Thi sĩ Hữu Loan: Tiếng thơm truyền lại...

Thứ Ba, 12/04/2011, 08:07
Nhà thơ Hữu Loan sáng tác không nhiều, nhưng những gì ông viết ra đủ làm nên một sự nghiệp lớn...

Chuông điện thoại reo. Tôi cầm ống nghe.

- Alô, chú Hải à, cháu là Đán đây.

- Nguyễn Hữu Đán, con bố Hữu Loan, sao chú không nhớ.

- Thế này chú ạ, ngày 6/3, tức chủ nhật ngày 2/2 Tân Mão, giỗ đầu bố cháu. Mẹ cháu bảo xem còn ai thân, quí bố cháu mà ngày bố cháu mất, chúng cháu chưa kịp báo, các cô các chú không về được thì nay phải mời hết.

Rõ là lời lẽ của một người con có hiếu.

Sớm mùng 6/3, Đán đón tôi bằng chiếc xe CAMRY đen bóng do chính cậu lái. Mở cửa xe đã thấy nhà thơ Lý Thị Trung, người quen thân, gần gũi. Nghe đâu nhà thơ Lý Thị Trung đã từng làm báo Chiến sĩ với nhà thơ Hữu Loan ở Liên khu Bốn, thời kháng chiến chống Pháp.

Ngồi trên xe, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm về những ngày nhà thơ Hữu Loan ra Hà Nội vào năm đầu của thời kỳ Đổi mới. Nhiều người muốn mời nhà thơ về ở nhà mình, nhưng ông lại ưng ở trong căn hầm ở 64 Bà Triệu của Nhà xuất bản Thanh Niên với nhà thơ Chu Thành (Tú Sót). Nơi đó tuy chật chội, nhưng ông thấy tiện cho việc gặp gỡ bạn bè và cả người hâm mộ. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã nói đùa: "Muốn gặp bác Hữu Loan phải xếp hàng".

Mà đúng vậy, trong căn hầm chật hẹp, tối om chỉ nén được năm, sáu người. Số còn lại phải ngồi giăng hàng ra ngoài cửa, ngoài lối đi, tựa như xếp hàng mua gạo thời bao cấp, để cùng nhau được chuyện trò với nhà thơ.

Thấy chúng tôi kể chuyện về nhà thơ Hữu Loan, Đán cũng góp nhiều chuyện thú vị về bố mình. Đoạn cậu đưa ra mấy số báo của kiều bào ở Mỹ, có nhiều bài viết về nhà thơ Hữu Loan, đặc biệt là họ vừa loan tin tặng nhà thơ một giải thưởng nhằm tôn vinh tài năng ông với số tiền khiêm tốn… năm ngàn Mỹ kim, tương đương với 105 triệu đồng tiền Việt, theo giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước hiện nay.

Đán vừa lái xe vừa trả lời điện thoại, khi thì cán bộ dưới quyền cậu hỏi về công việc, nhưng phần nhiều là thông báo từ gia đình về các đoàn đến phúng nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ.

Khoảng 11h, chúng tôi về tới làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Xe dừng nơi ngõ ngoài, bởi phía trong xếp kín mấy hàng xe máy của khách. Trong sân căng bạt, khách ngồi uống nước, ăn trầu, trò chuyện khá đông. Chúng tôi chào bà quả phụ Hữu Loan rồi vào thắp hương.

Cạnh bàn thờ nhà thơ Hữu Loan có kê bàn ghế để khách ngồi. Tivi đang chiếu lại cuộn băng ghi hình buổi lễ tang. Giọng nhà thơ Hữu Thỉnh đọc điếu văn cứ vang lên cùng với gương mặt thể hiện sự xúc động. Ai cũng khen bài điếu văn hay, bởi nó toát lên được cái thần thái và cả những quặn thắt đoạn trường trong sự nghiệp của nhà thơ Hữu Loan - một nhân cách, một tài năng, một cá tính độc đáo…

Rõ ràng nhà thơ Hữu Loan được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh về phẩm giá và sự nghiệp một cách khá thỏa đáng.

