Truyền kỳ về ngôi nhà làm trong một đêm

Thứ Năm, 17/02/2005, 08:30

Làng Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Tây bao đời nay không chỉ nổi danh là một làng nghề có truyền thống tạc tượng và làm đồ thờ cúng bằng gỗ đạt đến độ tinh xảo, mà còn nức tiếng xa gần với truyền kỳ về một ngôi nhà làm xong trong một đêm.

Từ chuyện về tài, đức của người xưa...

Năm 1675, dưới đời vua Lê Hy Tông (1675 - 1705), xảy ra một vụ án hy hữu. Con voi mà Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều (1614 - 1690) mượn của triều đình để kéo nguyên vật liệu, phục vụ việc xây dựng đình chùa, miếu mạo, đường sá cho dân chúng làng Đông Lao, phủ Hoài Đức (nay là thôn Đông Lao, xã Đông Lao, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây), không may đổ bệnh mà chết. Chiểu theo luật: hoặc là ông phải đền một con voi đúc bằng bạc nặng bốn tấn đúng bằng trọng lượng con voi thật; hoặc là phải rơi đầu.

Vét hết sản nghiệp mà Đô đốc Thái bảo cũng chỉ đổ được có 4 cái chân voi bằng bạc; thế nên đành khắc khoải chờ ngày chịu chém. Phải xét xử vụ án này, Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ (1644 - 1692), một vị quan tài đức vẹn toàn, mất ăn mất ngủ bao đêm ngày. Cuối cùng ông nghĩ ra một kế. Một lần ngồi cùng uống trà và đàm luận thế thái nhân tình, quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư liền dò ý nhà vua. Ông kể rằng có anh tá điền nghèo rớt mùng tơi, phải đi cày thuê cuốc mướn cho nhà địa chủ. Một buổi trưa nắng chang chang, người và trâu đang cố sức cày cho xong thửa ruộng thì đột nhiên chú trâu bị ngã nắng, lăn quay ra chết. Nhà địa chủ kiện lên quan, bắt anh phải đền... Vua nghe vậy, tức khí đập bàn quát: con trâu chết vì ngã nắng, đấy là tại trời, chứ có phải do anh tá điền muốn đánh chết nó đâu. Anh nhà nghèo đáng thương kia chả có tội nợ gì hết. Nhân cơ hội ấy, quan Tham tụng Nguyễn liền bẩm tấu vụ án phải đền voi bạc của Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều. Vua sực nhớ, suy tính một hồi, khen ngợi tài trí của quan Tham tụng và cũng truyền xóa “vụ án voi” lạ kỳ kia.

Mối thân tình với quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư vốn đã khăng khít (hai người vừa là chỗ đồng hương, vừa là đã cùng nằm gai nếm mật trong cuộc binh đao dẹp giặc); nay lại thêm cái ơn cứu mạng nên không khi nào quan Đô đốc Thái bảo nguôi ngoai nghĩ đến việc đáp đền. Hiềm một nỗi, dù người bạn vong niên sống cảnh rất bần hàn, nhưng cứ mỗi khi Đô đốc Thái Bảo nhắc đến việc giúp bạn chút vật chất là y như rằng bị chối từ. Nguyễn Viết Thứ thì quả quyết rằng mình giúp được ai cái gì thì đều làm hết sức, nhưng há dễ mong người trả ơn. Còn ông bạn vong niên thì cũng lại khẳng khái rằng mình đã chịu ơn ai thì phải ghi lòng tạc dạ và quyết chí đáp đền.

