Tiếng sơn ca vẫn thánh thót đâu đây

Thứ Ba, 12/04/2011, 08:49
Nói đến Phêđêricô Lorca (1898-1936), người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ có cuộc sống vô cùng sôi nổi và một cái chết cực kỳ thảm khốc. Là người tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, có quan hệ mật thiết với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi đương thời, Lorca từng có dịp du ngoạn đó đây trên thế giới. Bàn chân ông từng đặt tới các mảnh đất: Pháp, Anh, Mỹ và một số nước thuộc khu vực Mỹ La tinh.

Năm 1936, trước bóng ma u ám của bè lũ phát xít Phrăngcô, Lorca đã cùng một số văn nghệ sĩ tích cực tham gia vào công việc của "Liên minh trí thức chống phát xít". Ngày 17/7 năm đó, ông trở về quê hương Granađa (thuộc xứ Anđaluxia) của mình. Ngày 16/8,  ông bị bọn phát xít bắt giữ và hai ngày sau đó, chúng thủ tiêu nhà thơ cùng 15 nghìn người trên một vực sâu gần Granađa.

Cái chết của Lorca đã như một tiếng chuông thảm thiết dội vào lương tâm nhân loại, báo hiệu một thời kỳ tàn khốc đang cuồn cuộn kéo tới. Hàng loạt các văn nghệ sĩ tên tuổi đã lên tiếng bày tỏ niềm tiếc thương, sự phẫn nộ và cảnh báo về cái chết của nhà thi sĩ trẻ trung, kỳ diệu này. Người ta có thể đọc thấy điều đó ở Machađô (nhà thơ Tây Ban Nha), Nêruđa (nhà thơ Chilê), Ghiden (nhà thơ Cuba), Aragông (nhà thơ Pháp)... Người ta  khóc cho số phận bi thảm của thiên tài, đồng thời khóc cho một trong những chiến binh (nạn nhân) đầu tiên ngã xuống trong trận tuyến chống chủ nghĩa phát xít.

Sinh thời, Lorca là người dường như "không chịu nổi" việc các nhà phê bình văn học tìm cách phân loại các sáng tác của mình. Ông xem đấy là một sự "chia rẽ" văn học không cần thiết. Sự thực, đọc thơ Lorca, chúng ta có thể nhận thấy sự tổng hòa của nhiều khuynh hướng sáng tạo. Có thi phẩm thuộc loại thành văn uyên bác, lại có loại như để truyền miệng trong dân gian, mà theo như nhận định của nhà thơ Tây Ban Nha Horhê Ghiden thì nhiều bài trong số này có giá trị rất lớn. Bởi vậy, giới thiệu thơ tình Lorca, người tuyển chọn xin được giới thiệu một bài thơ tình có tính chất dân dã của ông. Bài thơ tên gọi "Bài hát" do nhà thơ Tế Hanh dịch:

Cô con gái mặt đẹp
Đang hái quả ô - liu
Ngọn gió quen ve vuốt
Ôm tấm thân yêu kiều 

Bốn kỵ sĩ đi qua
Trên bốn con ngựa tốt
Vận quần áo màu xanh
Đội mũ nhung dạ mượt 

- Đi Coóc-đu cô ơi
Cô gái không trả lời. 

Ba lực sĩ đi qua
Thân hình cao đẹp đẽ
Vận quần áo màu cam
Đeo gươm bằng bạc quý 

- Đi Coóc-đu cô ơi!
Cô gái không trả lời 

Và khi chiều sắc tím
Mờ trong ngày chập chờn
Một thanh niên lại đến
Mang hoa hồng ánh trăng 

- Đi Gơ-nát cô ơi!
Cô gái không trả lời

Cô con gái mặt đẹp
Vẫn hái quả ô-liu
Gió đưa cánh tay xám
Ôm tấm thân yêu kiều

Bài thơ có không gian trải rộng, mơ hồ, có giai điệu văng vẳng như một khúc ca, có nét gì đó tương đồng với bài thơ "Cô hái mơ" của nhà thơ Việt Nam Nguyễn Bính. Hy vọng bài thơ này sẽ phần nào lý giải được lý do tại sao người ta lại đặt cho nhà thơ danh hiệu "Con chim sơn ca của xứ Anđaluxia"

Mạnh Hiền
.
.