Tính khí đặc biệt của một nghệ sĩ lớn

Thứ Tư, 18/03/2015, 08:00
Tài năng, cống hiến của Đào Mộng Long thì nhiều người đã rõ. Nhưng tính cách, tính khí hằng ngày của ông với tư cách một con người bình thường thì không nhiều người biết hoặc biết không hết mà nét bao trùm nhất, nổi rõ nhất là không ham hố địa vị và sự thẳng thắn, khảng khái nhiều khi trên mức cần thiết dẫn đến tự... báo hại mình. Mấy câu chuyện sau đây cho ta rõ điều đó...

Trong giới văn nghệ sỹ và công chúng yêu nghệ thuật sân khấu, không ai không biết cố NSND Đào Mộng Long (1915 - 2006). Ông nổi tiếng từ trước Cách mạng Tháng Tám với nhiều vai diễn trong các vở cải lương mùi mẫn làm rơi nước mắt của không ít khán giả từ Bắc tới Nam. Sau Cách mạng cho mãi tới lúc nghỉ hưu (1979), ông chuyển sang làm diễn viên kịch nói. Về nghỉ, ông được nhiều đoàn nghệ thuật mời làm đạo diễn hai chủng loại sân khấu là cải lương và kịch nói. Tên tuổi ông bao trùm tới gần 2/3 thế kỷ 20, là một trong những cây cổ thụ lớn nhất của nền sân khấu Việt Nam. Nhiều vai diễn của ông - từ chính đến phụ - đều là những khuôn mẫu mang tính cổ điển (classique) của nghệ thuật biểu diễn, đã trở thành những bài học quý báu cho nhiều thế hệ diễn viên kế tiếp.

Tài năng, cống hiến của Đào Mộng Long thì nhiều người đã rõ. Nhưng tính cách, tính khí hằng ngày của ông với tư cách một con người bình thường thì không nhiều người biết hoặc biết không hết mà nét bao trùm nhất, nổi rõ nhất là không ham hố địa vị và sự thẳng thắn, khảng khái nhiều khi trên mức cần thiết dẫn đến tự... báo hại mình. Mấy câu chuyện sau đây cho ta rõ điều đó.

NSND Đào Mộng Long.

Trong đời mình, ít nhất có 3 lần, Đào Mộng Long khước từ chức vụ. Khoảng năm 1957, mấy lần ông Mai Vi (khi ấy là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật sân khấu - Bộ Văn hóa) yêu cầu Đào Mộng Long làm Trưởng Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông khăng khăng từ chối khiến ông Mai Vi không hài lòng, phải nhắc nhở trách nhiệm người đảng viên không thể thoái thác yêu cầu của tổ chức và nói đây là Đảng giao trách nhiệm, chứ không phải ban phát quyền lợi gì. Chỉ khi ấy, Đào Mộng Long mới nhận lời, nhưng chỉ nhận quyền trưởng đoàn, chứ không chính thức.

Mai Vi hỏi vì sao như vậy. Đào Mộng Long nói làm thế để luôn giành cái ghế trưởng đoàn cho người khác, chứ nếu làm trưởng, đến khi có người khác xứng đáng, tổ chức sẽ khó để ông rút lui, vì như vậy chẳng hóa bị cách chức? Mai Vi lại nói sẽ quyết cho ông làm trưởng luôn. Nhưng ông nói thẳng là chỉ thạo việc diễn, vả lại tính mình thẳng thắn, không biết cách lấy lòng cấp trên nên về lâu dài không thể làm trưởng. Rốt cuộc, sau cuộc "điều đình", Mai Vi đồng ý để Đào Mộng Long làm... quyền trưởng.

