Thi sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet: Vị khách không nhà

Thứ Sáu, 05/10/2012, 08:00
Nazim Hikmet là nhà thơ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong những nhà thơ lớn của thế giới thế kỷ XX. Hikmet sáng tác từ rất sớm, 17 tuổi đã nổi tiếng khắp nước với tác phẩm thơ "Người tù và bốn mươi tên cướp". Như điềm linh ứng từ bài thơ nói trên, sinh thời, Hikmet từng bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ giam cầm tới 17 năm. Năm 1950, do sự lên tiếng mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, ông được thả và sang định cư ở Liên Xô. Ông sống tại đây 13 năm cho tới khi mất. Hiện mộ ông vẫn nằm ở Nghĩa trang Novodevichy ở Moskva.

Không chỉ là một nhà thơ, Nazim Hikmet còn là một nhà viết kịch lỗi lạc. Ông cũng là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, từng giữ cương vị Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới. Đối với các nhà thơ Việt Nam, Nazim Hikmet là một tác giả gần gũi. Nhiều bài thơ của ông vẫn thường được nhắc tới với niềm yêu mến và kính trọng. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Nazim Hikmet, chúng ta cùng ôn lại một số mẩu chuyện vừa vui, vừa lạ về ông...

Chuyện vui từ một bức chân dung

Nadim Hikmet có một bức chân dung phổ biến, thường được các báo chọn in thay ảnh mỗi khi họ cho đăng một bài viết về ông. Trong bức chân dung là hình ảnh một nhà thơ có mái đầu ngẩng cao kiêu hãnh. Nghe nói, bức chân dung này còn được khắc trên tấm đá hoa cương trên bia mộ ông ở Moskva.

Không biết có phải từ bức chân dung này mà Hikmet nảy ra câu chuyện vui được ông kể lại trên tạp chí Văn học Nga, đại ý như sau:

Hồi Hikmet còn trong tù, một tờ báo có trụ sở ở Paris muốn in thơ ông. Người ta gửi về Istanbul để hỏi xin mẹ ông bức ảnh của ông. Mẹ Hikmet vốn là một họa sĩ nên thay vì gửi ảnh, bà đã vẽ chân dung con trai theo trí nhớ rồi gửi tới tòa báo nọ. Nhìn bức chân dung Hikmet, một họa sĩ của tòa báo nói: "Tôi sẽ vẽ lại cái trán cho nó rộng hơn một chút. Nhà thơ tài năng như ông ấy chắc chắn phải có cái trán rộng hơn nữa".

Ông họa sĩ nói và làm. Bức chân dung được chỉnh sửa và sau đó được họa sĩ cho in trên báo.

Một họa sĩ khác đọc báo thấy vậy bèn nghĩ: "Nếu đưa in sách, mình sẽ vẽ cái mũi của ông ấy to hơn".

Khi sách của Hikmet được xuất bản ở Paris, cái mũi của ông được "nới" ra thật.
Tới khi sách được xuất bản ở Nga, anh bạn họa sĩ người Nga nhìn bức chân dung bèn nghĩ: Trán đã rộng, mũi đã to thì cũng phải thêm cái gì vào cằm cho xứng đáng với cái mũi, cái trán chứ".

Vật là bức chân dung tiếp tục được chỉnh sửa, để rồi, như nhận xét vui của Hikmet, trông nó như một… khúc dồi lợn.

Không dừng ở đấy, nhà họa sĩ của tạp chí Văn học Nga tiếp tục chỉnh thêm cho hai cái tai nhà thơ to như hai cái tai lừa, và vẽ thêm cho ông một bộ tóc dài. Kết luận về bức chân dung này, Nazim Hikmet nói khôi hài: "Vậy đấy, bức chân dung đúng là tôi mà lại chẳng…giống tôi một chút nào. Nhưng tôi biết làm sao được nhỉ?".

Hồn nhiên như cây cỏ

Bạn bè thân gần với Nazim Hikmet đều nhận thấy ở nhà thơ lớn này một sự cởi mở, chân tình, một lối sống rất bình dị đời thường, luôn tìm cách bứt ra mọi lễ nghi ồn ã. Giữ cương vị Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới song rất hiếm khi Hikmet đăng đàn diễn thuyết. Nếu có phát biểu thì lời phát biểu của ông cũng giống như những bài thơ không vần, khiến những người làm phiên dịch phải một phen toát mồ hôi.

Mộ Nazim Hikmet ở Moskva.

Nhà văn Nga Boris Polevoi từng kể: Một lần, trong kỳ hội nghị của phong trào Bảo vệ Hòa bình thế giới, Nazim Hikmet cùng Polevoi và một người nữa được giao soạn thảo một đề án. Thời hạn phải hoàn tất là sáng hôm sau. Đúng lịch, Polevoi cùng người bạn tìm đến chỗ hẹn, song chẳng thấy Hikmet đâu cả. Hai người bèn tìm đến khách sạn nơi Hikmet đang ở. Và Polevoi đã vô cùng sửng sốt khi chứng kiến cảnh tượng: Hikmet đang ngồi trên đivăng, hai chân co lên, tay viết như máy và trên người thì chỉ có độc một chiếc áo ngủ. Ngước thấy khách, ông khoát tay: "Sau đã, sau đã…". Thoạt đầu, sự việc làm Polevoi hơi giận, ông ngỡ như mình bị xúc phạm, song người bạn nghệ sĩ đi cùng hôm ấy đã nhanh chóng xua đi nỗi tức giận của ông khi liên hệ câu chuyện vừa xảy ra với trường hợp của Pushkin. Chẳng là, sinh thời, nhà thơ lớn này từng được một họa sĩ vẽ cảnh đang vung bút làm thơ trong tư thế không…mặc quần.

