Thi Hoàng và những tiếng gọi quyến rũ bằng thơ

Thứ Ba, 28/04/2009, 14:30
Ông dặn tôi cứ đứng đợi ở đầu ngõ 193 đường Văn Cao (TP Hải Phòng) sẽ ra đón. Chừng 10 phút ông phóng xe đạp đến. Biết tôi vừa "xuống" xe ôm, ông áy náy:

- Cứ tưởng chú đi ôtô hay xe máy, chứ không thì nhà còn một cái xe đạp nữa có gácbaga hẳn hoi.

Nói rồi nhà thơ dắt xe cùng tôi thả bộ về xóm Trung, Đằng Giang, nơi có ngôi nhà cấp bốn xinh xinh nép mình dưới bóng cây xoài cổ thụ. Đi bên nhà thơ Thi Hoàng, ngắm bộ quần áo xuềnh xoàng ông đang mặc, cái xe đạp lọc xọc ông đang dắt, chợt nhớ đến hai câu trong bài "Bổn phận": "Tôi áo vá trước vợ con, trước người thân thuộc/ Tôi áo lành ra chỗ đông người chẳng thân thuộc một ai". Và chợt nghĩ: Là trong thơ ông viết thế chứ đã từ lâu, dù có áo vá trong nhà hay áo lành ra với công chúng thì ông cũng đã trở thành thân thuộc với nhiều người yêu thơ rồi.

Thân thuộc bởi từ thời trai trẻ, chàng thanh niên đất cảng Hoàng Văn Bộ đã có thơ hay. Một số câu thơ còn nằm lòng độc giả đến tận hôm nay: "Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc"... Thân thuộc bởi từ khi lấy bút danh Thi Hoàng với dụng ý người thơ họ Hoàng, ông trở nên nổi tiếng trên văn đàn với các trường ca "Ba phần tư trái đất", "Gọi nhau qua vách núi", các tập thơ "Cửa sông", "Nhịp sóng", "Đom đóm và sao", "Bóng ai gió tạt"...

Khi đã ngồi xếp bằng tròn trên chiếc chiếu trải nơi góc phòng khách, nâng chén trà nóng trên tay, tôi tranh thủ chiêm ngưỡng đồ đạc của nhà thơ. Những bức tranh sơn dầu treo bên cạnh giá sách. Những bình gốm, pho tượng đặt bên cạnh đôi câu đối trạm khảm, chắc có niên đại một vài thế kỷ.

Hỏi xuất xứ, ông bảo tất cả tranh treo ở đây đều là bản gốc do các bạn họa sĩ nổi tiếng tặng. Còn đồ cổ là do ông sưu tập, gom góp từ gia tộc sinh sống ở Vĩnh Bảo quê hương. Dừng lại khá lâu trước tấm bằng Giải thưởng Nhà nước do Chủ tịch Nước ký vào ngày 8/2/2007 tặng cho 4 tác phẩm của ông, gồm "Ba phần tư trái đất", "Nhịp sóng", "Gọi nhau qua vách núi" và "Bóng ai gió tạt", tôi hỏi:

- Được biết, trước khi được giải thưởng Nhà nước, "Gọi nhau qua vách núi" của ông đã được trao hai giải Văn chương: một của Hội Nhà văn Việt Nam, một của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm. "Gọi nhau qua  vách núi" là một trường ca viết về chiến tranh mà chủ yếu là số phận của người lính trong chiến tranh. Cũng như tôi, nhiều độc giả luôn ám ảnh với những câu thơ: "Anh gọi tên em từ bùn lầy cho tới nhụy hoa sen/ Gọi em trong lần vỏ cây sau mưa còn thẫm nước/ Gọi nhau trong tiếng kèn đám ma tiễn đưa người đã chết/ Tiếng kêu như những ngón tay khốn cùng sờ xoạng trái tim anh/ Trong tiếng côn trùng êm ả mượt như nhung/ Trong chiếc giày bỏ lại bên đường sau cuộc chiến/ Anh đứng trên mũi dao của những người lương thiện/ Mà gọi em, em hỡi ở phương nào"... Thưa ông, người em trong trường ca là có thật hay chỉ là hình tượng thơ?

