Tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm:

Thơ Hoàng Cầm - Một dòng lấp lánh

Thứ Hai, 24/05/2010, 10:33
Mãi đến thập niên bảy mươi của thế kỷ trước tôi mới được đọc thơ Hoàng Cầm qua tập "Tài liệu tham khảo văn học Việt Nam hiện đại" của Trường đại học Sư phạm Hà Nội khi tôi là sinh viên. Trước đó, thời học sinh phổ thông, tôi chỉ nghe mang máng Hoàng Cầm có bài "Bên kia sông Đuống", nhưng không biết nó thế nào...

Là sinh viên, cái tuổi sôi nổi bồng bột đáng yêu nhất, tôi không hề mặc cảm với Hoàng Cầm, các bạn tôi cũng vậy.  Chúng tôi yêu ông vì thơ ông hay, ông đã từng lặn lội với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từng làm chính trị viên trong quân đội, lúc nào đó ông có sai lầm, cũng là chuyện thường, đời người không ai "nắm tay suốt ngày đến sáng".

Phải khẳng định rằng "Bên kia sông Đuống" không chỉ là một bài thơ hay của thơ kháng chiến chống Pháp, mà còn là một bài thơ hay của thơ Việt Nam hiện đại, của thơ Việt Nam nói chung. Những bài thơ hay có sức sống vượt qua mọi thời đại, không phụ thuộc vào đề tài và hoàn cảnh ra đời. Nó không hề cũ, vì cái đẹp là của muôn đời. Thơ chống Pháp và thơ chống Mỹ có nhiều bài như vậy.

Hào quang thơ chống Pháp của Hoàng Cầm kéo khá dài, cả khi ông không đăng thơ và khi ông đăng những bài thơ không được hay như trước. Đó là tình cảm tự nhiên của người đời mà ông xứng đáng được hưởng, vì ông đã kết tinh tâm hồn mình thành ngọc dâng tặng mọi người. Ai cũng chỉ có một thời xuân sắc. Tám mươi tuổi vẫn còn như thiếu nữ, nghe đâu lịch sử nhân loại cũng chỉ có một hai người.

Nhưng ngoài những quy luật thông thường, văn học nghệ thuật cũng như cuộc sống còn những quy luật khác, khó lý giải đến tận cùng. Thơ Hoàng Cầm mấy chục năm qua sống trong bạn đọc có một phần ít nhiều như huyền thoại, mà nhiều nhà thơ có những bài thơ hay không kém lại không có được. Tôi đã gặp nhiều người không hiểu thơ Hoàng Cầm, thậm chí không biết thơ Hoàng Cầm một bài nào ngoài tên ông và tên bài thơ tiêu biểu nhất của ông, vẫn tỏ lòng tôn kính, hết lời ca ngợi khi nhắc đến ông một cách chân thành.

Giai đoạn đầu của thơ Hoàng Cầm (1942-1956) có các bài thơ: "Một mình" (1942), "Gặp lại" (1942), "Nếu anh còn trẻ" (1943), "Tâm sự đêm giao thừa" (1948), "Bên kia sông đuống" (1948) và "Tiếng hát quan họ" (1956). Tất cả những bài thơ này đều dễ hiểu như thơ của các nhà thơ khác. Trong đó tiêu biểu là bài "Bên kia sông Đuống" khá dài (135 câu), vừa hay mà dễ hiểu. "Bên kia sông Đuống" vừa tình cảm, vừa trí tuệ theo cái hay cổ điển của thơ Việt Nam. Tình cảm ở đây vừa tha thiết, vừa tự nhiên, cảnh quê hương dân dã hiện lên chân thật gần gũi, ý tưởng lớn của cuộc kháng chiến được gửi gắm qua những hình ảnh quen thuộc, cách diễn đạt giản dị.

Đến năm 1959 bắt đầu một giai đoạn mới của thơ Hoàng Cầm, tiêu biểu là các bài: "Cỏ Bồng Thi", "Cây tam cúc", "Lá Diêu Bông", "Nước sông Thương", "Gió lông ngỗng"… Thơ Hoàng Cầm bắt đầu khó hiểu. Sự khó hiểu này kéo dài suốt mấy chục năm, qua từng bài thơ, đến tận bây giờ .

