"Tiếng thu" còn mãi

Thứ Sáu, 24/06/2011, 08:37

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất tinh khi cho rằng, trong "Tiếng thu", Lưu Trọng Lư "tỏ ra vụng về", và "Tỳ vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tí nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông: Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ". Càng tinh tế hơn khi Trần Đăng Khoa nhận ra: "Ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng. Người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa".  

Đã từ lâu, hễ nhắc tới vai trò người mở đầu phong trào Thơ Mới, đa phần các ý kiến đều hướng về Thế Lữ. Nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ, trong lời giới thiệu "Tuyển tập Thế Lữ" (NXB Văn học, 1983) thậm chí còn viết rõ rằng, sau việc ra đời những bài thơ có giá trị của Thế Lữ, "thế là con đường đã mở, đón mời một lớp các nhà thơ mới có tài năng như Lưu Trọng Lư, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Tế Hanh, Anh Thơ…". Tuy nhiên, cũng không vì thế mà không có người khẳng định vị trí tiên phong thuộc về Lưu Trọng Lư.

Kể ra, nếu căn cứ vào thời gian xuất hiện của bài "Vắng khách thơ" (sau này tác giả đổi tên là "Xuân về") - bài thơ được cho là có dấu hiệu "mới" của thi sĩ họ Lưu (đăng trên Báo Phụ nữ tân văn năm 1932, hưởng ứng bài thơ "Tình già" của nhà văn Phan Khôi) thì vai trò tiên phong thuộc về Lưu Trọng Lư thật. Tuy nhiên, cái mới của Lưu Trọng Lư khác với cái mới của Thế Lữ. Như người mặc chiếc áo chật, phải nới bớt cổ áo cho rộng, cắt bớt gấu áo cho gọn, động thái ấy của Lưu Trọng Lư không phải là động thái quyết liệt, dám thay chiếc áo cũ bằng một chiếc áo có thiết kế hoàn toàn mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại như trường hợp của Thế Lữ. Bởi thế, cái "mới" trong thơ Lưu Trọng Lư giai đoạn 1932 -1933 mới chỉ thể hiện ở những dấu hiệu thuộc về cảm xúc (có phần phóng khoáng, từng ít nhiều ẩn chứa trong thơ cổ Á Đông). Còn với Thế Lữ, cái "mới" của ông thể hiện ở tư tưởng, quan điểm sống, ở cách nhìn nhận vấn đề mang tính khái quát cao, đậm dấu ấn phương Tây. Vả chăng, cái mới trong những bài thơ khởi đầu của Lưu Trọng Lư chủ yếu gây sự hưng phấn nơi người đọc, cái mới của Thế Lữ tác động mạnh tới giới cầm bút.

Hãy so sánh những câu trong bài "Vắng khách thơ" của Lưu Trọng Lư: "Rồi ngày lại ngày/ Sắc màu: phai/ Lá cành: rụng/ Ba gian: trống/ Xuân đi/ Chàng cũng đi/ Người xưa không thấy tới", với những câu trong bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ: "Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối?/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan/ Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn/ Ta lặng ngắm cảnh giang san ta đổi mới?/ Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội/ Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?/ Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng/ Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt/ Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?/ - Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu?", cũng là cảnh trí thay đổi với những lời than thở, nhưng cấp độ cảm xúc, cách thể hiện tư tưởng ở Thế Lữ rõ ràng mạnh hơn, lắt léo hơn.

