Trái tim cô đơn và sự… nuối tiếc

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:24
Công chúng yêu âm nhạc không thể không biết đến một nữ nghệ sỹ lừng danh trong làng thanh nhạc Việt Nam. Tên tuổi bà gắn với những bài hát nổi tiếng: "Bóng cây Kơ -nia" (Phan Huỳnh Điểu), "Cô gái vót chông" (Hoàng Hiệp), "Em là hoa Pơ-lang" (Đức Minh), "Người con gái sông La" (Doãn Nho), "Suối Lênin" (Hà Té, Hoàng Đạm)…Hẳn là bạn đọc đã nhận ra NSND Tường Vi, suốt đời mặc áo lính, trước khi nghỉ hưu làm việc ở Đoàn Ca múa Quân đội với quân hàm Đại tá.


Tường Vi có giọng nữ cao (soprano) với âm sắc trong sáng như giọt sương buổi sớm, âm vực rộng, trường hơi, truyền cảm. Khi bà cất tiếng hát thì bất cứ trái tim của người khó tính nào cũng dễ dàng bị lay động bởi lối hát hết mình, rực lửa và luôn có những sáng tạo bất ngờ, mà điển hình nhất là khi bà xử lý đoạn hát staccato mô phỏng tiếng chim hót trong bài "Cô gái vót chông" của Hoàng Hiệp. Đoạn này hoàn toàn do Tường Vi sáng tạo nên, nằm ngoài ý đồ ban đầu của tác giả nhưng được nhạc sỹ rất tâm đắc, hoan nghênh.

Từ đó, đoạn staccato này đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với những sinh viên có giọng nữ cao trong Nhạc viện mỗi khi thể hiện bài hát này. Không chỉ ca hát, bà còn sáng tác ca khúc, trong đó có hai bài được công chúng biết tới là "Quê hương anh là biển cả" và "Phi đội ta xuất kích".

Nghe giọng hát chải chuốt, mượt mà, có phần sang trọng của Tường Vi, thật khó có thể hình dung bà lại có cuộc sống trắc trở, lận đận trong cõi riêng tư và một trái tim chưa bao giờ được thỏa sức dạt dào. Lớn lên, khi đang là cô học sinh đang học nghề y tá, trái tim non trẻ của Tường Vy đã run rẩy trước một chàng thanh niên đánh đàn măngđôlin thật hay và biết sáng tác nhạc.


Thế rồi chàng vào bộ đội, được sang Trung Quốc học hải quân. Từ đó, biệt vô âm tín. Vậy là trái tim non trẻ của cô gái 17 tuổi sớm bị tổn thương. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, sau ngày hoà bình được lập lại năm 1954, Tường Vi tập kết ra Bắc. Sẵn có nghề y tá, cô được làm việc ở Quân y viện 108. Hai năm sau, do có giọng hát trời phú, người ta chuyển cô về làm diễn viên Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Từ đó, Tường Vi trở thành ca sỹ chuyên nghiệp, khoác áo lính và đã vận bộ quân phục suốt cuộc đời. Về sau, cô được đào tạo chính quy ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam) rồi thực tập sinh ở Nhạc viện Sôphia (Bungari).
NSND Tường Vi luyện thanh.

Bước vào đời văn công, Tường Vi lại nặng lòng với một nhạc sỹ cùng đơn vị để rồi mối tình chưa kịp phát triển sâu sắc đã sớm phải chia tay. Số là khi ấy, Đoàn có quy định diễn viên không được kết hôn dưới 23 tuổi để có thể phục vụ được nhiều hơn, mà cô lúc này mới 18 (sinh năm 1938), trong khi người bạn nam đang rất muốn lập gia đình. Chàng đã không thể chờ đợi những 5 năm nữa.

