Tình yêu dài suốt cuộc đời

Thứ Hai, 12/11/2007, 15:30
Những bài thơ đầu tiên của Lê Thị Mây đến với bạn đọc cách đây gần bốn chục năm. Lúc đó, chị là thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình. Mỹ đánh phá miền Bắc lần thứ hai, chiến tranh ngày càng ác liệt. Đối với một người phụ nữ, tiếng thơ cất lên trong hoàn cảnh đó đã là một bản lĩnh.

Nhưng có điều là, ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh mà thơ Lê Thị Mây không nói trực tiếp về chiến tranh như đa số các nhà thơ thời ấy. Thơ chị nói về tình yêu và thân phận con người.

Chất hiện thực của cuộc sống chiến đấu lúc này được coi như một tiêu chuẩn cao để đánh giá thơ, nhưng ở thơ Lê Thị Mây thật khó tìm những bài như thế. ở thơ chị, cuộc sống hiện thực cứ lặn đi, chỉ còn lại cách nói riêng của chị. Đây là một trong những bài thơ đầu tiên của Lê Thị Mây:

Ruộng người cuốc bẫm cày sâu
Một đôi đon mạ thắt bầu lưng ong

Ruộng em lo cưới chửa xong
Một bồ thóc giống một nong con tằm

Trai làng áo lính về thăm
Cây rơm treo một khuôn rằm cầu hồn

(Trăng cây rơm - Những mùa trăng mong chờ, 1973)

Bài thơ đầu tiên, tưởng như còn non nớt, nhưng cũng là bài thơ đặc trưng cho phong cách thơ Lê Thị Mây trong cả mười tập thơ gần bốn chục năm. Đọc lên, người đọc thấy hay, nhưng không thể lý giải một cách rõ ràng cụ thể. Tuy vậy, ta vẫn hiểu một cách khái quát.

Bốn câu ở hai khổ đầu tưởng là chất liệu cuộc sống, nhưng thực ra lại chỉ có giá trị tượng trưng. Hiện thực chiến tranh chỉ ở hai từ “áo lính” mà thấy đủ. Tư tưởng nghệ thuật của bài thơ là sự khát khao hạnh phúc và tình yêu trong chiến tranh.

Tập thơ mới của nhà thơ Lê Thị Mây.

Giá trị nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo của văn học chiến tranh, nhẹ nhàng lặng lẽ toát lên từ sáu câu thơ nhỏ nhắn. Đó là một phong cách nghệ thuật tự nhiên của thơ Lê Thị Mây, mà người cố tạo ra những thủ pháp độc đáo trong thơ không thể nào tạo dựng được.

Việc duy trì phong cách ấy, một phong cách lạ với đời sống thơ ta mấy chục năm qua, làm bạn đọc rất dè dặt khi tiếp nhận, cũng đã khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của Lê Thị Mây và chất thi sĩ bẩm sinh của chị.

Bài thơ trên tôi đọc nhiều lần mà không nghĩ là thơ lục bát. Tứ thơ gợi suy nghĩ thu hút ta hơn là hình thức thể loại. Thơ Lê Thị Mây có sức gợi bởi cách nói cô đọng, nên ý thơ sâu hơn, xa hơn những gì từ câu chữ:

Nửa vầng trăng
Lang thang
Trôi giữa rạng ngày xanh tái
Ôi giấc mơ bị cắt hết máu
Giấc mơ
Của người thiếu phụ chờ chồng
Nửa vầng trăng

(Giấc mơ thiếu phụ - Tặng riêng một người - 1990)

Bài thơ mô tả vầng trăng khuyết nhưng lại nói lên thân phận của những nàng vọng phu bằng cách nói thật độc đáo, những hình ảnh kỳ lạ “vầng trăng xanh tái”, “giấc mơ hết máu” trong có 29 chữ mà thật gây ấy tượng.

