 Hàng Chuối vào khoảng từ 9giờ 30 phút. Trong phòng khách nhỏ bé của Văn học và tuổi trẻ, ông như một ông chủ báo thực sự, lại cũng như một người cha, một người ông... với đủ chuyện về nghề văn, nhà văn và việc dạy văn...

Một số cộng tác viên đến gửi bài, thấy vui, lại ngồi trò chuyện thêm. Khi biết ông già có mái tóc bạc với nụ cười thanh nhẹ và giọng nói của xứ Quảng là lạ mà vẫn dễ nghe, dễ hiểu chính là nhà văn, nhà thơ Võ Quảng lừng danh, mấy cô giáo và các em học sinh ngỡ ngàng một tí rồi reo lên ríu rít bên ông. Một lát bác cháu ông con cầm tay nhau đi xuống cầu thang, cuộc chia tay thật bịn rịn. Họ lên xe đi rồi, nhà văn vẫn đứng nhìn theo, miệng ông mủm mỉm như nói như cười.

Nhà văn Võ Quảng lứa đầu đang vui cười. Tôi thường nhớ, nghĩ về ông như vậy

Nguyên An
.
.