Tháng 10 độc đáo với lễ hội của người Dao đỏ ở Văn Yên

Thứ Hai, 24/10/2016, 08:10
Đêm khai mạc Lễ hội quế tổ chức lần 2 trong ngày 9 tháng 10 năm nay với màn hát múa "Ngọt ngào hương quế" đặc biệt ấn tượng và hấp dẫn khi phác họa bức tranh chân thực về sự xuất hiện của cây quế đối với đồng bào người Dao nói riêng, nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên nói chung, thì trong ngày tiếp theo của chuỗi sự kiện, khán giả cũng như du khách trong nước, quốc tế tiếp tục được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc sắc rất riêng của đồng bào dân tộc Dao nơi đây thông qua việc tái hiện lại các lễ hội truyền thống của người Dao như: Lễ cưới, Lễ Cấp sắc, Cầu mùa...


Nhà gái tự đưa cô dâu về nhà chồng

Mới 7h sáng, du khách và nhân dân địa phương đã tập trung rất đông tại nhà cô dâu Bàn Thị Nga ở thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên để xem sự chuẩn bị của nhà gái trước khi tiễn con gái về nhà chồng. Khác với lễ cưới của đồng bào Dao các địa phương khác, lễ cưới của đồng bào Dao xã Viễn Sơn không có trống, chiêng, khèn rầm rộ nhưng lại rất sâu sắc và ý nghĩa.

Để lễ cưới được diễn ra trọn vẹn, trước đó nhà trai và nhà gái đã có sự bàn bạc, thống nhất chọn ngày, giờ đẹp để đưa, đón dâu nhập đinh (nhập khẩu) về bên nhà trai. Trước ngày cưới, nhà gái tiến hành lễ cúng tổ tiên để xin cắt đinh (chuyển khẩu) cho con gái trước khi về nhà chồng.

Đúng sáng diễn ra lễ cưới, cô dâu vận y phục đẹp và rực rỡ nhất, có đeo giá đầu (mán sừng) và dùng tấm khăn đỏ che mặt. Sau khi ông mờ (nếu chị gái liền kề cô dâu đã có chồng thì ông mờ chính là anh rể hoặc con gái cả lấy chồng thì bên ngoại sẽ là ông mờ) làm lễ đưa cô dâu về nhà chồng (nhà trai không phải đến đón mà nhà gái tự đưa dâu qua), cô dâu trước khi bước qua cửa phải quay đầu lại ngắm nhìn ngôi nhà 3 lần như một sự cảm ơn đối với tổ tiên, cha mẹ sinh thành dưỡng dục.

Khi đến nhà trai, nhà gái phải dừng lại trước cửa nơi hai hàng ghế để nhà trai ra tiếp nước, thuốc, rượu. Đến giờ lành, chủ hôn mời cô dâu vào giữa nhà nơi thờ cúng gia tiên để làm lễ nhập đinh (báo cáo với tổ tiên từ nay gia đình có thêm một đinh nữa). Sau khi cô dâu, chú rể làm lễ xong, cô dâu xuống bếp tế lễ và múc nước cho ông mờ, chủ hôn, bố mẹ, gia đình nhà chồng rửa mặt. Khi rửa mặt xong, chủ hôn và gia đình nhà chồng cho tiền cô dâu để lấy may mắn cũng như mong muốn vợ chồng trăm năm hạnh phúc…

Nhà trai ra đón nhà gái.

Lễ Cấp sắc đậm nét tâm linh, phong tục

Nếu như lễ cưới diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi với những lời chúc trăm năm hạnh phúc dành cho đôi bạn trẻ thì Lễ Cấp sắc 12 đèn của đồng bào dân tộc Dao xã Viễn Sơn được tổ chức tại hội trường UBND xã lại đặc biệt trang nghiêm, mang đậm nét tâm linh, phong tục, tập quán của đồng bào nơi đây.

Lễ Cấp sắc 12 đèn diễn ra với rất nhiều bước như: Lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay (từ lúc vào làm lễ cho đến khi kết thúc lễ tất cả những người được cấp sắc cũng như người đến dự đều phải ăn chay), bước học làm thầy và điệu múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn…

Sau đó, các thầy đem lễ ra ngoài sân gọi Ngọc Hoàng bằng tiếng tù và để thông báo cho Ngọc Hoàng biết bắt đầu vào lễ chính Cấp sắc 12 đèn và mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó là lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò với yêu cầu làm thầy thì phải có tâm, có đức con cháu mới có phúc, có lộc. Lễ kết thúc, thầy cúng dẫn các trò lên "tồ sên" (nghĩa là thiên đình) để các trò nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm - dương.

Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời một người đàn ông Dao đỏ. Sau khi làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Nhận bằng xong, các trò đem một bản đốt đi còn một bản đem cất kỹ, đến khi nào về cõi âm mới được đem đốt để thánh trời nhận ra và thu nạp họ.