Đứng ở góc độ nghề nghiệp mà so sánh thì giữa Lưu Trọng Lư và Thế Lữ cũng có những khác biệt cơ bản. Thế Lữ là người "chắc tay nghề", biết hay biết dở và một khi cảm thấy trong mạch cảm xúc của mình không ánh lên được ý tưởng nào mới, ông gần như "án binh bất động". Thơ ông vì thế ít câu non lép. Ngược lại, Lưu Trọng Lư lại ít chú tâm đến cái gọi là "trau dồi nghề thơ". Hoài Thanh là người bạn chí thiết, một fan hâm mộ Lưu Trọng Lư cũng từng phải thốt lên trong "Thi nhân Việt Nam": "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt dũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy…". Tuy nhiên, "trong cái rủi có cái may", chính sự buông lỏng tay nghề, cái sự không chí thiết "làm thơ" ấy, cộng với chất tâm hồn lãng tử, tài hoa của Lưu Trọng Lư đã vô tình giúp ông có được những bài thơ - không phải là hay nhất - mà, nói theo cách của Trần Đăng Khoa là "thơ nhất" trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Lưu Trọng Lư từng viết trong bài "Tình điên": "Ta hát dăm câu vô nghĩa lý/ Lá vàng bay lả vào buồng ta/ Ta viết dăm câu vô nghĩa lý/ Người điên xem đến hiểu lòng ta". Quả là, đọc thơ Lưu Trọng Lư, ta cũng có cảm giác vậy. Có khi đó chỉ là những câu không thật rõ nghĩa, thậm chí "vô nghĩa lý", nó "bay lả" vào buồng - tâm - hồn - ta, song bằng trực cảm gợi lên từ âm điệu của bài thơ, ta vẫn cảm nhận được sự gửi gắm của tác giả. Và về mặt này thì Lưu Trọng Lư thật đáng tôn vinh là thi sĩ, thậm chí, mượn chữ của Hoài Thanh - "thi sĩ hơn ai hết".

Bài thơ "Tiếng thu" là một trong những minh chứng tiêu biểu cho lối thơ ấy. Như những giọt buồn mơ hồ len lỏi, nó làm thức dậy trong hồn ta sự xao xác khôn nguôi. Đây là bài thơ mà ngữ nghĩa không cần xác định chắc chắn (bằng chứng là mấy chữ "Em không nghe mùa thu" nếu có thay bằng mấy chữ "Em có nghe mùa thu" thì ngữ nghĩa cũng vẫn… như nhau), các hình ảnh nối nhau hiện lên, đẹp, ám ảnh và mỏng manh như những cái chớp mắt:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức? 

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ? 

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Với một bài thơ như thế, cách tốt nhất là đọc chậm, thật chậm, cốt để âm hưởng buồn buồn của nó ngân nga, thấm sâu và tỏa lan, để rồi từ đó đánh thức một "cõi mộng" còn ẩn khuất đâu đó trong sâu kín lòng ta… Xuân Diệu từng viết: "Ai đem phân chất một mùi hương/ Hay bản cầm ca! Tôi chỉ thương/ Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc/ Như thuyền ngư phủ lạc trong sương". Với những bài như "Tiếng thu", ta cần có cách xử sự tinh tế theo kiểu trên. Thật "hãi hùng" khi tôi đọc được đây đó lời bình bài thơ này của một nhà phê bình tên tuổi, mà độ dài lên tới 6.000 chữ (6.000 chữ cho một bài thơ chỉ 45 chữ), với những nhận xét… kinh hoàng, đại thể như "phải chăng con nai là hiện thân của em?", rằng thì cả bài thơ "chỉ có câu hỏi mà không thấy câu trả lời, chỉ có một bên nghe mà phía em thì mù mịt" (xin xem bài "Ngôn ngữ với việc tiếp nhận tác phẩm thơ" của TĐS, sách "Đọc văn, học văn", NXB Giáo dục, 2001). Cứ lối "vày vò bới việc" thế này thì mọi sự tinh tế, thanh thoát của thi ca chẳng mấy chốc tiêu ma.

Trước Lưu Trọng Lư, ở đời nhà Tống (Trung Quốc), tác giả Âu Dương Tu đã có một bài phú lấy tên là "Tiếng thu", và bên Nhật, ở thế kỷ thứ VIII, cũng đã có một bài thơ Tanka có những câu vẽ lên hình ảnh con nai vàng ngơ ngác đạp chân trên lá vàng khô như trong thơ Lưu Trọng Lư. Vậy nhưng đâu vì thế mà bài thơ của Lưu Trọng Lư mất đi sự hấp dẫn? Điều ấy cho thấy, chính âm điệu luyến láy, tinh diệu kết hợp với những mơ hồ trong cấu tứ chính là nét đặc sắc, làm nên sự khơi gợi đến ám ảnh của "Tiếng thu". Việc nhà phê bình cố công "chẻ sợi tóc làm tư", chồng chất lên bài thơ những ngữ nghĩa mà nó không hề có càng khiến bài thơ trở nên nặng nề và xa lạ với người đọc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất tinh khi cho rằng, trong "Tiếng thu", Lưu Trọng Lư "tỏ ra vụng về", và "Tỳ vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tí nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông: Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ". Càng tinh tế hơn khi Trần Đăng Khoa nhận ra: "Ấy vậy mà khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng. Người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa".  

