Tim vàng nửa mảnh còn đau

Thứ Ba, 07/11/2017, 08:38
Chiều 22-10, cụ bà Nguyễn Lục Hà (tức Nguyễn Hồng Châu) – người mà nhà thơ Nguyễn Bính trìu mến gọi “Người vợ miền Nam” đã rời xa cõi tạm. Hơn 2/3 cuộc đời ôm con vọng phu mòn mỏi trong nước mắt, ngày bà đoàn tụ với chồng dưới suối vàng cũng là ngày bài thơ “Đêm sao sáng” tròn 60 năm.


Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào? (…)

Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu

Chùm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi!

Sao đặc trời, sao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em.

Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc từ Kinh Chắc Băng (Kiên Giang), mang niềm tin son sắt rằng chỉ sau hai năm, Nam Bắc sẽ đoàn tụ, vợ chồng sum họp một nhà. Nhưng đất nước chia cắt, chinh chiến điêu tàn, bao gia đình ly tán, mắc kẹt ở hai đầu khói lửa.

Dòng sông Bến Hải giờ đây như con sông Ngân Hà vời vợi cách chia Ngưu Lang – Chức Nữ. Nhưng Ngưu Lang, Chức Nữ còn có một ngày mùa ngâu trong năm để đoàn tụ, có cầu Ô Thước bắt nhịp đưa họ về bên nhau. Nguyễn Bính – Hồng Châu thì vĩnh viễn phương trời cách biệt. “Đêm sao sáng” là nỗi nhớ nhung da diết của Nguyễn Bính gửi người vợ bên kia vĩ tuyến 17. Người vợ tảo tần nuôi con thơ nhỏ dại vắng bóng cha.

Nguyễn Bính gặp Hồng Châu trong một chiều mưa đổ. Hai người cùng trú mưa ở nhà sách Ánh Sáng ở Trà Vinh. Bất ngờ đồng chí Lê Duẩn trêu: “Nay trời mưa mà hai người gặp nhau thì có duyên nợ rồi. Hồng Châu cũng đừng kén chọn nữa. Một đằng là nhà thơ, một đằng là nhà báo. Tụi bây hợp nhau vậy còn gì”.

Bà Nguyễn Lục Hà (tức Nguyễn Hồng Châu) bên di ảnh nhà thơ Nguyễn Bính.

Lúc bấy giờ Hồng Châu là cây bút ở bưng biền với bài báo “Thanh niên mau thức tỉnh” gây tiếng vang. Còn Nguyễn Bính thì quá nổi tiếng với các bài thơ tình chân quê lãng mạn. Bà mê thơ ông, mến cả dáng dong dỏng cao và tính cách gần gũi, giản dị. Đời giang hồ phóng túng, ông đã “hành phương Nam” với tất cả lòng tha thiết, hào sảng mà cảm mến cô gái Cửu Long.

Hồi mới vào Nam, Nguyễn Bính lang thang nay đây mai đó. Ở Rạch Giá, tá túc nhà ông quản thủ địa bộ được một thời gian, ông ra đình nằm. Lúc đó, cậu thiếu niên Trương Khương Trinh (tức nhà thơ Kiên Giang sau này) nghe tin có thi sĩ lừng danh Nguyễn Bính ghé quê mình liền kéo ra nhà ông quản thủ địa bộ hỏi. Ai cũng chỉ ra ngoài đình.

Ra đình, hỏi bà lão có thấy nhà thơ nào đi ngang đây hông? Bà lão lắc đầu: “Chẳng thấy nhà thơ nhà thiếc gì xấc. Chỉ thấy ông nào ăn mặc nhăn nhúm nằm trong đình như đặng được báo mộng”. Kiên Giang cùng bạn nhảy vào khều ông nhà thơ đang nằm ngáy khò khò trong chiếc nóp.