Thế là lần thứ hai, Tường Vi lại ôm nỗi buồn, lao vào công tác để khoả lấp. Lần thứ ba, duyên số thế nào khiến cô gặp gỡ và nhận lời cầu hôn của một nhạc sỹ quân đội nhưng đang công tác ở Đoàn Văn công quân khu Tây Bắc cách Hà Nội khá xa. Địa lý xa xôi, cả hai người đều bận công việc sáng tác, biểu diễn phục vụ bà con và các chiến sỹ nên ít có dịp gặp nhau, vợ chồng Tường Vi chẳng khác gì Ngưu Lang - Chức Nữ.

Thời gian này, giọng hát của cô bắt đầu trở nên nổi tiếng. Nhiều lần, cô có dịp cùng các diễn viên khác biểu diễn phục vụ các đoàn ngoại giao nước bạn sang thăm nước ta và hát cho Bác Hồ nghe. Bác rất khen và động viên Tường Vi hãy ra sức trau dồi, rèn luyện thêm giọng hát để phục vụ được lâu dài. Được Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, cô đã kể rõ.

Thấy vợ chồng cô xa cách, cùng là diễn viên quân đội, sau đó, Bác đã nói với đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi ấy cho người chồng chuyển về cùng đơn vị với vợ để hai người được gần nhau. Từ đó mới chấm dứt cảnh vợ chồng Ngâu. Sau này, mỗi khi Tường Vi gặp khó khăn trong cuộc sống, lại nghĩ đến Bác với những lời chỉ bảo ân cần của Người và đặc biệt là việc cho phép vợ chồng bà được hợp lý hoá hoàn cảnh khiến bà đã dễ dàng vượt qua.

Cuộc sống không thể nói trước được bất cứ điều gì và mọi việc đều có thể xảy ra. Người chồng của Tường Vicũng là một sỹ quan quân đội, một nhạc sỹ sáng tác có một số bài hát được công chúng biết tới. Bà là một ca sỹ nổi tiếng, luôn yêu say nghề nghiệp. Vợ chồng như thế tưởng không gì thuận lợi hơn. Vậy mà hai người cứ mất dần tiếng nói chung mặc dù cả hai đều rất tôn trọng nhau.

Tường Vi kể rằng, chồng bà rất tốt, có trách nhiệm với vợ con và luôn ủng hộ bà trong công việc. Nhưng tất cả điều ấy vẫn chưa đủ để níu kéo hạnh phúc khi ngọn lửa tình yêu không thường xuyên được duy trì, hun đúc. Thế rồi sau 20 năm đồng sàng, hạnh phúc đã đội nón ra đi. Cuộc chia tay không mong muốn ấy diễn ra cách đây đã khá lâu. Từ đó đến nay, Tường Vi vẫn lẻ bóng. Thế là lần thứ ba, trái tim của bà lại rỉ máu.

NSND Tường Vi đang dạy trẻ em hát.

Tất nhiên, lần này vết thương lòng nặng hơn vì hai người đã nên vợ chồng, lại sống với nhau 20 năm, có biết bao kỷ niệm, mà lớn nhất là người con trai giờ đây cũng là một nhạc sỹ đang định cư tại Mỹ. Tường Vi là người rất chân thành, hồn nhiên và cởi mở. Bà có thể bộc bạch, tâm sự những điều sâu kín khi đã quý và tin ai. Mỗi dịp gặp bà, tôi đều hỏi thăm mọi chuyện liên quan đến bà và không quên hỏi thăm "nguyên lang quân" là hàng xóm của bà. Bà đều nói với tình cảm tôn trọng: "Anh ấy vẫn khoẻ, vẫn thường xuyên sang thăm Vi. Hai người coi nhau như bạn, đồng nghiệp quý".

Trong thế giới tâm hồn của bà, có một người đã xen vào. Người này tuy không khiến bà rung động trái tim nhưng cũng không thể quên. Đó là Đại uý người Lào có tên Coong Le - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dù 3 của Hoàng thân Suvanafuma. Viên sỹ quan này mê đắm giọng hát của Tường Vi nên theo đuổi bà rất nhiệt tình, tha thiết mà ông ta đã gửi gắm vào rất nhiều lá thư gửi đến người người nữ ca sỹ Việt Nam. Tất cả đều toát lên khát vọng được làm người bạn đời của Tường Vi. Ông đã tìm mọi cách để đạt được điều này bằng việc đến gặp đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào để nhờ thuyết phục giúp. Một vị tướng đã hỏi ý kiến Tường Vi về việc này.

