Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

Thứ Hai, 12/02/2018, 09:05
Tròn 50 năm, kể từ mùa Xuân Mậu Thân 1968, thi sỹ - liệt sỹ Lê Anh Xuân đi xa. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của anh mãi mãi được ghi vào những trang vàng của văn chương Cách mạng Việt Nam thời hiện đại. 


Bài thơ "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân với thế hệ đã được tôi luyện qua lửa đỏ và nước lạnh, như "thép đã tôi thế đấy", là một gia sản tinh thần. Nói đúng hơn, nó thuộc về văn sản Việt Nam thời kỳ bão tố cách mạng và chiến tranh. Năm mươi năm đã qua, hãy cùng nhau đọc lại toàn văn bài thơ hừng hực khí thế tiến công, sáng ngời tinh thần tận hiến của một thế hệ sẵn sàng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh":

Dáng đứng Việt Nam
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hang
Có thằng sụp dưới chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ
 Mà vẫn một màu bình dị sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.

Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước
Ơi Anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

                                                3-1968

Những người không biết chiến tranh sẽ có thể chưa cảm nhận hết cái đẹp và tầm vóc của một trong những bài thơ hay nhất của nền thơ chiến đấu Việt Nam trong mười ngàn ngày (1945-1975) kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ hai mươi là Pháp và Mỹ.

Nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5-6-1940, tại Châu Thành, Bến Tre. Thuở nhỏ, sống với cha mẹ ở vùng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Năm 1952, làm việc tại nhà in Trịnh Đình Trọng, thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ. Năm 1954, theo gia đình tập kết ra miền Bắc, theo học tại Trường học sinh miền Nam (Hải Phòng), Trường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Từ 1958 đến 1962 Lê Anh Xuân học Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học, anh được giữ lại Trường làm trợ giảng tại Bộ môn Lịch sử thế giới (chuyên về lịch sử văn hóa Hy Lạp - La Mã), Khoa Lịch sử. Không nhận tiêu chuẩn đi học nước ngoài (Liên Xô) do tổ chức bố trí, cuối năm 1964,Lê Anh Xuân tình nguyện trở về miền Nam công tác ở Tiểu ban Giáo dục, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục.

Từ tháng 7-1965 anh chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng. Ngày 24-5-1968, Lê Anh Xuân hy sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cuộc đời Lê Anh Xuân, có thể nói là một tấm gương tận hiến cho Tổ quốc của một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, hoài bão, lý tưởng cao cả.

Sự nghiệp văn chương của Lê Anh Xuân chưa hẳn đã đồ sộ nếu xét về số lượng. Một số tác phẩm chính đã xuất bản của Lê Anh Xuân: "Tiếng gà gáy" (Tập thơ, 1965), "Giữ đất" (Văn xuôi, 1966), "Hoa dừa" (Tập thơ, 1969), "Nguyễn Văn Trỗi" (Trường ca, 1969), "Thơ Lê Anh Xuân" (Tuyển thơ, 1981), "Nhật ký Lê Anh Xuân" (2011).

Lê Anh Xuân đã được nhận Giải thưởng thơ của tạp chí Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1961) cho bài thơ "Nhớ cơn mưa quê hương" với bút danh Ca Lê Hiến. Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2011. Lê Anh Xuân là 1 trong 100 nhân vật của Đại học Quốc gia Hà Nội (sách "Chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội", NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006).

Bài thơ được viết vào tháng 3-1968, đúng thời điểm chiến dịch Mậu Thân đang ở giai đoạn ác liệt. Không thể kể hết những tổn thất lớn lao của quân và dân ta trong chiến đấu. Nhiều tấm gương hy sinh anh dũng tuyệt vời của quân và dân miền Nam anh hùng. Những cái chết đã hóa thành bất tử. Những cái chết gieo mầm sự sống.

Có lẽ, Lê Anh Xuân đã ấn tượng sâu sắc về sự hy sinh của những chiến sỹ Giải phóng quân miền Nam anh hùng, và đó chính là thi liệu, thi hứng tạo nên thi phẩm "Dáng đứng Việt Nam". Trong bài thơ "Bài ca xuân 68", Tố Hữu đã viết những vần thơ cao vút, hào sảng về người chiến sỹ Giải phóng quân: "Hoan hô Anh Giải phóng quân/ Kính chào Anh con người đẹp nhất/ Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang, bất khuất trên đời/ Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/Một dây ná, một cây chông, cũng tiến công giặc Mỹ/Không tự ngắm mình, Anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sỹ/ Cả năm châu, Chân lý đang nhìn theo/ Bóng Anh đi... và vành mũ tai bèo/ Của Anh đó/ Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh".

"Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân có cách tiếp cận, thể hiện độc đáo hình tượng người chiến sỹ Giải phóng quân. Bài thơ lúc mới viết có nhan đề giản dị - "Anh Giải phóng quân". Trước lúc lên đường vào cuộc chiến đấu mới, Lê Anh Xuân gửi lại bài thơ cho Ban Biên tập tạp chí Văn nghệ Giải phóng.

Theo hồi ức của nhà văn Anh Đức: "Ấy là một chiều hè năm 1968, trước hôm đi xuống vùng phụ cận Sài Gòn, Hiến sang nhà tôi ăn cơm, ngồi đùa giỡn với thằng con mới lên bốn tuổi của tôi, khen nó ở rừng mà mập, sau Hiến đưa cho tôi một bài thơ có nhan đề là "Anh Giải phóng quân" để tôi coi và đăng vào tờ Văn nghệ Giải phóng. Tôi đã đổi tên bài thơ ấy lại là "Dáng đứng Việt Nam". Nhưng Hiến đâu có biết bài thơ ấy khi in ra.

Hai mươi hôm sau, khi Hiến rời rừng để đi ra vùng phụ cận Sài Gòn, điện từ chiến trường báo về: Hiến đã hy sinh trong một trận đổ quân trực thăng của địch xuống cánh đồng thuộc ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước" (trích sách - "Còn lại với thời gian", NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr.185-186).

 Bài thơ "Dáng đứng Việt Nam", nếu có thể nói, là một "Tượng đài bằng thơ" về người chiến sỹ cách mạng Việt Nam - Anh bộ đội Cụ Hồ - vốn được coi là nhân vật trung tâm của nền văn học Cách mạng thời hiện đại. Khi làm thơ, thi sỹ có thể đi từ khái quát đến cụ thể, hoặc ngược lại, từ cụ thể nâng lên tầm khái quát. Bài thơ của Lê Anh Xuân đi theo hướng thứ hai.

Mở đầu bài thơ, là hình ảnh rất cụ thể, cụ thể đến từng chi tiết của chiến trận: "Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt/Nhưng Anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác trực thăng/ Và Anh chết trong khi đang đứng bắn/ Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng".

Đó là một tư thế tiến công triệt để, tiến công đến hơi thở cuối cùng của người chiến sỹ Giải phóng quân anh hùng. Đọc những câu thơ này chúng ta bỗng nhớ tới bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng viết năm 1948: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Một bức tranh với hai màu đen trắng phân minh. Quân Giải phóng là màu trắng. Kẻ địch là màu đen: "Chợt thấy Anh giặc hốt hoảng xin hàng/ Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn/ Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm/ Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công". Người chiến sỹ Giải phóng quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu hy sinh. Dẫu có đổ máu đào trên chiến trận thì mãi mãi anh là biểu tượng của tinh thần "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh".

Chính vì thế khi ra đi mãi mãi, Anh không vương vấn bất kỳ điều gì cho riêng cá nhân mình. Tất cả nhẹ tựa lông hồng. Một mực vì dân vì nước: "Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ". Bài thơ được nâng lên tầm khái quát theo trình tự thời gian kể chuyện (có thể coi bài thơ này là một câu chuyện về một trường hợp hy sinh).

Và kết thúc là những câu thơ có tầm khái quát cao về tư tưởng và nghệ thuật: "Anh là chiến sỹ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước/ Ơi Anh Giải phóng quân/ Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân". Câu thơ kết của bài thơ là một ngân rung. Tạo dư ba. Tạo liên tưởng sâu xa về quê hương, đất nước, thế hệ trẻ. Nó  gieo vào ký ức độc giả những tình cảm lớn lao về nhân phẩm con người. Đúng như câu thơ của Tố Hữu: "Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đồng" ("Việt Nam máu và hoa").

 Một tác phẩm nghệ thuật (trong đó có văn chương/nghệ thuật ngôn từ) hay là tác phẩm giản dị, xúc động và ám ảnh. "Dáng đứng Việt Nam" của Lê Anh Xuân hội tụ đủ ba điều kiện tối cần thiết nêu trên. Nó đi vào lòng người. Nó neo lại trong ký ức độc giả những rung cảm thẩm mỹ cao nhất, bền vững nhất. Nếu nói cái Đẹp là sự giản dị thì bài thơ này đã đạt tới sự giản dị tối đa.

Những nhà thơ thế hệ chống Mỹ, mà Lê Anh Xuân là một đại biểu, đã tuân thủ nguyên tắc/phương châm "Sống đã rồi hãy viết" (Nam Cao) và "Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình" (Hữu Thỉnh). Năm mươi năm "Dáng đứng Việt Nam". Một lần nữa chứng minh sức sống bất diệt của nghệ thuật, một hình thái đặc biệt của đời sống tinh thần, đã vượt qua sự băng hoại của thời gian. Thơ hay như viên ngọc càng mài càng sáng.

                       Hà Nội, tháng 1-2018

Bùi Việt Thắng
.
.