Tỉnh dậy, ông không ừ hử gì mà hỏi ngay thuốc lá. Kiên Giang nhanh nhẩu tìm thuốc cho người mà mình sắp bái sư. Nhả khói mịt mù, ông nhà thơ chân quê mới thủng thỉnh xé vỏ bao thuốc viết tặng anh bạn nhỏ mấy câu: “Có những dòng sông chảy rất mau/ Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu/ Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp/ Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau…”.

Hỏi sao ra đình ngủ mà không ở nhà ông quản thủ địa bộ, Nguyễn Bính gãi tai, tại vợ lão đẹp quá, lại ưa ngâm thơ Nguyễn Bính nên lão ghen. Từ ngày trở thành đệ tử ruột của Nguyễn Bính, Kiên Giang tức tốc tìm chỗ trú ngụ cho thầy.

Một căn nhà tuềnh toàng nhưng Nguyễn Bính đặt tên là “Mộc Kiều Trang” rồi dán lên tường mấy câu: “Từ dạo về đây sống rất nghèo/ Bạn bè chỉ có gió trăng theo/ Những phường bất nghĩa xin đừng đến/ Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”. Cuối năm 1947 Nguyễn Bính đi theo Việt Minh vào chiến khu. Khi gặp Hồng Châu, Nguyễn Bính đã là thi sĩ, chiến sĩ cách mạng.

Hồng Châu sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Má bà từng nhiều lần vào tù vì tham gia phong trào kháng Pháp. Cha bà, ông Nguyễn Gia Lạc làm quan Ngự y dưới triều Nguyễn nhưng bí mật tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Bị lộ, ông bị giặc Pháp quản thúc. Sau này, nghi ngờ ông có liên hệ với đồng chí Trần Phú, quyên tiền ủng hộ phong trào chống Pháp nên địch bắt và tra tấn đến chết. Nợ nước thù nhà, đời Hồng Châu cũng dấn thân không ngừng nghỉ.

Được đồng chí Lê Duẩn tác hợp với chàng thi sĩ tài hoa, Hồng Châu ưng bụng nhưng vẫn đỏ mặt: “Em còn phải về hỏi má”. Ai dè bà má phát đùi cái đét: "Tao tưởng ai chứ người yêu nước, hoạt động cách mạng tao gả liền. Việt gian thì dù có đưa cả đống vàng xin cưới, tao cũng không thèm gả. Nguyễn Bính là nhà thơ, không cần sính lễ gì hết, chỉ cần đem trầu cau đến hỏi, tao cũng gả”.

Trong bài thơ “Thư gửi người vợ miền Nam”, Nguyễn Bính có nhắc về giai đoạn này: “Đường công tác thuyền anh ghé bến/ Anh ngập ngừng em thẹn quay đi/ Mẹ cười mẹ chẳng nói chi/ Đã người kháng chiến mẹ thì cho không/ Khỏi mai mối, cũng không lễ lạt/ Đám cưới mình tiếng hát vang sông(...)/ Lứa đôi tuổi trẻ đầu xanh/ Trọn tình yêu nước, vẹn tình yêu nhau...”.

Đám cưới cuối năm 1950, chẳng bấy lâu con gái đầu lòng của họ ra đời, tên được ghép lại từ tên cha và tên mẹ là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Bốn năm hương lửa đang nồng, tình đang thắm thì họ vĩnh viễn xa cách. Sợ địch dòm ngó, Hồng Châu phải cấm con nói thiệt tên Nguyễn Bính Hồng Cầu. Ai hỏi tên cứ kêu đại là Bé, cha bỏ mẹ theo vợ bé rồi. Đau, nhưng đành để bảo vệ con, bảo vệ chồng. Bà ngược xuôi vừa mưu sinh, vừa tham gia cách mạng, vừa tảo tần nuôi con.

Nhà văn Triệu Xuân bảo rằng ông chưa thấy có nhà thơ nào cùng thời có được diễm phúc như Nguyễn Bính. Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, người vợ đầu đời của ông sắt son chung thủy nuôi con, hoạt động cách mạng đến trọn đời! Hồng Châu là kỷ niệm đẹp, là niềm thương nỗi nhớ và cũng là nỗi day dứt không thể nguôi ngoai mỗi khi Nguyễn Bính nhớ về miền Nam. Nàng Tô Thị chờ chồng còn có niềm hy vọng, bởi nàng có thể tin chồng mình còn sống. Còn nỗi chờ chồng của Hồng Châu thì vô vọng.

