Siêu sao điện ảnh Audrey Hepburn:

Tinh tế và thanh lịch

Thứ Sáu, 08/08/2014, 08:00
Audrey Hepburn (1929 - 1993) đi vào lịch sử điện ảnh như một trong những diễn viên tài năng và xinh đẹp nhất. Không chỉ là biểu tượng của thời trang, bà còn là một nhà hoạt động nhân đạo, một đại sứ từ thiện giàu lòng nhân ái.

Diễn viên điện ảnh huyền thoại

Audrey Hepburn sinh tại Bỉ nhưng lại mang quốc tịch Anh vì cha cô là một người Anh mang trong mình dòng máu Áo, Ireland, Scotland và Pháp. Khi Audrey ra đời, cha cô đang làm giám đốc một chi nhánh Brussel của Ngân hàng Anh. Là một đứa trẻ lai (mẹ cô là một quý tộc người Hà Lan), Audrey tỏ rõ năng khiếu về ngôn ngữ. Ở tuổi trưởng thành, cô có thể nói thành thạo tiếng Anh, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và cả tiếng Italia.

Lên 5 tuổi, Audrey bắt đầu ham mê múa cổ điển. Bước chân vào nghệ thuật với mong muốn trở thành một diễn viên múa nhưng sau đó, Audrey phải từ bỏ ước mơ bởi thể chất quá yếu. May mắn thay, chính đam mê múa đã đưa cô đến và tỏa sáng trong lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Vai diễn công chúa Ann trẻ trung duyên dáng trên chiếc Vespa của Audrey trong bộ phim hài lãng mạn "Kỳ nghỉ ở Roma" (1953) đã đem lại cho cô giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, giải Quả cầu vàng... Sự nghiệp của Audrey bắt đầu thăng hoa.

Tham gia diễn xuất nhiều bộ phim như "Sabrina" (1954), "Chiến tranh và Hòa bình" (1956), "Tình yêu ban chiều" (1957), "Bữa sáng ở Tifany" (1961)… Audrey có một quá trình theo đuổi và lao động nghệ thuật vất vả. Cô luôn thành công với những bộ phim hài lãng mạn, có lẽ một phần bởi tính cách nhân vật có những nét tương đồng với con người thực của cô ngoài đời: Bướng bỉnh, phá cách nhưng lại rất nữ tính, hồn hậu và đáng yêu.

Năm 1968, sau 14 năm chung sống, cô và người chồng đầu tiên, diễn viên kiêm đạo diễn người Mỹ Mel Ferrer (1917 - 2008) ly hôn. Cùng năm này, Audrey tuyên bố kết thúc sự nghiệp. Sau đó, cô kết hôn với nhà tâm lý học người Ý, tiến sĩ Andrea Dotti và sinh con trai Luca Dotti năm 1970. Năm 1982, sau khi chia tay người chồng thứ hai, Audrey chuyển tới chung sống cùng diễn viên người Hà Lan Robert Wolders tại Thụy Sĩ cho đến khi mất mà không làm đám cưới. Bộ phim cuối cùng mà Audrey tham gia là "Always" của đạo diễn Steven Spielberg (1989).

Audrey Hepburn đã dành hầu hết khoảng thời gian cuối đời cho phong trào thiện nguyện và trở thành nhà hoạt động nhân đạo với vai trò Đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Bà nói: "Tôi từng là một đứa trẻ suy dinh dưỡng vào những năm sau chiến tranh. Tôi đã được hưởng những trợ giúp từ UNICEF, tôi biết ơn UNICEF suốt cả đời tôi…". Để tuyên truyền về nạn đói mà trẻ em toàn cầu phải gánh chịu, từ năm 1988 đến 1992, bà đã thực hiện 50 chuyến đi tới Sudan, Honduras, Mexico, Venezuela, Bangladesh, Thái Lan, Ethiopia, Somalia, Viet Nam… Tổng thống Mỹ George H.W.Bush đã tặng bà Huân chương Tự do của Tổng thống để ghi nhận những hoạt động nhân đạo của bà.

