Trăm năm còn đó nỗi sầu quân vương!

Thứ Ba, 27/11/2012, 08:00
Một quãng thời gian lịch sử với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng đi qua "cuộc đời" của tòa Bạch Dinh, nổi bật là vua Thành Thái, vị vua yêu nước thương dân, vị vua sẵn sàng rời bỏ ngai vàng đi theo tiếng gọi kháng chiến và kháng Pháp quyết liệt, kháng Pháp đến cùng… Nhưng buồn làm sao, hiện thân thực tại tòa nhà này không tương xứng với tầm vóc lịch sử của nó...

Vị vua yêu nước và những vần thơ trĩu nặng tâm can

Là con thứ 7 của vua Dục Đức và Từ Minh Hoàng Hậu, năm 10 tuổi (1889) hoàng tử Bửu Lân lên ngôi vua, lấy niên hiệu Thành Thái. Chính sử chép rằng vua Thành Thái tư chất thông minh, nhân hậu, giàu lòng yêu nước thương dân, có tư tưởng cách tân, quyết liệt chống Pháp... Trước tinh thần chống "mẫu quốc" không khoan nhượng ấy của vua Thành Thái, ngày 3/9/1907, Khâm sứ Trung kỳ Lévêque và Toàn quyền Đông Dương Broni nhân cớ vua Thành Thái bị điên (thực chất vua giả điên để tránh tai mắt của mật thám) ép ông xuống chiếu thoái vị, nhường ngôi cho Thái tử Vĩnh San (vua Duy Tân sau này) và đưa vua Thành Thái vào "an dưỡng" tại Vũng Tàu.

Trên đất Việt, có lẽ sau Huế và Tp HCM, thành phố Vũng Tàu là vùng đất đậm dấu ấn của vua Thành Thái nhất. Tại Vũng Tàu, vua Thành Thái bị giam lỏng trong tòa nhà Bạch Dinh (nay ở số 10 đường Trần Phú, được công nhận Di tích kiến trúc và danh thắng cấp quốc gia năm 1992). Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiền thân của Bạch Dinh là Pháo đài Phước Thắng (1820) của triều Nguyễn. Vào ngày 10/2/1859, khi Pháp tấn công Nam Kỳ, quân dân Phước Thắng nổ súng chống trả quyết liệt. Từ năm 1898, đồn Phước Thắng bị Pháp san bằng xây dựng nhà nghỉ mát cho toàn quyền Pháp tại Đông Dương là Paul Doumer.

Là tòa nhà mang kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX gồm 3 tầng, cao 19m, rộng 15m, dài 28m, nằm giữa khu lâm viên rộng đến 6ha, chủ yếu là cây giá tỵ và bông sứ, thời bấy giờ để xây dựng Bạch Dinh, Pháp huy động trên 800 tù khổ sai ép buộc khai phá kiến tạo ròng rã 10 năm trời. Sau khi hoàn thành, Bạch Dinh được đặt theo tên con gái yêu của quan toàn quyền là cô Blanche (Villa Blanche). Nhưng vì thấy tòa nhà màu trắng nên người dân quanh vùng quen gọi Bạch Dinh. Không chỉ là nơi an dưỡng của quan toàn quyền và các quan chức cao cấp thời Pháp, Bạch Dinh về sau còn là nơi dừng chân của vua Bảo Đại và các quan chức thời Mỹ -ngụy. Về thời gian vua Thành Thái bị giam lỏng ở "biệt điện trắng" hoa lệ này, tư liệu của Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu ghi rõ: "Từ năm 1906-1917, vị vua yêu nước Thành Thái đã bị thực dân Pháp bắt an trí tại đây nên còn gọi Dinh Ông Thượng".

Bài thơ "Sầu tây bể cấp" của vua Thành Thái được tạc vào đá trắng.

Căn cứ vào tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính ra vua Thành Thái có đến 11 năm bị Pháp "cầm tù" ở thành phố biển trước khi bị chúng đày sang đảo Réunion ở châu Phi.

Người ta đồn rằng trong thời gian bị Pháp giam hãm tại Bạch Dinh, vua Thành Thái sáng tác nhiều bài thơ toát lên nỗi niềm của một vị vua bất lực trước cảnh non sông gấm vóc bị ách thực dân giày xéo, và một trong số đó là bài thơ "Sầu tây bể cấp" được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú:

Sống thừa nào có biết hôm nay
Nhìn thấy non sông đất nước này
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây
Thành xuân nghìn dặm mây mù mịt
Bể cấp tứ bề sóng bủa vây
Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc
Dẫu cho sắt đá cũng chau mày.

Đến tham quan Bạch Dinh, lần theo lối đi 2 bên rợp bóng sứ đại thụ tỏa hương thơm ngát dẫn đến nhà bia có tấm bia khắc bài "Sầu tây bể cấp", rồi chúng tôi cũng được "sầu" với từng câu chữ trong bài thơ đong đầy nỗi uất hận lẫn niềm đau của vua Thành Thái trước cảnh non sông gấm vóc oằn mình trước lối cai trị hà khắc đến tàn bạo của chế độ "mẫu quốc" ngày nào. Bia đá ghi rằng thời gian sống tại Vũng Tàu, vua Thành Thái sáng tác bài thơ này nhưng căn cứ vào nội dung bài thơ với các câu chữ "sống thừa nào có biết hôm nay", "chưa quên câu chuyện cũ", "thành xuân nghìn dặm", đối chiếu với hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ, chúng tôi thiên về ý kiến rằng bài thơ được vua Thành Thái viết vào năm 1947, khi ông được Pháp cho trở về Việt Nam sau 31 năm lưu đày tại đảo Réunion.