Như vậy, sự khó hiểu của thơ Hoàng Cầm không phải là sự khó hiểu tự nhiên mà là sự khó hiểu cố ý, hay nói cách khác là do một quan niệm nghệ thuật của tác giả. Gần đây, trong một bài viết, ông Nguyễn Trần Bạt có lý giải, trong hoàn cảnh lúc đó tác giả đã phải thay đổi để tiếp cận độc giả. Có thể như vậy chăng? Trong sự thay đổi này có cả cái được và cái mất. Ví dụ, trong bài "Nước sông Thương" tác giả viết:

Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương
Mắt tròn cối xay
Không bao giờ được thấy sao mai

Rồi chị bảo em quên
Tranh tố nữ long hồ gián nhấm
Mất chân đi
Má đội tổ tò vò
Cuốn chiếu xa rồi thơ thẩn vách chiêm bao

Vừa đọc vừa suy luận thì cũng có thể hiểu được. Toàn bộ thơ Hoàng Cầm từ 1959 trở đi là như thế. Nó không thuộc trường phái Xuân Thu Nhã Tập, cũng không bí hiểm như thơ Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng và một số tác giả "hiện đại" khác.

Thơ Hoàng Cầm chỉ khó hiểu thôi chứ không bí hiểm. Đọc thơ ông thấy ông lao động thơ khá nghiêm túc.

Ví dụ, ba câu đầu bài "Nước sông Thương" ở trên, hình như giữa ba câu này còn có những câu khác, nhưng tác giả đã xóa bỏ đi để thơ hàm súc hơn, nhưng có thể do xóa nhiều (hoặc bỏ cách quãng nhiều trong diễn đạt tình cảm) mà các câu thơ rời nhau, gây cảm giác hụt hẫng.

Ở khổ thứ hai: "Tranh tố nữ long hồ dán nhấm/ Mất chân đi/ Má đội tổ tò vò" thì trong từng câu thơ cũng có cảm giác thiếu hụt như vậy. Vì sao lại "Má đội tổ tò vò". Có thể thiếu một vài từ nào đó. Phải chăng "Má (tố nữ) đội tổ tò vò" thì mới hiểu được? Hầu hết thơ năm mươi năm gần đây của Hoàng Cầm đều có phong cách như vậy, lao động quá nghiêm túc, quá cẩn thận trên từng câu, từng chữ dẫn đến cô đọng quá mức gây hẫng hụt, thiếu cả những câu phụ cần có, do đó gây khó hiểu.

Ví dụ những câu: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" (Lá Diêu Bông); "Lông ngỗng trải bờ lau/ Sông Cầu xuôi bến Hát/ Rập rềnh Mộ Dạ chiếu tân hôn" (Gió lông ngỗng); "Ta lên xanh chỏm tóc/ đã sênh sang miệng bát đàn/ Cười nở gạo Văn Giang" (Nhịp điệu Hồng Châu) v.v...

Nghệ thuật bao giờ cũng phải đạt đến mức vừa đủ, già một chút là thừa, non một chút là thiếu. Như chiếc kiềng chỉ ba chân, nhiều hơn sẽ gây khó chịu, nếu hai chân sẽ chông chênh dễ đổ. So sánh, tôi thấy câu và chữ trong thơ Hoàng Cầm như chiếc kiềng hai chân ấy.