Sau khi bà qua đời (1993), con trai cả của bà - Sean Hepburn Ferrer - đã thành lập quỹ Audrey Hepburn Children's Fund, tiếp tục các hoạt động nhân đạo của mẹ.

Tượng đài thời trang thanh lịch

Với phong cách thanh lịch, đơn giản nhưng không hề đơn điệu, cuốn hút với nét độc đáo không thể trộn lẫn, cả trên màn ảnh lẫn ngoài cuộc sống, Audrey Hepburn được xem như một biểu tượng lớn của thời trang. Bà từng tạo nên những trào lưu mốt, những cuộc cách mạng về ngoại hình và ảnh hưởng sâu sắc đến cách ăn mặc của phái đẹp trên khắp thế giới.

Không mang vẻ sexy thời thượng, Audrey có thân hình cao và mảnh dẻ nhưng chính vóc dáng thanh mảnh đó kết hợp cùng gu thời trang tinh tế, giản dị và luôn thanh lịch đã giúp bà chinh phục công chúng. Hình ảnh Audrey mong manh, thuần khiết, mang thần thái cao quý, mặc những bộ đầm thanh lịch… như làn gió mát lành thổi vào thị hiếu chuộng vẻ đẹp gợi cảm lúc bấy giờ tại Hollywood.

Trong thời gian quay "Sabrina" năm 1954, Audrey có cuộc gặp gỡ với nhà tạo mẫu nổi tiếng người Pháp Hubert de Givenchy. Chính ông đã thiết kế váy, áo cho "nàng thơ của thành Roma" trong bộ phim giành giải Oscar cho trang phục xuất sắc này. Từ đó, họ trở thành bạn bè và tiếp tục hợp tác trong nhiều phim. Ông cũng tạo ra nhãn nước hoa L'Interdit dành riêng cho Audrey. Khi Audrey mất, Givenchy xúc động: "Tôi không quên được đôi mắt bồ câu đen nhánh và dáng vẻ mảnh khảnh, tao nhã của Audrey. Cô ấy biết mình muốn gì, tường tận những đường nét nổi bật trên dáng vóc, nét mặt và chân thực với cả những khiếm khuyết của mình".

Những ai đã từng xem "Bữa sáng ở Tiffany" có lẽ vẫn nhớ Audrey Hepburn đã thanh lịch và cuốn hút đến nhường nào trong chiếc đầm màu đen cổ điển, găng tay dài qua khuỷu, vòng cổ ngọc trai nhiều lớp và tóc bới cao tô điểm bằng chiếc vương miện nhỏ. Đây là một trong những hình ảnh thời trang có sức ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh. Sau "Bữa sáng ở Tiffany", Audrey trở thành biểu tượng của người phụ nữ thanh lịch và sang trọng, được yêu mến hàng đầu thế giới. Chiếc đầm do Givenchy thiết kế được nhà đấu giá Christie's bán ngày 5/12/2006 với giá 467.200 bảng (khoảng gần 1 triệu USD), đạt kỷ lục cho trang phục điện ảnh. Số tiền này được dành cho các hoạt động nhân đạo.

Qua nhiều thập kỷ, vẻ đẹp tinh khiết của Audrey Hepburn luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế như Hubert de Givenchy, Salvatore Ferragamo, Isaac Mizrahi… tạo nên những bộ sưu tập váy áo, phụ kiện chinh phục trái tim hàng triệu người.

Hơn cả một biểu tượng thời trang, Audrey Hepburn khiến phái đẹp nhận ra rằng, khi phụ nữ có tâm hồn đẹp, trái tim rộng mở, yêu thương thì cái đẹp ấy sẽ lấp đầy mọi nhược điểm trên hình thể.

Vẻ đẹp sang trọng vượt thời gian của Audrey Hepburn vẫn luôn cháy lên trong làng thời trang và tiếp thêm cảm hứng cho nhiều nhà mốt hiện đại.

