Kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát xít (9/5/1945 - 9/5/2010)

Tên độc tài và ả tình nhân cuồng tín

Thứ Hai, 17/05/2010, 10:53
Mặc dù không sinh ra trong cùng một thời điểm, không nảy nòi cùng một gốc, song người ta cũng dễ nhận thấy giữa hai tên trùm phát xít Hitler và Mussolini có không ít điểm tương đồng, như thể đó là cặp "song sinh" quái đản nhất lịch sử.

Cùng có một bề dày tội ác, cùng ôm mộng bá chủ thế giới, cùng có lối sống bệnh hoạn, cả hai đều đặc biệt tỏ ra có uy lực đối với đàn bà. Nếu như Hitler trước khi trốn chạy khỏi thế giới này  đã làm được một điều là vận động người tình tổ chức lễ cưới và sau đó, cùng hắn tự sát, thì với Mussolini, khi bị lực lượng du kích yêu nước Italia bắt và đem ra bắn, hắn đã có Clara Petacci ở cạnh bên. Cô ả khét tiếng, bị người đời gọi là "con điếm của Loreto" này đã tình nguyện chịu chung số phận với hắn. Thậm chí, thật cuồng tín, trước khi chết, ả còn cố lao ra hòng đỡ đạn cho Mussolini...

Sinh năm 1883 tại Forli, một địa danh thuộc miền Bắc Italia, Benito Mussolini là con của một người thợ rèn và một cô giáo làng. Ngay từ nhỏ, hắn đã nổi tiếng là đứa trẻ ngỗ ngược, từng bị kỷ luật vì tội đánh nhau. Tuy nhiên, bởi là một học sinh có khả năng tiếp thu, lại là con giáo viên, thành thử năm 18 tuổi, hắn được nhận vào chân dạy học ở một điểm cách quê hương không xa.

Đây là thời gian Mussolini bộc lộ là một kẻ có lối sống bê tha, ăn chơi trác táng.

Thật ra, ngay từ khi mới 16 tuổi, Mussolini đã biết "thế nào là phụ nữ". Cuộc sống tình dục của hắn bắt đầu với một cô gái điếm mà hắn "nhặt" được ngoài phố. Từ đó trở đi, hắn như chìm đắm trong các cuộc truy hoan, khi thì ở gầm cầu thang, góc phố, bên bờ sông hoặc trong công viên...

Với Mussolini, phụ nữ dường như chỉ được xem là một công cụ để thỏa mãn dục vọng. Và quan niệm về vẻ đẹp phụ nữ của hắn cũng thật "bình dị". Đó là những cô gái béo tốt phốp pháp và không sực mùi nước hoa.

Hậu quả của việc ăn chơi trác táng đó là: Mussolini bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và bị đuổi khỏi nghề giáo!

Năm 1902, để trốn quân dịch, Mussolini bỏ sang Thụy Sĩ. Tiếp đó, hắn lang thang tìm kế mưu sinh ở Áo, nhưng rồi được ít lâu thì bị trục xuất về nước.

Nhờ chỗ người thân, Mussolini được nhận vào làm cho một tờ báo của đảng Xã hội ở Milan. Vốn là một người có tài hùng biện, với những lập luận nảy lửa và thu hút được công luận, trong thời gian làm báo, Mussolini đã được Cơ quan Mật vụ Anh MI-5 trả cho mỗi tuần 100 bảng Anh, nhằm viết và đăng tải các bài báo có nội dung tuyên truyền, ủng hộ chiến tranh. Thậm chí, Mussolini còn xúi giục các cựu binh Italia hành hung những người biểu tình đòi hòa bình.

Theo sử gia Marland thuộc Trường đại học Cambridge nhận xét thì: "Tôi không có bằng chứng nào để chứng minh cho việc trả lương kia cho Mussolini để làm gì, nhưng tôi biết ông ta là kẻ máu gái, nên chắc chắn ông ta cần số tiền ấy để chi trả cho các tình nhân của mình". Sau gần chục năm hành nghề, Mussolini đã leo tới ghế Tổng biên tập.

Sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, chính phủ Italia mất tín nhiệm trầm trọng. Ngoài việc để 600.000 người thiệt mạng trong cuộc đại chiến, đất nước còn rơi vào tình trạng lạm phát, thất nghiệp tràn lan. Trên tờ báo của mình, Mussolini cho đăng tải một loạt bài kịch liệt phản đối đảng Cộng hòa và đảng Xã hội. Một thời gian sau, đảng Phát xít do Mussolini là thủ lĩnh đã được thành lập và nhanh chóng trở thành một đối trọng với chính phủ. Quốc vương Italia lúc bấy giờ là Victorio Emanuele Đệ tam, phần vì e ngại xảy ra nội chiến, phần vì sợ những người theo khuynh hướng XHCN có thể nổi dậy làm cuộc cách mạng tương tự cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, nên phải nhượng bộ với sự tồn tại và phát triển lực lượng của đảng Phát xít do Mussolini cầm đầu.

Năm 1922, Mussolini được bầu làm nghị sĩ, đại biểu thành phố Milan. Từ đây, thanh thế chính trị của Mussolini ngày càng lên nhanh, và theo đà uy lực, hắn ngày càng tỏ ra hung hãn. Mussolini thẳng tay trấn áp những thành viên của đảng Xã hội tham gia bãi công chống chính quyền, cho thuộc hạ tấn công dữ dội những liên minh lao động. Hành động này của tên trùm phát xít đã được giai cấp tư sản Italia tán thưởng.

Tháng 10 năm đó, với cánh tay đưa cao, bước chân cả quyết, Mussolini đường bệ tiến vào Roma, sau lưng hắn là cả một lực lượng hùng hậu, gồm 130.000 thành viên của đảng Phát xít, tất cả đều vận sơmi đen, cùng rầm rập biểu dương lực lượng. Cuộc phô trương thanh thế này đã khiến nhà vua Victor Emanuele Đệ tam cảm thấy bị uy hiếp và buộc phải đích thân trao cho Mussolini chìa khóa chính phủ cùng chức vị Thủ tướng. Từ đây, Mussolini ra sức củng cố quyền lực của mình. Đặc biệt, sau cuộc bầu cử# nhiều man trá năm 1924, đảng Phát xít của Mussolini thắng thế trong Quốc hội, Mussolini đã thẳng tay tiêu diệt quyền tự do dân chủ. Các đảng phái khác, các công đoàn độc lập đều bị loại bỏ, xem như bất hợp pháp.

Cảnh sát mật vụ mọc lên dày đặc, thỏa sức trấn áp, thủ tiêu các lực lượng đối kháng. Không dừng ở đó, Mussolini còn nhanh chóng khống chế được cả Quốc vương Emanuele Đệ tam lẫn Giáo hoàng Pius XV. Đến năm 1928 thì Mussolini thực sự trở thành một kẻ độc tài và đất nước Italia nghiễm nhiên trở thành một nước phát xít.

Với "bàn tay sắt", Mussolini khống chế toàn bộ đường hướng của đất nước. Năm 1935, Mussolini cho quân đánh chiếm Ethiopia, năm 1939, thôn tính Albania. Ngoài ra, hắn còn hậu thuẫn cho nhà độc tài Franco trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Mussolini từng ký hiệp ước liên minh với chế độ Đức Quốc xã của Hitler và Nhật hoàng Hirohito, tạo thành Trục phát xít. Từ đây, chúng liên tiếp thi nhau mở rộng chiến tranh thế giới, gây ra bao nhiêu đau thương tang tóc cho các dân tộc, trong đó có cả dân tộc đã sinh ra chúng.  

Lại nói về mối liên hệ giữa Mussolini với đàn bà.