Lần hồi mãi rồi quan Đô đốc Thái bảo cũng tìm được lối ra. Trong một lần hàn huyên chuyện thế thái nhân tình với quan Tham tụng, ông cũng cài vào câu chuyện rằng, làm con mà để cha mẹ già sống túng thiếu là không trọn đạo hiếu. Ấy thế mà song thân Người lại đang phải sống cơ hàn nơi thôn dã; há chẳng phải Người không đáp đền được ơn sinh thành đấy du. Lại nữa, Người và ta kết tình bằng hữu đã bao năm, yêu mến nhau như ruột thịt, vậy thì ta cũng phải có nghĩa vụ với song thân Người. Thế nên ta quyết tâm sẽ dựng một ngôi nhà khang trang ở Sơn Đồng; trước là để cha mẹ Người khỏi chịu cảnh nắng bức mưa dột những năm tháng cuối đời; sau là để làm nơi thờ phụng khi các cụ quy tiên. Người quân tử không thể chối bỏ bất cứ việc làm nào để đáp nghĩa cha mẹ. Bạn nói vậy là thấu đạt cả lý lẫn tình; nhưng tâm đã phục, mà khẩu thì chưa, nên Nguyễn Viết Thứ nói thách: Ta trọng cái ơn của Người lắm lắm, nhưng ta sẽ chỉ nhận ngôi nhà nếu Người làm xong chỉ trong… một đêm. Thách vậy thì quá là “đội đá vá trời” còn gì, thì cũng là cách ông thoái thác cái món quà vật chất của người bạn vong niên thôi mà.

... đến “ngôi nhà tri ân nhất dạ tác thành”

Nghe quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư nói thách vậy, ngài Đô đốc Thái bảo hiểu cái ý là bạn tìm mọi cách thoái thác chút quà mọn của mình. Nhưng đánh đông dẹp bắc còn được, chẳng lẽ ta không dựng nổi chái nhà - ông nắm chặt tay quả quyết…

Một ngày đầu năm 1676, dân chúng vùng Hoài Đức thấy một đoàn tùy tùng dễ đến ba trăm người cùng voi, ngựa, trâu, kéo gỗ, gạch, đá, ngói, hoành phi, câu đối… nhằm hướng làng Sơn Đồng thẳng tiến. Đến khu đất rộng 576 mét vuông của gia đình quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ, Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều bước vào căn nhà tranh, thi lễ với hai cụ thân sinh của quan bạn, kể rõ lòng mình và xin phép mời các cụ rời tạm sang nhà họ hàng nghỉ nhờ một đêm để phận con dựng ngôi nhà mới.

Dân chúng thì thấy lạ nên đến vây vòng trong vòng ngoài mà thắc thỏm: Thiếu gì ngày rộng tháng dài mà sao phải gấp gáp dựng nhà trong đêm tối thế nhỉ? Vậy là quan Đô đốc Thái bảo lại lễ phép ra thưa chuyện để bà con hiểu rõ nguồn cơn. Ai cũng tấm tắc khen ngợi cái tình cảm trước sau như một của hai vị quan lớn, nhưng ra về mà chẳng ai dám tin là ngôi nhà được làm xong ngay trong đêm.

Trời tối thẫm, đoàn người của quan Quận công Nguyễn bắt đầu công việc. Nhóm này đào đất, san nền; nhóm kia đục dui mè, đẽo cột, dựng khung; người lát nền, cất nóc… Đèn đuốc sáng trưng, tiếng nói cười hể hả; tiếng hò nhau hợp sức kéo gỗ, xúc đất, chuyển gạch… tất cả như là một công trường tấp nập, vui tươi. Sáng tỏ mặt người, bà con dân làng háo hức nhào dậy đổ xô đến khu đất nhà quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư.

Thật diệu kỳ! - Ai nấy đều ồ lên kinh ngạc. Trên nền đất cũ, ngôi nhà tranh vách nứa xiêu vẹo chỉ vừa mới chiều qua còn hiện hữu, nay được thay bằng căn nhà mới tinh tơm: 5 gian, 2 dĩnh (chái), dài 18,5 mét và rộng 7,2 mét. Song thân ngài Nguyễn Viết Thứ thì mừng đến rơi lệ trước tấm thịnh tình của bạn con mình. Còn bà con làng trên, xóm dưới thì xúm lại mà sờ, nắn những cây cột nhà bằng gỗ lim chắc, khỏe; trong lòng nhà lát gạch nâu bóng; những bộ hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng… mà ngỡ như chuyện thần tiên.

