Trọn đời cho nghiệp diễn

Thứ Năm, 29/03/2012, 08:00

NSND Trọng Khôi vừa từ biệt chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng. Trái tim ông đã ngừng đập ở tuổi 69, để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Sân khấu Việt Nam đã mất đi một trong những nghệ sĩ tài danh bậc nhất, một người mà lúc sinh thời, NSND Nguyễn Đình Nghi đã từng nói: "Phải rất lâu nữa chúng ta mới lại có được một nghệ sĩ sân khấu như Trọng Khôi".

Tuy sinh trưởng trong một gia đình không có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng NSND Trọng Khôi lại "phải lòng" sân khấu từ rất sớm. 16 tuổi ông đã tham gia đội kịch Thanh niên của Đoàn Thanh niên Lao động Hà Nội. Sau đó ông thi vào Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, sau đổi tên thành (Trường Đại học Sân khấu) và là sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên của trường. Cha mẹ ông muốn ông theo nghề giáo viên như nhiều anh chị em khác trong gia đình, nhưng ông đã trốn gia đình đi thi, tá túc ở nhà người bạn thân là đạo diễn Doãn Hoàng Giang.

Nghề diễn với sức hấp dẫn mê hoặc của nó đã thực sự cuốn hút Trọng Khôi. Tốt nghiệp đại học, ông về đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam và cũng từ đây, tài năng của ông có điều kiện tỏa sáng.

Cho đến tận hôm nay, nhắc đến NSND Trọng Khôi là nhắc đến những vai diễn để đời như vai Trương Ba trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", vai Việt trong vở "Đôi mắt", vai Dương Văn Minh trong vở "Nữ ký giả", vai ông già đánh cá trong vở "Ông già biển cả", vai Chu Dĩnh trong vở "Con nhện xanh", vai Lê Thái Sư trong vở "Huyền sử Thiên Đô"...

Thành công rực rỡ với nhiều vai diễn lớn, NSND Trọng Khôi đã có một sự nghiệp mà không phải diễn viên nào cũng đạt tới. Không chỉ ở sân khấu, NSND Trọng Khôi còn gặt hái được nhiều thành tựu trong điện ảnh, mà nổi bật nhất là vai Nghị Hách trong phim "Giông tố". Vai diễn thành công đến nỗi, sau này đi đâu Trọng Khôi cũng được khán giả gọi thân mật là "ông Nghị Hách". Tôi nhớ có lần nghệ sĩ Trọng Khôi về một huyện ở Ninh Bình, ông bị quây chật cứng bởi các khán giả cả già lẫn trẻ. Người lớn thì chen lấn để chụp ảnh, cầm tay, trẻ con thì bá vai "ông Nghị Hách". Ngay cả một bà lúc đó đang là quan chức của huyện cũng chen bằng được để chụp ảnh với "ông Nghị".

Không có lợi thế về ngoại hình bằng nhiều diễn viên cùng thời với mình, nhưng Trọng Khôi lại sở hữu một giọng nói truyền cảm. Ông được nhiều đạo diễn khen ngợi là người có đài từ hay và chuẩn. Ngoài ra là khả năng diễn xuất thiên bẩm. Trọng Khôi rất giỏi trong việc xử lý các chi tiết trên sân khấu, nhờ vậy, các nhân vật ông hóa thân bao giờ cũng mang tới một ấn tượng rất riêng, rất đặc biệt cho khán giả.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang nhận xét, Trọng Khôi có một sự nhạy cảm sân khấu đặc biệt. Ông cảm nhận về nội tâm các nhân vật mà mình hóa thân thậm chí còn sâu sắc hơn cả kịch bản. Không bao giờ là "diễn cho xong" - Trọng Khôi rất sợ sự "trôi tuột" ấy. Đối với ông, diễn là phải để lại chút gì cho khán giả suy ngẫm, trăn trở. Ông luôn muốn đào "tới đáy" đời sống nhân vật của mình, khai thác hết các chiều kích nội tâm, để "hoàn tất" thông điệp của vở diễn. Có được điều này chính là nhờ tinh thần chịu học, chịu đọc, chịu nghiên cứu của ông.

NSND Trọng Khôi trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt".

NSND Trọng Khôi là một trong những diễn viên mê sách và chịu đọc sách nhất tôi từng gặp. Hồi mới giải phóng, được đi công tác Sài Gòn, có 200 đồng tiền lương ông mua 2 thùng sách to mang về Hà Nội, trong khi nhiều đồng nghiệp thì dùng số tiền đó để mua các vật dụng gia đình khác. Trọng Khôi luôn nhớ lời của thầy Nguyễn Đình Nghi nói với ông, khi ông "trượt" không được đi du học ở Nga vì một vài lý do, rằng "để bù lại những thiệt thòi ấy, em hãy đọc mỗi ngày 100 trang sách".

Đọc sách đã trở thành một thói quen, một phần không thể thiếu trong cuộc sống của NSND Trọng Khôi. Mỗi khi tham gia một vai diễn, dù là sân khấu hay điện ảnh, ông đều tìm đọc những cuốn sách có liên quan, để tìm hiểu về diễn xuất và tâm lý nhân vật. Trọng Khôi có nhiều bạn bè là nhà văn, nhà thơ. Trong quan niệm của ông, trân trọng bạn nghĩa là khi bạn tặng sách phải đọc, dù hay dù dở. Đọc xong sách của bạn, bao giờ ông cũng có một cuộc trao đổi rất thẳng thắn với bạn. Ông rất thích những cuộc tranh luận nho nhỏ ấy. Với kinh nghiệm của một người đã "sống nhiều đời sống nhân vật khác nhau", ông luôn đưa ra được những góp ý chân tình, bổ ích cho bạn bè. Ông cho rằng một diễn viên không thể diễn hay nếu họ không yêu văn học, không đọc các tác phẩm văn học.