Ngày 29 tháng Chạp, giáp Tết Bính Ngọ (tức năm 1966), Nguyễn Bính thổ huyết và đột ngột ra đi tại Hà Nam. Nghe tin,người bạn thân, nhà thơ Trần Lê Văn đấm ngực thảng thốt: "Biết mà! Biết mà! Chết trước mồng Một Tết. Chẳng phải nó từng viết “Năm mới tháng giêng mồng một Tết/ Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”, rồi còn “Giờ đây chín vạn bông hoa nở/ Riêng có tình ta khép lại thôi”. Nó để mùa xuân nguyên vẹn cho người. Nó đi mà".

Ông mất, người vợ phương Nam vẫn thủ tiết vọng phu, mong ngày độc lập để gặp lại cố nhân. Sau giải phóng, bà mới bắt đầu thu thập tư liệu về chồng mình và ra Bắc thăm mộ ông. Đứng trước ngôi mộ cỏ cây xơ xác, nước mắt người vợ chung thủy chảy dài. Câu thơ gieo trong xót xa: "Gặp nhau thuở tóc còn xanh/ Giờ đây gặp lại đầu xanh phai màu/ Tim vàng nửa mảnh còn đau/ Thầm thì lòng đất thơ sao xé lòng...". Bài thơ "Viếng mộ anh Nguyễn Bính" được bà đốt thành tro gửi người cõi âm.

Năm 1980, hai mẹ con bà Hồng Châu chuyển lên TP Hồ Chí Minh sống. Nơi mà ngày xưa người chồng phóng túng ngật ngưỡng khúc hát "Hành phương Nam”: “Ta đi nhưng biết về đâu chứ?/ Đã dấy phong yên lộng bốn trời/ Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/ Uống say mà gọi thế nhân ơi....”.

Con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu đã thay mẹ thực hiện ước nguyện dành cho người cha quá cố. Bà kể: “Mộ phần cha tôi ba lần bốn lượt mới được trở về vườn quê. Khoảng năm 1992, 1993, từ miền Nam tôi có dịp về thăm quê nội. Ngôi mộ lúc bấy giờ được làm bằng đất, xung quanh xây bằng gạch, tô vôi. Nhìn ngôi mộ đầy cỏ, nham nhở rêu phong, không phải sắc rêu xanh thuần khiết như trong thơ cha tôi viết. Ngậm ngùi. Xa xót. Tôi nguyện ước với lòng, khi có điều kiện, sẽ trở về tôn tạo lại mộ phần cha. Mùa thanh minh năm 1995 tôi trở về quê Bắc, thực hiện nguyện ước của mình với sự giúp sức nhiệt tình của chú Út tôi, tức ông Nguyễn Thiện Cơ”. Năm 1997, tư gia của hai mẹ con bà Hồng Cầu ở quận Gò Vấp trở thành nhà lưu niệm, lưu giữ khá nhiều hình ảnh, tác phẩm và di vật của Nguyễn Bính lúc sinh thời.

Năm 2017, tròn 100 năm ngày sinh tác giả “Lỡ bước sang ngang”, bà Hồng Châu không khỏi vui mừng khi con gái Hồng Cầu đã thay mình hoàn thành nguyện ước cuối cùng: Ra mắt bộ “Nguyễn Bính toàn tập” vào tháng 9. Vừa xong thì bà ra đi, mãn nguyện. 97 tuổi, về cõi vĩnh hằng, có lẽ “tim vàng nửa mảnh” của người vợ chung thủy sẽ thôi đớn đau mà thanh thản ra đi bởi ba điều nguyện ước dành cho người chồng tài hoa đã trở thành sự thật...

Mai Quỳnh Nga
.
.