Thật ra, không chỉ với "Tiếng thu" mà ở những bài thơ hay khác của Lưu Trọng Lư, đây đó vẫn xuất hiện những câu độn không được "thơ" như vậy. Như ở bài "Nắng mới", một bài thơ có những chi tiết thấm thía, xúc động về người mẹ, có ai ngờ sau mấy câu rất gợi không khí "Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không" lại là hai câu thật thà như đếm: "Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời/ Lúc người còn sống, tôi lên mười"; cũng như ai ngờ trước hai câu đầy ấn tượng "Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè trước dậu thưa" lại là một câu thơ vụng về "Hãy còn mường tượng lúc vào ra". Hay như ở bài "Thơ sầu rụng" - một bài thơ từng được nhiều người biết tới của Lưu Trọng Lư, hai câu "Để tóc vướng vần thơ sầu rụng/ Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo" nếu bóc tách ra thì thật vô nghĩa, nhất là khi ai đó muốn mổ xẻ ngữ nghĩa một cách trần trụi. Vậy nhưng, theo cách nói của Trần Đăng Khoa, để trong tổng thể bài thơ thì người ta "không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa". Như thể vết khâu, chỉ khi hết thuốc mê ta mới cảm nhận được cái đau… Âu đó cũng là sự tài tình của Lưu Trọng Lư.

Nhà phê bình Hoài Thanh từng tâm sự về sức ám ảnh của thơ Lưu Trọng Lư: "Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai". Theo tôi, sở dĩ có được điều này là bởi thơ Lưu Trọng Lư - ở những bài tiêu biểu nhất - đã có được thứ nhạc tính rất có ma lực. Đây - bài "Mưa… mưa mãi" với tiết tấu giai điệu trở đi trở lại cùng một số từ ngữ quen thuộc đã đủ nói lên cái buồn rả rích, cái quẩn quanh, tù đọng của hồn người:

Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai!
Trăng lạnh về non không trở lại… 

Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài!
Nào biết nhớ nhung ai! 

Mưa chi mưa mãi!
Buồn hết nửa đời xuân!
Mộng vàng không kịp hái. 

Mưa mãi mưa hoài!
Nào biết trách ai!
Phí hoang đời trẻ dại.

Mưa hoài mưa mãi!
Lòng biết tìm ai
Cảnh, tưởng đầy nơi quan tái

Bài "Còn chi nữa" cũng có những câu gây xao xuyến, thổn thức lòng người bởi những ký ức đẹp và buồn được ký gửi trong những giai điệu ngân nga, buồn tủi như muốn níu kéo một thời khắc đang dần chìm vào dĩ vãng…

So sánh Lưu Trọng Lư với các nhà "thơ mới" khác, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng, chỗ mà Lưu Trọng Lư "hơn người" chính là bởi ông "thành thực hơn". Theo Hoài Thanh "thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta". Tôi tán thành quan điểm này của Hoài Thanh và xin thêm một ý nhỏ là: Mặc dù theo nhìn nhận của tôi, Lưu Trọng Lư chưa phải là một nhà thơ lớn, bởi thơ ông không đặt ra những vấn đề cấp thiết, mang tính thời đại; bút pháp của ông không đa dạng; các bài tiêu biểu nhất của ông cũng không phải đã toàn bích, song thơ ông vẫn là một tiếng thơ quý, là một thứ "rau sạch" mà chúng ta cần coi trọng, bởi nó đang ngày một hiếm dần trong đời sống văn học hiện nay…

13/6/2011

.
.