Bà trả lời: "Coong Le là một người yêu nước. Em rất trân trọng và biết ơn tình cảm chân thành, nghiêm túc của ông ấy. Nhưng tình yêu thì không thể. Em chỉ muốn giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp như từ lâu nay giữa nước mình và nước bạn Lào mà thôi" (ông Coong Le về sau được Chính phủ Lào thăng vượt cấp từ Đại uý lên thẳng Trung tướng).

Sau khi ly hôn rồi đến lúc nghỉ hưu, tưởng sự hẫng hụt đáng kể trong tâm hồn Tường Vi khó có thể khoả lấp thì một ngày kia… Lúc này bà vừa nghỉ hưu. Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, bà đang luyện thanh thì nhìn ra cửa sổ thấy một đám trẻ em đứng nghe. Bà ra có ý mời chúng vào nhà thì chúng bỏ chạy. Bà cất lời:

- Các cháu! Sao phải chạy? Vào nhà, cô hát cho mà nghe.

Thấy bà tươi cười, thân thiết, cởi mở, đám trẻ vào nhà. Sau đó bà biết chúng ở làng trẻ em SOS đóng ở gần đó (làng này chuyên nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ, không nơi nương tựa). Thấy chúng rất yêu thích âm nhạc, ca hát, bà nảy ý định dạy hát miễn phí cho chúng. Đứa này truyền đứa khác, mỗi ngày chúng đến với bà đông hơn. Thêm cả trẻ em không ở trong làng SOS cũng đến. 

Thế là bà thành lập Câu lạc bộ Tình thương, rồi sau trở thành trung tâm Nghệ thuật Tình thương. Trung tâm này đặt dưới sự bảo trợ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Lúc đầu chỉ ở Hà Nội, về sau có thêm hai cơ sở ở Đà nẵng và TP Hồ Chí Minh. Với tính chất nhân văn, rất có tác dụng của Trung tâm, nhiều vị lãnh đạo cao cấp đã quan tâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ủng hộ tiền để trung tâm mua sắm các trang thiết bị.

Một nhóm gồm 7 cựu binh người Mỹ khi đến thăm Trung tâm, nhìn những đứa trẻ tật nguyền bởi nhiễm chất độc đi-ô-xin, đã bộc lộ sự hối hận vì trước đây họ đã góp phần gây nên nỗi bất hạnh cho chúng. Và họ đã trở lại Mỹ kêu gọi sự quyên góp của nhiều cựu binh khác ủng hộ Trung tâm.

Tường Vi thấy ấm lòng và hạnh phúc khi từ trung tâm này, nhiều em đã trưởng thành, trở nên những nghệ sỹ nổi tiếng như nữ nhạc sỹ Giáng Son, "nữ hoàng dancesport" Khánh Thi…Trong suốt 25 năm qua, bà đã tràn ngập niềm vui và hạnh phúc bởi sự lớn mạnh của trung tâm. Nhưng đáng tiếc, nay bà đã tuổi cao sức yếu, lại thêm hai bệnh tiểu đường và huyết áp cao hành hạ nên bà không có điều kiện để tham gia và Trung tâm đã phải chấm dứt sau 25 năm hoạt động hiệu quả. Bà luôn nuối tiếc vì trung tâm phải dừng hoạt động do không có kinh phí trong khi bà đã lực bất tòng tâm. Giá mà có ai đó, vừa có tâm, có tài, lại sẵn sàng tiếp tục sự nghiệp của Tường Vi, nuôi dưỡng trung tâm phát triển.

Nguyễn Đình San
.
.