Sau lễ Cấp sắc trang nghiêm, du khách và khán giả lại cùng nhau hướng về gia đình ông Bàn Thừa An ở thôn Khe Dứa để chứng kiến một sự kiện, một phần lễ đặc sắc mang đầy màu sắc tâm linh của đồng bào Dao nơi đây. Đó chính là lễ Cầu mùa, là một hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào Dao đỏ ở xã Viễn Sơn, được gìn giữ, bảo tồn đến ngày hôm nay.

Trước tiên, phần lễ trong lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn được tổ chức tại những gia đình thu hoạch được nhiều thóc, ngô nhất bản với ước mong cuộc sống no đủ, ngô lúa đầy bồ suốt năm. Trong lễ cầu mùa, mỗi hộ cử một người tham gia các nghi lễ để mang may mắn về cho cả gia đình. 

Lễ vật để dâng lên thần núi, thần rừng và trời trong lễ cầu mùa là cây mía - tượng trưng cho cây lúa lớn nhất trong bản và những bông lúa chín sớm, đĩa xôi mới được người phụ nữ Dao nấu từ gạo nếp nương vừa dẻo, vừa thơm.

Theo phong tục người Dao đỏ, lễ vật dâng cúng thần linh trong lễ cầu mùa rất quan trọng và phải được chuẩn bị chu đáo, không được phép sai sót. Điều đặc biệt nhất là tất cả các đồ dâng cúng thần linh đều phải do các gia đình tự trồng, tự nuôi để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh của người Dao. Các lễ vật như: Gà, thịt lợn, rượu trắng, gạo… được các gia đình đóng góp, sau đó tập trung về một hộ có uy tín trong cộng đồng đã được chọn từ trước để chuẩn bị cho các nghi lễ.

Các thầy cúng đang làm lễ Cấp sắc.

Người Dao đỏ quan niệm, đàn ông trong bản sẽ phụ trách các nghi lễ, còn phụ nữ tham gia chuẩn bị lễ vật và nấu nướng. Trong gia đình người Dao đỏ, lễ vật được dâng cúng ở 2 nơi, trước cửa gian chính của nhà và khu vực sau nhà, nơi có địa thế giáp núi. Các thầy cúng có uy tín nhất trong bản là chủ tế, có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức, dâng cúng lễ vật mà các gia đình trong bản đóng góp, chuẩn bị.

Từ sáng sớm tinh mơ, thầy cúng là người đầu tiên đến gia đình được lựa chọn thực hiện nghi lễ.  Đến giờ làm lễ, 4 thanh niên mặc trang phục chỉnh tề đội lễ từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Thầy cúng sẽ đọc văn khấn, cầu cho mùa vụ mới được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, các gia đình bình an...

Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội của lễ hội cầu mùa diễn ra vô cùng náo nhiệt, các nam thanh nữ tú tham gia các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, ném còn… Trong trò chơi ném còn, người Dao đỏ ở Viễn Sơn quan niệm: Người nào ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn. Những điệu múa trên nền nhạc vui tươi, rộn ràng của người Dao đỏ trong phần hội của lễ hội cầu mùa thể hiện những khát vọng của người Dao đỏ.

Lễ hội cầu mùa vì vậy không chỉ thể hiện niềm tin và khát vọng về cuộc sống no ấm, đầy đủ của đồng bào Dao đỏ, mà còn là một nghi thức nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây ngô, mang lại cuộc sống no ấm cho bản làng.

Trải qua hàng trăm năm, lễ hội cầu mùa của người Dao đỏ ở Viễn Sơn đã trở thành một hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc, được gìn giữ cho đến ngày nay, có tác dụng cổ vũ, động viên đồng bào bước vào một vụ sản xuất mới. Xã Viễn Sơn luôn chú trọng tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở địa phương, trong đó có lễ cầu mùa.

Năm nào cũng vậy, lễ hội cầu mùa được chính quyền xã khuyến khích tổ chức trong cộng đồng và đưa vào các đội trình diễn, tái hiện trên sân khấu, tham gia các lễ hội lớn của huyện Văn Yên, tham dự các buổi biểu diễn giới thiệu văn hóa của tỉnh Yên Bái.

Ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, cho biết: Thời gian qua, xã Viễn Sơn rất quan tâm việc duy trì, phát huy các giá trị độc đáo của lễ hội cầu mùa để nét văn hóa đặc sắc này được tiếp nối tới các thế hệ mai sau...

Trong chuỗi các sự kiện đặc sắc của Lễ hội quế, khán giả và du khách không những được đắm mình trong phần hội tưng bừng, rực rỡ, lung linh huyền ảo mà còn được trải nghiệm qua phần lễ với không khí trang nghiêm, màu sắc tâm linh mang đậm nét truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Nhờ thế, Lễ hội quế  được tổ chức lần 2 năm 2016 đã thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, du lịch và cũng qua Lễ hội đã quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Văn Yên đến với bạn bè gần xa.

Thành Nguyễn-N.Sơn-Q.Thắng
.
.