+ Là thật. Thật một trăm phần trăm. Đó là một cô gái khoác áo lính, khá đẹp, tôi đã từng gặp, từng quen trên đường hành quân. Thời ấy, tôi đang là một người lính súng dài thực thụ. Khoảnh khắc gặp gỡ và quen biết với người nữ chiến sĩ ấy thật thi vị nhưng quá ngắn ngủi.

Có lẽ cũng giống như cô thanh niên xung phong mà nhà thơ Phạm Tiến Duật gặp ở tuyến lửa để có được bài thơ nổi tiếng "Gửi em cô thanh niên xung phong", cô gái mặc áo lính mà tôi quen trên đường hành quân vào mặt trận là một trong những kỷ niệm chiến trường và kỷ niệm ấy đã thăng hoa thành cảm xúc để tôi có hàng chục câu thơ "gọi em" trong trường ca.

Tuy nhiên, tôi còn có kỷ niệm gặp gỡ khác mà cho đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy xót xa đến rợn người. Ấy là sau khi tôi bị thương ở chiến trường phải đưa ra vùng hậu cứ điều trị. Có hai nữ y tá, một người tên là Phấn, một người tên là Hợi thường xuyên đến chăm sóc và động viên anh em thương binh, trong đó có tôi.

Quả thực giữa vùng rừng núi hoang vắng và thiếu thốn đủ thứ, ánh mắt, gương mặt, giọng nói của hai cô gái là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với chúng tôi. Nhưng một chiều, hai cô ra suối tắm bị bọn phỉ bắt cóc và mất tích từ đó. Câu chuyện đau buồn ấy đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời tôi. Mỗi khi nghĩ về hai cô gái, tôi đều cảm thấy xót thương và cắn rứt. Trong trường ca của tôi không có câu chuyện ấy nhưng nỗi ám ảnh về sự mất mát ấy như đã lặn vào nhiều câu thơ...--PageBreak--

- Thưa, có thể nói hàng chục năm những tiếng "gọi em" của ông chỉ là tiếng vọng, tiếng gọi câm trong lòng ông. Bởi lẽ mãi đến năm 1995, qua trường ca "Gọi nhau qua vách núi" do NXB Quân đội nhân dân ấn hành, người đời mới được nghe, người yêu thơ mới biết. Chắc hẳn ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức cho "tiếng gọi" bằng thơ để đời này?

+ Tôi viết "Gọi nhau qua vách núi" vào thời điểm đất nước đã thanh bình. Là một người lính trở về sau cuộc chiến, những kỷ niệm chiến trường và số phận của những người lính vẫn như những thước phim cứ "tua" đi, "tua lại" trong đầu.

Tôi luôn nghĩ ngợi, luôn nghiền ngẫm mãi những thước phim ký ức ấy. Mãi đến năm 1980 tôi mới bắt đầu đặt bút viết. Ròng rã hơn mười năm trời mới có thể hoàn thành trường ca 9 chương với 3.000 câu thơ. Nhưng khi đưa đi in tôi để lại 3 chương.

Thành ra đọc "Gọi nhau qua vách núi" độc giả có cảm giác bị hẫng một vài nhịp, tựa hồ như bức tường bị hổng ra một vài viên gạch. Một chương trong trường ca để lại từ ngày ấy có nhan đề "Bồng bế một thời" vừa mới được công bố trên tạp chí Nhà văn tháng 9 năm 2008.

- Trong "Bồng bế một thời" có đoạn: "Đi tìm độc lập tự do như tìm lại bản thân mình. Rồi cũng gặp/ Từ năm 1945 đến 1975 đó là dưới và trên hai hàm răng nghiến chặt/ Thân thể dẫu héo gầy hồn vía lại hoàn nguyên"... Phải chăng đó chính là chủ đề xuyên suốt của cả trường ca? 