Có thể sẽ có tranh cãi quanh thời điểm ra đời của bài thơ "Sầu tây bể cấp". Nhưng điều mà ai cũng phải nhìn nhận rằng nội dung bài thơ ấy hàm chứa tấm lòng yêu nước thương dân vô hạn của vị minh quân dám từ bỏ ngai vàng, quyết liệt chống Pháp không khoan nhượng vì hai tiếng "tự do". Nhân thể cũng nói thêm rằng, ngoài bài thơ "Sầu tây bể cấp", vua Thành Thái cũng sáng tác một số bài thơ khác nói lên nỗi niềm thương nhớ, xót xa cho quê hương đất nước và những người thân yêu dưới ách đô hộ của Pháp. Phần lớn những bài thơ ấy được vua sáng tác trong thời gian bị lưu đày nơi đảo xa. Nổi bật là bài "Than vua Thành Thái" mà có ý kiến cho rằng được vua sáng tác khi ngự giá vào Nam. Tương tự bài "Sầu tây bể cấp", bài này cũng chan chứa nỗi niềm ưu tư của một vị vua mất nước: "Nghìn thu may gặp hội minh lương/ Thiên hạ ngày nay trí mở mang/ Tấc đất ngọn rau trài dưới mắt/ Đai cơm bầu rượu chật ven đàng (đường)/ Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa/ Xót dạ thần dân chốn lửa than/ Nước mắt cơ cùng trời đất biết/ Biển dâu một cuộc thấy mà thương".

Nỗi buồn của du khách: Ngoài dòng chữ khô khan "Không ngồi, sờ vào hiện vật", chẳng thấy đâu là kỷ vật, di ảnh của vị vua yêu nước (ảnh chụp tại di tích Bạch Dinh, Tp Vũng Tàu, nơi vua Thành Thái bị thực dân Pháp giam lỏng trong 11 năm trời).

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Rời khu vực nhà bia nơi có bài thơ "Sầu tây bể cấp" của vua Thành Thái, chúng tôi lại men theo con đường rợp bóng sứ vào thăm trung tâm tòa nhà Bạch Dinh, những mong sẽ bắt gặp những hình ảnh, di vật liên quan đến vị vua được cả dân tộc yêu mến, tôn kính. Trong gió lộng với mùi hương sứ thoảng quyện khắp không gian, tòa nhà trắng muốt nằm gối đầu trên đồi cao hướng mặt về phía biển, nơi có bờ bãi hình vòng cung lượn từ núi Nhỏ đến núi Lớn, nơi có hòn Hải Ngưu bí hiểm trông xa tựa con trâu đang dầm mình dưới làn nước xanh ngắt… thật đẹp và thơ mộng.

Một quãng thời gian lịch sử với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng đi qua "cuộc đời" của tòa Bạch Dinh, nổi bật là vua Thành Thái, vị vua yêu nước thương dân, vị vua sẵn sàng rời bỏ ngai vàng đi theo tiếng gọi kháng chiến và kháng Pháp quyết liệt, kháng Pháp đến cùng… Nhưng buồn làm sao, hiện thân thực tại tòa nhà này không tương xứng với tầm vóc lịch sử của nó. Tầng dưới tòa nhà được dùng trưng bày cổ vật được trục vớt tại vùng biển Hòn Cau (Côn Đảo) và tầng trên đơn giản chỉ là giường tủ, bàn ghế chẳng ghi lấy một lời chú thích ngoài dòng chữ khô khan "Không ngồi, sờ vào hiện vật". Khách đến tham quan kêu trời khi tìm đỏ mắt chẳng thấy đâu là bóng dáng của vị vua yêu nước bị cầm tù trên chính giang sơn của mình.

"Trước khi đến đây, tôi cứ đinh ninh rằng mình sẽ gặp được vua Thành Thái với những di vật lúc sinh thời vua sử dụng tại đây hay thời vua bị giam cầm ở Pháp, hoặc lúc vua còn tại vị. Nếu không thì cũng là những hình ảnh chụp miêu tả quá trình vua Thành Thái lên ngôi báu, từ bỏ ngai vàng đi kháng Pháp rồi bị mẫu quốc giam lỏng ở Vũng Tàu, rồi đày sang Pháp và trở về Việt Nam, bị quản thúc những năm tháng cuối đời tại Tp HCM… Thế nhưng thực tế cho thấy chẳng có gì ở tòa nhà này liên quan hay nhắc cho người ta nhớ đến vị vua yêu nước" - chị Mỹ Dung, một du khách người Hà Nội đã phải ngậm ngùi thốt lên lời cảm thán ấy. "Tòa nhà từng cầm giữ vị vua hy sinh đời mình vì nghĩa lớn mà chẳng có lấy tấm hình của ông thì… không thể chấp nhận được" - một du khách đến từ T HCM bức xúc!

Chúng tôi rời Bạch Dinh, mang theo những ưu tư khó xoa dịu từ những vị khách phương xa ấy, những thần dân hậu thế của vua Thành Thái ngày nào. Lúc này mới 4 giờ chiều nhưng trời nổi giông gió, sóng cuộn, sóng dập ầm ầm tung bọt trắng xóa chừng như muốn tô đậm nỗi buồn vô hình, nỗi buồn "Sầu tây bể cấp" của một vị vua suốt một đời long đong vì dân vì nước, khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không được hậu thế quan tâm đúng mực!

Nguyễn Thành Dũng
.
.