Vị phó giúp việc cho Đào Mộng Long chỉ máu mê sáng tác, suốt ngày sao nhãng việc quản lý. Mọi việc dồn hết tay ông, từ lo dàn dựng vở đến mua sắm trang, thiết bị, đạo cụ,  rồi tuyển diễn viên, giúp đỡ phong trào không chuyên v.v… Đây chính là thời kỳ rực rỡ, hoàng kim nhất của Đoàn Kịch nói Trung ương - đơn vị kịch nói lớn nhất quốc gia - với hàng loạt vở tầm cỡ được dàn dựng trở thành nổi tiếng, mãi đến hôm nay công chúng vẫn không thể quên: "Lu-Ba", "Câu chuyện Iếc-cút", "Pla-tôn Crets-xet", "Quẫn", "Lòng dân", "Giáo sư Hoàng", "Một đảng viên", "Bức ảnh", "Đầu sóng ngọn gió", "Bão biển", "Con nai đen", "Đêm mưa", "Tiếng sáo người địa chất", "Ông Năm Hạng", "Trung phong Vũ Hoàng", "Một mạng người", "Trương Định"…

Đến khoảng năm 1963, Bích Lâm đi học đạo diễn sân khấu ở nước ngoài về làm Trưởng Đoàn Kịch nói Nam Bộ. Đào Mộng Long vẫn là Quyền trưởng Đoàn Kịch Bắc (lúc này có hai đoàn kịch nói hoạt động độc lập, trực thuộc Vụ Nghệ thuật sân khấu do Mai Vi làm Vụ trưởng). Đào Mộng Long chủ động đề nghị hợp nhất hai đoàn làm một do Bích Lâm đứng đầu và được cấp trên đồng ý. Thế là từ đó, ông mới rút được chân ra khỏi công việc quản lý. Vui sướng quá, ông mở tiệc khao một vài bạn bè thân thiết nhân dịp được... bãi chức. Người ta khao khi được thăng quan, tiến chức. Đào Mộng Long thì ngược lại. Độc đáo thay!

Một lần khác, Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc ấy là ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Đào Mộng Long làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Người diễn viên tài năng lại từ chối vẫn với những lý do như ông đã nói với ông Mai Vi trước đây. Khi vị Bộ trưởng yêu cầu ông tiến cử người khác cáng đáng thay, ông đã nhắc đến một người. Lời giới thiệu của ông có hiệu lực.

Thẳng thắn vốn là một phẩm chất tốt, thường có ở những người chính trực, đàng hoàng. Nhưng thẳng thắn như Đào Mộng Long để chuốc rủi vào mình thì ít người như ông. Năm 1960, sau khi ông dựng thành công vở "Kêu cứu" cho Đoàn Cải lương Phương Đông ở Hải Phòng, trình diễn được rất đông công chúng ở thành phổ Cảng hưởng ứng, nhạc sỹ Trần Hoàn lúc này đang làm Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng đã chủ động điều đình với Bộ Văn hóa để đưa ông về phụ trách mọi việc về sân khấu ở đây. Chỉ đến khi người ta trao cho ông tờ quyết định, ông mới biết. Ông hỏi thẳng những người có trách nhiệm: "Tại sao một việc như vậy mà không hỏi ý kiến, trao đổi gì với tôi, lại làm một việc đã rồi?". Và ông đã nhất quyết không nhận quyết định ấy với thái độ bình tĩnh nhưng dứt khoát. Sau đó, ông Hà Huy Giáp (lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa) phải ký quyết định mới để hủy quyết định cũ kia.

Vì thẳng thắn mà hai lần trong đời, Đào Mộng Long làm mất lòng các đạo diễn nước ngoài khi họ đến dựng vở cho Đoàn Kịch nói Trung ương. Lần thứ nhất là trường hợp vở "Câu chuyện Iếc-cút" do đạo diễn người Nga dàn dựng. Lúc đầu ông được phân một vai và hào hứng đón nhận. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ kịch bản, ông thấy cần có chút thay đổi trong diễn xuất khác với ý đạo diễn. Không ngần ngại, ông trình bày ý tưởng của mình. Nhưng không được đạo diễn chấp nhận mà yêu cầu diễn đúng như ý ông ta. Thế là ông từ chối, trả lại vai. Tất nhiên là vị đạo diễn người Nga kia đã ít nhiều bị "mất mặt" vì ông ta chưa bao giờ bị như vậy ở đâu. Nhưng lần ấy, tính "bướng" của Đào Mộng Long vẫn chưa gây phiền hà gì lớn cho bản thân bằng một lần khác.