Trong những lần gặp gỡ phỏng vấn NSND Trọng Khôi, tôi luôn nhận thấy một sự đau đáu của ông khi nói về diễn xuất của các diễn viên trẻ hiện nay. Sự nhạt, sự hời hợt, sự vô duyên của họ khi nhập vai được ông lý giải căn nguyên là do họ không chịu đọc sách, không chịu trau dồi tri thức cho nghề nghiệp của mình.

Sau khi nghỉ hưu, Trọng Khôi bắt tay vào viết sách "Sân khấu và nghiệp diễn". Đây là những trang tư liệu quý được đúc kết từ nửa thế kỷ "đồ mồ hôi, sôi nước mắt" trên sàn diễn của ông, những mong truyền lại cho các thế hệ diễn viên trẻ sau mình những kinh nghiệm mà ông đã có. Không chỉ thế, ông còn cùng NSND Lan Hương- Nhà hát Tuổi trẻ và NSƯT Trần Nhượng - Đoàn kịch Công an nhân dân mở khóa bồi dưỡng kỹ thuật diễn xuất cho các bạn trẻ yêu sân khấu, có mong muốn trở thành nghệ sĩ sân khấu. Dù sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn tham gia đều đặn vào các khóa giảng dạy diễn xuất cho sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh.

Có một dự án về sân khấu mà NSND Trọng Khôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng ông không thể thực hiện được vì lý do sức khỏe. Đó là sẽ tổ chức một chuyến biểu diễn xuyên Việt phục vụ nhân dân những trích đoạn sân khấu, những vai diễn xuất sắc nhất trong đời ông. Toàn bộ kịch bản chương trình này sẽ do nhà thơ Phạm Tiến Duật (em rể ông) thực hiện. Nhưng công việc đang ở giai đoạn chuẩn bị thì nhà thơ Phạm Tiến Duật lâm trọng bệnh và qua đời. Sau đó, sức khỏe của NSND Trọng Khôi cũng có những biểu hiện sa sút do biến chứng của căn bệnh tiểu đường, khiến ông thường xuyên phải lui tới bệnh viện và không thể tiếp tục hoàn thành ước nguyện của mình. Dù phải nằm trên giường bệnh nhưng ông lúc nào cũng khao khát được gặp gỡ khán giả, được bận rộn với nghề.

Hai năm trước, ông nhận lời đóng phim truyền hình dài tập "Huyền sử Thiên Đô". Hỏi vì sao ông không nghỉ ngơi, ông bảo làm việc chính là cách nghỉ ngơi tốt nhất. Diễn xuất mang lại cho ông cảm giác được sống thực sự, được đắm chìm trong niềm đam mê của mình. Và nếu có chết thì chết trong niềm đam mê cũng là một hạnh phúc. Cũng bởi niềm đam mê thiết tha nghiệp diễn ấy mà rất nhiều đạo diễn mời ông tham gia đóng phim truyền hình, dù ông đã sắp vào tuổi 70. Nếu vai diễn hay và sức khỏe cho phép, thì thế nào ông cũng phải "đòi vợ con" cho đi bằng được, dù ai cũng lo lắng cho sức khỏe của ông.

Bạn đọc hẳn còn nhớ hai năm về trước, trong chương trình ca nhạc "Ngẫu hứng Hữu Ước", NSND Trọng Khôi đã biểu diễn rất "ngẫu hứng" cùng với các nghệ sĩ khác là NSND Quang Thọ, NSND Doãn Châu, NSND Trần Hiếu, NSND Trần Tiến, NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng trong tiết mục "Chúng tôi người nghệ sĩ" làm xúc động trái tim hàng ngàn khán giả. NSND Trọng Khôi tâm sự, đứng  trên sân khấu cùng với những người bạn của mình, được cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả làm ông quên đi tuổi già, bệnh tật.

Thời gian của vũ trụ là vô tận, nhưng thời gian của một đời người thì hữu hạn. "Miếng da lừa" thời gian dành cho mỗi chúng ta đúng như quy luật của nó, sẽ ngày một bé lại, nhắc chúng ta hãy sống và không ngừng cống hiến, để mỗi phút giây qua đi sẽ không bao giờ là hối tiếc. NSND Trọng Khôi, trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, đã luôn ý thức điều đó. Ông đã ghi tên mình vào lịch sử sân khấu Việt Nam, viết lên một thời kỳ vàng son của ngành nghệ thuật này với nhiều vai diễn để đời mà các thế hệ diễn viên sau ông sẽ luôn lấy đó làm bài học cho nghề nghiệp của họ. Bàn chân ông đã đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới và nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế. Ông cũng đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, mà cao nhất là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ở cương vị đó, ông đã có nhiều đóng góp để duy trì và phát triển nghệ thuật sân khấu trong một thời kỳ khó khăn, khủng hoảng về khán giả…

NSND Trọng Khôi mất đi, nhưng những gì ông đã làm, đã đóng góp cho cuộc đời, cho khán giả sẽ được cuộc đời và khán giả ghi nhận và nhớ mãi…

Vũ Quỳnh Trang
.
.