Đọc thơ Lê Thị Mây hôm nay, dẫu chị chẳng cố tình, tôi vẫn thấy chị đang đi ở giữa hai quan niệm thơ truyền thống và thơ “hiện đại”, tuy không phải bài nào cũng đạt được như vậy. Đó là đổi mới, hiện đại một cách lặng lẽ bình dị, chứ không bí hiểm kỳ quặc.

Lê Thị Mây là một trong những nhà thơ đi đến hiện đại một cách tự nhiên, không cần tuyên ngôn, la hét. Trong nền thơ Việt Nam hiện đại hôm nay, những ai cứ viết mãi theo cách cũ cũng dần chết trong lòng bạn đọc, nhưng những ai đổi mới lập dị, tắc tị còn chết yểu nhanh hơn.

Lê Thị Mây là một trong những nhà thơ cứ điềm nhiên đi và vượt thoát khỏi hai cách viết ấy, ngày càng có thêm bạn đọc yêu mến. Chị vẫn hiện đại ngay cả khi dùng thể thơ truyền thống:

Ta chơi với cỏ chiều nay
Khóc đàn châu chấu vội bay về trời

Nhờ trăng tìm cỏ hoa tai
Duyên ta đeo cỏ đi hài lá sen

Xé mây một giải thắt lưng
Gió bay hoa lý rưng rưng nhớ người

Buồn đem ra ngõ ta phơi
Cho người nhìn thấy đôi lời người quên!

(Ca dao mùa thu - Khúc hát buổi tối, 1999)

Chúng ta nghe nhà thơ tâm sự: “Tôi nghĩ, thơ là nỗi buồn thầm kín của tôi đã cất tiếng khóc khi còn lại một mình” (“Nhà văn Việt Nam hiện đại” - Hội Nhà văn Việt Nam - 2007). Đó là lời tâm sự thành thật nhất, đọc thơ chị ta thấy hoàn toàn đúng như vậy.--PageBreak--

Khác với Xuân Quỳnh là người “tự hát” về tình yêu và hạnh phúc, thơ Lê Thị Mây là “Nỗi buồn thầm kín cất tiếng khóc” về thân phận con người. Thơ Lê Thị Mây gần với tiếng lòng của Đoàn Thị Điểm và Tương Phố hơn. “Nỗi buồn thầm kín cất tiếng khóc” là phong cách của thơ chị, chứ không phải là hoàn cảnh riêng của chị. Ta hãy xem tiếng khóc ấy thể hiện ngay trong niềm vui của ngày gặp mặt tình yêu đầy hạnh phúc:

Anh khoác balô về
Đất trời dồn chật lại
Em tái nhợt niềm vui
Như trăng mọc ban ngày

(Những mùa trăng mong chờ, 1973)

Nỗi buồn ấy, tiếng khóc ấy càng sâu thẳm trong hoàn cảnh cô đơn, như nửa vầng trăng “xanh tái” trong bài thơ “Giấc mơ thiếu phụ” ở trên, rồi khi thui thủi đơn độc một mình trên tàu không có anh đưa tiễn:

Tiếng còi tàu rúc lên
Sân ga không có anh
Con tàu dần chuyển bánh
Không ai vẫy như anh
Người ta mở cửa sổ
Em biết nhìn đi đâu

(Ra đi - Dịu dàng, 1988)

Nỗi buồn thầm kín cất tiếng khóc của thơ Lê Thị Mây còn biểu hiện rất đa dạng ở từng bài thơ mà không thể kể hết. Đây là phong cách bao trùm toàn bộ có thể thấy rõ, thậm chí ở từng hình ảnh, chi tiết thơ. Nỗi buồn có thẩm mỹ cũng là cái đẹp.

Vấn đề còn là ở người tiếp nhận. “Chinh phụ ngâm” chẳng phải là một áng thơ đẹp, một hòn ngọc vô giá trong kho tàng văn học Việt Nam đó sao? Trong chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, chẳng phải bài thơ “Đợi anh về” não nề và ảm đạm đã góp phần tạo nên sức mạnh để chiến thắng?