Đó là vào năm 1964, một đoàn nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, trong đó có Đào Mộng Long sang thành phố Nam Kinh (Trung Quốc) xem đoàn kịch Tiền tuyến ở đây diễn vở "Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông" - một vở kịch nói hay. Một nhân vật trong vở tên là La Khắc Văn - tên tư sản phản động đánh đàn pi-a-nô bản nhạc của Bét-tô-ven. Sau khi xem xong, trong cuộc gặp mặt trao đổi về vở kịch, Đào Mộng Long không ngần ngại chất vấn các tác giả Trung Quốc là tại sao lại để một tên tư sản phản động, kẻ thù của cách mạng chơi nhạc Bet-tô-ven - một nhạc sỹ lớn của dân tộc Đức luôn chứa đựng tư tưởng cách mạng sâu sắc trong tác phẩm.

Tuy phật ý nhưng các tác giả phát biểu: "Chúng tôi không ngờ đồng chí Đào Mộng Long lại suy nghĩ được điều sâu sắc như thế". Đến khi một lãnh đạo thành phố Nam Kinh tên là Lục Đệ Nhất nói với đoàn Việt Nam: "Các đồng chí đánh giặc giỏi thì tôi tin là làm nghệ thuật cũng sẽ giỏi". Đào Mộng Long không ngần ngại, nói luôn: "Không! Không phải như vậy. Đánh giặc là một việc. Làm nghệ thuật là việc hoàn toàn khác". Ông đã nói rất thoải mái, chẳng cần phải giữ kẽ, "ngoại giao" gì vì đó là sự thật, còn điều vị khách Trung Quốc nói chỉ là xã giao. Sau đó, đoàn ta đã mời đạo diễn Lỗ Uy của Trung Quốc sang dựng vở "Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông" cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Lỗ Uy nhận lời.

Công việc được triển khai nhanh chóng. Đào Mộng Long được giao đóng vai La Khắc Văn (nhân vật vừa nhắc ở trên). Lỗ Uy đã dựng cho Việt Nam dập khuôn theo cách mà ông ta đã dựng cho đoàn kịch Tiền tuyến ở Nam Kinh. Nhưng Đào Mộng Long đã không diễn theo ý Lỗ Uy mà đề nghị được xử lý khác. Đạo diễn không đồng ý trong khi ông nhất quyết không chịu nghe theo. Giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn. Chuyện trở nên căng thẳng. Nhất là ông còn ủng hộ, bảo vệ ý kiến của nghệ sỹ Song Kim - cũng là diễn viên cùng nhà hát được giao đóng vai một bà cụ. Chỉ bởi vì Lỗ Uy yêu cầu bà đứng giữa sân khấu, dang rộng hai tay hô vang "Mao Chủ tịch muôn năm!"

Cả ông và Song Kim cùng một ý nghĩ khác hẳn với Lỗ Uy.  Ông nói với đạo diễn: "Người Việt Nam chúng tôi không khi nào như vậy. Chúng tôi không quen bộc lộ tình cảm kiểu đó, nhất là phụ nữ". Sau sự việc đó, Lỗ Uy rất không ưa Đào Mộng Long. Quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng đến mức Đào Mộng Long phải trả lại vai diễn để người khác thay thế. Còn Lỗ Uy thì rất bực dọc, đòi bỏ về nước. Không còn vai, Đào Mộng Long lên đường đi tìm hiểu thực tế để sáng tác cùng Lưu Trọng Lư và Xuân Trình. Đang thai nghén tác phẩm thì có "trát" gọi về để  kiểm điểm với tội "chống chuyên gia Trung Quốc". Từ đó, cho tới lúc về hưu, Đào Mộng Long đã chịu đựng một nỗi buồn nhớ sân khấu, nhớ những vai diễn.

Nguyễn Đình San
.
.