Cuộc sống bình dị

Trái với cuộc sống vốn nhiều thị phi và thăng trầm của những ngôi sao showbiz, Audrey Hepburn có một cuộc sống giản dị bên gia đình. Sinh thời, dù đi bất cứ đâu, bà không bao giờ yêu cầu có vệ sĩ đi theo. Danh tiếng không là điều gì quá lớn đối với Audrey, không thể chi phối cuộc sống của bà và gia đình bà một cách tiêu cực.

Cậu con trai út Luca Dotti luôn cảm thấy biết ơn mẹ vì bà đã giữ cho cậu một tuổi thơ yên bình như bao đứa trẻ khác. Luca Dotti nhớ lại: "Mẹ thường cùng tôi và anh trai làm bài tập về nhà. Bà cũng là người tới trường gặp giáo viên mỗi khi chúng tôi bị mời phụ huynh. Có lần, cô giáo phải gặp nhiều vị phụ huynh một lúc. Khi tới lượt mẹ tôi, bà bước vào, cô giáo ngước lên và không nói nổi điều gì. Mẹ liền mở lời: Chào cô, tôi đến đây vì chuyện của cậu con trai tôi".

Khi ở bên gia đình, Audrey Hepburn ăn mặc rất giản dị. Bà không bao giờ phô trương, trưng diện quá mức. Luca kể: "Chúng tôi chỉ thấy mẹ mặc quần jeans và áo sơ mi. Vẻ quyến rũ là điều mà mẹ chẳng bao giờ khoe khoang". Mỗi khi Luca hỏi mẹ về chuyện tại sao bà luôn được vây quanh bởi các nhiếp ảnh gia, hay tại sao những người xa lạ cũng biết tên bà và reo lên khi thấy bà trên phố, Audrey chỉ cười và đánh trống lảng.

Dù được tôn vinh là "người đàn bà đẹp" của thế kỷ XX nhưng sinh thời Audrey Hepburn lại luôn nghĩ rằng mình là "bản phối hoàn hảo của những nhược điểm". Bà phân tích: "Vẻ ngoài của tôi trông thật buồn cười, vừa rộng vừa gầy, hàm răng lại khấp khểnh, lông mày rậm, xương đòn trơ lên, ngực phẳng và một bàn chân ngoại cỡ". Bà nhiều khi đứng trước gương và tự nhủ: "Mình không hiểu tại sao mọi người lại bảo mình đẹp?".

Luca cho biết, sự nổi tiếng chẳng có ý nghĩa gì với mẹ anh, trừ khi điều này được dùng cho những hoạt động từ thiện. Những năm cuối đời, bà dành nhiều thời gian cho trẻ em bị thiệt thòi trên khắp thế giới. "Mẹ luôn nói với chúng tôi: Bổn phận của con người là giúp đỡ trẻ em đang gặp khó khăn. Sự thanh thản chính là điều sang trọng. Mẹ luôn cho rằng, công việc đầu tiên của mẹ là làm mẹ và công việc thứ hai là đóng góp công sức cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Mẹ không bao giờ coi mình là một ngôi sao điện ảnh".

Tháng 10/1990, Audrey Hepburn đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường do UNICEF tài trợ. Bà ngồi trực thăng bay đến một ngôi làng ở vùng miền núi phía Bắc, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống để gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo và tận dụng sự nổi tiếng của mình để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam, một đất nước vẫn còn khá "bí ẩn" với thế giới tại thời điểm đó. Bà nói: "Tôi muốn đưa lại nhiều bức ảnh về đất nước và con người Việt Nam để người dân trên khắp thế giới có thể hiểu hơn về nơi đây, hiểu rằng Việt Nam có nhiều điều để họ tìm hiểu chứ không chỉ có một cuộc chiến tranh. Chiến tranh là một con quỷ và con quỷ đó đã đến lúc cần phải nằm xuống"… Audrey đã kêu gọi các nước trên thế giới hãy hỗ trợ Việt Nam nhiều hơn nữa.

Trở về sau chuyến đi hoạt động tình nguyện ở Somalia, Audrey Hepburn phát hiện bị mắc ung thư. Bà qua đời ở tuổi 63

Thu Hằng
.
.