Trong cả một nền thơ, dù ở thời đại nào cũng cần có cả cung thăng và cung trầm. Có điều cung thăng hay cung trầm thì cũng phải tự nó tạo nên, không được giả tạo hay gắng gượng. Sự khen thuê, khóc mướn trong hoàn cảnh nào cũng kệnh cỡm, không thể đánh lừa được mọi người. Chúng ta mừng vì nỗi buồn cất tiếng khóc trong thơ Lê Thị Mây là chân thực nên gây được xúc động với người đọc và giữ được giá trị với thời gian.

*

Đúng như tác giả đặt tên cho một tuyển tập thơ là “Tình yêu dài suốt cuộc đời”, phần lớn thơ của Lê Thị Mây trong gần bốn chục qua là thơ viết về tình yêu, mỗi bài với cung bậc và mức độ khác nhau, khi trực tiếp, lúc gián tiếp.

Có được một tình yêu như thế đối với đời, đối với thơ không phải dễ. Đến nay, ở tuổi gần sáu mươi, hồn thơ của chị vẫn tỏ ra sung sức. Gần bốn chục năm sáng tạo, thơ Lê Thị Mây như một dòng suối chảy liền mạch.

Tuy đề tài thơ phần lớn là tình yêu nhưng qua đó ta có thể thấy cả một đất nước gian lao và vất vả suốt mấy chục năm trường trong kháng chiến và trong xây dựng, ẩn hiện trong những từ, những hình ảnh, chi tiết của thơ chị. Vì thế, tuy không trực tiếp nói về hiện thực cuộc sống, nhưng không ai bảo thơ chị thiếu thực tế, thiếu hơi thở của cuộc sống. Dưới mạch ngầm trong từng câu thơ kia, cuộc sống vẫn không ngừng chảy.

Thơ Lê Thị Mây không ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp hay cơ chế thị trường. Các hồn thơ đích thực xưa nay đều như thế. Nếu cần chia giai đoạn sáng tác trong thơ Lê Thị Mây, thì tôi thấy từ khi chị bắt đầu có thơ in báo (1970) đến năm 1990 (năm xuất bản tập thơ “Tặng riêng một người”) là một chặng.

Đó là một chặng đường phấn đấu để khẳng định, để làm rõ mình trước bạn đọc. Giai đoạn này phong cách thơ của Lê Thị Mây đôi lúc còn hơi xộc xệch, khi thì lại hơi thái quá một chút, nhưng những bài tiêu biểu nhất vẫn thẳng tiến, vẫn vươn lên để đến đỉnh.

Từ 1990 đến nay, thơ chị hài hòa hơn cả về phong cách và đề tài, sự kết hợp giữa cách tân và truyền thống nhiều khi cả ở hình thức biểu hiện và thể loại. Đây là một bước tiến hay một bước sụt? Bởi nghệ thuật là một sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Sự xộc xệch, sự thái quá đôi khi lại còn báo hiệu sự phát triển; còn sự hài hòa phải chăng có mầm mống báo hiệu bình yên, là kẻ thù của sáng tạo?

Dù vậy, sau gần bốn chục năm thả hồn thơ giữa cuộc đời, Lê Thị Mây đã khẳng định được phong cách riêng không lẫn với bất kỳ ai. Mức độ thành công của chị thì đánh giá của mỗi người còn khác nhau. Nhưng có thể nói chị đã có một gương mặt riêng khá nổi trội trong các nữ thi sĩ, và trong cả làng thơ Việt Nam thì khuôn mặt thơ của chị cũng đã hiện khá rõ.

Nữ thi sĩ trong lịch sử thơ Việt Nam thật hiếm. Trong thời kỳ văn học hiện đại, các nữ thi sĩ có xuất hiện nhiều hơn, nhưng những khuôn mặt thật rõ thì cũng chỉ có mươi người, mà Lê Thị Mây là một trong số đó. Nhưng để thơ có thể neo đậu lại với thời gian cần phải có những bài giá trị thật cao về tư tưởng và nghệ thuật. Với yêu cầu này, thơ Lê Thị Mây vẫn cần phải phấn đấu và thử thách

.
.