50 năm sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy:

Thủ phạm vẫn nằm trong... giả thuyết

Thứ Sáu, 06/12/2013, 08:00

Tính đến ngày 22/11 này, vụ ám sát Tổng thống John Frank Kennedy, vị Tổng thống trẻ nhất và đào hoa nhất nước Mỹ, đã tròn nửa thế kỷ. Mặc dù đến nay, đây vẫn được xem là một trong những vụ án bi thảm nhất và bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại, song với những nguồn tư liệu từ các nhân chứng đang ngày một được phơi mở, ít nhiều bạn đọc cũng có thêm cơ sở để củng cố cho những suy xét, đánh giá, nhìn nhận vụ việc theo cách của mình, sao cho mọi sự ngày càng trở nên khoa học, gần với sự thật hơn...

Vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ bị ám sát vào hồi 12h30' ngày 22/11/1963, tại Dallas, tiểu bang Texas, khi chiếc xe chở ông cùng phu nhân Jacqueline Kennedy và vợ chồng Thống đốc bang Texas John Conally đi ngang qua Dealy Plaza.

Bang Texas trước đó được cho là tình hình an ninh có những diễn biến phức tạp. Đây cũng không phải là bang mà phần đông người dân có thể thân thiện và sẵn sàng ủng hộ vị Tổng thống trẻ (khi ấy John F. Kennedy mới 46 tuổi). Mặc dù vậy, để thúc đẩy quỹ của đảng Dân chủ cho việc tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới và để góp phần giải tỏa các xung đột chính trị nội địa tại đây, theo kế hoạch, Tổng thống John F. Kennedy sẽ có mặt tại Dallas Trade Mart để đọc một bài diễn văn.

Có lẽ, với ước muốn được gần gũi dân chúng hơn nữa, ngày hôm đó, Tổng thống quyết định đi xe limousine mui trần (mui xe đã được gỡ bỏ trước đó). Vợ chồng Thống đốc bang Texas ngồi ngay sau hàng ghế dành cho tài xế. Tổng thống Kennedy và Đệ nhất phu nhân Jacqueline ngồi ở hàng cuối cùng.

Tất nhiên, với chuyến đi của một nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ, không thể chỉ trần xì một xe "đơn thương độc mã" như vậy. Trước xe Tổng thống là một ôtô "dọn đường", vài chiếc môtô hộ tống và kế ngay sau xe Tổng thống là xe chở 8 nhân viên đặc vụ. Cuối cùng là xe chở Phó tổng thống Lyndon Johnson và Thượng nghị sĩ Yarborough.

Tổng thống John F. Kennedy cùng Đệ nhất phu nhân Jacqueline vẫy chào dân chúng thành phố Dallas ít phút trước khi bị bắn.

Trong khoảng thời gian chưa đầy nửa phút, khi xe của Tổng thống Kennedy cua một góc 120 độ về phía bên trái, từ đường Houston vào đường Elm, có vài tiếng súng vang lên. Lúc này xe đi khá chậm, tốc độ được xác định chỉ còn 15km/giờ. Theo nhiều nhân chứng kể lại, thoạt đầu, hầu như không mấy ai chú ý tới tiếng nổ đầu tiên. Không ai nghĩ tiếng nổ ấy phát ra từ một khẩu súng. Cùng bầu không khí ồn ã, nhiều người còn lầm tưởng đó là tiếng pháo hồi đáp khi Tổng thống vẫy tay chào người dân thành phố Dallas.

Bản thân Tổng thống Kennedy và đội đặc vụ của ông cũng không ai có phản ứng nào trước tiếng súng ấy. Đến tiếng súng thứ hai, bấy giờ vợ chồng Tổng thống và vợ chồng Thống đốc John Connally mới ngó trước ngó sau xem điều gì xảy ra. Khi tiếng súng thứ ba, rồi thứ tư lần lượt vang lên, nghe tiếng kêu thất thanh của Thống đốc John Connally (ông này bị  đạn trúng vào lưng), theo phản xạ, vợ ông quay đầu về bên phải thì gặp cảnh Tổng thống đang dùng tay ôm cổ họng. Mọi người bàng hoàng chưa kịp có phản ứng gì trước vụ việc thì ngay lập tức, lại một tiếng nổ vang lên. Lần này, viên đạn trúng vào đầu Tổng thống làm máu và mảnh xương sọ của ông văng khắp xe.

Từ chiếc xe sau, Clin Hill, một trong 8 đặc vụ nhảy vội lên chiếc limousine chở Tổng thống để che chắn, bảo vệ ông, song tất cả đã muộn. Đệ nhất phu nhân Jacqueline run bần bật, gào lên: "Trời ơi, chúng giết chồng tôi rồi. Óc anh ấy đang trong tay tôi…".

Ở tuổi 84, bác sĩ McClelland, một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia ca phẫu thuật cấp cứu Tổng thống Kennedy không sao quên được những hình ảnh mà ông tận mắt chứng kiến trong cái ngày khủng khiếp ấy. Ông kể: Sau khi nhận được hung tin về việc đoàn xe của Tổng thống bị tấn công, ông chạy vội tới phòng Chấn thương 1 (thuộc Bệnh viện Parkland Memorial ở Dallas). Rẽ qua một đám đông gồm các sĩ quan cảnh sát và các nhân viên an ninh bệnh viện, ông bắt gặp Đệ nhất phu nhân Jacqueline đang ngồi trên băng ghế chờ ngoài phòng mổ. Chiếc áo khoác bà mặc mang thương hiệu thời trang Chanel thấm đầy máu của chồng.