Nhưng thơ Hoàng Cầm không đổ, cứ chông chênh trước mắt mọi người. Đứng được như vậy phải nói là tài, vì ông có những cái chân mờ khác. Một trong những chân mờ ấy là ngôn ngữ của thơ ông. Như đã nói ở trên, ông đã bỏ đi tất cả những từ thừa, những câu thừa. Ngoài ra, ông còn biết đánh bóng làm đẹp những từ còn lại, biết cách xếp đặt chúng làm cho câu thơ ông đọc rất sang. Cả giai đoạn dài mấy chục năm về sau, đọc thơ Hoàng Cầm không nên đi tìm những tư tưởng cao siêu, hay những tình cảm đặc biệt, mà người đọc bị thu hút bởi cái "sang" của thơ ông:

- Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
-
Em vắt quả cam vàng đầu ngọn sông Thương
- Đêm phương Bắc khi sao hôm nhẹ khóc   
Hương tím em về đậu giữa trang thơ

                                                     (Ngẩn ngơ)

- Chị đi một chuyến chơi xanh cỏ
 Quay bánh linh xa miết triệu vòng

                                                  (Chị em xanh)

- Sơn ca chắt nắng
Chuỗi trân châu trút xuống mâm vàng

                                                  (Đếm nắng)

v.v…

Một cái chân mờ khác, đấy là cách làm điệu nghệ sĩ của ông thu hút được tình cảm của người đọc. Chẳng hạn chùm thơ đêm của ông: "Đêm Thổ", "Đêm Kim", "Đêm Thủy", "Đêm Hỏa", "Đêm Mộc", mở đầu đều bằng việc trở về Kinh Bắc, theo thứ tự của các bài trên:

- Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc

- Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc

- Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt      

- Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa

- Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng

v.v…

Hoặc hai bài "Tinh anh thể phách" và "Thể phách tinh anh" có hai câu đầu láy nhau khá điệu: "Em trao vẹn cả tâm hồn/ Là giam tôi chật vòng tròn cung trăng". Và: "Em trao vẹn cả thân mình/ Là giấm ớt tía đỏ bình men quê".

Một cái chân mờ khác là những câu thơ đa tình của ông cứ như đùa, như trêu mọi người, nhưng vẫn giữ được độ thanh của nó: "Tàn canh đứng…/ Rạng Đông vừa lọt/ Cửa khép hờ toang toác gió thu" (Bênh); "Ấp vú mình trần con dế trũi/ Cành tre trải áo nép thân hình" (Tắm đêm); "Em trao mình thủa khát khao/ Dấn thân lạc lối mưa rào hoàng hôn" (Thể phách tinh anh).

v.v…

Chất Quan họ cũng là một cái chống mờ trong thơ Hoàng Cầm: "Nhớ mưa Thuận Thành/ Long lanh mắt ướt/ Là mưa ái phi/ Tơ tằm óng chuốt/ Ngón tay trắng mướt/ Nâng bồng Thiên Thai" (Mưa Thuận Thành). Nó đi vào lòng người bằng chất ngọt ngào mê đắm.

Nhìn một cách tổng quát, thơ Hoàng Cầm không có bài nào đến gần được "Bên kia sông Đuống" của chính ông… Cứ tưởng như "Bên kia sông Đuống" và những bài thơ khác không phải cùng một người sinh ra. Những bài thơ khác, mỗi bài mỗi vẻ cũng lấp lánh sơn son thiếp vàng, nhưng không phải là vàng ròng như "Bên kia sông Đuống".

Có người nói: Hoàng Cầm đã được khoác tấm cẩm bào lộng lẫy quá rộng! Điều đó còn phải bàn. Nhưng tấm cẩm bào ấy đâu phải do ông tự khoác hay một người nào đó khoác cho ông?

Tất nhiên, ông khoác được tấm cẩm bào ấy trong nhiều năm mà không bị rơi thì ngoài cái cốt của thơ ông ra mà chúng ta nhìn thấy, thơ ông tất phải có những cái chống mờ khác độn giữa cốt và áo như đã nói ở trên. Vấn đề là những cái chống mờ ấy có giữ mãi được tấm áo ông hiện khoác không? Không ai có thể khẳng định. Bởi vì trong lịch sử văn học nghệ thuật, có những tác phẩm tưởng chừng kiên cố và vững chắc thì lại không trụ được với thời gian, thế mà có tác phẩm mỏng manh chông chênh thì gió bão lại không làm gì được, bởi đó là cái mỏng manh của một chất đặc biệt, có cấu trúc đặc biệt. Không biết thơ Hoàng Cầm có thuộc loại đó không?

Đinh Quang Tốn
.
.