Cháu Đán cho biết thêm: "Chú Thỉnh viết điếu văn cho bố cháu ngay trên xe, từ Hà Nội vào Thanh Hóa vẫn chưa xong. Xe vừa đỗ, chú đã vội nói: Kiếm cho chú một chỗ yên tĩnh để chú viết nốt đoạn cuối".

Mọi người tỏ vẻ thán phục ông nhà thơ này có biệt tài viết điếu văn.

Chợt có một người buột nói, giọng như là nuối tiếc: "Ước chi những lời điếu kia bác Hữu Loan được nghe khi còn sống, chắc bác sẽ ở lại với chúng ta thêm được dăm năm nữa cho tròn trăm tuổi".

Nhân nghe điều ông khách vừa nói, tôi chợt nhớ vào khoảng cuối năm 1988, khi nữ sĩ Ngân Giang 73 tuổi, tức là năm hạn, các thi hữu cùng trang lứa với bà bày ra cuộc chơi tiễn biệt, tức như một cuộc vĩnh biệt giả tưởng ngay trong nhà bà. Các bài vịnh về thân thế, sự nghiệp của bà đọc lên nghe cứ như rót vào tai, thật là lời châu ngọc.

Cuốn băng ghi hình đám tang vừa hết. Ai đó trong số con cháu lại mở lại từ đầu, nghe rõ âm thanh của phường bát âm với điệu nhạc sầu mênh mang. Qua một đoạn thấy hiện ra ban nhạc thuần kèn đồng, rồi lại một ban kèn đồng nữa. Tôi có cảm giác như đây là những ban nhạc của nhà thờ Thiên Chúa giáo, liền hỏi Đán: "Có phải mấy ban nhạc của nhà thờ không cháu?

Đán gật đầu: "Đúng đấy chú ạ". Rồi cậu giải thích, đại thể hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hữu Loan làm Phó Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn,  sau lại làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa, đã có những việc làm mà bà con giáo dân rất lấy làm cảm kích. Để trả ân nghĩa đó, khi nghe tin nhà thơ tạ thế, cả hai họ Đạo đều cử ban nhạc của Nhà thờ đến viếng.

Qua sự việc này tôi thấy thấm thía thuyết "NHÂN - QUẢ" của nhà Phật.

Đán dắt tôi đi quanh khuôn viên và cậu nói dự định làm nhà lưu niệm cho bố ngay trên khuôn viên này. Và khi cát táng thì đưa hài cốt bố về xây ngôi mộ nhỏ trong vườn. Cậu chỉ cho tôi phần đất nơi đặt mộ, và mô tả ngôi nhà sẽ dựng cho tôi nghe.

Tôi sực nhớ và hỏi Đán về nơi mua bản quyền bài thơ "Màu tím hoa sim". Bởi khoảng giữa năm 2004, khi đang diễn ra giao dịch, từ trong quê, Đán có phôn hỏi tôi:

- Chú Hải ơi, người ta đang hỏi mua bản quyền bài thơ "Màu tím hoa sim" của bố cháu, chú bảo có nên bán không?

- Bán! Nhưng khi sử dụng phải tôn trọng nguyên tác. Và giá cả thế nào?

- Năm ngoái họ trả năm mươi triệu đồng, năm nay tăng lên một trăm triệu chú ạ.

- Chú có nghe nhầm không đấy.

- Đúng là một trăm triệu đấy chú.

- Nếu đây là một hợp đồng nghiêm túc thì khuyên bố cháu nên bán cho người ta quảng bá càng tốt, còn bố cháu có thêm tiền dưỡng già.

- Cháu thấy họ đàm phán nghiêm túc lắm, đi lại nhiều lần cũng tốn kém đấy.

- Thế thì bán đi, mình giữ bản quyền nhưng mình không có điều kiện quảng bá.

- Nhưng sau này chúng cháu muốn in tuyển tập cho bố cháu lại không có bài thơ ấy thì coi sao được.

- Không lo chuyện ấy. Người ta mua để quảng bá thương hiệu thôi. Tức là mua quyền sở hữu thôi chứ mua làm sao được quyền sáng tạo. Còn cháu muốn in thì thương thảo với người ta chẳng có khó khăn gì đâu.

