Tám mươi lăm centimét, chưa đủ một mét

Thứ Bảy, 19/03/2016, 08:00
Vào độ giêng hai năm 1974, một buổi sáng đẹp trời, tôi được nhà thơ Anh Thơ gọi mời đến chơi nhà. Khi đó nhà thơ Anh Thơ đang ở khu tập thể Văn Chương, căn hộ tầng một, thấp tè, nhà chứa rất nhiều sách. Đến nơi, tôi được mời thưởng thức bữa cơm gạo trắng với món cà chua nhồi đậu phụ và thịt băm, và có lẽ nguyên do chính lại là câu chuyện chia sẻ với một cây bút trẻ mới toanh như tôi. 


Trước đó tôi có gửi tặng bà một tập thơ của mình. Cả tập thơ, rất buồn là không có một bài nào được in trên Tạp chí Tác phẩm mới. Lý do không được in còn được nhà thơ Xuân Diệu ghi trên bản thảo: "Thơ Hoàng Việt Hằng mới được 85centimet, chưa đủ một mét. Khi nào đủ một mét thì in cũng chưa muộn". Lời "chua" dưới tập bản thảo, đến nay đã hơn 40 mươi năm, chữ mực xanh ông viết ngày ấy đã nhòe, giấy ố vàng vì nhà tôi ở tập thể xuống cấp, mấy mươi năm ẩm thấp, nên những giá sách ba bên tường nhà đều bị mối ăn hết cả, riêng câu "chua" của nhà thơ Xuân Diệu trong tập thơ thì tôi vẫn còn in trong trí nhớ, không quên.

Trong bữa ăn, nhà thơ Anh Thơ an ủi tôi bằng cách giới thiệu tôi đi học Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ khóa 7, trường ở trên Quảng Bá. Sau đó bà còn sửa chữa in bằng được một bài thơ của tôi trên Báo Lao Động, do nhà thơ Thái Giang phụ trách mảng biên tập thơ.

Nữ sĩ Anh Thơ hồi trẻ và... khi về già.

Dù in được một bài thơ trên Báo Lao Động, nhưng tôi thấy làm thơ khó quá, đã nản, nên rẽ sang viết truyện ngắn. Bản thảo của tôi năm đó ở trường được thầy giáo, nhà văn Đỗ Quang Tiến đọc ngay tại lớp, thầy chữa cho từng dấu chấm than đến đối thoại sao cho rõ nghĩa, đối thoại không nên quá dài dòng. Thầy còn bảo truyện này có thể in Báo Tiền Phong, truyện này nên in ở Báo Lao động.

Sau này, khi có ai hỏi tại sao tôi rẽ sang viết văn xuôi, bỏ làm thơ một thời gian dài vì lý do gì, tôi thường nói câu "chua" của nhà thơ Xuân Diệu: "Tám mươi lăm centimet, chưa đủ một mét". Hồi đó truyện ngắn của tôi được in khá thường xuyên trên Báo Tiền Phong và Báo Độc Lập.

Dù tôi đã chuyển sang viết truyện ngắn nhưng nhà thơ Anh Thơ vẫn động viên tôi làm thơ. Bà muốn thơ tôi được in trên Tạp chí Tác phẩm mới, nhưng ba lần bảy lượt đề nghị thì nhà thơ Xuân Diệu vẫn kiên quyết: "Chờ cho cây bút trẻ này, khi nào thơ phải đủ một mét mới in".

Đến nay đã nhiều năm cầm bút, tôi vẫn hay tự hỏi: Ai mà biết được thế nào là thơ đủ một mét theo thẩm định của Xuân Diệu đây? Rồi khoảng tháng 5 năm 1975, chùm thơ của tôi được in trên Báo Văn Nghệ, mãi sau này tôi mới biết nhà thơ Nguyễn Phan Hách là "bà đỡ". Khi báo ra, nhà thơ Anh Thơ đọc báo Văn Nghệ xong hỉ hả sung sướng y như mình được in thơ chứ không phải là tôi. Bà lại gọi tôi đến nhà, tiện thể nhờ tôi láng cho cái sân xi măng bằng nửa cái chiếu một, để bà ngồi rửa rau vo gạo.

Chao ơi, vừa láng sân cho bà tôi vừa nghe bà vui mừng hoan hỉ vì thơ của tôi đã in trên Báo Văn Nghệ. Bà nói: "Thơ của cháu đủ một mét đấy chứ, thế mà ông Diệu này khó tính quá, lúc nào cũng bảo tám mươi centimet, có tức không?".

Một chủ nhật khác, khi tôi và các nhà văn, nhà thơ trẻ như Lý Thị Trung, Trần Thị Mỹ Hạnh, Phan Thị Thanh Nhàn được nhà thơ Anh Thơ mới đến ăn cơm. Ăn xong mọi người lục tục ra về. Tôi nán ngồi lại với bà vì nghĩ đến cảnh một đèn một bóng của bà mà thương: Từ khi bác sỹ Dinh, chồng bà mất, bà lủi thủi một mình. Hai cô cháu trò chuyện. Bà khuyên tôi đừng bỏ thơ, "Vì cô đọc thấy cháu viết còn lên tay. Có điều cần bàn là bố cục toàn bài chưa chặt chẽ cho lắm".

Đúng là sau khi có gia đình, tôi đã bỏ viết vì thấy mình cần thiết cho ngôi nhà hơn văn chương. Không thể để cái bếp lạnh mà đi lẻ với thơ ca. Tôi đã bỏ cuộc rất lâu. Sau đó số phận lại chọn tôi viết văn trở lại. Viết để sống. Các Mác có viết: "Nếu như các nhà thơ không sống để viết thì các nhà thơ sẽ viết để sống!". Tôi thuộc vế sau câu nói của Các Mác. Và số phận dành cho tôi phải viết để sống. Để tồn tại.

Nhà thơ Anh Thơ mất đã lâu, nhưng sự ấm  áp ân tình, sự giúp đỡ vô tư của bà vì một thế hệ tiếp nối thi ca Việt Nam thì mãi mãi còn trong tâm trí của tôi.

Dù bà đã trở về sương khói. Dù thơ tôi vẫn chỉ đủ tám mươi lăm centimet, tôi vẫn biết ơn nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Anh Thơ. Không có sự nghiêm khắc ngày đó của nhà thơ Xuân Diệu, chắc gì tôi đã khổ luyện, chắc gì tôi đã lọ mọ với chữ nghĩa cho đến hôm nay, khi đối mặt với trang giấy và cuộc sống thấy mình đủ thấm với niềm vui, nỗi buồn và hạnh phúc.

Hoàng Việt Hằng
.
.