Thiên tài âm nhạc Beethoven bị… chết oan?

Chủ Nhật, 04/11/2007, 13:45
Tác giả của những bản sonat, khí nhạc, vũ nhạc - đặc biệt là 9 bản giao hưởng bất hủ - Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) được nhiều thế hệ hâm mộ là nhạc sĩ thiên tài. Tuy bị mắc những căn bệnh hiểm nghèo, nhạc sĩ vẫn có sức sáng tác kỳ lạ và lẽ ra đã không bị chết sớm như thế - Đó là kết luận mới nhất vừa được công bố trên tạp chí Science...

Năm 1792, Ludwig van Beethoven chuyển đến Vienna (áo), nơi ông đã được học từ nhà soạn nhạc Haydn cùng một số nhạc sĩ khác, và ông đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng chơi nhạc…

Oái oăm thay, nhạc sĩ thiên tài mắc căn bệnh khiếm thính ngay khi rất trẻ! Năm 1798, nhạc sĩ đã có lần kêu ca với người thân tín là hay bị ù tai, rất khó phân biệt những nốt nhạc cao, nhưng lại hiểu được hết những câu chuyện chỉ được nói thì thầm với nhau.

Kinh sợ trước nguy cơ bị điếc, Beethoven cố gắng giữ gìn thính giác, đồng thời trở lại với bạn bè ở thành Vienna, tham gia các đêm hòa nhạc và hối hả sáng tác. Ông giấu biệt bệnh của mình cho đến năm 1812. Bệnh điếc trầm trọng hẳn từ năm 1819, nhạc sĩ chỉ giao tiếp được bằng phương pháp bút đàm.

Năm 1824, khi trình diễn bản “Giao hưởng số chín” của mình, Ludwig van Beethoven đứng bên chỉ huy dàn nhạc, đứng bất động, mặt quay vào phía trong… Khi dàn hợp xướng hoàn thành đoạn vĩ thanh “An die Freude”, một ca sĩ phải giật tay áo để báo cho tác giả biết là phải quay ra cúi chào thính giả!

Ludwig van Beethoven từ giã cõi đời ngày 26/3/1827 do viêm phổi, xơ gan và tràn dịch khoang bụng - theo kết luận chính thức của giới y học thời ấy. Trong quá trình tiến hành thủ tục khâm liệm, có người do hâm mộ và hiếu kỳ đã lén rứt vài sợi tóc của nhạc sĩ thiên tài để làm kỷ niệm.

Ai ngờ - chính kỷ vật này đã hé mở cho đời sau về nguyên nhân đích thực dẫn tới cái chết của Beethoven. Sự tiến bộ của khoa học pháp y hiện đại đã có thể khám phá bí ẩn từng tồn tại 180 năm!

Căn cứ vào kết quả phân tích quang phổ các mẫu tóc còn lại của nhà soạn nhạc thiên tài, Tiến sĩ Christian Reiter – Chủ nhiệm Khoa Pháp y, Đại học Vienna – mới công bố trên tạp chí “Science” ngày 28/8/2007 một kết luận chắc nịch: nhạc sĩ thiên tài đã chết oan, mà người ngộ sát Ludwig van Beethoven chính là… vị bác sĩ tư điều trị cho nhạc sĩ. Người đó có tên Andreas Wawruch.

Vốn là, trong những năm cuối đời, nhạc sĩ thiên tài đã điếc đặc, lại mắc thêm chứng hay đau bụng dữ dội. Thuốc chữa bệnh này thời ấy có chất chì, trong khi Andreas Wawruch không hề hay biết rằng bệnh nhân của mình còn bị viêm gan nữa.

Chất chì vô hình trung tích tụ trong cơ thể đã hoàn toàn phá hủy hai lá gan của nhạc sĩ. Tiến sĩ Christian Reiter đã chứng minh được rằng, có những kết tủa chì trong tóc của Ludwig van Beethoven. Đặc biệt, trong các tế bào của nhạc sĩ thiên tài, chất chì tồn đọng đến mức đậm đặc nhất vào chính thời điểm bác sĩ Andreas Wawruch điều trị cho ông.

Trong khoảng thời gian từ ngày 5/12/1826 đến ngày 27/2/1827, bác sĩ này đã 4 lần áp dụng phương pháp điều trị phổ thông hồi ấy! Chúng ta nên nhớ lại, hồi đầu thế kỷ XIX, sau mỗi lần hút dịch, bác sĩ thường đắp lên vết thương một loại thuốc mỡ có thành phần cơ bản là muối chì để thúc đẩy quá trình liền sẹo.

Ngoài ra, Beethoven còn hay dùng một loại thuốc trị viêm phổi phổ biến đương thời, mà loại thuốc này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm độc.

Việc phân tích xương của Beethoven cũng chỉ ra dấu vết không chối cãi về sự nhiễm chì trong xương sườn của nhà soạn nhạc…

Trong công bố của Tiến sĩ Christian Reiter có đoạn đặc biệt giải thích: không thể coi bác sĩ Andreas Wawruch đã cố tình giết hại nhạc sĩ Ludwig van Beethoven. Ông lo chữa cho nhạc sĩ dứt cơn đau bụng, nên đã hút dịch như các đồng nghiệp của mình thời ấy vẫn làm…

Nhiều người đã biết rằng, Tiến sĩ Bill Walsh, một học giả của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Argonne (thuộc bang Illinois, Hoa Kỳ), trong suốt những năm 2000-2005 cũng đã tiến hành những nghiên cứu quan trọng về di cốt của Ludwig van Beethoven và là người đầu tiên đưa ra kết luận, lượng chì tích tụ trong tế bào của nhạc sĩ là quá cao.

Tuy còn có điểm không hoàn toàn đồng tình với công bố của Christian Reiter, song ông cũng có chung nhận định là nhà nhạc sĩ vĩ đại đã mặc bệnh trầm trọng trong những năm cuối đời, và chất chì trong cơ thể là thứ đã đóng vai trò cuối cùng để chấm dứt cuộc đời Ludwig van Beethoven ở tuổi 57

Đăng Bẩy
.
.