Thơ chữ Nôm tại thư viện Đại học Yale Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 14/05/2021, 13:56
Trường Đại học Yale là một trong các đại học uy tín và lâu đời nhất nước Mỹ. Yale là tư thục nhưng lại là một tổ chức phi lợi nhuận tại New Haven, bang Connecticut. Trường có diện tích rộng đến 368 ha (bao gồm cả khu thể thao và bảo tồn thiên nhiên). Năm 2014, trường có 12.336 sinh viên và 3.619 giảng viên.


Yale từng đào tạo các nhà khoa học lỗi lạc đạt tổng cộng 19 giải Nobel. Các Tổng thống Mỹ từ năm 1989 đến gần đây đều tốt nghiệp Đại học Yale. 

Hệ thống thư viện gồm 15 thư viện khác nhau: thư viện "Tưởng niệm Sterling", thư viện "Sách hiếm Beinecke", thư viện "Y khoa Harvey Cushing/John Hay Whitney" và thư viện "Lewis Walpole"... với khoảng 15 triệu sách in và văn bản điện tử, đặc biệt là thư viện "Beinecke" do  kiến trúc sư Gordon Bunshaft thiết kế, hoàn thành năm 1963 có thể tự động điều hòa nhiệt độ và độ ẩm chuẩn nhằm bảo vệ khoảng một triệu văn bản viết tay và 500 ngàn sách hiếm.

Riêng thư viện "Sterling" là thư viện trung tâm. Tại đây có thể tìm thấy nhiều sách cổ của nước ta, đặc biệt có nhiều sách, văn bản chép tay bằng chữ Nôm được lưu giữ như "Bạch Vân thi tập", "Lưu Bình Dương Lễ tân truyện", "Lưu Bình Dương Lễ sự tích diễn âm",  "Chinh Phụ tự tình", "Phan Trần truyện", "Phạm Công tân truyện", "Kim Vân Kiều tân tập", "Hoa Tiên kí", "Mai Đình Mộng kí", "Tỳ Bà Quốc Âm tân truyện", "Chúa Thao cổ truyện", "Vân Tiên cổ tích tân truyện", "Sãi Vãi", "Nhị Độ Mai tinh tuyển", "Gia Huấn Tử", "Âm Chất văn giải âm", "Thu Dạ Ngâm diễn âm"... 

Ảnh số hóa một số trang sách chữ Nôm của thư viện Sterling, Đại học Yale (Sterling memorial library).

Có cả những bài văn tế như "Văn Tế Tướng Sĩ trận vong", "Bài văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu"...

Có luôn cả các bài hát, bài phú dân gian viết bằng chữ Nôm như "Bài hát Nam Ai", "Bài hát Nam Thương", "Chổng mông gào chồng phú", "Hà Thành kỹ nữ oán tử", "Khuê Phòng ngâm khúc", "Thị Lựu trần tình khúc", "Lẳng lơ phú", "Quá Xuân Nữ phú". "Mẹ ơi con muốn lấy chồng", "Thi hỏng tự cười mình phú...".

Các sách chữ Nôm này phần lớn là do Maurice M. Durand chuyển giao.

Maurice M. Durand (1914-1966)  là người Pháp sinh trưởng tại Hà Nội, là học giả nổi tiếng về ngôn ngữ, văn học Việt Nam. Durand thông thạo Việt ngữ, chữ Hán và chữ Nôm. Cha ông là Gustave Durand, Trưởng phòng dịch thuật tòa án Hà Nội thời thuộc Pháp. Mẹ là bà Nguyễn Thị Bình, người Kiến An, Hải Phòng. Ông học tại Pháp, năm 1946 về Việt Nam dạy học rồi làm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Khi trở về Pháp, ông dạy tiếng Việt tại École Pratique des Hautes Etudes của Đại học Sorbonne, Paris.

Các văn bản Nôm lưu trữ khá nhiều. Có thể một số bản văn này ở nước ta không còn giữ được vì chiến tranh, thiên tai...

Xem qua một lượt riêng tôi chú ý tập "Cung oán thi" của Nguyễn Huy Lượng. Nguyễn Huy Lượng (? - 1808) có bút hiệu là Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (Tháng 12 năm 1954, Gia Lâm được sáp nhập vào thành phố Hà Nội).

Họ Nguyễn Huy ở Bắc Ninh xưa có nhiều người hiển đạt. Nguyễn Huy Lượng đỗ Hương cống đời Lê Trung hưng rồi được bổ làm quan Phụng Nghi ở bộ Lễ. Sau khi Quang Trung thắng quân Thanh, Nguyễn Huy Lượng làm quan triều Tây Sơn chức Hữu thị lang bộ Hộ (nên còn được gọi là Hữu Hộ Lượng), tước Chương Lĩnh hầu. Tác phẩm nổi tiếng "Tụng Tây Hồ phú" được Nguyễn Huy Lượng viết vào năm 1801, lúc vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, con thứ của vua Quang Trung) làm lễ Tế Giao bên hồ Tây. Bài phú "Tụng Tây Hồ" là bài phú nổi tiếng. 