Giờ đây nghe tôi hỏi nơi mua bản quyền ngày ấy, Đán cười đáp:

- Người mua bản quyền là anh Chính, anh ở Sài Gòn ra Hà Nội tối hôm qua, và sáng nay cũng vô Thanh nhân giỗ đầu bố cháu. Anh ấy đến trước chú cháu mình hơn một tiếng, anh gọi cho cháu lúc đang ở trên xe. Anh ngồi kia.

Đán kéo tôi lại ngồi bên Chính. Chúng tôi làm quen với nhau.

Lê Văn Chính kể:

- Công ty Vitek của chúng em chuyên sản xuất phần mềm. Hội đồng quản trị bàn bạc cần phải quảng bá thương hiệu sao cho hấp dẫn, nhưng phải có hàm lượng văn hóa cao. Bàn bạc mãi đi đến quyết định, tại miền Nam sẽ mua bản quyền toàn bộ nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dự kiến khoảng ba tỉ đồng. Miền Trung thì mua tác quyền của nhà văn hóa cao tuổi Nguyễn Văn Xuân ở Quảng Nam. Còn miền Bắc thì mua bài "Màu tím hoa sim" của bác Hữu Loan.

Hai sản phẩm trên không đàm phán dứt điểm được, bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời không lập di chúc thừa kế, mà các hàng thừa kế lại hơi nhiều, nên rất khó thương thảo.

- Vậy là vụ PR thương hiệu Vitek qua bài thơ "Màu tím hoa sim" các ông quá hời. Vừa nổi tiếng như cồn, có nhẽ không còn thiếu một phương tiện thông tin đại chúng nào trong cả nước từ báo viết, báo nói, báo hình lại không nhắc đi nhắc lại sự kiện này mà chỉ mất có một trăm triệu đồng. Dân trí thức làm kinh tế thật là ấn tượng.

- Đúng thế - Anh Chính xác nhận - Năm đó báo chí tổng kết có 10 sự kiện được dư luận xã hội chú ý nhiều nhất, thì sự kiện Vitek mua bản quyền "Màu tím hoa sim" là một.                                         

Dừng một lát, anh Chính nói thêm:

- Năm 2004 ký xong hợp đồng và công bố, nhưng thực ra chúng em phải đàm phán hai năm mới xong, phải nhờ cả báo Tuổi Trẻ giúp sức. Thật ra cũng không có trở ngại gì lớn, nhưng mua được bản quyền của nhà thơ Hữu Loan cũng không hề đơn giản. Không, vấn đề không phải ở chỗ giá cả.

- Vậy các anh sử dụng bài thơ ấy vào mục đích gì?

- Mục đích của chúng em là PR cho Vitek như anh vừa nói đó. Ngoài ra chúng em còn phổ nhạc bài thơ. Và nó là nhạc hiệu cho mỗi sản phẩm. Khách hàng rất thích, vì danh tiếng của nhà thơ và cả sức truyền cảm, sức lay động lòng người của bài thơ nữa.

Được biết anh Lê Văn Chính hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Truyền thông Sơn Ca, chứ không làm việc ở Công ty Phần mềm Vitek nữa, nhưng anh vẫn giữ nguyên tình yêu và lòng kính trọng đối với cố thi sĩ Hữu Loan như ngày đầu tiếp xúc...

Sau đó chúng tôi ra viếng mộ nhà thơ Hữu Loan. Mộ ông nằm trong khu đồi sim.

Vậy là tình yêu ông nảy nở từ đồi sim tím, thơ ca ông thăng hoa cũng từ màu tím hoa sim, và nay từ giã cõi đời ông lại về với đồi sim tím, "tím chiều hoang biền biệt…".

Trên đường về tôi cứ miên man nghĩ về nhà thơ Hữu Loan. Quả là ông sáng tác không nhiều, nhưng những gì ông viết ra đủ làm nên một sự nghiệp lớn.

"Màu tím hoa sim" là khúc ca bi tráng, nói lên cái tình của ông. " Đèo cả" là khúc ca hùng tráng, nói lên cái chí của ông, cái khí phách của một kẻ sĩ, một tráng sĩ.

Chỉ với riêng hai bài thơ này đủ khẳng định tài năng của Hữu Loan, nhân cách của Hữu Loan.

 Láng Thượng, 19/3/2011

Hoàng Quốc Hải
.
.