Vào khoảng đầu những năm ba mươi của thế kỷ XX, Mussolini làm quen được với một cô gái trẻ, thuộc dòng dõi quý phái, nhà ở ngoại ô Roma. Biết cô gái vốn sùng tín đạo Kitô, con thú phát xít có vóc dáng thô kệch ấy cố làm ra bộ người hiền lành, tính tình sởi lởi. Thoạt tiên, Petacci (tên cô gái) còn tỏ vẻ dè dặt trong quan hệ... Nhưng rồi, trước những bữa ăn sang trọng do Mussolini đứng ra khoản đãi, cái cách sai khiến thuộc hạ của hắn đã khiến cô gái như bị "thôi miên". Petacci nhanh chóng nhận ra rằng đây là một nhân vật hết sức đặc biệt, như thể được sinh ra để trị vì thiên hạ. Và cô quyết định gắn bó số phận mình với tên trùm phát xít này.

Là một kẻ trước khi tham gia các hoạt động chính trị đã từng lăn lóc trong "tình trường", Mussolini đặc biệt thông thạo các ngón nghề của khách làng chơi, các cách thức thỏa mãn dục vọng cho bạn tình, bởi vậy, với Petacci, Musosilini có một sức hấp dẫn ghê gớm! Hơn thế, tên độc tài cũng tỏ ra rất yêu chiều người tình mới. Trong hơn mười năm quan hệ, hắn đã tặng cho cô ả nhiều biệt thự lộng lẫy.

Mối quan hệ giữa Petacci với Mussolini không đơn thuần dừng lại ở chỗ đáp ứng nhu cầu tình cảm và nhục cảm thông thường. Nhiều tài liệu còn lại đến hôm nay đã đủ sức chứng minh: Cô ả từng tiếp tay cho khá nhiều hành động tội ác của Mussolini.

Chẳng thế mà đương thời, người dân Italia đã không ngớt lời nguyền rủa ả. Họ gọi ả bằng những cái tên thô tục nhất, trong đó, phổ biến hơn cả là cách gọi ả "con điếm của Lorento" (Lorento là tên một địa danh của Italia, nổi tiếng có những cô gái làng chơi rẻ tiền).

Trong những ngày tàn của chủ nghĩa phát xít, Mussolini tìm đường tẩu thoát, nhưng không thành. Hắn bị quân du kích phát hiện tại trạm kiểm soát ở Dongo, gần hồ Como cùng người tình Clara và một số cộng sự thân tín khi đang trên đường trốn sang Thụy Sĩ. Hai ngày sau (ngày 28/4/1945), nhóm du kích thuộc Lực lượng Kháng chiến Italia quyết định đưa Mussolini cùng Calara và 16 thuộc hạ của hắn ra hành quyết. Trong giây phút tuyệt vọng, Clara Petacci còn cố lao ra hòng đỡ đạn cho Mussolini...

Sau khi bị hành quyết, xác của cả bọn được quẳng lên xe tải đưa về Milan, sau đó, chúng bị treo ngược trên một giàn giáo ở Quảng trường Piazzale Loreto cho công chúng thỏa lòng căm phẫn.

Đã có bức ảnh ghi lại kết cục bi đát này của tên trùm phát xít, trong đó người ta có thể thấy một đám đông cuồng nộ đang chen chúc, xô đẩy nhau để nhao về phía hắn. Thật không sao đếm xuể có bao nhiêu người dân Italia đã tới để phỉ nhổ vào những cái xác và nguyền rủa, xỉ vả chúng. Giá không có lực lượng cứu hỏa với vòi rồng túc trực thì hẳn đã không ít người xông vào quẳng xác bọn chúng xuống đất để mà giẫm đạp, mà băm vằm...

Sự đau khổ, mất mát bao nhiêu năm đã khiến lòng căm thù của người dân Italia lên tới cực điểm! Họ không bao giờ "khoan nhượng" với hắn, kể cả khi hắn đã chết!

Phan Hữu Thành
.
.