Được khôi phục quyền công dân sau khi… chết

Đầu tháng 1/2009, nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin: Sau hơn 45 năm kể từ ngày Nazim Hikmet mất vì bệnh tim tại Moskva, ông đã "vinh dự" được nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quyền công dân. Trước đó, từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, Hikmet đã bị giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tước quyền này vì "can tội" theo tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Vì việc này mà ông phải sống lưu vong nhiều năm ở Liên Xô và mất ở nơi đất khách quê người.
Sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo phục hồi quyền công dân cho Nazim Hikmet, báo chí nước này đã không ngừng lên tiếng kêu gọi cần phải đưa hài cốt của nhà văn vĩ đại về an táng tại quê hương. Họ cho việc một đất nước để cho thơ lớn của mình bao năm "sống nhờ, chết đậu" ở nước ngoài là một điều hổ thẹn. Bản thân Hikmet cũng từng đau đáu về chuyện này. Trước kia, trong bài thơ viết cho con, ông cất lời khuyên: "Con đừng sống trên trái đất/ Như thể khách không nhà", sau này, trong bài "Di chúc" nổi tiếng, ông vẫn đau đáu ước vọng khi mất, được đưa về chôn tại quê hương, và chôn ở "bãi tha ma", "không cần bia đá". Tuy nhiên, theo như Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Cemil Cicek cho biết, việc hài cốt của Hikmet có được đưa từ Nga về Thổ Nhĩ Kỳ hay không còn phụ thuộc vào cách hành xử của người nhà ông. Mà theo một nguồn tin thì hiện những người ruột thịt của Hikmet vẫn muốn tiếp tục để thi hài của ông trong nghĩa trang Novodevichy ở Moskva. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, nếu cần thì chỉ nên dựng một ngôi mộ mang tính biểu tượng mà thôi. Hiện ông Mehmet, con trai của Hikmet vẫn đang sống ở Moskva.

Dẫu là phận khách, vẫn sẵn sàng nói thẳng

Trong đời thơ của mình, Nazim Hikmet từng làm thơ ca ngợi lãnh tụ Xô viết Stalin. Khi Hikmet mới đặt chân tới Moskva, chính Stalin cũng có ý định tiếp ông.

Trong thời gian chờ đợi được gặp "vầng mặt trời của cách mạng", Nazim Hikmet được mời đi xem một số vở diễn của nhà hát Moskva.

Ông đã thất vọng với những gì mình tận mắt chứng kiến.

Vậy là, trong bữa tiệc của giới trí thức Moskva chào đón sự hiện diện của Nazim Hikmet được tổ chức tại Nhà hát Nghệ thuật trung ương, đại diện chủ nhà - một đạo diễn tài năng đã đọc bài diễn văn tụng ca nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ. Hikmet kiên nhẫn lắng nghe cho hết bài diễn văn lê thê, rặt những lời tẻ nhạt, sáo rỗng. Khi được mời lên phát biểu đáp từ, bất thần mặt ông đanh lại. "Thưa những người anh em - ông nói, giọng nghiêm khắc - trong cảnh đơn độc (ý ông muốn nhắc tới những năm tháng bị cầm tù), sở dĩ tôi sống được là bởi tôi đã mơ đến các nhà hát ở Moskva. Tôi mơ thấy Meyerhold, Mayakovsky - những người đã biến cuộc cách mạng đường phố thành cuộc cách mạng sân khấu. Vậy mà hôm nay, tôi đã thấy gì ở các nhà hát Moskva? Tôi thấy một thứ nghệ thuật tiểu tư sản nhạt nhẽo, không hiểu sao lại được mệnh danh là chủ nghĩa hiện thực, thậm chí lại còn được gọi là chủ nghĩa hiện thực XHCN. Tôi còn chứng kiến sự xu nịnh không chỉ trên sân khấu mà còn ở nơi này nơi khác… Chẳng lẽ thói xu nịnh cũng là cách mạng sao?". Nói tới đây, Nazim Hikmet cho biết, sắp tới, khi gặp Stalin, ông sẽ nói thẳng với vị lãnh tụ tình trạng này.

Một bầu không khí kinh sợ tràn ngập căn phòng.

Không rõ thông tin được truyền đi như thế nào, chỉ biết là tới ngày hôm sau, Nazim Hikmet được thông báo là cuộc gặp gỡ dự kiến giữa ông và lãnh tụ Stalin đã bị hoãn với lý do đồng chí Stalin rất bận việc.

Viết về Nazim Hikmet, nhà thơ Nga Evtushenko đã có những nhận định rất tinh tế: Hikmet sống ở Liên Xô nhưng ông không có tâm thế của người nước ngoài. Thậm chí, khác với nhiều công dân Liên Xô hèn nhát, ông đã trung thực với lòng mình, sẵn sàng đứng lên bảo vệ lẽ phải, nói đúng sự thực. Điều này khiến cho một số vị quen với lối sống bợ đỡ, xu thời phải lấy làm khó chịu và e ngại…

Lưu Thanh Minh
.
.