 + Trong công cuộc đi tìm độc lập tự do cho dân tộc mình, người lính có vị trí đặc biệt. Vì thế "Gọi nhau qua vách núi" của tôi muốn nói nhiều đến tình cảm đồng đội, đến trách nhiệm công dân của người lính... Và "tiếng gọi" trong trường ca còn là tiếng gọi nhau qua bức tường ý thức hệ của thời những người lính đã sống và chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

 - Có một nhà thơ đã viết, về sự hay của thơ người ta thường nói đến ba cấp độ. Một là, nói được điều người ta vẫn nghĩ nhưng không nói ra được. Hai là, nói được điều người ta tưởng là đã biết, đã nghĩ, hóa ra chưa. Ba là, điều nhà thơ nói ra, có thể làm thay đổi suy nghĩ của người đọc. Đọc thơ ông, nhiều bài nhiều câu khiến người đọc phải nghĩ, thậm chí nghĩ lâu. Ông có cho rằng những điều ông viết ra, có thể làm thay đổi suy nghĩ của người đọc. Thêm nữa, ông có là một trong những người đang cách tân thơ?

+ Tôi quan niệm, văn chương nói chung và thơ nói riêng phải quyến rũ người đọc chứ không nên đuổi bắt độc giả. Thơ tôi viết về các thời điểm khác nhau mà dân tộc đã đi qua nhưng ngòi bút luôn hướng về trách nhiệm công dân hơn là những cảm xúc trước cái đẹp. Nói là tôi là một trong những người đang cách tân thơ có vẻ to tát quá. Thực ra, tôi chỉ cố trau chuốt những câu thơ bằng tư duy hình tượng.

Tôi ủng hộ việc cách tân thơ nhưng cách tân không có nghĩa là chỉ đơn giản là bẻ gãy câu thơ, phá bỏ cấu trúc, ngữ pháp, khoa trương ngôn từ... Làm như thế, thơ chỉ là một đống xác chữ chứ không tạo ra những câu thơ làm rưng rưng người đọc và cũng không thể tạo ra những câu thơ vui buồn khi cần người ta có thể mang ra ngẫm ngợi hoặc chia sẻ.

- Vâng thưa nhà thơ, những câu như: "Gửi vào đâu địa chỉ tuổi lên mười/ Gửi vào đâu những ngày thừa khoảng trống/ Một đầu đường chẳng có ai trông ngóng/ Một buổi chiều không biết cất vào đâu" hay: "Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm đến thế/ Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/ Mẹ quá xa rồi/ Để ta thành con cái của làn hương.". Là những câu thơ quyến rũ người đọc, là những câu khi vui buồn người ta có thể mang ra chia sẻ. Trong ba trường ca và 5 tập thơ ông đã công bố còn nhiều câu thơ quyến rũ như thế. Nhưng hình như trong gia tài thơ của ông đến nay lại  vắng bóng những câu thơ tình quyến rũ?

 + Đúng như vậy. Tôi coi mấy chục câu thơ "Gọi em" trong trường ca "Gọi nhau qua vách núi" là những câu thơ tình. Nhưng những câu thơ tình ấy chắc khó  mà đi vào trái tim các cô gái. Và có lẽ vì thế , ngoài bốn mươi tuổi tôi vẫn "ve vuốt" ý nghĩ sẽ sống độc thân suốt đời... May sao, đến gần tuổi năm mươi bị gia đình thúc giục, lại có người mai mối chí tình tôi mới được yên bề gia thất...

- Thưa ông, đó là một gia thất đầy hạnh phúc mà hôm nay tôi đang được cảm nhận từ ngôi nhà đơn sơ của ông. Trước đó, tôi đã được đọc khá nhiêu bài thơ chứa chan tình phụ tử ông viết tặng con gái. Nhân đây, tôi muốn chính nhà thơ đọc lại một trong số những bài thơ ấy.

 + Được thôi. Tôi và chú sẽ cùng chia sẻ mấy câu thơ khép lại tập "Đom đóm và sao": "Danh vọng hão chẳng cần chi nữa/ Ôm con như mò được ngọc rồi/ Cần gì sáng tận đâu giời bể/ Làm ngọn đèn sáng chỗ con chơi".

- Lại những câu thơ rưng rưng nữa. Xin chúc mừng nhà thơ. Cũng xin chúc ông mạnh khỏe và cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hôm nay

Nguyên Xuân Hải
.
.