Vào tới phòng mổ, một hình ảnh kinh hoàng đập vào mắt vị bác sĩ: "Tôi rùng mình khi thấy Tổng thống nằm trên bàn phẫu thuật. Ánh sáng đèn mổ soi rõ phần đầu bê bết máu của ông…Bấy giờ, khuôn mặt Tổng thống đã chuyển sang màu xám trong khi đôi mắt vẫn mở". Theo McClelland tiết lộ thì tình thế gấp rút đến độ ông không kịp đeo găng tay hoặc cọ sạch tay trước khi thực hiện việc phẫu thuật.

Bác sĩ Kenneth Salyer, người cùng bác sĩ McClelland và các chuyên gia phẫu thuật khác thực hiện ca cấp cứu Tổng thống John F. Kennedy hôm đó cũng cho biết: Không chỉ phần hộp sọ phía bên phải của Tổng thống bị tổn thương nghiêm trọng; phần còn lại của não bộ cũng xuất hiện một lỗ hổng (do trúng đạn). Ngoài ra, Tổng thống còn bị đạn ghim vào cổ nên nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các nhân viên y tế khi đó là phải thông được đường thở cho ông. Dù mọi người đã nỗ lực hết sức, song trên thực tế, ai cũng biết đấy là việc làm vô vọng. Đến 1 giờ 3 phút chiều hôm đó, nghĩa là hơn nửa giờ tính từ thời điểm ông chủ Nhà Trắng bị mưu sát, Giám đốc bệnh viện - bác sĩ Kemp Clark đã buộc phải ra thông báo: "Tổng thống Kennedy đã qua đời".

Lyndon Johnson tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ ngay trên máy bay sau khi ông Kennedy bị ám sát. Đứng bên trái ông là bà quả phụ Jacqueline.

Theo các thông tin chính thức mà nhà cầm quyền Mỹ công bố thời ấy, Tổng thống John F. Kennedy đã bị mưu sát bởi một tay súng cuồng tín tên là Lee Harvey Oswald. Tên này đã ẩn mình trên tầng 6 của một nhà kho gần nơi đoàn xe của Tổng thống đi qua và đã nhằm bắn ông bằng khẩu súng trường Mannlicher - Carcano, cỡ nòng 6,5 mm do Italia sản xuất. Điều làm dư luận cảm thấy lợn gợn là trong khi Ủy hội Warren (do Tổng thống Lyndon Johnson lập ra để điều tra vụ ám sát) và Ủy ban Hạ viện Mỹ điều tra vụ ám sát đều đưa ra kết luận thủ phạm là Oswald và chỉ mình y thực hiện việc mưu sát Tổng thống Kennedy thì bản thân Oswald chưa một lần thừa nhận cáo buộc này.

Một điều nữa cũng buộc dư luận phải nghi ngờ là chỉ hai ngày sau khi bị bắt, nghi phạm Oswald trên đường bị dẫn giải đến nhà tù Dallas đã bị một gã đàn ông bí mật bám theo và bắn chết. Gã này (tên gọi Jack Ruby) khi được hỏi về động cơ hạ sát Oswald đã trả lời tỉnh queo, rằng có bắn chết kẻ mưu sát Tổng thống Kennedy, hắn mới được nổi tiếng. Chưa dừng ở đấy: Sau khi bị khởi tố về tội giết người và chờ ngày ra hầu tòa, Ruby đã ngã bệnh chết, mãi mãi mang theo điều bí mật mà hắn từng hứa sẽ "nói hết" nếu được chuyển tới một trại giam khác ngoài Dallas - vì sợ bị ám hại.

Đã 50 năm trôi qua, đến nay có thể nói, xung quanh vụ ám sát Tổng thống Kennedy, dư luận Mỹ đã đặt ra nhiều giả thuyết: Nào là ông bị sát hại bởi "bàn tay" của các đối thủ ở Liên Xô (cũ) và Cuba; bị giết vì đã ủng hộ việc bãi bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ; bị CIA trừ khử vì có ý định làm giảm quyền lực của cơ quan này. Nhiều ý kiến nghiêng về giả thuyết ông bị sát hại bởi chính người kế nhiệm mình là Lyndon Johnson (khi ấy đang là Phó tổng thống).

Theo phân tích, chính Phó tổng thống Johnson là người được "lợi" nhất khi Tổng thống Kennedy "nửa đường đứt gánh". Hiến pháp Hoa Kỳ quy định, trong trường hợp Tổng thống qua đời khi chưa hết nhiệm kỳ, Phó tổng thống sẽ lên thay. Hình như ông Johnson có nghĩ đến điều này khi thổ lộ rằng: "Cứ 4 Tổng thống Mỹ thì có 1 bị ám sát. Có thể tôi sẽ gặp may mắn?".

Dưới thời Tổng thống Johnson, kết quả điều tra vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy không làm dư luận thỏa mãn. Họ cho có gì đó vội vàng, khuất tất. Tất cả các kết quả thăm dò dư luận từ bấy đến nay đều luôn cho thấy một thực trạng, tuyệt đại đa số người dân Mỹ tin rằng, có một âm mưu từ một thế lực nào đó trong chính quyền Mỹ cố tìm cách che đậy, bưng bít sự thật về vụ án này. Bản thân cựu Tổng thống Bill Clinton từng tâm sự với một người bạn thân cận ở Bộ Tư pháp rằng, có hai điều đến nay ông rất muốn làm sáng tỏ: Đó là chuyện đĩa bay có thực hay không? Và ai là người đã giết Tổng thống John F. Kennedy.

Tính đến nay, đã có hơn 600 cuốn sách xoay quanh cái chết của ông Kennedy được xuất bản. Tuy nhiên, cũng đã có cuộc khảo sát cho thấy, có tới 77% người dân Mỹ được hỏi cho rằng sự thật về vụ ám sát Tổng thống Kennedy sẽ mãi mãi chìm trong vòng bí mật

Hoàng Ngọc Thọ
.
.