Sách "Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến" có viết: "...Có thể nói, trước và sau Nguyễn Huy Lượng, chưa hề có một tác phẩm nào viết về non sông đất nước Thăng Long Hà Nội hay đến thế, đẹp đến thế. Chỉ với một danh tác ấy cũng đủ xếp Nguyễn Huy Lượng vào hàng những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Thăng Long... Áng văn Nôm trác tuyệt tân kỳ, dân Hà thành hồi ấy gọi là "Phú ông Lượng". Trong khi người ta đổ xô đi tìm mua giấy mực về chép lại khiến cho giá giấy phường Hàng Giấy, Hàng Gai vọt hẳn lên". 

Thư viện "Sterling", ĐH Yale, nơi có lưu trữ các văn bản sách cổ của Việt Nam.

Sau khi nhà Tây Sơn mất, Nguyễn Huy Lượng bị bắt giam một thời gian ngắn. Khi có lệnh vua Gia Long triệu tập các quan lại Tây Sơn cũ, Nguyễn Huy Lượng trình diện và được bổ làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Khi vua tuần du, ông tháp tùng và soạn tác phẩm "Ngự đạo hành cung nhật trình" (ghi lại diễn tiến hằng ngày trên đường vua qua các hành cung). 

Riêng tập thơ "Cung oán thi" này không biết được Nguyễn Huy Lượng sáng tác vào lúc nào, chỉ biết bản hiện được lưu tại thư viện Yale có kí hiệu AB.549 lại chỉ ghi mấy dòng giới thiệu về tác giả ở trang đầu: "Bắc Ninh, Gia Lâm, Trung Nghĩa lý; Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh soạn; Quốc âm nhất bách thủ" (Bạch Liên Am Nguyễn tiên sinh ở làng Trung Nghĩa, Gia Lâm, Bắc Ninh, soạn 100 bài thơ chữ Nôm).

Cũng như "Cung oán ngâm", "Cung oán thi" tập trung vào đề tài nỗi hờn oán của các cung nữ héo mòn tuổi xanh nơi cung cấm nhưng lại độc đáo hơn ở chỗ: Nếu như với "Cung oán ngâm" ta nhìn nhận là Nguyễn Gia Thiều quả đã có tài  nêu suy nghĩ, cảm xúc thật ghê gớm khi chỉ tả nỗi lòng của một cung nữ thôi mà đã dùng những lời thơ tuyệt đẹp cùng nhiều điển tích, viết nên được tác phẩm dài đến 356 câu  thì ở "Cung oán thi", tài năng ấy của Nguyễn Huy Lượng đã tăng lên gấp bội: 100 bài bát cú tức tổng cộng đến 800 câu. Quả là kỉ lục đáng khâm phục.

Căn cứ hình thức, các trang chữ bản chép tay chữ Nôm tại thư viện Đại học Yale, ta có thể đoán được thời gian hình thành văn bản là trong khoảng nửa đầu thế kỉ XX. Cũng như nhiều văn bản chữ Nôm khác tại thư viện Sterling, tập thơ này có lẽ do Durand lúc đương chức Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ vì không có điều kiện chụp ảnh nên đã thuê các Nho sinh sao chép vào những cuốn vở kẻ ô của học trò.

Làm được điều này là nhờ kể từ khoảng cuối thế kỉ XIX, các thầy đồ nho đã học thêm chữ quốc ngữ. Ngày 22/2/1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn ở Nam Kỳ. Nghị định ngày 14/6/1880 cho giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ Quốc ngữ. Từ ngày 1/1/1882, tất cả văn bản chính quyền đều dùng chữ Quốc ngữ. Năm 1879, chữ Quốc ngữ được đưa vào giảng dạy, bắt đầu từ các thôn xã Nam Kỳ. Kỳ thi Hương cuối cùng năm 1915 được xem là dấu chấm hết của lối học khoa cử bằng chữ Nho.

Họ thay bút lông bằng bút gắn ngòi lá thép. Dù là bút chấm mực hay bút máy có khoang trữ mực thì đều có chung một đặc điểm là ngòi bút có độ đàn hồi nên nét chữ dễ  mềm mại, uyển chuyển. Xem kĩ các chữ Hán, Nôm và quốc ngữ trên các bản văn giữ tại thư viện Sterling: đa phần được viết bằng bút gắn ngòi lá thép chấm mực nên nét bút uốn lượn bay bướm... lại được bảo quản tốt nên dù đã lâu, vẫn đọc rõ được những hàng chữ viết tay rất đẹp bằng mực xanh đỏ.

Đối chiếu với sách "Cung oán thi" do NXB Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1994: tập thơ này của thư viện Sterling có một số sai biệt về câu chữ. Có thể xem tập thơ là nguồn tư liệu quý dành cho các nhà nghiên cứu Văn học Hán Nôm.

Nguyễn Cẩm Xuyên
.
.