Ngồi hầu chuyện mọi người; mở tiệc cúng tân gia, khoản đãi binh sĩ và bà con dân làng xong thì mặt trời vừa đứng bóng. Quan Đô đốc Thái bảo dẫn đoàn tùy tùng hồi cung và để hân hoan báo với người bạn rất mực yêu thương - Nguyễn Viết Thứ - rằng ta đã thực hiện được yêu cầu của Người. Quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư tròn mắt kinh ngạc; đôi bạn vong niên ghì chặt lấy nhau mặc cho lệ chứa chan vì cảm động.

328 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn đượm hương tình vị nghĩa

Bên giỏ ấm tích ủ nụ vối thơm nồng, ông Nguyễn Viết Vi (64 tuổi) - hậu duệ đời thứ 11 của quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ - nhẹ nhàng giở cuốn gia phả viết bằng thứ giấy Yên Thái tuy ngả màu và sờn góc nhưng còn thơm mùi giấy mực, say sưa kể cho chúng tôi nghe về cụ tổ mình; về ngôi nhà kỳ lạ được làm nên bởi kỳ tình, kỳ đức của quan Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều. Ngồi bên cạnh, bà Nguyễn Thị Vinh (60 tuổi) - người vợ rất mực hiền thảo của ông từ 34 năm nay, nhẩn nha góp chuyện: “Không kể mấy lần sửa lặt vặt từ thời các cụ, chúng tôi mới chỉ trùng tu (đảo ngói, cân chỉnh lại các cột, vì kèo, thay những tấm gỗ mọt ở vách...) ngôi nhà này một lần vào năm 1975”.

Ngắm nghía ngôi nhà, trong tôi vẫn vẹn nguyên cái cảm giác lâng lâng như lạc vào miền cổ tích. Tấm hoành phi khắc dòng chữ “Đức giã viễn” nhắc nhở cháu con gắng “giữ cho đức được bền lâu”. Hàng câu đối ca ngợi tài đức của tiền nhân: “Cựu chỉ vĩnh lưu phương Tố tùng bát đại Thượng thư quan hất kim tướng thừa dịch diệp/ Tiểu tôn hoa kỳ kế diến tự ngô tri tú lâm công nhi hậu diệt thành nhất gia” (Tạm dịch: Hương thơm để lại của đời thứ 7 làm quan Thượng thư còn được lưu truyền mãi/ Cháu nhỏ, kế thừa ngôi nhà, đắp bồi thêm mãi). Những bát hương men ngọc, giữa là họa tiết đầm sen, hai bên là rồng chầu mặt nguyệt; lư đồng, mâm bạc... như vẫn còn lưu dấu của cổ nhân tài đức.

…Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, vật đổi sao dời đã nhiều, nhưng mối tâm giao của hai dòng họ Nguyễn Viết ở Sơn Đồng và Nguyễn Công ở Đông Lao thì vẫn không mảy may vết gợn. Dân chúng quanh vùng, bao đời nay đều truyền tụng những câu chuyện về dòng họ Nguyễn Viết khoa bảng; về tình bạn sắt son của hai ông quan một văn một võ; về ngôi nhà kỳ lạ làm xong chỉ trong vỏn vẹn có một đêm.

Chuyện về mối tâm giao, về tài năng, đức độ của quan Tham tụng Hình bộ Thượng thư Nguyễn Viết Thứ và Đô đốc Thái bảo Nguyễn Công Triều; về ngôi nhà được làm xong ngay trong đêm... là cả một bài thơ tuyệt mỹ về tài trí Việt Nam. Ngôi nhà kỳ lạ được làm nên bởi kỳ tình, kỳ đức ấy cần mau chóng được ngành văn hóa và du lịch quan tâm, chăm chút. Trước mắt, nếu được vén tấm màn nhung, đó sẽ là một điểm du lịch lý thú. Sau nữa, nó hoàn toàn có cơ hội được UNESCO trao bằng “Ghi danh công trạng kiến trúc” như 6 ngôi nhà cổ trải dài khắp 3 miền đất nước ta mà tổ chức này ghi công trong đợt vừa qua 

Lưu Sơn Nam
.
.